Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Đừng xôi thịt với Chúa nữa

06/05/2019

Thứ Hai Tuần III Mùa Phục Sinh 

Cv 6, 8-15; Ga 6, 22-29

ĐỪNG XÔI THỊT VỚI CHÚA NỮA

Trang Tin mừng hôm nay dường như cũng muốn nhắc nhở con người nhân thế về sự lạc hướng ấy. Đám đông tụ tập bên Chúa Giêsu để được ăn uống thỏa thích là hình ảnh của một nhân loại đang đi lạc hướng.

Và cũng chính đám đông được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau vẫn còn đứng bên kia bờ Biển hồ. Chúa Giêsu đã đọc được động lực thúc đẩy họ tìm kiếm Ngài, họ đã đi tìm kiếm Ngài không phải vì Ngài là đối tượng của khát vọng tìm kiếm của họ, mà chỉ vì đã được Ngài cho ăn no nê; họ đi tìm kiếm không phải vì đã nhận ra ý nghĩa của phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì chính Ngài đã mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của họ; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì giáo huấn của Ngài; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì những giá trị cao quí của cuộc sống mà Ngài đến để bày tỏ. Cái đám đông ấy bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, nhất thời và chóng qua là cơm bánh. Ðây chính là bi kịch đã xảy ra cho Chúa Giêsu. Ðám đông đã khước từ Ngài và treo Ngài lên thập giá chỉ vì họ đã không hành động theo những xác tín thâm sâu thể hiện trên đạo lý, trên tiếng gọi của lương tâm, mà chỉ sống theo cảm tính và những xu thế mù quáng. Ðây cũng chính là nguy cơ mà người tín hữu Kitô có thể rơi vào.

Dừng lại một chút, ta thấy bất cứ thời đại nào, đám đông cũng có thể là một sức mạnh mù quáng, hành động thiếu suy nghĩ và bị lôi cuốn bởi những dòng chảy của sự dữ. Trước khi bị các thượng tế và tổng trấn Philatô kết án, Chúa Giêsu đã bị chính đám đông kết án. Cái đám đông đã từng tung hô Ngài trong ngày Ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem, cũng cái đám đông ấy gào thét, đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Bi kịch ấy dường như được thánh Gioan báo trước qua đoạn Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay.

Sau khi chứng kiến phép lạ bánh hóa nhiều, khi đám đông định tôn Đức Giêsu lên làm vua, chắc họ đã nghĩ đến sự bảo đảm về mặt vật chất mà Ngài mang lại. Lúc nào cũng có bánh ăn no nê, đó là ước mơ của nhiều người nghèo thời ấy. Nhưng Đức Giêsu đã từ chối đứng lên khởi nghĩa giành độc lập. Ngài không phải là một Mêsia làm chính trị. Bánh và cá mà Ngài giúp họ tạm thời vượt qua cơn đói chỉ là thứ lương thực mau hư nát dành cho xác thân (c. 27). Lương thực đó là dấu chỉ cho một thứ lương thực khác Ngài sắp ban. Đó là lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu (c. 27). Hẳn nhiên, lương thực sau này quan trọng hơn nhiều. 

Với cung cách sống và cái nhìn của Mẹ Têrêsa Calcutta, người nghèo hôm nay cần cơm bánh, nhưng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa. Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần. Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng. Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật. Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ. Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến (c.29). Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài, vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.

Và ta thấy Chúa Giêsu không đến thế gian để mang lại một cây đũa thần cho nhữg vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của con người. Ngài đến để cho con người được sống và sống hạnh phúc thực sự. Sự sống và hạnh phúc ấy chính là nhận biết và yêu mến Ngài trên hết mọi sự, Chỉ có Thiên Chúa mới thỏa mãn mọi khát vọng trong tâm hồn con người, chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc trọn hảo.

Ta thấy Chúa Giêsu sẽ vui mừng vì dân chúng đã lặn lội đi tìm kiếm Ngài như vậy. Và họ không dấu nỗi sự khao khát của mình, nên khi thấy Ngài ở bên kia Biển Hồ, họ liền hỏi “ Thầy đến đây bao giờ vậy ?” ( c.25 ). Thế nhưng rồi khi đọc đến đây, chúng ta thầm nghĩ rằng Chúa Giêsu đã thành công trên bước đường loan báo Tin Mừng. Lời nói và hành động của Ngài đã cảm hoá được dân chúng và bây giờ họ đang đói khát “ lời” Ngài. Nhưng khi nghe Chúa Giêsu trả lời họ, chúng ta cảm như chưng hửng về cách đáp trả của Ngài sao hững hờ, lạnh nhạt và có vẻ “ xóc óc” thế. Ngài quả quyết và xác định cách chắc chắn : “ Thật, tôi bảo thật...”. Ngài vạch rõ tâm lòng của con người chỉ đi tìm những thứ vật chất vô bổ, có lợi cho thân xác hư hèn, làm no thoả cái bụng hay cho sướng con mắt, “ các ông đi tìm tôi, vì các ông được ăn bánh no nê...” ( c. 26 ). “ chứ không phải là các ông thấy dấu lạ”. Với lý lẽ sắc bén, Ngài  “ khai quật” cõi lòng của con người chỉ nghiêng về vật chất tầm thường mà không chú ý đến những gì là sâu thẳm trong thâm tâm : đó là tương quan với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã vạch và chỉ rõ cho họ những gì phải làm : “ hãy ra công làm việc...để có lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh”. Lương thực thường tồn ở đây là “ thứ lương thực Con Người sẽ ban, vì Con Người được Chúa Cha xác nhận” Chúa Giêsu bắt đầu khai mở cho họ về một sự thật : Chính Ngài là Bánh, là thứ lương thực đem lại hạnh phúc trường sinh. Chính Ngài sẽ là của ăn, của uống cho con người, để con người có được cái diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha và được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa. Không phải dân chúng không hiểu những từ “ lương thực”, “ Con Người” mà Chúa Giêsu nói đến đâu ? Họ hiểu, hiểu đúng là đằng khác.

Và rồi họ đã hỏi Chúa Giêsu : “chúng tôi phải làm gì để thực hiện điều Thiên Chúa muốn ?” . Chúa Giêsu chỉ đợi đến lúc này và điểm nút đã được tháo cởi : “ Hãy  tin vào Đấng Người sai đến”. Đây chính là điểm then chốt của Tin Mừng và cùng là đỉnh cao của Thập Giá, Dân chúng không tin, không chấp nhận Chúa Giêsu, không đón nhận giáo lý của Ngài...và đã ghép cho Ngài bao nhiêu là tội danh “ phạm thượng”, chỉ vì muốn bảo vệ sự tinh tuyền mà họ gọi là “ giáo lý” của họ. Chúa Giêsu càng chứng minh qua phép lạ, qua lời nói, qua cử chỉ hành động tình thương, thì họ lại càng ghen ghét, căm phẩn và oán hận, đến độ giết chết Ngài, để khử trừ “ một kẻ gây rối” đời sống đạo đức của họ.

Mùa Phục sinh, Giáo hội luôn mời gọi ta ý thức về sức sống thần linh đang châu lưu trong tâm hồn ta. Sống giữa thế gian, nhưng ta không thuộc về thế gian đó là chỗ đứng của ta trong trần thế này. Mưu cầu cuộc sống tạm bợ nhưng ta luôn hướng về trời cao, bôn ba về của cải vật chất, nhưng không quên gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hòa bình, tình huynh đệ, lòng bác ái.

Và trong mọi hoàn cảnh và mọ sự, ta phải luôn nhớ lời khuyên của Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, ta tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình ảnh cao quí của Chúa nơi bản thân, không chà đạp nhân phẩm người anh em. Trong mọi sự ta luôn tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất đời ta.

Ta lãnh nhận đức tin trong một cộng đồng và ta sống và thể hiện đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta cần có một đám đông nào đó để nâng đỡ niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, cái đám đông ấy cũng dễ lôi kéo và biến việc thể hiện đức tin của chúng ta thành một lối giữ đạo hình thức và máy móc. Ðạo dễ trở thành một chuỗi biểu dương bên ngoài hơn là một cuộc gặp gỡ thâm sâu giữa tha nhân và Chúa. Ðạo sẽ chỉ còn là những bó buộc và nghĩa vụ mà đám đông thôi thúc để tuân giữ hơn là được thực thi vì xác tín và lòng mến

            Một khi còn sống trong thân xác này, con người bất kể thời đại nào cũng không tránh khỏi những lo lắng về cơm, áo, gạo, tiền, hay danh, lợi, thú… Con người cứ mải tìm kiếm những điều đó dù ở bất cứ đâu, và bằng bất cứ giá nào. Ngay cả việc tìm đến với Chúa cũng có thể vì những lý do thực dụng này. Nhìn lại chính bản thân và tự hỏi xem, tôi tìm kiếm Chúa với mục đích gì? Vì lương thực chóng qua hay trường tồn, cho thể xác hay linh hồn, cho sự sống chóng qua đời này hay sự sống bất diệt mai sau?

 

 

 

552    05-05-2019