Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Đừng để bị Chúa nguyền rủa

14        28        X         Thứ Tư tuần 28 Mùa TN.

Thánh Callisiô Ghtđ. (Đ)

Gl 5,18-25; Lc 11,42-46

ĐỪNG ĐỂ BỊ CHÚA NGUYỀN RỦA

          Chúa Giê su nói với Biệt Phái “khốn cho các ngươi”, đó không phải là một lời chúc dữ, hay một sự tiên báo về đại hình phạt vào ngày cánh chung, nhưng chỉ là một lời ngăn đe, kêu gọi họ hoán cải vì yêu thương. Người Biệt Phái nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ mọi thứ rau cỏ, họ lo đến hình thức lễ nghi, khoe khoang tự đắc, háo danh, giả hình, không thành thật, vì không có tinh thần bên trong, không có lòng yêu mến Thiên Chúa và sống công bình với tha nhân, hay còn có lối sống tương phản là khác.

           Vì vậy, Chúa ví họ như các mồ mả tô vôi, người ta chỉ thấy vẻ đẹp bên ngoài, mà không hay biết chút nào sự thối nát bên trong. Nơi công cộng họ chiếm chỗ nhất, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đai, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực. Thấy thái độ phản kháng của một người luật sĩ, Chúa Giêsu lại hướng về họ để khiển trách về lối mô phạm giả hình vì họ dùng trách nhiệm bảo vệ toàn bộ luật lệ Do Thái, rồi thêm thắt vào các luật đó nhiều điều cấm kỵ tỷ mỷ, trở thành gánh nặng cho người giữ luật, mà chính họ lại không giữ, không đụng tay vào, họ đối xử dễ với mình nhưng khó với người khác.

          Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta sống đạo cách thành thực, chân thành với Chúa, ngay thẳng với mọi người chung quanh và cả với chính mình nữa. Không sống đạo với nghi lễ, hình thức bề ngoài, làm đủ việc đủ giờ mà thôi, nhưng phải có tâm tình bên trong, và trong đời sống thường ngày, phải tỏ hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và bác ái với mọi người, có sự khiêm nhường, không tự cao tự đại, háo danh, ham địa vị, khoe khoang, tự đắc tự phụ trong đời sống xã hội và tôn giáo. Chúng ta cũng còn phải thành thực ngay thẳng trong công việc và trong cách xử thế nữa. Khi có trách nhiệm lãnh đạo. Chúng ta cần có tinh thần phục vụ hơn háo danh, ý thức trách nhiệm của mình hơn đòi hỏi người khác. Ai làm lớn thì phải phục vụ anh em, ai làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người.

          Chúa Giêsu đã thẳng thắn khiển trách thái độ sống giả dối của người Pharisêu và các luật sĩ, họ thích phô trương, thích ngồi ghế nhất trong hội đường, ưa xuất hiện nơi phố chợ để được người khác chào hỏi. Họ nộp thuế những thứ rau cỏ lặt vặt nhưng lại sống thiếu công bằng. Họ làm từ thiện cốt để người khác khen ngợi chứ không vì lòng bác ái. Họ xây lăng mộ cho các ngôn sứ mà cha ông họ đã sát hại. Họ làm việc đạo đức để che đậy tâm địa xấu xa. Không những thế, họ còn theo dõi lên án các việc làm của Chúa Giêsu là vi phạm luật cấm làm trong ngày Sabát.

          Luật Chúa không phải là thứ ngôn ngữ trong sách vở nhưng là hơi thở của cuộc sống. Luật ấy đã được kiện toàn nơi Đức Giêsu. Người đã thực hiện bằng tất cả sự yêu thương và khiêm tốn. Đó là sự hài hòa giữa việc chu toàn các điều luật và việc phục vụ tha nhân. Chính Đức Giêsu đã khẳng định “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mosê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Nhóm người Pharisêu cho rằng Chúa Giêsu vi phạm luật ngày Sabát nhưng chính họ lại là người phá hủy lề luật qua hành động sát hại các các Ngôn Sứ và Tông Đồ.

          Khi lên án Pharisêu, Chúa muốn khẳng định cho họ biết không có giới luật nào lớn hơn luật yêu thương. Bao trùm tất cả việc giữ luật là sự yêu thương và cứu rỗi nhân loại. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về thái độ giữ luật, phải mặc lấy tâm tình yêu thương khi gánh lấy tất cả những chứng đau bệnh của con người, mang lấy số phận hay hư nát của con người mà treo lên cây thập giá. Người đã sống cho Sự Thật và đã chết để làm chứng cho Sự Thật.

          Việc giữ luật Thiên Chúa không tách rời khỏi việc yêu thương và tôn trọng tha nhân. Ước gì chúng ta biết đi ra khỏi con người ích kỷ của mình để tự do thi hành việc bác ái. Việc giữ luật không chỉ đóng khung trong nhà thờ nhưng được mở rộng để đến tha nhân để cảm thông chia sẻ mọi nỗi buồn vui với họ. Giáo hội của Chúa không phải là giáo hội của những thành quách đền đài với những tháp chuông cao vút. Giáo hội của Chúa là từ bỏ địa vị cao sang, là cúi xuống để phục vụ. Một giáo hội luôn song hành và ưu tư với những buồn vui của phận người, vui với người vui, khóc với người khóc. Việc sống đạo không chỉ dừng lại ở những lễ hội tiệc tùng nhưng là ở cuộc gặp gỡ và đối thoại, là việc nâng dậy những ai yếu đuối vấp ngã, đưa dẫn những ai lầm đường lạc lối trở về.

          Mỗi ngày, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại mình để thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta thật lớn lao. Nhìn lại chính mình để khiêm tốn sửa lỗi, để quyết tâm sống hoàn thiện. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ta tất cả những gì ta đã làm cho tha nhân. Vì thế chúng ta hãy tích cực gieo tình thương để gặt ơn tha thứ, gieo sự quan tâm chia sẻ để gặt niềm vui an hòa.

          Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống ngay thẳng thật thà. Đôi lúc chúng ta cũng làm việc bác ái nhưng để che đậy tâm địa xấu xa. Chúng ta giữ luật để khoe khoang tự mãn và để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta đặt ra nhiều khoản luật nhưng lại sống phóng túng tự do. Thiên Chúa sẽ chất vấn lương tâm mỗi người nếu chúng ta gây tổn thương cho người khác, đặc biệt những người được Chúa sai đến.


786    13-10-2020