Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Gắng gỏi để sống trong giây phút hiện tại


11


Trong những năm cuối đời, Thomas Merton đã ẩn cư để cố gắng tìm cô tịch hơn trong đời sống. Nhưng cô tịch là một điều hết sức khó nắm bắt, và ông nhận thấy rằng nó liên tục chạy trốn ông.

Tuy nhiên, một buổi sáng nọ, ông có cảm nhận, ít nhất vào giây phút đó, ông đã tìm thấy nó. Nhưng cái mà ông trực nhận là điều hơi bất ngờ đối với ông. Hóa ra, sự cô tịch không phải là một trạng thái khác nào đó của sự tỉnh thức hay thậm chí một cảm giác thăng hoa nào đó về Chúa hay về tính siêu việt trong đời sống chúng ta. Sự cô tịch, như ông trực nhận, là trung thực trọn vẹn trong chính da thịt mình, trong giây phút hiện tại, cảm nhận tri ân trước sự phong phú bao la chứa đựng trong cuộc sống bình thường của con người. Cô tịch bao gồm sự hiện diện đủ trong chính đời sống của mình để trực nghiệm những gì đang ở đó.

Nhưng nó chẳng dễ dàng. Hiếm khi chúng ta thấy mình thật sự ở trong phút giây hiện tại. Tại sao? Do cái cách chúng ta đã được tạo nên. Chúng ta đã được nạp quá nhiều năng lượng để sống trong thế giới này. Khi Chúa đặt chúng ta vào thế giới này, như tác giả sách Giảng Viên nói, Người đã đặt “phi thời gian tính” vào trái tim chúng ta, vì vậy chúng ta không dễ dàng gì hòa điệu với cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta đọc được điều này trong đoạn văn nổi tiếng về giai điệu các mùa trong sách Giảng Viên. Mọi thứ đều có một thời và một mùa để làm, chúng ta được bảo như vậy: Một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành…, và cứ như vậy. Nhưng sau khi liệt kê cái giai điệu tự nhiên về thời và các mùa này, tác giả kết thúc với những lời sau đây: Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc, nhưng lại đã đặt phi thời gian tính vào trái tim con người để cho con người không đồng điệu với thế gian này từ đầu chí cuối.

Từ trong tiếng Do Thái để diễn tả “phi thời gian tính” là Ha olam, một từ chỉ “vĩnh hằng” và “siêu việt”. Một số bản dịch tiếng Anh đã diễn đạt như thế này: Chúa đã đặt cảm giác về quá khứ và tương lai vào trái tim chúng ta. Có lẽ nói như vậy là cách nắm bắt sự việc tốt nhất, ít nhất là xét cái cách chúng ta thường trực nhận điều đó trong cuộc sống.

Từ trải nghiệm của mình, chúng ta biết ở trong phút giây hiện tại là khó đến mức nào, bởi vì quá khứ và tương lai không để chúng ta yên. Chúng mãi mãi nhuốm màu lên hiện tại. Quá khứ ám ảnh với những bài hát ru và giai điệu mơ hồ nửa quên nửa nhớ thỉnh thoảng vụt lên trong ký ức, với những tình yêu đã tìm thấy được và đã mất, với những vết thương lòng không bao giờ lành da non, và với những nỗi thao thức hoài niệm, tiếc nuối, và mong mỏi níu giữ một điều gì đó đã qua. Quá khứ mãi mãi gieo nỗi bất an vào giây phút hiện tại.

Và tương lai lại cũng len lỏi vào hiện tại, đổ cái bóng lờ mờ của hứa hẹn và đe dọa, luôn luôn đòi chúng ta phải chú ý, luôn luôn gieo lo lắng vào đời sống, và luôn luôn tước đi của chúng ta cái khả năng đơn giản là đắm mình trong hiện tại. Hiện tại mãi mãi bị nhuốm màu bởi ám ảnh, những cơn đau của tâm hồn và trí óc, những nỗi lo lắng mà hầu như chẳng liên quan gì đến với những người đang ở bên cạnh chúng ta.

Các triết gia và thi sĩ đã gọi nó bằng nhiều tên khác nhau: Plato gọi nó là “cơn điên đến từ các thần”; các thi sĩ Hindu gọi nó là “nỗi hoài niệm về cái vô hạn”; Shakespeare nói về “những nỗi khát khao bất diệt”, còn Augustin, mà có lẽ nhiều người biết tới cách nói này của ông nhất, nói rằng nó là một nỗi bất an vô phương cứu chữa mà Chúa đã đặt vào trái tim con người để nó không thể tìm thấy bình an trong bất cứ điều gì ở thấp dưới cái vô hạn và vĩnh hằng: Chúa đã tạo ra chúng con cho chính Chúa, và trái tim chúng con sẽ không bình an chừng nào nó chưa tìm về yên nghỉ bên Chúa.

Và như vậy, rất khó để sống bình an cái phút giây hiện tại của đời sống chúng ta, bình an trong chính con người chúng ta. Nhưng sự “day dứt” này, như T.S. Eliot từng nói, là có mục đích của nó. Henri Nouwen, trong một đoạn văn nổi bật vừa nhận diện những nỗ lực gắng gỏi này vừa nêu mục đích tối thượng của nó, đã nói như sau: Cuộc sống chúng ta là  khoảng thời gian ngắn mong chờ, là thời gian trong đó nỗi buồn và niềm vui trộn lẫn với nhau trong từng giây phút. Có một tính cách buồn bao phủ mọi khoảnh khắc của đời sống chúng ta. Dường như không hề có cái gì là niềm vui tinh khôi trọn vẹn, mà thậm chí trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc hiện sinh, chúng ta vẫn thấy gợn buồn. Trong mọi nỗi hài lòng, đều có sự nhận biết về các giới hạn. Trong mọi thành công đều có nỗi sợ hãi bị tị hiềm. Đằng sau bất cứ nụ cười nào đều có nước mắt. Trong mỗi vòng tay ôm đều có nỗi cô đơn. Trong mọi tình bằng hữu đều có khoảng cách. Và trong mọi dạng thể của ánh sáng, đều có ý thức về bóng tối vây quanh. Nhưng khi ý thức sâu xa rằng mỗi mảnh sự sống đều có một mảnh của sự chết thì ý thức này có thể hướng chúng ta vượt lên trên những giới hạn của cuộc hiện sinh. Nó có thể làm như vậy bằng cách khiến chúng ta mong tới cái ngày trái tim chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui trọn vẹn, một niềm vui mà sẽ không ai tước đi được khỏi chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch

803    21-11-2017