Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Ghen tương bẩm sinh và lời mời gọi vượt lên cao

 

Tất cả các bạn đều yêu thương nhau, còn tôi bị loại ra ngoài! Theo Robert Moore, cảm nhận này, nỗi sợ đặc biệt này là căn bản của tính ghen tương.

Đó là nỗi sợ của Ca-in, nhân vật mẫu đầu tiên giết người vì ghen tương của Thánh Kinh. Cái gì gợi lên lòng ghen ghét nơi Ca-in? Dù nói thế nào đi nữa, trong lòng chúng ta vẫn nghĩ: Chúa thích A-ben và lễ vật của A-ben, Chúa không thích Ca-in và lễ vật của Ca-in. Dù lý do dì đi nữa, đối với Ca-in, mọi người yêu thương nhau, còn tôi bị loại ra ngoài!

Và Thánh Kinh nói, ghen tương đã biến Ca-in thành kẻ giết người, và tôi ngờ, lý do giết người giống nhau này có mặt ở các vụ giết người hàng loạt như các vụ xảy ra ở trường Đại Học Kỹ Thuật Virginia, ở Colombine, gần đây ở Đức và ở Alabama. Các kẻ giết người luôn luôn đơn độc, đơn độc một cách hiểm nguy, chắc chắn họ cũng suy nghĩ như Ca-in, thấy quà tặng của người khác được chấp nhận, còn mình thì không. Hình như, tất cả các người khác đều  yêu thương lẫn nhau, còn họ bị loại ra ngoài.

Hơn nữa, những gì chúng ta thấy khủng khiếp trong các vụ giết người hàng loạt thường chính là những người trong nội bộ, trong khuôn khổ nhỏ bé của chúng ta. Vì ghen tương, chúng ta cũng là những kẻ giết người, có điều chúng ta giết người không cần vũ khí. Chúng ta giết với tư tưởng và lời nói.

Cha Henri Nouwen nói trong một lời cầu nguyện: Người nào dùng súng giết người, thì trước hết họ đã dùng câu nói để giết, người nào dùng câu nói để giết thì trước hết họ đã dùng tư tưởng để giết. Cha nói đúng. Chúng ta giết người trong tư tưởng mỗi lần chúng ta nói thầm trong lòng: “Hắn là ai mà hắn nghĩ vậy! Cô tưởng cô thông minh gớm! Hắn nghĩ hắn là con cưng của Chúa! Bà ấy tự phụ quá!” Ai trong chúng ta đã không từng dự một buổi thuyết trình, một buổi họp giáo xứ, một bữa ăn với gia đình, với bạn bè, hay bất cứ một buổi họp nào mà không giống như những tên làm thịt người ở Columbine hay Virginia Tech, bỗng nổi khùng tuôn một tràng đạn giận dữ ghen tương lên buổi họp? Khi chúng ta bị thương tổn như Ca-in, khi quà tặng của chúng ta không được chấp nhận như quà tặng của người khác, khi mọi người yêu thương lẫn nhau, còn mình thì bị loại ra ngoài, thì xung động tức khắc sẽ là giết người bằng lời, bằng tư tưởng, bằng thái độ.

Điều gì phải nên làm? Làm sao chúng ta sống vượt lên ghen tương và cảm nhận mình bị loại trừ?

Việc đầu tiên là chúng ta chấp nhận mình có ghen. Đây không phải là vấn đề đau khổ hay không đau khổ vì ghen, nhưng mình làm gì với tính ghen tương của mình. Chúng ta tất cả đều đau khổ vì ghen tương, các suy nghĩ cay đắng và giết người có thể phát xuất từ đó.

Một khi chúng ta chấp nhận mình có ghen tương là chúng ta đã đứng lên trên nó và giải quyết tính ghen tương của mình như một thách đố về mặt đạo đức và thiêng liêng lớn nhất đời chúng ta. Đó không có gì là quá đáng.

Khi suy gẫm sự thương khó của Chúa Giêsu trong vườn Giết-xê-ma-ni, cuộc thương khó mà Chúa Giêsu chiến đấu để cho chúng ta cái chết của Người, cũng như Người đã cho chúng ta trọn cuộc đời của Người thì chúng ta thấy đây là cuộc thương khó vì tình yêu, không phải tình yêu về mặt thể lý. Khác với cuốn phim Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu của đạo diễn Mel Gibson, Sách thánh không nhấn mạnh đến đau đớn thể xác, đúng ra, gần như họ không viết đến. Điều họ nhấn mạnh là nổi cô đơn vừa tinh thần vừa xúc cảm trong lòng, khoảng cách xa giữa Chúa Giêsu và những người chung quanh, cảm thấy mình bị cắt đứt với những người chung quanh, không ai hiểu mình, bị gạt ra ngoài vòng thân thiết của nhân loại. Sách Thánh nói với chúng ta Người “như cục đá chúng ta dùng để ném đi”, một tình trạng mà Gil Bailie cho rằng “đồng nhất trừ một.”

Khi gần chết, kinh nghiệm trần thế của Chúa Giêsu giống như tâm trạng của Ca-in. Món quà tặng của Người hình như không được chấp nhận. Người cảm thấy mình bị cô lập hoàn toàn, một hình thức loại trừ, hiểu lầm, là bia của hận thù. Chắc chắn khuynh hướng tự nhiên của con người sẽ là cay đắng, giận dữ, tủi thân, hận thù. Nhưng Chúa Giêsu hành động khác Ca-in và câu trả lời cho cảm xúc cay đắng chắc chắn dâng trào trong lòng Người, chính là sự hy sinh đích thực của Người và đó là thách đố tinh thần rất lớn mà Người đã để lại cho chúng ta:

Bị ghen tương đố kỵ, hận thù, hiểu lầm bao vây, Người vẫn tin tưởng tận hiến cuộc đời. Khi mọi chuyện xoay chiều về cay đắng, Người hướng tâm hồn về lòng nhân hậu. Khi mọi chuyện xoay chiều về giận dữ, Người hướng lòng về yêu thương. Khi mọi cánh cửa đều đóng, Người mở lòng ra, luôn luôn cho thấy mình yếu mềm để người khác có thể đến với Người. Khi mọi người lạnh lùng, cuồng hoảng, nguyền rủa, người củng cố, chúc phúc, Người vẫn tin tưởng, nhiệt thành. Chúng ta sẽ hành động như thế nào khi tình yêu của mình thành cay đắng, thành thảm kịch của tình yêu. Ca-in cho chúng ta một câu trả lời. Chúa Giêsu cho một câu trả lời khác.

Đâu là câu trả lời của chúng ta khi chúng ta cảm thấy “những người chung quanh thương nhau còn mình thì bị loại trừ”?

J.B. Thái Hòa dịch

908    14-10-2017