Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Đức Phanxicô không sợ

 

Linh mục Dòng Tên James Martin, một trong các linh mục công giáo nổi tiếng ở Mỹ, tác giả của sách bán chạy, nhà tư vấn phim cho các nhà sản xuất phim ở Hollywood, người có tài khoản Twitter có đến 250.000 người theo dõi. Linh mục cũng là người bảo vệ cho các người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới L.G.B.T. công giáo, ngài xin các nhà lãnh đạo công giáo thừa nhận nhân tính trọn vẹn của những người này. Sự vận động của linh mục đã làm cho cha trở thành mục tiêu của các chiến dịch chỉ trích tai ác của các nhóm công giáo cực hữu. Tháng vừa qua, Đức Tổng Giám mục Charles Chaput, giáo phận Philadelphia cảnh báo, linh mục Martin “không có thẩm quyền nói nhân danh Giáo hội.”

Nhưng tuần này, sứ vụ của linh mục Martin đã được sự chứng thực của những người có trách nhiệm cao nhất trong Giáo hội. Đức Phanxicô đã tiếp kiến riêng linh mục Martin trong vòng nửa giờ ở Thư viện giáo hoàng, nơi thường dành để tiếp các nguyên thủ Quốc gia và các nhà ngoại giao. Trong một câu tweet, linh mục Martin viết, ngài đã chia sẻ với Đức Phanxicô “niềm vui và hy vọng cũng như lo lắng và đau buồn của những người L.G.B.T. công giáo và các người L.G.B.T. trên toàn thế giới”.

Có một chút nghi ngờ, Đức Phanxicô muốn cuộc gặp này được loan báo. Ông Damian Thompson, phó tổng biên tập báo The Spectator, một tạp chí bảo thủ có trụ sở ở Luân Đôn, đã viết câu tweet cho biết cuộc gặp với Đức Phanxicô là nhằm mục đích “chế nhạo các người bảo thủ Mỹ mà ngài xem họ như quỷ”.

Bất chấp sự thổi phồng đó, Đức Phanxicô rõ ràng cho thấy ngài không sợ các điệp khúc nhỏ nhoi nhưng ngày càng có tiếng nói của các nhà chỉ trích Mỹ, họ xem các cố gắng mục vụ đến gần người L.G.B.T. và những người công giáo ly dị là dị giáo, cắt đứt với truyền thống xưa cổ của giáo hội. Tháng 9 vừa qua, trên chuyến bay từ Madagascar về Rôma, một ký giả đã hỏi ngài về các chỉ trích của phái hữu ở Mỹ. Ngài nói với ký giả Nicholas Senèze “Thật vinh hạnh khi được người Mỹ công kích”, ký giả Senèze tặng ngài quyển sách mới của ông có tựa đề, “Làm thế nào nước Mỹ muốn thay đổi giáo hoàng” (Comment l’Amérique veut changer de pape, nxb. Bayard_Editions), trong đó ông viết về các nỗ lực của các người bảo thủ Mỹ chống phá Đức Phanxicô.

Cuộc gặp của Đức Phanxicô với linh mục Martin đã có tác dụng nhiều hơn là dấu hiệu hỗ trợ sự vận động của linh mục Martin cho người L.G.B.T. Đây là biểu tượng của Đức Phanxicô, ngài thường xuyên trách cứ phong cách kitô giáo xây trên chiến tranh văn hóa có từ khi phong trào phái hữu công giáo Mỹ trong những năm 1980, và đã là nền tảng mặc định cho kitô giáo Mỹ trong đường lối chính trị.

Từ ngày được bầu chọn cách đây 6 năm, Đức Phanxicô đã mô hình hóa một hình thức lãnh đạo đạo đức khác: dấn thân và thuyết phục, tái định hình các vấn đề gây tranh cãi khỏi các hệ tư tưởng hẹp hòi và mở rộng trí tưởng tượng đạo đức. Tuần trước, một nhà thần học và linh mục đồng tính đã bị cất khỏi các chức vụ tôn giáo vì đã bày tỏ sự bất đồng với giáo lý giáo hội về các mối quan hệ đồng tính, linh mục cho biết Đức Phanxicô đã gọi cho cha hai năm trước, đã cho cha “quyền lực các chìa khóa”, được phục hồi chức vụ và khuyến khích cha “tiến hành với sự tự do nội tâm sâu sắc, theo tinh thần của Chúa Giêsu”.

Tự do nội tâm và đức khiêm nhường của Đức Phanxicô hoàn toàn trái ngược với các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị gia khác trên thế giới. Khi Donald Trump chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa để ra tranh cử tổng thống, ông tuyên bố: “Tôi là tiếng nói của quý vị. Duy chỉ một mình tôi mới có thể sửa chữa được.” Để đi theo con đường hoang tưởng này, Donald Trump bao quanh ông các cận thần giáo phái phúc âm thỏa hiệp với ông như Robert Jeffress, mục sư các nhà thờ khổng lồ ở Dallas, người xem tổng thống là đấng thiên sai, đấng cứu tinh chính trị. Tuần này ông Trump đã cầu cứu đến mục sư Jeffress, trích dẫn lời tuyên bố của mục sư trên Fox News, theo đó nếu tổng thống bị truất phế thì sẽ tạo một “vết nứt nội chiến trong nước và đất nước này sẽ không bao giờ lành”.

Đức Phanxicô bác bỏ sự trổi dậy của chủ nghĩa dân tộc kitô giáo và cảnh báo việc thần tượng hóa các chính trị gia.

Trong khi các người theo chủ nghĩa mị dân phái hữu ở Mỹ cũng như ở châu Âu, họ xem người di dân là mối đe dọa và xây tường để bảo vệ thì Đức Phanxicô tiếp tục thách thức cái mà ngài gọi là “toàn cầu hóa sự dửng dưng”.

Ngày chúa nhật 29 tháng 9, trong thánh lễ đặc biệt kỷ niệm 105 Ngày Thế Giới Tị nạn và Di dân, Đức Phanxicô làm phép bức khắc “Các thiên thần mà chúng ta không nhận thấy” (Angels Unawares) của điêu khắc gia Timothy Schmalz ở quảng trường Thánh Phêrô, ông khắc 140 người di dân và tị nạn ở nhiều thời khác nhau, họ đi trên chiếc thuyền nhỏ, một đối trọng trực quan mạnh mẽ với các ngọn gió thổi từ hai bên bờ Đại Tây Dương.

Và ngược lại với các tiếng nói chống phá thai cực mạnh của phái hữu kitô mà họ kết hiệp với đảng Cộng hòa, nhưng lại phớt lờ các cuộc tấn công vào cuộc sống do chính sách làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng kinh tế, nghèo đói và biến đổi khí hậu, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến “cuộc sống của người nghèo, những người đã được sinh ra, những người nghèo khổ cũng như những người chưa sinh ra trong bụng mẹ đều là các cuộc sống tâm linh”.

Các chiến binh văn hóa ở Mỹ đã gây tổn hại đủ cho trí tưởng tượng chính trị và đạo đức tập thể. Độc hại với quyền lực hơn là trung thành với Tin Mừng, các nhà lãnh đạo tôn giáo này đã hạ thấp những người L.G.B.T., quay lưng lại với người di dân, bỏ trốn trước nguy hiểm, và không nghe tiếng kêu của người nghèo nhưng lại cho mình là người bảo vệ các giá trị kitô giáo. Một mục tử khiêm tốn ở Rôma nhắc chúng ta nhớ còn có một con đường khác cho những ai trong chúng ta vẫn còn tin vào một đức tin đi tìm công lý. 

Nhà báo John Gehring (@gehringdc) là giám đốc chương trình công giáo Đức tin trong đời sống công cộng (Faith in Public Life) và là tác giả “Hiệu ứng Phanxicô: thách thức của một giáo hoàng tận căn cho Giáo hội công giáo Mỹ.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

380    06-10-2019