Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Đừng dửng dưng

vocamvavotam1
Trong thông điệp “Ngày Thế Giới Về Người Nghèo” lần đầu tiên (19.11.2017), ĐTC Phanxicô nêu lên một trong những lý do làm nên thảm trạng nghèo khổ trên thế giới là vô cảm, là dửng dưng của đại đa số nhân loại. Rồi từ đó, ĐTC mời gọi “toàn thể Giáo Hội, những người nam nữ thiện chí hãy nhìn vào những người đang giơ tay kêu cứu và xin tình liên đới của chúng ta”. Nghĩa là chúng ta hãy “chống lại nền văn hóa gạt bỏ và phung phí, để đón nhận nền văn hóa gặp gỡ.” Từ đó chúng ta “giơ tay cho người nghèo, gặp gỡ họ, nhìn họ tận mắt, ôm lấy họ để làm cho họ cảm thấy hơi ấm của tình thương phá vỡ cái vòng cô đơn”.

Đọc thông điệp của vị Cha chung với những lời tận đáy lòng, suy nghĩ về việc bác ái từ thiện, tôi chợt nhớ đoạn Tin Mừng Lc 18, 35 - 43 nói về người ăn xin bên vệ đường, tôi có những suy nghĩ sau:

Người nghèo rất nhiều, công việc bác ái không thiếu, lòng trắc ẩn nơi mỗi người, tôi nghĩ cũng không phải không có. Nhưng cái tôi, cái ích kỷ của ta lại quá lớn. Lòng tự tôn không cần thiết thì lại không nhỏ, nên ta như những người cùng đi với Chúa Giêsu trên đường, đang cố tình lấn át tiếng kêu cứu của người nghèo (ăn xin), làm lơ và còn trách móc, cản trở người nghèo (ăn xin) gặp được lòng thương xót (Chúa Giêsu). Vì ích kỷ, tự tôn - coi mình như người ban phát nên ta không nhận ra (dửng dưng) người nghèo ở bên cạnh mình, hay có nhận ra thì ta cũng có điều kiện mới giúp đỡ họ (ban phát). Lý do:

Chúng ta quên học bài học mà Chúa Giêsu dạy: “hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Phải chăng, thời buổi nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, tính hiền lành và khiêm nhường của chúng ta vì thế cũng bị mai một. Hay vì sợ bị người ta đàn áp, bóc lột, bị đè đầu cưỡi cổ. Rồi từ đó, con tim chúng ta đóng lại, lòng bao dung bị thu hẹp, đôi mắt nhân từ bị mờ đi nên không còn nhận ra - dửng dưng - người nghèo bên cạnh mình.

Chúng ta quên rằng mình đang sống trong Giáo Hội mà ĐTC đang mời gọi “Giáo Hội nghèo và vì người nghèo”. Giáo Hội “vì người nghèo” là Giáo Hội trở về với gốc của mình: “Thiên Chúa là Đấng bảo vệ và bênh vực những người nghèo khó, bé mọn, cô thân cô thế; và chính Thiên Chúa luôn là người lên án nếp sống xa hoa trụy lạc, tình trạng bất công xã hội và thái độ hờ hững, ích kỷ trước nỗi khốn khổ của đồng bào”. Giáo Hội học nơi gương Thầy Giêsu để là hiện thân của người nghèo hèn, đau khổ (x. Mt 25,40.45). Hơn thế nữa, Giáo Hội được giới thiệu cho nhân loại là một Giáo Hội mà nơi đó “tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44-45). Như vậy, chúng ta đã đánh mất lời dạy của Giáo Hội là: “Giáo Hội vẫn không ngừng làm việc để xoa dịu, bảo vệ và giải phóng những người cùng khổ qua biết bao việc làm bác ái, mà thời nào và ở đâu vẫn luôn luôn cần thiết” (GLCG, 2448).

 

Chúng ta quên những gì chúng ta đang có nó không thuộc về chúng ta. Đó là ơn ban của Thiên Chúa. Chúng ta đón nhận và qua chúng ta Chúa muốn ban cho người khác, đặc biệt là người nghèo khổ. Để “thể hiện tình yêu làm cho thế giới được nhân bản và tốt đẹp hơn”; và khi thực hiện thì “không làm hạ phẩm giá người nhận nhưng là giúp họ phát triển toàn diện”. Vì người nghèo “cần sự hỗ trợ vật chất nhưng quan trọng hơn là điều họ ước muốn: được đối xử như một con người”.

 

Trở lại câu chuyện người mù bên vệ đường. Giữa những ồn ào của xã hội, sự lấn át của đám đông, tiếng kêu của người mù tưởng chừng như bị quên lãng. Nhưng không. Tiếng kêu có vẻ yếu ớt kia đã đến tai Chúa Giêsu, chạm đến con tim thương xót của Ngài. Và lập tức Ngài dừng lại. Ngài mời gọi. Ngài gặp gỡ. Ngài lắng nghe. Và Ngài đã thể hiện lòng thương xót khi ban cho anh điều anh cần - chữa lành cho anh. Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta hãy lắng nghe người nghèo bên cạnh chúng ta. Vì, “Người nghèo kêu lên và Chúa lắng nghe họ”. Để qua chúng ta, “phúc lành của Thiên Chúa đổ trên anh chị em mình”.

 

Muốn được như vậy, hãy nghe lời Chúa mời gọi: truyền dẫn anh (mù) đến cùng Người. Để có thể làm trung gian cho Chúa Giêsu chạm đến người nghèo khổ, trước tiên chúng ta đừng quên cầu nguyện. Thật vây, ĐTC Phanxicô cho rằng: “Nơi nền tảng của bao nhiêu sáng kiến cụ thể có thể thực hiện trong ngày thế giới người nghèo luôn luôn có việc cầu nguyện. Vì, “việc bác ái phải được thực hiện bằng tinh thần đạo đức, rút ra từ sự cầu nguyện”. Gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện sẽ giúp mỗi người chúng ta “biết cúi xuống trước anh em đồng loại và thưa lên cách khiêm nhường rằng: Cha ơi, trước mặt Cha, con chỉ là kẻ bé mọn, nghèo nhân đức, tội lỗi và đáng thương mà thôi”. Với ý thức này chúng ta đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong lòng thương xót của Thiên Chúa, con tim của chúng ta sẽ mở rộng, đôi mắt nhân từ sẽ sáng và lòng bao dung mở ra để gặp gỡ những mãnh đời bất hạnh.

 

Chúng ta sẽ nhận ra: tất cả những người nghèo ấy thuộc về Giáo Hội do “quyền của Tin Mừng” (ĐTC Phaolô VI). Chúng ta sẽ dành mọi ưu tiên của chúng ta cho anh chị em mình, những anh chị em đang cần những bàn tay đón nhận và trợ giúp. Xoa dịu và an ủi những vết thương nơi cuộc sống và trong tâm hồn họ.

Tất cả những gì chúng ta có được là do ơn ban của Thiên Chúa. Đời sống chung đòi chúng ta phải biết chia sẻ và tham gia vào trách nhiệm chung. Ý thức điều đó “chúng ta nhìn nhận nhu cầu phải vượt thắng sự ích kỷ để tiến đến niềm vui đón nhận nhau”. Sống bác ái Tin Mừng là đưa tay ra dẫn người mù đến gặp Chúa Giêsu. Là yêu thương và kính trọng dành cho nhau nhất là những anh chị em đau khổ. Giúp đỡ người nghèo là một trong những chứng từ chủ yếu cho tình bác ái huynh đệ, đó cũng là một việc làm của đức công bằng. Cho nên “điều gì phải làm theo sự công bằng thì không được biếu như quà của lòng bác ái”.

Công tác bác ái của Giáo Hội sẽ làm tăng sức sống, nhờ đó mà Giáo Hội phát triển mạnh mẽ. Chúng ta hãy góp phần của mình, cho dù, phần đóng góp đó chỉ như một ngọn đèn leo lét. Nhưng bằng tất cả tình thương, những việc làm đó sẽ đưa chúng ta tới ánh sáng. Ánh sáng đó sẽ làm cho niềm vui chúng ta nhân lên gấp bội. Vì, chúng ta đã gặp Thầy Giêsu trong cuộc sống đời thường nơi những người nghèo.

Văn phòng Caritas Vĩnh Long 

 

 

4027    02-12-2017