Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố người già là hiện tại và tương lai của Giáo hội

Theo Đức Thánh Cha Phanxico, “Khi chúng ta nghĩ đến người già và nói về họ, đặc biệt trong chiều kích mục vụ, chúng ta phải học cách thay đổi các thì của động từ một chút. Cứ như là chỉ có quá khứ, chỉ có một đời sống phía sau họ và một lịch sử lỗi thời.

“Không. Thiên Chúa có thể, và Người cũng muốn viết những trang mới, những trang nên thánh, phục vụ, cầu nguyện … với họ. Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em rằng người già cũng là hiện tại và tương lai của Giáo hội. Đúng, họ cũng là tương lai của Giáo hội, vì cùng với người trẻ, họ nói tiên tri và ước mơ! Đây là lý do tại sao việc người già và người trẻ trao đổi với nhau là điều rất quan trọng, nó vô cùng quan trọng.”

Những nhận xét đầy cảm xúc của Đức Thánh Cha về tầm quan trọng của người già vào ngày 31 tháng Một năm 2020, khi ngài đọc diễn từ trong Điện Tông tòa, trước các tham dự viên của Hội nghị Quốc tế lần thứ Nhất về việc chăm sóc mục vụ cho người già với chủ đề “Sự phong phú của thời gian,” được tổ chức bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, và diễn ra từ ngày 29 đến 31 tháng Một năm 2020, tại Trung tâm Hội nghị “Augustinianum” ở Roma.

Đức Thánh Cha nói, “‘Sự phong phú của thời gian’ là sự phong phú của con người, của mỗi cá nhân những người đã có nhiều năm sống trong cuộc đời, kinh nghiệm, và lịch sử đằng sau họ. Đó là một gia tài quý báu được hình thành trong hành trình cuộc sống của mỗi người nam và nữ, bất kể nguồn gốc, xuất thân, và điều kiện kinh tế hoặc xã hội của họ. Sự sống là một món quà, và khi nó kéo dài thì nó là một đặc ân, cho chính bản thân người đó và cho người khác. Luôn luôn như vậy, nó luôn luôn theo cách như vậy.”

Đức Thánh Cha Phanxico lưu ý đến “kim tự tháp dân số” đã đảo ngược trong những thập niên gần đây. Trong quá khứ, số trẻ em rất đông và số người già thì ít. Ngày nay thì ngược lại. Ngài nhấn mạnh đến nhu cầu chăm sóc mục vụ cho người già, nhưng cũng đề nghị vai trò quan trọng của người già có thể góp phần trong việc truyền lại niềm tin cho các thế hệ mới.

Đức Thánh Cha nhắc nhở cử tọa: “Chúa có một dân số đông đảo những ông bà trên thế giới. Ngày nay, trong các xã hội tục hóa tại nhiều quốc gia, các thế hệ cha mẹ hiện tại không có, phần lớn, sự đào tạo của Ki-tô giáo và đức tin sống động mà ông bà có thể truyền lại cho cháu chắt của họ. Họ là sự kết nối không thể thiếu được trong việc giáo dục trẻ em và người trẻ về đức tin. Chúng ta phải làm quen với việc đưa họ vào trong những chân trời mục vụ của chúng ta và xem họ, không theo cách so sánh, như một trong những thành phần quan trọng của cộng đoàn chúng ta. Họ không chỉ là những người mà chúng ta được kêu gọi phải hỗ trợ và bảo vệ chăm sóc cuộc sống cho họ, nhưng họ có thể là những nhân tố trong thừa tác vụ rao giảng phúc âm, là những chứng nhân đặc ân của tình yêu trung tín của Chúa.”

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện,
do Vatican cung cấp 
(bản tiếng Anh):

Anh chị em thân mến,

Tôi xin thân ái chào anh chị em, những tham dự viên trong Hội nghị Quốc tế lần thứ Nhất về chăm sóc mục vụ cho người già, “Sự phong phú của thời gian,” được tổ chức bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, và tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Farrell vì những chia sẻ của ngài.

“Sự phong phú của thời gian” là sự phong phú của con người, của mỗi cá nhân những người đã có nhiều năm sống trong cuộc đời, kinh nghiệm, và lịch sử đằng sau họ. Đó là một gia tài quý báu được hình thành trong hành trình cuộc sống của mỗi người nam và nữ, bất kể nguồn gốc, xuất thân, và điều kiện kinh tế hoặc xã hội của họ. Sự sống là một món quà, và khi nó kéo dài thì nó là một đặc ân, cho chính bản thân người đó và cho người khác. Luôn luôn như vậy, nó luôn luôn theo cách như vậy.

Trong thế kỷ thứ hai mươi mốt, tuổi già trở thành một điểm đặc trưng của nhân loại. Chỉ trong khoảng thời gian vài thập niên, kim tự tháp nhân học hiện đã đảo ngược – đã từng có số đông là trẻ em và người trẻ tuổi và trên đỉnh chỉ là số ít người già. Nếu trước đây người già chỉ có thể cư trú đủ trong một quốc gia, bây giờ họ có thể cư trú toàn bộ một lục địa. Về vấn đề này, sự có mặt đông đảo người già cấu thành nên tính mới mẻ cho mọi môi trường xã hội và địa lý trên toàn thế giới. Ngoài ra, những thời gian khác nhau trong cuộc sống tương ứng với tuổi già: với nhiều người, nó là độ tuổi khi khả năng lao động không còn, sức khỏe giảm sút và những dấu hiệu của bệnh tật, cần sự giúp đỡ, và sự cô lập xã hội xuất hiện; nhưng với nhiều người nó là khởi đầu của một thời gian dài của sự thoải mái tâm lý và thể lý và tự do thoát khỏi những trách nhiệm công việc.

Trong cả hai trường hợp, thời gian này được sống như thế nào? Giai đoạn này của cuộc sống có thể được trao tặng ý nghĩa gì, một giai đoạn có thể là dài đối với nhiều người? Về nhiều khía cạnh, sự mất định hướng của xã hội, sự thờ ơ và loại bỏ mà các xã hội chúng ta thể hiện đối với người già đòi hỏi không chỉ Giáo hội, nhưng tất cả chúng ta phải suy tư nghiêm túc để học cách nắm bắt và trân quý giá trị của tuổi già. Thật vậy, về một mặt các chính phủ phải học cách đối phó với tình hình nhân học mới trên phạm vi kinh tế, về mặt khác, xã hội dân sự cần có những giá trị và ý nghĩa cho thời kỳ thứ ba và thứ tư. Và ở điểm này, trên hết là sự đóng góp của cộng đoàn hội thánh.

Đó là lý do tôi hân hoan chào đón sáng kiến của hội nghị này, nó tập trung chú ý vào việc chăm sóc mục vụ cho người già và bắt đầu phản ánh về ý nghĩa của sự hiện diện quan trọng của giới ông bà trong các giáo xứ và xã hội chúng ta. Tôi yêu cầu rằng đây không phải là một sáng kiến biệt lập, nhưng thay vì vậy nó đánh dấu sự khởi đầu của hành trình khám phá và phân định mục mục. Chúng ta cần phải thay đổi những thói quen mục vụ để trả lời cho sự hiện diện của quá nhiều người cao tuổi trong gia đình và cộng đoàn chúng ta.

Trong Kinh Thánh, tuổi thọ là một phúc lành. Nó cho chúng ta đối mặt với tính mỏng giòn của mình, với sự phụ thuộc lẫn nhau, với mối dây ràng buộc gia đình và cộng đoàn của chúng ta, và trên hết là thân phận làm con Thiên Chúa của chúng ta. Ban cho tuổi già, Chúa Cha cho chúng ta thời gian để đào sâu hiểu biết về Ngài, sự mật thiết của chúng ta với Ngài, để bước sâu hơn vào trái tim của Ngài và phó thác cho Ngài. Đây là thời gian để chuẩn bị dâng tâm hồn trong tay Ngài, với niềm tin tưởng của trẻ thơ. Nhưng nó cũng là thời gian để trổ sinh hoa trái mới. “Họ già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả,” tác giả Thánh vịnh nói (Tv 92:14). Quả thật, chương trình cứu độ của Thiên Chúa cũng được thực hiện trong sự nghèo khó của người yếu đuối, người khô cằn và bất lực. Từ dạ cằn cỗi của bà Sa-ra và thân xác trăm tuổi của A-bra-ham mà Dân Được Chọn được sinh ra (x. Rm 4:18-20). Từ bà Ê-li-sa-bét và ông Da-ca-ri-a, Gioan Tẩy Giả đã chào đời. Người già, ngay cả khi đã yếu đuối, vẫn có thể trở thành một khí cụ của lịch sử cứu độ.

Ý thức được vai trò không thể thay thế của người già, Giáo hội trở thành một nơi mọi thế hệ được kêu gọi để chia sẻ chương trình yêu thương của Thiên Chúa, trong tình thân hữu chia sẻ cho nhau những ân huệ của Chúa Thánh Thần. Sự chia sẻ liên thế hệ này buộc chúng ta phải thay đổi cái nhìn đối với người cao tuổi, để học cách cùng nhìn về tương lai với họ.

Khi chúng ta nghĩ đến người già và nói về họ, đặc biệt trong chiều kích mục vụ, chúng ta phải học cách thay đổi các thì của động từ một chút. Cứ như là chỉ có quá khứ, chỉ có một đời sống phía sau họ và một lịch sử lỗi thời. Không. Thiên Chúa có thể, và Người cũng muốn viết những trang mới, những trang của sự nên thánh, phục vụ, cầu nguyện … với họ. Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em rằng người già cũng là hiện tại và tương lai của Giáo hội. Đúng, họ cũng là tương lai của Giáo hội, vì cùng với người trẻ, họ nói tiên tri và ước mơ! Đây là lý do tại sao việc người già và người trẻ trao đổi với nhau là điều rất quan trọng, nó vô cùng quan trọng.

Lời tiên tri của người già được kiện toàn khi ánh sáng của Tin mừng chiếu soi trọn vẹn vào đời sống của họ; như ông Si-mê-on và bà An-na, khi họ ẵm Chúa Giê-su trong vòng tay và công bố về cuộc cách mạng lòng nhân hậu, Tin Vui của Đấng đã xuống thế gian để mang đến ánh sáng của Chúa Cha. Đó là lý do tôi yêu cầu anh chi em không bỏ qua việc loan báo Tin mừng cho giới ông bà và người già. Hãy tiến đến cùng họ với nụ cười trên môi và Tin mừng trên tay. Hãy bước ra ngoài đường phố trong giáo xứ và tìm những người già sống cô đơn. Tuổi già không phải là một căn bệnh, nó là một đặc ân! Sự cô đơn có thể là một căn bệnh, nhưng với đức ái, sự gần gũi và an ủi tinh thần thì chúng ta có thể chữa lành nó.

Chúa có một dân số đông đảo những ông bà trên thế giới. Ngày nay, trong các xã hội tục hóa tại nhiều quốc gia, các thế hệ cha mẹ hiện tại không có, phần lớn, sự đào tạo của Ki-tô giáo và đức tin sống động mà ông bà có thể truyền lại cho cháu chắt của họ. Họ là sự kết nối không thể thiếu được trong việc giáo dục trẻ em và người trẻ về đức tin. Chúng ta phải làm quen với việc đưa họ vào trong những chân trời mục vụ của chúng ta và xem họ, không theo cách so sánh, như một trong những thành phần quan trọng của cộng đoàn chúng ta. Họ không chỉ là những người mà chúng ta được kêu gọi phải hỗ trợ và bảo vệ chăm sóc cuộc sống cho họ, nhưng họ có thể là những nhân tố trong thừa tác vụ rao giảng phúc âm, là những chứng nhân đặc ân của tình yêu trung tín của Chúa

Về việc này tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em đã cống hiến những năng lượng mục vụ của mình cho giới ông bà và người già. Tôi biết rõ rằng cam kết của anh chị em và sự phản ánh của anh chị em phát xuất từ tình bằng hữu cụ thể với nhiều người già. Tôi hy vọng rằng những gì hôm nay là sự nhạy cảm của một số người sẽ trở thành gia tài của mọi cộng đoàn hội thánh. Đừng sợ, hãy đưa ra sáng kiến, hãy giúp các đức giám mục và giáo phận của anh chị em thúc đẩy việc phục vụ mục vụ cho và với người cao tuổi. Đừng ngã lòng, hãy tiếp tục! Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự Sống sẽ tiếp tục đồng hành với anh chị em trong trách vụ này.

Tôi cũng sẽ đồng hành với anh chị em trong lời cầu nguyện và chúc phúc của tôi. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/2/2020]

549    10-02-2020