Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Exultet – Bài công bố Tin mừng Phục Sinh

EXSULTET – Bài công bố Tin mừng Phục Sinh

 

Một trong những lễ nghi đặc sắc của Thánh lễ Vọng Phục sinh là phần Phụng vụ Ánh sáng hay Nghi thức Thắp nến Phục sinh trong đó có việc công bố Tin Mừng Phục sinh, tức công bố bài Exultet1 hay Exsultet [bởi động từ exsultare có nghĩa là nhảy mừng, hân hoan, vui sướng]. Bài công bố Tin Mừng Phục sinh được gọi là Exultet hay Exsultet vì đây là từ đầu tiên của bài thánh ca này. 2

Bài ca Exsultet được cất lên trong phần khai mạc trọng thể đêm canh thức. Cụ thể là sau nghi thức làm phép lửa mới, chuẩn bị nến phục sinh và cuộc rước vào thánh đường dưới ánh nến phục sinh. Trong suốt thời gian hát bài Exsultet, các tín hữu cầm nến sáng trong tay và hiệp thông với niềm hân hoan của tác viên công bố bằng lời thưa Amen. Bài ca Exsultet kết thúc phần Phụng vụ Ánh sáng.

Nguồn gốc

Theo truyền thống tôn giáo Do Thái, người ta hát hay đọc những lời chúc tụng Thiên Chúa khi đốt đèn. Vào bữa ăn tối thứ Sáu nhằm khai mở cử hành ngày Sabat, người Do Thái có nghi thức thắp đèn nến đi kèm với lời nguyện, trong đó gợi lại những hồng phúc của Thiên Chúa. Lời nguyện này cũng bao gồm sự dẫn giải về ý nghĩa của ánh sáng. Đối với những người Kitô hữu đầu tiên, đặc biệt tại cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái, họ vẫn tiếp tục thực hành tập tục này, chỉ khác là diễn giải theo đường hướng Kitô giáo. Họ thấy trong ánh sáng biểu tượng của Chúa Kitô là Đấng chiếu sáng bóng tối của thế gian. Từ thực hành tại tư gia, nghi thức này phát triển thành nghi thức cộng đồng, rồi được thực hành cả bên Đông lẫn bên Tây phương. Để chào đón ánh sáng ban đêm và cho ánh sáng này một ý nghĩa Kitô học, người ta hát một bài thánh ca cổ gọi là “Phos hilaron” được dịch ra tiếng Latinh là “Lumen Hilare” vốn được ghi lại lần đầu tiên trong Sách Apostolica Constitutio (8, 35).3 Bà Egeria ghi trong cuốn nhật ký [khoảng năm 385] rằng, tại Giêrusalem, cứ 4 giờ chiều mỗi ngày, một đám người rất đông quy tụ tại nhà thờ Phục sinh (Anastasis), họ đốt lên những ngọn đuốc và đèn cầy. Sau đó, họ hát “Thánh vịnh Lucernare” (Thánh vịnh 140) và những kinh nguyện khác.4 Từ thực hành hằng ngày này trong thế kỷ IV- V, phụng vụ ánh sáng với bài ca Exsultet đã được đưa vào lễ Vọng Phục sinh và làm cho phù hợp với dịp chúc tụng ánh sáng rất trọng thể và đặc biệt này trong đêm Vọng Phục sinh.

Theo dòng lịch sử, người ta thấy nghi thức thắp nến và hát công bố niềm vui phục sinh là một phần trong cử hành lễ Vọng tại Châu Phi và Bắc Ý, có lẽ cả Tây Ban Nha và xứ Gaule nữa (hồi thế kỷ IV). Việc hát một bài thánh ca ngợi khen nến (laus cerei) và mầu nhiệm phục sinh đã được đề cập trong bức thư của thánh Jerome vào năm 384 (378?) gởi cho thầy phó tế Presidio ở Piacenza (Italia).5 Thánh Augustino cũng đã viết một bài chúc tụng nến phục sinh (laus cerei) như được đề cập trong tác phẩm “Thành đô Thiên Chúa”.6 Có một bài chúc tụng phục sinh hồi thế kỷ IV-V được gán cho thánh Ambrosio là tác giả và hiện vẫn được sử dụng trong Giáo Hội Milan. Giám mục thành Pavia là Ennodius (mất năm 521) được tôn vinh là vị thánh đã để lại cho Giáo Hội hai bài công bố phục sinh. Thế kỷ VI-VII, chúng ta biết đến một bài “chúc tụng phục sinh Gelasiano” trong Sacramentarium Gelasianum. Cuối cùng, một bài ca ngợi phục sinh khác nữa của Giáo Hội Tây Ban Nha được cho là của Isiore thành Servilla (560-636).7

Bản văn trang trọng và đậm chất thơ phú của thánh thi Exsultet được sử dụng ngày nay bắt nguồn từ thế kỷ IV-V, không rõ ai là tác giả, nhưng nhiều người tin là của thánh Ambrosio (333-397). Nơi xuất phát bài Exsultet có thể là vùng Bắc Ý hay vùng Nam của Pháp, chúng được cất lên trong một số nhà thờ ở Roma vào thế kỷ VII và trở nên một thành phần trong phụng vụ giáo hoàng hồi thế kỷ XI.8

Bài chúc tụng phục sinh đã có nhiều tên gọi khác nhau từ thời Trung cổ cho tới nay: i] Ngợi khen nến (laus cerei); ii] Chúc tụng nến (benediction cerei); iii] Thánh hiến nến (consecratio cerei). Trong cuộc cải tổ phụng vụ Tuần Thánh năm 1955, Đức Pio XII đã thay đổi tên gọi thành “chúc tụng phục sinh” hay “công bố phục sinh” (praeconium paschale). Tên gọi này tiếp tục được sử dụng trong Sách lễ của Vatican II như hiện nay.

Cấu trúc

Bài ca Exsultet được chia làm hai phần: i] Lời ca tụng dâng lên Thiên Chúa, gợi hứng từ ánh lửa huy hoàng đang chiếu soi toàn thể thánh đường và ánh lửa đó là Chúa Kitô chiếu soi khắp tứ phương thiên hạ; ii] Lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa Cha toàn năng, gợi hứng từ biến cố vượt qua của Chúa Kitô, được lồng khung trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa và dưới hình ảnh của một đêm diễm phúc: đêm tưởng niệm Chúa giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, họ tiến qua giữa lòng Biển Đỏ khô cạn cách lạ lùng; đêm kính mừng Đức Kitô khải hoàn chiến thắng vinh quang, bẻ tung mọi xiềng xích, xua đuổi hết tội khiên, tẩy sạch mọi vết nhơ, người có tội được sạch trong, kẻ ưu phiền được sướng vui hân hoan; đêm xóa tan mọi bóng tối nhân gian, phá tan hận thù cùng oán ghét, mang lại hòa thuận, yêu thương, khuất phục mọi quyền bính thế gian…

Bài ca Exsultet bắt đầu với giáo huấn về niềm vui. Tiếp đó, bài Exsultet giống như một lời mời gọi cả đất trời kết giao với nhau, hòa nhập cùng Hội Thánh để mừng đêm hồng phúc đầy hân hoan và vui sướng này trong ánh quang vinh của Vua muôn đời chói sáng. Tác viên công bố trong phẩm phục màu trắng vừa như gợi lại quang cảnh thiên thần đứng bên mộ Chúa mà loan báo tin vui “Chúa đã trỗi dậy rồi”, “Đừng có gì phải sợ” (x. Mt 28, 5), vừa như hướng đến hình ảnh của thiên thần thứ bảy thổi loa trong sách Khải huyền: “Vương quyền trên cả thế gian đã thuộc về Chúa chúng ta và Ðức Kitô của Người. Và Ngài sẽ làm vua đời đời kiếp kiếp!” (Kh 11, 15).

Bài ca tụng ánh sáng này giúp chúng ta liên tưởng đến Bí tích Thánh tẩy và Hy tế Thánh Thể sẽ được cử hành trong chốc lát ngay sau phần Phụng vụ Phép Rửa. Đây là hai Bí tích chủ yếu vì được khơi nguồn trực tiếp từ mầu nhiệm vượt qua mà ánh sáng chan hòa đêm nay là biểu tượng.9

Mục vụ phụng vụ

Thông thường, bài Exsultet được công bố bởi phó tế hay linh mục [trong trường hợp không có phó tế]. Nếu là phó tế, thầy đến xin chủ tế ban phép lành trước khi công bố như khi hát hay đọc Tin Mừng trong Thánh lễ.

Tuy nhiên, không phải mọi linh mục và phó tế nào cũng có chất giọng tốt để thể hiện bài Exsultet. Do vậy, cần can đảm chọn lựa những ai có giọng hát hay và có đời sống Kitô hữu thực sự để công bố Tin Mừng Phục sinh một cách trang trọng và làm cho mọi người nhận ra ý nghĩa của đêm canh thức này. Khi một ca viên không phải là phó tế công bố bài Exsultet, họ không cần xin phép lành của linh mục chủ sự như phó tế.

Bài Exsultet được hát tại giảng đài [như một chọn lựa ưu tiên hơn] hay tại một cái bục trong cung thánh.

Đây là bài công bố Tin Mừng, nên phải liệu làm sao để có thể hát lên, với một điệu nhạc mang tính cách vui tươi trang trọng, cho thấy cảnh chiến thắng oai hùng của Chúa Kitô vinh thắng. Đồng thời cũng cho thấy cảnh đêm đen còn phảng phất và điều này làm sáng tỏ thêm chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh. Việc đọc bài thánh thi Exsultet này sẽ làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa..

Khi hát bài Exsultet, phó tế [hay linh mục] xông hương Sách Exsultet như xông hương Sách Tin Mừng và xông hương cả nến phục sinh nữa. Mọi người cầm nến sáng trong tay để nói lên niềm vui và tin nhận Chúa Kitô là ánh sáng soi chiếu trần gian. Trong khi cử hành cần phải gây nên sự chú ý và sốt sắng nơi dân chúng, vì đây không phải là nghi lễ làm thường ngày mà mỗi năm chỉ diễn ra một lần.

Nội dung của bài thánh thi nói tới đêm đen… Vì thế buổi cử hành cần được diễn ra theo thời khắc đã được ghi trong Sách lễ Rôma, tức là sau khi mặt trời lặn [lúc màn đêm đã buông xuống] và kết thúc trước khi hừng đông xuất hiện.

Lm. Giuse PHẠM ĐÌNH ÁI, SSS

_________________________________________

1 Từ “Exultet” được sử dụng trước những năm 1920.

2 Bản gốc Latinh là “Exultet iam angelica turba caelorum...”; bản hiện nay là “Exsúltet iam angélica turba clórum...

3 Xc. Bernard Raas, SVD, Liturgical Year, vol. 1 (Philippines: Logos Publications, Inc, 2006), 53.

4 Egeria, Chapter 24 trong Bernard Raas, SVD, Liturgical Year, vol. 2, 194.

5 Xc. Edward McNamara, “On Pontifical Masses, and the Exultet” trong The ZENIT Daily Dispatch (ROME, 18 MARCH 2008 ) và Jerome Gassner, OSB, “The Exultet” trong The Liturgical Press (March 23rd, 1947) <1997 EWTN Online Services>.

6 Xc. De Civ. Dei, XV, xxii.

7 Xc. Bernard Raas, SVD, Liturgical Year, vol. 2, 194-195 và Charlton Walker, “Exultet”, The Catholic Encyclopedia, vol. 5 (New York: Robert Appleton Company, 1909) [10 Mar. 2016] <http://www.newadvent.org/cathen/05730b.htm>.

8 Xc. P. Jounel, “Sunday and the Week” trong A. G. Martimort (ed), The Church at Prayer: The Liturgy and Time, vol. IV (Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 37 và Edward McNamara, “On Pontifical Masses, and the Exultet” trong The ZENIT Daily Dispatch (ROME, 18 MARCH 2008 ).

9 Xc. Trần Ngọc Quỳnh, Năm Phụng Vụ (Sài Gòn: Tủ Sách Đại Kết, 1996), 94.

1427    03-04-2021