Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Đức Phanxicô: “Những lời sáo rỗng không giúp gì cho người nghèo”

Người ta không thể thảnh thơi và thờ ơ hoặc thậm chí chẳng thèm bận tâm đến sự nghèo đói đang ngày càng gia tăng trên thế giới, khi một bộ phận thiểu số nắm trong tay những đặc quyền đặc lợi lại tích lũy “sự giàu có đầy phô trương”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh.

20160714T1012-4617-CNS-VATICAN-LETTER-LATIN-AMERICA“Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời và đất cho tất cả mọi người, nhưng thật đáng buồn vì một số đã dựng lên những rào cản, những bức tường ngăn cách và những hàng rào, phản bội lại món quà ban đầu có ý dành cho toàn thể nhân loại mà không ai bị loại trừ”, ĐTC Phanxicô chia sẻ trong một Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần đầu tiên.

Sự kiện mới được thiết lập và khoảng thời gian của việc suy tư và hành động trước đó nhằm giúp các Kitô hữu phát triển và duy trì một lối sống nhất quán và chân thành hơn dựa trên sự chia sẻ, tinh thần đơn sơ và các chân lý thiết yếu của Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Sứ điệp được công bố hôm 13 tháng 6, Lễ Thánh Antôn Pađôva.

Ngày Thế giới Người nghèo – được đánh dấu mỗi năm vào Chúa Nhật XXXIII Mùa Thường Niên – sẽ được cử hành vào ngày 19 tháng 11 năm nay và sẽ tập trung vào lời mời gọi của Thánh Gioan Tông đồ: yêu thương “không phải bằng lời nói, mà bằng hành động”.

Có rất nhiều hình thức của tình trạng nghèo nàn về vật chất và tinh thần khiến cho tâm hồn con người ta bị tổn thương và làm tổn hại đến phẩm giá của họ, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh trong Sứ điệp của mình, và “chúng ta phải đáp lại với một tầm nhìn mới về cuộc sống và xã hội”.

Thường thường, các Kitô hữu đã chạy theo “đường lối của thế gian trong việc suy nghĩ” và bỏ quên việc giữ cho mọi ánh nhìn cũng như mục tiêu của mình tập trung vào Chúa Kitô, Đấng hiện diện nơi những người đau khổ và dễ bị tổn thương.

Lời khuyên của Thánh Gioan Kim Khẩu hiện “vẫn còn hợp thời hơn bao giờ hết”, ĐTC Phanxicô cho biết khi Ngài trích dẫn: “Nếu anh chị em muốn tôn kính thân thể của Chúa Kitô, đừng bao giờ khinh thường thân thể ấy khi nó bị trần truồng, đừng tôn kính Chúa Giêsu Thánh Thể bằng những lớp khăn trải nhung lụa hào nhoáng để rồi sau khi nhà thờ lại bỏ quên Chúa Giêsu nơi những người đau khổ vì lạnh lẽo và trần truồng”.

“Đói nghèo mang diện mạo của những người phụ nữ, của những người đàn ông hay những đứa trẻ bị bóc lột các quyền lợi cơ bản, bị nghiền nát bởi những mưu đồ về quyền lực và tiền bạc”, ĐTC Phanxicô nói.

“Cái danh sách đầy cay đắng và vô tận mà chúng ta phải tập hợp đó là chúng ta đã thêm vào cảnh nghèo đói sinh ra vì bất công xã hội, sự thoái hoá về luân lý, lòng tham của một vài người và sự thờ ơ đã trở nên phổ biến”.

“Đáng buồn thay, trong thời đại của chúng ta, thậm chí ngay cả khi sự giàu có phô trương lại tích tụ trong tay của những kẻ có đặc quyền đặc lợi, thường liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp và sự bóc lột ghê sợ đối với nhân phẩm con người, thì có một sự gia tăng đầy ô nhục đối với sự nghèo đói trong tất cả các lĩnh vực rộng lớn của xã hội trên toàn thế giới”, ĐTC Phanxicô viết. “Đối diện với sự bi đát này, chúng ta không thể cứ mãi thụ động, hay thậm chí thoái lui”.

Các Kitô hữu phải tiếp cận với những người nghèo như Đức Kitô đã làm và truyền cho chúng ta phải noi theo, ĐTC Phanxicô nói. Những người nghèo, trên thực tế, “không phải là một vấn đề, họ chính là một nguồn lực” phong phú về phẩm giá và những ân huệ mà Thiên Chúa thương ban, vốn có thể giúp các Kitô hữu có thể hiểu rõ hơn chân lý thiết yếu của Tin Mừng.

“Vì vậy, phúc thay những cánh taybiết  mở rộng đón nhận những người nghèo và giúp đỡ họ: họ chính là những đôi bàn tay mang lại niềm hy vọng”, ĐTC Phanxicô nói. “Phúc cho những đôi bàn tay biết vượt qua mọi rào cản về văn hoá, tôn giáo và quốc tịch và tuôn đổ dầu thơm của sự an ủi trên những vết thương của nhân loại. Phúc thay cho những đôi bàn tay luôn rộng mở mà không đòi hỏi phải được nhận lại bất cứ thứ gì, không có chuyện ‘nếu như’ hay ‘nhưng mà’ hoặc ‘có lẽ’: Họ chính là những đôi bàn tay chắp lại kêu cầu Thiên Chúa ban phúc lành xuống trên các anh chị em của mình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến Thánh Phanxicô Assisi như một mẫu gương tuyệt vời, người đã luôn giữ cho ánh nhìn của mình luôn hướng về Đức Kitô để “có thể nhận thấy và phục vụ Chúa Kitô nơi những người nghèo khổ”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn tên vị Thánh này trong cơ mật viện bầu chọn Giáo Hoàng vào năm 2013 sau khi một vị Hồng Y khác đã nói với Ngài: “Đừng quên những người nghèo”.

“Nếu chúng ta muốn giúp thay đổi lịch sử và đồng thời thúc đẩy sự phát triển thực sự, chúng ta cần phải lắng nghe tiếng khóc của những người nghèo và cam kết chấm dứt việc họ bị gạt ra ngoài bên lề xã hội”, ĐTC Phanxicô viết trong Sứ điệp của mình.

Chỉ một vài ngày trước khi bế mạc Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô đã bày tỏ mong muốn có một ngày đặc biệt dành cho người nghèo.

Khi những cánh cửa của Lòng thương xót đã được khép lại trên toàn thế giới, “chúng ta hãy nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta đầy tràn ân sủng để chúng ta đừng bao giờ nhắm mắt trước Thiên Chúa, Đấng luôn luôn dõi nhìn chúng ta cũng như những người thân cận xung quanh chúng ta, những người vẫn luôn cần một điều gì đó từ chúng ta”, ĐTC Phanxicô chia sẻ trong bài giảng hồi tháng 11 năm 2016. Tuy nhiên, thoát ra khỏi bìa giảng đã được chuẩn bị trước, ĐTC Phanxicô chia sẻ với các tín hữu hiện diện: “Tôi muốn ngày hôm nay trở thành ‘Ngày của người nghèo’ để nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả mọi người ‘để chăm sóc đối với những giàu có thực sự, đó chính là những người nghèo’”.

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Cổ võ Tân Phúc Âm Hóa, phát biểu với các phóng viên, ĐTC Phanxicô đã mường tượng về ngày này như là một phương thế để toàn thể Giáo hội suy tư về ý nghĩa Tin Mừng đối với tình trạng nghèo nàn, để rồi sau đó hành động và chia sẻ một cách cụ thể Kho tàng quan trọng của tình yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa.

Các Giáo Hội địa phương nên dành trọn tuần lễ trước Ngày Thế giới Người nghèo với các sáng kiến sáng tạo để thúc đẩy sự gặp gỡ, tình hữu nghị, tinh thần liên đới và sự trợ giúp cụ thể. Hội đồng Giáo Hoàng sẽ công bố hướng dẫn mục vụ vào tháng Chín để giúp các Giáo xứ trong kế hoạch của họ, Đức Tổng Giám mục Fisichella nói.

Ý tưởng là làm nhằm đánh động lương tâm của mọi tín hữu và để hiểu được sâu sắc hơn những điều mà Tin Mừng đã truyền dạy, Đức Tổng Giám mục Fisichella nói.

Đó không phải là việc đưa ra sự thay đổi để cảm nhận tốt hơn về chính mình, Đức Tổng Giám Mục Fisichella nói; đó là về việc trở nên thực sự quan tâm đến những người khác và nhận thấy họ như là những người anh chị em với chúng ta trong Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 19/10 với những người nghèo và các tình nguyện viên và sẽ tổ chức bữa trưa cho “ít nhất 500 người nghèo” tại hội trường Paul VI của Vatican, Đức Tổng giám mục Fisichella cho biết, đồng thời Ngài cũng cho biết thêm rằng nhiều Giáo hội địa phương và các tổ chức Công giáo tại Rôma sẽ có những cử chỉ tương tự về một bữa ăn chung với những người nghèo.














st

 

933    17-06-2017