Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Đường thập giá

28  30  X  Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên.

Dcr 2,5-9.14-15a; Lc 9,43b-45.

ĐƯỜNG THẬP GIÁ

          Trang Mừng hôm nay là lời tiên báo về cuộc Thương Khó lần thứ hai của Chúa Giêsu. Trang Tin Mừng này nằm ngay sau chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ cho một bé trai. Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ. Cũng như quyền năng của Ngài được thi thố trên những người đau ốm bệnh tật và ngay cả cái chết của con người đã khiến các môn đệ tin tưởng tuyệt đối hoàn toàn vào sức mạnh và quyền lực của Đấng mà mình đang đi theo.

          Và ta thấy chính khi các ông đang sống trong viễn ảnh huy hoàng của một Israel sẽ được khôi phục ấy, Chúa Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến. Những lời của Chúa Giêsu : “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” ngay  lúc này không những thật mầu mà chẳng ăn nhập gì với tâm trạng đang thật phấn chấn của các môn đệ.

          Làm sao các ông có thể hiểu được những lời mang màu sắc bi ai và nhu nhược như thế khi các ông đã được chứng kiến một ông Giêsu đầy quyền năng trước các thế lực và thần lực. Chẳng lẽ một ông Giêsu có được sức mạnh quyền năng như vậy lại phải chấp nhận giơ tay chịu trói ? Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối. Và thánh sử Luca đã nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu : “Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c.45).

          Chúa Giêsu đột ngột nói về viễn tượng tương lai rất gần: Con người sắp bị nộp vào tay người đời! (c. 44) Đó là lời loan báo về cuộc Thương Khó. Nhưng lần loan báo thứ hai này không giống như những lần loan báo khác, nghĩa là lần thứ nhất và lần thứ ba (Lc 9, 22 và 18, 31-34), vì lời loan báo này vừa bế tắc và vừa trái ngược. Bế tắc, vì không có phần loan báo mầu nhiệm Phục Sinh như lần loan báo thứ nhất ; trái ngược, vì Chúa Giêsu quyền năng như thế, nhưng tại sao lại sắp bị nộp vào tay người ta được?

          Mầu nhiệm Thương Khó thuộc về căn tính của Đức Kitô và của tất cả những ai đi theo Người. Trong một bài giảng cho các Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi bước đi không có Thập Giá, nêu gương đạo đức không có Thập Giá, tuyên xưng một Đức Kitô không có Thập Giá, thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những ngưởi đời. Chúng ta có thể là Giám Mục, Linh mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.

          Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn tranh cãi nhau về vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46). Não trạng thích làm lớn, làm đầu hơn là phục vụ lúc này sẽ giúp cho chúng ta hiểu vì sao các môn đệ chưa hiểu được lời của Chúa Giêsu. Và các ông còn cản bước trước con đường mà thầy nhất quyết tiến lên Giêrusalem để chấp nhận trao nộp vào tay các nhà lãnh đạo Do Thái giáo.

          Một lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Chúa Giêsu, đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Chúa Giêsu đến trong vinh quang, các ông đã quên việc Ngài phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã. Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11), và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Israel ngay lập tức (Lc 24, 21).

          Ngay sau khi Chúa Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6) : “Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không ?” Khát vọng phục quốc là khát vọng dễ hiểu nơi những con người đang bị đô hộ bởi ngoại bang này. Các ông nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy, nhưng thật ra là mong đợi vinh quang cho chính mình. Bằng chứng là hai anh em nhà Giêbêđê xin được ngồi bên hữu và bên tả khi Thầy đến trong vinh quang mà.

          Họ bị ám ảnh về quyền lực, vinh quang và khát vọng phục quốc, nên việc Chúa Giêsu tiên báo về sự bại trận là điều họ khó hiểu và chấp nhận.

          Không như các môn đệ trong bối cảnh và tâm trạng lúc ấy, chúng ta có thể hiểu con đường của Chúa Giêsu đi, đó là con được của khổ giá và cái chết đau thương trên thập tự. Nhưng coi chừng chúng ta cũng như các môn đệ sẽ không hiểu được con đường của Chúa Giêsu khi chúng ta không chấp nhận mầu nhiệm  khổ nạn xảy đến ngay trên chính cuộc đời của mình. Coi chừng chúng ta cũng thốt lên những lời chua chát, như triết gia vô thần hiện sinh J.P Satre : “Cuộc đời này thật phi lý” khi gặp những đau khổ xảy đến.

          Kitô giáo đã không dạy chúng ta con đường tránh đau khổ, cũng không dạy chúng ta đi tìm đau khổ. Đau khổ và cái chết, tự bản chất là một mầu nhiềm và chúng ta chỉ có thể hiểu được nó sau khi vượt qua khỏi cuộc đời này. Điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta là Ngài đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung, và biến nó thành ơn cứu độ cho con người. Nơi thập giá chúng ta đã nhận ra tình yêu lớn lao và ơn tha thứ vĩ đại như thế nào của Thiên Chúa trao ban cho con người.

          Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.

          Các môn đệ chỉ hiểu được tất cả những lời của Chúa Giêsu khi Ngài từ cõi chết chỗi dậy và hiện ra với các ông. Ngày hôm nay người tin cũng đang sống trước mầu nhiệm phục sinh trong cuộc đời mình. Những ước mong chúng ta dễ dàng đón nhận những thập giá xảy đến trong cuộc đời với niềm hy vọng lớn lao là chúng ta đang thông phần mầu nhiệm khổ nạn của Chúa. Và như thế chắc chắn chúng ta sẽ được chung phần vinh quang phục sinh với Ngài.

513    24-09-2019