Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Đức Phanxicô: “Thần dữ lợi dụng các cuộc khủng hoảng”

Đức Phanxicô: “Thần dữ lợi dụng các cuộc khủng hoảng”

 

Đức Phanxicô cử hành Thánh lễ Dầu ngày thứ năm 1 tháng 4-2021

Ngày 28 tháng 3, một tuần trước lễ Phục Sinh, Đức Phanxicô tuyên bố: “Thần dữ lợi dụng khủng hoảng để gieo rắc ngờ vực, tuyệt vọng và bất hòa”. Trước tinh thần suy sụp của một hành tinh kiệt quệ vì đại dịch, ngài nói: “Năm ngoái, chúng ta bị sốc nhiều hơn, năm nay chúng ta bị tác động nhiều hơn”.

Ngài không nghĩ ngài đã nói đúng như vậy. Tất cả thực tại của con người trên hành tinh đều bị tác động. Tinh thần chia rẽ dường như là tinh thần thống trị và dai dẳng. Kể cả thế giới tôn giáo chứ không riêng gì công giáo như chúng ta sẽ thấy. Như thể thách thức của cú sốc như ngài nói, người này, người kia đều kiệt sức, để bùng ra các dạng khác nhau dưới dạng khủng hoảng thần kinh liên tiếp.

Thưa quý độc giả, giọng điệu của bức thư mùa xuân này từ chối sự ảm đạm, vì dưới khẩu trang bằng giấy, chúng ta đã đủ liều lượng ảm đạm của mình, nhưng theo tinh thần của thư này, chúng ta tiếp tục quan sát các thực tại tôn giáo một cách chính xác nhất, để có thể phân biệt các sự kiện quan trọng, mang đến những phát triển đáng chú ý và cho tương lai.

Vì thế theo Đức Phanxicô, “Thần dữ” sẽ gieo rắc hoảng sợ. Theo truyền thống kitô giáo, cũng như trong truyền thống do thái giáo và hồi giáo, thần dữ là ma quỷ, kẻ chia rẽ, kẻ ghét sự kết hợp, kẻ gieo rắc xung đột nơi chính mình, giữa mình và Chúa, giữa mình và người khác.

Chúng ta sẽ không đề cập đến chủ đề này, vốn đã bị từ chối trong những năm gần đây, nhưng chủ đề này đang trở lại nhờ từ vựng hiện nay của Đức Phanxicô. Là tu sĩ Dòng Tên, ngài cập nhật chủ đề tâm linh nổi bật này của Dòng.

Chúng ta giữ lại trong đầu, ý tưởng bất hòa đã ở trong phần tin tức tôn giáo hàng đầu từ bốn tuần nay để suy ngẫm về ý nghĩa có thể có của nó.

Lĩnh vực quan sát đầu tiên, Giáo hội công giáo.

Hồng y Pietro Parolin, nhân vật thứ hai trong thứ bậc Vatican, tương đương chức vụ “thủ tướng” trong nội các giáo hoàng. Ngài vừa công nhận, chưa từng có vị nào ở ngang cấp bậc của ngài trước đây đã làm, ngài nói “có những lý do để lo lắng” về “sự hợp nhất của Giáo hội”.

Đó là ngày thứ hai 5 tháng 4, ngay sau ngày lễ Phục Sinh. Nhà ngoại giao Vatican phát biểu trên đài phát thanh Cope của Tây Ban Nha, cho rằng tình trạng này “có thể do giáo hoàng đã đặt nặng vấn đề cải cách Giáo hội và có nhiều hoang mang về chủ đề này”

Ba ngày trước đó, ngày 2 tháng Tư, hồng y Raniero Cantalamessa, người giảng của Phú giáo hoàng cũng đã nêu lên tình trạng phân mảnh này trong bài giảng về Cuộc Khổ nạn. Ngài nói trước mặt giáo hoàng như chúng ta đã thấy – cảnh tượng vẫn còn gieo ấn tượng – trong nghi thức tôn thờ của nghi thức phụng vụ ngày hôm đó.

Hồng y Cantalamess lên tiếng: “Tình huynh đệ công giáo bị rách nát! Chúng ta hãy dọn sạch những chia rẽ trong chúng ta.” Ngài giải thích: “Đâu là nguyên nhân thường xuyên nhất gây chia rẽ giữa những người công giáo?”  Ngài trả lời: “Đây không phải là giáo điều, là các bí tích và các thừa tác vụ, tất cả những điều chúng ta giữ nguyên vẹn và đồng nhất nhờ ơn Chúa, nhưng do chọn lựa chính trị khi nó nối tiếp theo tôn giáo và giáo hội, tán đồng một hệ tư tưởng, hoàn toàn gạt bỏ giá trị và bổn phận vâng phục trong Giáo hội”.

Những nhận xét đơn giản quá mức, vì nói Giáo hội “nhất trí” trên “các bí tích” và ngay cả “tín điều” là sai. Các cuộc tranh luận bùng ra. Cũng như khẳng định quyền lựa chọn chính trị là “nối tiếp” theo chọn lựa của giáo hội là không chính xác. Các chia rẽ chính là từ sự tự do và phong phú của các quan điểm chính trị khác nhau của “người công giáo” mà lá phiếu của họ không bao giờ bị giảm nhẹ. Khi lựa chọn chính trị thay thế lựa chọn tôn giáo, người được gọi là “công giáo” rất hiếm khi đặt chân vào nhà thờ.

Một trong những điểm mạnh của Giáo hội công giáo, chính xác là khả năng duy trì một hình thức hiệp nhất trong những chia rẽ và khác biệt rõ rệt, người công giáo sống như mọi người trong sự kết hợp của các thành viên ở các mức độ khác nhau, điều cốt yếu không phải lúc nào cũng được hiển thị nhiều nhất.

Nhưng cả hai hồng y không ai dám đưa ra công khai nguyên nhân thực sự của những lo lắng này của người la-mã. Các giám chức la-mã thực sự có biệt tài đi vòng vòng. Ở điều này, họ sẽ không thay đổi, cũng không cải cách!

Sự bức rức hiện nay của hai hồng y thân cận với giáo hoàng – mà hồng y Parolin có thể là giáo hoàng – xuất phát từ hai nguồn dù các lý do khác của “chia rẽ” và “hoang mang” trong Giáo hội công giáo đã có từ lâu.

Lý do đầu tiên là sự giao động ở Đức chung quanh công nghị quốc gia, được gọi một cách khiêm tốn là “con đường đồng nghị” (synodaler weg) đang tiến hành ở quốc gia này. Mối quan hệ cha con thiêng liêng của tiến trình này được ghi trong triều giáo hoàng Đức Phanxicô vì ngài luôn khuyến khích những sáng kiến này. Nhưng Rôma hiểu, họ đã mất kiểm soát, kể cả một phần hệ thống cấp bậc của Đức … Một tình huống tương đối chưa từng có ở thời điểm nguy trọng này của Giáo hội la-tinh.

Hồng y người Đức Walter Brandmüller, 92 tuổi, chủ tịch danh dự của Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, không phải là người tiến bộ, nhưng ngài có kinh nghiệm lâu năm về Giáo hội, đất nước của ngài và Vatican. Với tính nói thẳng, ngài nói với nhật báo Il Messagero Ý ngày 4 tháng 4: “Trên quan điểm giáo điều, những gì đang xảy ra ở Đức vừa ly giáo vừa dị giáo.” Ngài giải thích: “Từ lâu họ đã yêu cầu chức linh mục cho phụ nữ, cho người ly dị tái hôn rước lễ, chấp nhận đồng tính, chúc hôn cho các cặp đồng tính.”

Chúc hôn cho các cặp đồng tính là lý do thứ hai làm cho người la-mã lo ngại về tình trạng chia rẽ này.

Nước Đức không phải là nguyên nhân duy nhất ở đây mà toàn phương tây cũng ở trong tình trạng này, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Tóm tắt vấn đề: ngày 15 tháng 3, cơ quan có thẩm quyền giáo điều cao nhất Rôma đã ra một bản ghi nhận việc chúc hôn cho các cặp đồng tính không “hợp pháp” với một linh mục công giáo. Lời nhắc nhở này về một giáo điều đã được biết đến, không muốn tạo “sự phân biệt đối xử bất công” nhưng nó đã có tác dụng này đối với cộng đồng người đồng tính. Và với các linh mục và các giám chức gần gũi với họ.

Nhiều người không hiểu bằng cách nào mà Đức Phanxicô, người từ đầu đã dang tay ra với người đồng tính, lại có thể cho phép công bố bản văn ở cấp thẩm quyền này. Và người ký tên là hồng y Luis Francisco Ladaria Ferrer, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin.

Kể từ đó, không ngày nào là không có một sáng kiến nào được đưa ra để thách thức Rôma đối đầu. Tại Đức, mạng  liebiegewinnt công bố sẽ có mười ba buổi lễ chúc hôn ngày 10 tháng 5 với các biểu ngữ nhiều màu, biểu tượng của phong trào đồng tính đã được treo trên gác chuông nhà thờ. Tại Hoa Kỳ, trang mạng America của Dòng Tên rõ ràng đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại quyết định của Rôma.

Như mọi lần khi có tình trạng hoang mang như vậy, một số nhà báo thân cận với Đức Phanxicô đảm trách việc giải thích hậu trường của sự việc. Họ cho rằng ngài cho phép xuất bản ghi chú này nhưng đã không đồng ý với nội dung…

Phân tích đúng nhất về chủ đề này là của nhà báo đồng nghiệp xuất sắc tiếng Anh của chúng tôi là Gerard O’Connel, thân cận với Đức Phanxicô, ông nói trên một podcast và viết một bài viết trên trang America.

Theo ông, bằng chứng cho thấy Đức Phanxicô giữ một khoảng cách là ghi chú không được báo Osservatore Romano đăng, điều này luôn xảy ra với các tài liệu như vậy, và ngài sẽ không chính thức chấp thuận văn bản.

Hơn nữa, ngày chúa nhật 21 tháng 3, sau khi công bố bản văn này, Đức Phanxicô đã sửa chữa tình trạng này bằng cách ứng biến trong buổi Kinh Truyền Tin. Ngài nói về “trách nhiệm làm chứng lớn lao” của tín hữu kitô  trong xã hội.

Chứng từ phải được thực hiện qua “sự gần gũi, trắc ẩn, dịu dàng”. Và đi ra ngoài bài đã soạn, ngài nói thêm “những cử chỉ yêu thương” chứ không phải “những lời lên án lý thuyết” hay “những tuyên bố mang tính pháp lý hoặc chủ nghĩa đạo đức giáo quyền”…

Sự điều chỉnh đã rõ ràng. Nó đến từ chính Đức Phanxicô.

Hai ngày sau, ngày 23 tháng 3, khi nói đến hình ảnh của Thánh Anphongsô thành Liguori, ngài khẳng định “bậc thầy của lòng thương xót” đã làm mới thần học luân lý bằng cách phục tùng “thực tế vượt xa mọi ý tưởng”. Một tấm gương để noi theo vì “việc loan báo Tin Mừng trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi can đảm để lắng nghe thực tế”.

Vừa “có” vừa “không” ở cấp cao nhất của Giáo hội, được thể hiện một cách gián tiếp, về một chủ đề được coi là biểu tượng như hôn nhân đồng tính, không chỉ gieo chia rẽ mà còn gây hoang mang cho toàn Giáo hội. Điều mà các hồng y Parolin và Cantalemessa đang lo lắng.

Chắc chắn để chỉ trích những người cải cách ở Đức, ngày 14 tháng 4, một lần nữa Đức Phanxicô đã nói một lần nữa về “Thần dữ” khi nói đến những ai “muốn cải cách Giáo hội mà không cầu nguyện.”

Câu trích dẫn tuy dài nhưng đáng ghi lại: “Tất cả những gì được sinh ra trong Giáo hội là từ cầu nguyện, tất cả phát triển cũng nhờ cầu nguyện. Khi kẻ thù, Thần dữ muốn chống lại Giáo hội, hắn sẽ làm tất cả, đầu tiên hết là làm cạn kiệt nguồn của nó, bằng cách ngăn họ cầu nguyện. Chẳng hạn, chúng ta thấy điều này trong một vài nhóm đồng ý thực hiện những cải cách, những thay đổi trong đời sống của Giáo hội…

Có tất cả các tổ chức, có các phương tiện báo chí thông báo cho mọi người… Nhưng cầu nguyện thì không thấy, chúng ta không cầu nguyện. ‘Chúng ta phải thay đổi điều này, chúng ta phải đưa ra quyết định này hơi mạnh một chút…’. Đề xuất là thú vị, nhưng chỉ với thảo luận, chỉ với truyền thông, còn cầu nguyện thì ở đâu?

Cầu nguyện là mở cửa cho Chúa Thánh Thần, Đấng soi dẫn để tiến bước. Những thay đổi của Giáo hội mà không có lời cầu nguyện không phải là những thay đổi của Giáo hội, đó là thay đổi của các nhóm.

Và khi Kẻ thù – như tôi đã nói – muốn chống lại Giáo hội, trên hết hắn làm tìm mọi cách cạn kiệt các nguồn của Giáo hội, bằng cách ngăn cầu nguyện, và (bằng cách thúc đẩy)  đưa ra những đề xuất khác.

Nếu lời cầu nguyện chấm dứt, dường như chỉ trong chốc lát mọi thứ tiếp tục trở lại như trước – theo quán tính – nhưng ngay sau đó, Giáo hội nhận ra mình giống như chiếc phong bì rỗng, đã đánh mất trục trung tâm, Giáo hội không còn nguồn của ấm áp và yêu thương”.

Chiếc thuyền của Thánh Phêrô rất khó lèo lái nhưng câu trích dẫn này nói lên rất nhiều điều…

Nhưng chúng ta kết thúc với ba tin tức khá tích cực, không đi theo hướng của sự phân chia!

Đầu tiên là Rôma. Chúng ta chưa biết thêm về mặt phục hồi nhưng ngày 24 tháng 9 năm 2020, Đức Phanxicô đã ngưng chức hồng y Angelo Becciu – người đứng số 3 ở Vatican – bị cất tất cả các chức vụ của một hồng y, kể cả tham dự mật nghị giáo hoàng tiếp theo, ngài đã đến thăm cựu hồng y ngày Thứ Năm Tuần Thánh và dâng thánh lễ trong căn hộ riêng của hồng y…

Tin thứ nhì không hấp dẫn là nhà thờ Giáo phái Phúc Âm ở Mulhouse, một năm trước đã bị buộc tội oan và sai sự thật, đã suýt làm nước Pháp bị nhiễm Covid, bây giờ chúng ta phải xem cộng đồng này đã sống như thế nào cho đến ngày hôm nay.

Thực sự rất ấn tượng khi thấy sự năng động của các cộng đồng tin lành này. Có dịp tôi sẽ nói về các cộng đồng này thêm. Sự bành trướng các nhà thờ tin lành ở Pháp là một chủ đề lớn. Đã có biết bao nhiêu nhà thờ hồi giáo.

Tin vui thứ ba là về lòng nhiệt thành của một tu sĩ Dòng Phanxicô, cha François Bustillo. Người ta có thể không chia sẻ quan điểm đức tin hay quan điểm của cha, nhưng cha vừa cho ra đời một quyển sách rất bổ ích về cuộc khủng hoảng của chức tư tế trong Giáo hội sau các vụ án ấu dâm và Giáo hội đã đứng vững. Trong thời điểm bất hòa này thì điều này không phải là tệ!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Con thuyền của Thánh Phêrô hay một đàn cá?

349    20-04-2021