Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Dùng uy... lấy quyền...

 

 
Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy ban Giáo Dân - Tháng 11.2019 - PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

UBGD.jpg

“Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: ‘Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân’” (Mt 20,25)

 

Dẫn vào

 

Liên hệ với nội hàm của từ ngữ “thủ lãnh” (hay còn gọi là “thẩm phán”) trong sách Thủ lãnh thuộc Cựu ước, thuật ngữ thủ lãnh được hiểu là người đứng đầu, người có quyền, người làm lớn… người giúp hướng dẫn các quy tắc theo phán quyết từ Thiên Chúa.[1] Dưới sự lãnh đạo của Giô-su-ê và các vị thủ lãnh khác, hành trình tiến vào Đất Hứa của “dân Chúa chọn” đã diễn ra. Vai trò lãnh đạo của Giô-su-ê trở nên hữu hiệu cách đặc biệt khi ông chọn một miền đất tại Si-khem, cho mời tất cả những người từ Ai-cập trở về và những người ở lại đến gặp nhau trong một đại hội. Vì thế, khái niệm “… thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân”[2] sẽ có thể được thấu hiểu hơn khi các thủ lãnh và toàn dân chọn “Gia-vê”… và trên niềm tin vững vàng vào một “Gia-vê” Thiên Chúa Toàn Năng, nhân từ và giàu lòng xót thương.[3]

 

Thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị

 

Theo lối đời, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị..., nhưng trong đạo thì không. Với niềm tin vào một Thiên Chúa là Cha nhân từ, mọi người là anh chị em của nhau, lãnh đạo là để phục vụ mà “thống trị” cũng phải là phục vụ. Thật vậy, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lãnh đạo là phục vụ dân. Ngay như trong nhân gian, quan chức thương dân cũng phải hành động như những công bộc đích thực của dân.[4] Theo đó, nhà lãnh đạo nên tìm hiểu xem những người thuộc cấp cần gì, người dưới quyền mình muốn gì để tìm cách đáp ứng cho tốt nhất có thể.[5] Khái niệm “ý dân là ý trời” của đông phương rất giống với khái niệm “lãnh đạo tôi tớ” (servant leadership) của tây phương với xuất phát điểm từ chính văn hóa Ki-tô giáo.[6]

 

Anh em biết, người được coi là thủ lĩnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân….[7]

 

Người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản

 

Theo lối đời, người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản..., nhưng trong đạo thì không. Những kiểu nói sau đây phản ánh lề thói của đời: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”; “Một người làm quan, cả họ được nhờ”; “Quan là cha mẹ của dân…”. Tuy nhiên, trong đức ái chân thành, với niềm tin vào một Thiên Chúa là Cha nhân từ, mọi người là anh chị em của nhau, người làm lớn phải là “nhà lãnh đạo tôi tớ” (servant leader), như gương sống của các thánh, các mục tử trong đạo. Theo đó, các đức giáo hoàng vẫn luôn ý thức và thường xưng mình là “tôi tớ của các tôi tớ của Thiên Chúa (servant of the servants of God, servus servorum Dei).[8]

 

Chính Đức Ki-tô Giêsu đã dạy các tông đồ, các môn đệ phải là “nhà lãnh đạo tôi tớ”, đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, không được lên giọng kẻ cả sắm vai quan chức “hành dân là chính”. Thật vậy, ai muốn làm lớn…

 

… giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em, và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.[9]

 

Minh họa nội dung

 

Một anh thợ hớt tóc nọ vừa hớt tóc vừa “phán” với một thân chủ lớn tuổi: “Này bác ơi, tôi cho rằng trên đời này làm gì có Thiên Chúa nhân từ”. Người khách ngạc nhiên hỏi: “Tại sao anh lại nói thế…”. “Thì bác cứ ra phố mà xem”, anh thợ nói, “nhiều người phải lang thang kiếm sống, dầm mưa dãi nắng, đêm đến phải mượn vỉa hè để ngủ. Ấy là chưa kể đến các bệnh viện nhếch nhác với biết bao bệnh nhân, bệnh tật đau đớn. Nếu có Thiên Chúa nhân từ giàu lòng thương xót, thì làm sao lại có những chuyện như thế chứ?” Ông khách làm thinh.

Khi trả tiền xong, bước ra khỏi tiệm hớt tóc, ông khách thấy một người râu tóc lùm xùm, rõ là lâu ngày rồi không hớt cũng chẳng cạo gì. Khách bèn quay trở vào tiệm nói lớn: “Này anh phó cạo ơi, trên đời này làm gì có thợ hớt tóc nhỉ?” Anh thợ sửng sốt: “Bác nói vậy mà nghe được à, thế tôi là ai đây, ai vừa mới hớt tóc cho bác?” Ông khách mời anh phó cạo ra cửa, nói: “Thì anh thấy đầy, nếu có thợ hớt tóc thì người kia đã không phải để râu tóc lùm xùm như vậy”. “Sai bét! Thợ hớt tóc vẫn có, nhưng tay đó không chịu bước vào tiệm thì dẫu bao nhiêu thợ hớt tóc đi chăng nữa cũng đành phải bó tay!”.

 

Ông khách mỉm cười: “Theo tôi, Thiên Chúa nhân từ, giàu lòng xót thương cũng vậy. Ngài luôn đưa tay ra chờ đợi, nhưng có thể vì kiêu ngạo, ai đó trong chúng ta không chịu nắm lấy tay Ngài…”.

 

Câu hỏi giúp thảo luận

 

1/ Theo bạn, thế nào là phục vụ đúng nghĩa?

 

2/ Là quý chức phục vụ trong giáo xứ, khi làm việc chung với nhau, bạn có hay dùng uy, lấy quyền để thi hành việc bổn phận không?

 

3/ Bạn có tin vào một Thiên Chúa là Cha nhân từ, mọi người là anh chị em của nhau, người đứng đầu, người có quyền, người làm lớn… là những người phục vụ? Có phải chỉ khi phục vụ người khác thì ai đó mới thể hiện tinh thần lãnh đạo Chúa dạy?

 

 GTHH

__________________________

 

[1] Sau khi Mô-sê qua đời, Thiên Chúa đã trao trách nhiệm cho Giô-su-ê dẫn dắt dân Chúa. Chính Giô-su-ê lãnh đạo dân tiến vào miền đất Thiên Chúa đã hứa ban và trở thành vị thủ lãnh của dân, khởi đầu một giai đoạn mới: Thời kỳ Thủ Lãnh. Vào thời kỳ này, dân Chúa phải đấu tranh để sinh tồn, vượt qua nhiều thử thách trong đức tin để trung thành với Thiên Chúa.

 

[2] Mt 20,25.

 

[3] Đó là Đại hội Si-khem. Trong đại hội, chính Giô-su-ê đề nghị mọi người chọn Gia-vê Thiên Chúa… và trên niềm tin vào Gia-vê Thiên Chúa, một liên bang các chi tộc đã khai sinh.

 

[4] Công () là chung, bộc () là đầy tớ; cụm từ “công bộc của dân” có thể được hiểu là người đầy tớ chung của nhân dân. Vì thế, công nhân viên chức một đất nước vẫn thường được cho là công bộc của dân (servants of the people).

 

[5] “The leader shall consider as good, not what pleases himself but what pleases his subjects or his followers” (Chanakya, Arthashas-tra).

 

[6] “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (x. Robert Greenleaf, Essentials of Servant Leadership (1977).

 

[7] Mt 20,25.

 

[8] X. Gabriel Adeleye, Kofi Acquah-Dadzie, Thomas J. Sienkewicz, World Dictionary of Foreign Expressions: a Resource for Readers (1999), 361. “Servant of the servants of God is one of the titles of the pope and is used at the beginning of papal bulls”.

 

[9] Mt 20,26-28; x. Mc 10,43-45.

647    06-11-2019