Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Đừng quá lo lắng chuyện không quan trọng

21/07/2019

Chúa Nhật Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm C

 Lc 10, 38-42

ĐỪNG QUÁ LO LẮNG CHUYỆN KHÔNG QUAN TRỌNG

          Với trang Tin Mừng này, ta có một vài dấu hiệu cho biết Maria là người được phân công rửa chân cho khách. Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu và xem ra Maria cũng đóng vai trò tiếp chuyện khách. Bà ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài. Trong khi đó Martha nắm giữ địa vị của một người nội trợ bận rộn với công việc bếp núc. Bà muốn cho việc tiếp đón phải thật chu đáo. Nhưng Chúa Giêsu thì lại nghĩ khác.

          Chúa Giêsu đến thăm viếng gia đình ba chị em Martha, Maria và Lagiarô. Đối với người Do Thái, thì được tiếp đón một người khách đến thăm là một ơn huệ Chúa ban và cũng là dịp để tưởng niệm cuộc xuất hành của dân Chúa trên đường tiến tới miền đất Hứa. Việc đón tiếp khách được tổ chức một cách tỉ mỉ và ân cần. Khách vào nhà được rửa chân vì đi đường bụi bậm. Thường thì người nhỏ nhất trong nhà có phận sự rửa chân cho khách.

          Việc đón tiếp chu đáo và đúng nghĩa nhất đối với Ngài là đón nghe lời Ngài. Còn tất cả chỉ là phụ thuộc. Martha đã bị Chúa quở trách vì bà đã quá chú trọng vào những cái phụ thuộc, để mình chìm nghỉm trong mọi thứ công việc khiến không còn thời giờ và sức lực để nghe và đón nhận lời Ngài. Người khách như Chúa Giêsu đến với gia đình Bêtania, hẳn không phải là để được hạ, tiếp rước, mà là để ban phát, để thiết tiệc lời hằng sống. Do đó ưu tiên số một không phải là việc cho Ngài ăn gì, uống gì mà là lắng nghe lời Ngài vì của ăn đích thực của Ngài là rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

          Trong văn hóa Do Thái thời Chúa Giêsu, không nghe nói có một người phụ nữ nào làm môn đệ của một thầy Rabbi. Theo trong tôn giáo hoặc ít nhất là quan sát bên ngoài thì các môn đệ đều là những người đàn ông. Chúa Giêsu đã phá vỡ cái truyền thống kéo dài từ xa xưa bởi vì truyền thống không đúng. Ngài đã đến để kêu gọi tất cả mọi người, người phụ nữ cũng như người đàn ông, con nít cũng như người trưởng thành, ngay cả những kẻ được xem như là người tội lỗi để trở thành môn đệ của Ngài. Ngài đã nhấn mạnh rằng Maria đã chọn phần tốt nhất. Cô ta đã hiểu sự mời gọi của Ngài, đã chấp nhận nó. Martha cảm thấy buộc phải duy trì khuôn mẫu của cô ta và đồng ý rằng chỗ của cô ta là trong bếp. Chúa Giêsu đủ thực tế để nhận biết rằng thực phẩm đã được sửa soạn và như thế Ngài có thể đã nói với Martha rằng chỉ cần một đĩa, một cái gì đơn giản là đủ. Tiếp đó, Ngài thêm không chỉ cho Martha mà cho tất cả mọi người trong mọi thời: “Maria đã chọn phần tốt nhất và cô ấy sẽ không bị ai cướp mất”. Chúa Giêsu đã muốn Matta làm một chọn lựa đó.

          Maria đã được giới thiệu với mọi người nữ trong Giáo Hội nhưng trong một ý nghĩa lớn hơn cô đã trở nên kiểu mẫu cho mọi người. Chúng ta được kêu gọi để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, để dâng hiến cho Ngài sự ấm áp mà Ngài đã cảm nghiệm nơi nhà Bêtania, để lắng nghe Người với tất cả sự chú ý như Maria đã làm, đặt Người lên hàng ưu tiên trước mọi việc trong cuộc sống của chúng ta, và không cho phép điều gì hoặc người nào có thể dứt chúng ta ra khỏi mối liên hệ của Người. Abraham đã dâng hiến sự hiếu khách cho các thiên thần như là những sứ giả của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được khẩn nài dâng hiến sự hiếu khách cho Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa.

          Ta có thể vì quá mải mê công việc làm ăn đến nỗi quên mất lý do khiến chúng ta phải lao khổ như thế. Chúng ta có thể vì mải mê kiếm sống đến nỗi quên mất chính mục đích của cuộc sống. Chúng ta có thể lu bu đeo đuổi những cái mà đồng tiền có thể mua sắm được để rồi quên béng những gì mà đồng tiền không thể mua sắm được. Và chúng ta vô tình đã biến thành những Matta nhiệt tình thật đấy, nhưng lăng xăng lo lắng đủ chuyện, mà quên mất “một chuyện cần thiết nhất”: lắng nghe Lời Chúa, tiếp chuyện với Ngài.

          Chúng ta lo xây cất cho Chúa những ngôi thánh đường đồ sộ lộng lẫy, nhưng rồi mấy ai trong chúng ta âm thầm tới ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Chúa nói với chúng ta Lời Chúa, Lời làm cho chúng ta được sống. Bời vì “con người sống không chỉn hờ cơm bánh, nhưng còn nhờ Lời Chúa nữa” (Mt 4,4). Thực tế cuộc sống của chúng ta rất bận rộn. Chúng ta không có thời giờ để ngồi dưới chân Chúa. Chúng ta muốn cầu nguyện nhiều hơn, dự lễ ngày thường nhiều hơn, đọc Kinh Thánh hay sách báo đạo đức nhiều hơn. Nhưng chúng ta không có thời giờ.

          Quả thật, Chúa muốn chúng ta vừa là Martha, vừa là Maria: vừa lao động vừa cầu nguyện. Chúa không nói rằng khi chúng ta làm việc như Martha, ta không thể cầu nguyện như Maria, hay ngược lại. Hai việc đều liên hệ với nhau. Chúng ta phải vừa là Martha vừa là Maria. Ngày nay, một người phụ nữ danh tiếng nhất thế giới là một nữ tu bác ái, một Martha thời đại: Mẹ Têrêsa thành Calcutta Ấn Độ. Mẹ đã hiểu và đã truyền lại cho con cái thiêng liêng của Mẹ tinh thần Tin Mừng hôm nay. Cầu nguyện trước khi hoạt động. Mỗi ngày để ra một giờ để chầu Mình Thánh Chúa trước khi xuống “địa ngục Calcutta” để săn sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các “nhà hấp hối” để giúp những người sắp chết được an nghỉ trong Chúa.

          Đây cũng chính là sự lầm lẫn của Martha được ghi lại qua đoạn Tin Mừng vừa nghe. Cô quá lăng xăng lo chuyện nấu nướng bữa ăn cho Chúa Giêsu đến nỗi đã quên mất rằng Chúa đến nhà cô là vì tình thương chứ đâu phải vì bữa ăn miễn phí.

          Thực vậy con người chúng ta gồm có hồn và xác. Phục vụ vật chất cho thân xác là điều tốt. Thế nhưng con người còn có những nhu cầu, cần đến những phục vụ thiêng liêng cho linh hồn. Chẳng hạn, một người bạn đến chơi không phải chỉ cần đãi đằng họ là đủ, mà nhiều khi cần phải lắng nghe những tâm sự để chia sẻ những khó khăn họ gặp phải. Chính vì thế Chúa Giêsu đã khen Maria đã chọn phần tốt nhất bởi vì cô đã ngồi dưới chân Chúa để đón nhận những điều Ngài giảng dạy.

          Cuộc sống hôm nay cũng thật tất bật. Người ta ít có thời giờ để tâm sự với nhau. Người ta càng ít có thời giờ để viếng thăm nhau. Không có tâm sự sẽ không có sự hiểu biết, cảm thông lẫn nhau. Không có những cuộc viếng thăm tình người sẽ phôi phai theo thời gian. Ðôi khi những người trong gia đình cũng chẳng có thới giờ viếng thăm nhau, hay chuyện trò với nhau. Thiếu sự viếng thăm tình người như xa dần. Thiếu sự đối thoại sẽ đánh mất sự cảm thông. Vì tình yêu đích thực không dừng lại ở đầu môi chóp lưỡi. Tình yêu không dừng lại ở việc chạnh lòng thương xót mà phải dấn thân để xoa dịu những nỗi đau của đồng loại, để băng bó những thương tích của anh em. Tình yêu đích thực luôn đòi hỏi sự gần gũi, sự cảm thông và nâng đỡ. Chính nhờ sự gần gũi người ta mới hiểu nhau, thông cảm với nhau và nâng đỡ cho nhau.

          Chúa Giêsu không phủ nhận giá trị công việc phục vụ của Mattha cũng như không từ chối sự đón tiếp của gia đình cô, nhưng Ngài đề cao việc Maria nghe lời Người. Đức Giêsu đã chẳng từng quan tâm đến những sinh hoạt đời thường và chia sẻ những khổ đau bệnh tật của dân chúng sao? Ngài đã từng làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, đã từng hóa nước thành rượu để niềm vui tiệc cưới được trọn vẹn. Ngài đã từng chăm sóc cứu chữa các bệnh nhân, cho người què đi được, người điếc được nghe, người mù được thấy, người chết sống lại, nhưng Ngài vẫn nhắm đến điều cần thiết hơn hết là cho mọi người được nghe, được lãnh nhận Lời Hằng Sống.

          Câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy sự khác nhau chủ yếu giữa Martha và Maria. Martha không có khả năng nhận, trong khi Maria có. Maria cho Chúa món quà là một tâm trí mở rộng và một tâm hồn mẫn cảm. Còn Martha, trong lúc rất tốt, rất hào phóng khi cho, lại rất nghèo nàn khi nhận. Cả Chúa cũng không thể cho cô điều gì.

          Lắng nghe Lời Chúa là chuyện cần thiết nhất vì Lời Chúa là đèn soi cho loài người tiến bước trong đêm tối và vượt qua bao giông tố của cuộc đời. "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi." (Thánh vịnh 119,105). Nhờ ngọn đèn này, người lầm lạc thấy được chân lý, người tội lỗi được hoán cải để sống đời thánh thiện, người thất vọng được tìm thấy niềm tin và hy vọng tràn trề... Thiếu Lời Chúa, nhân loại như đang chìm trong tối tăm.


749    18-07-2019