Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Gia đình Loan Báo Tin Mừng

Gia đình Loan Báo Tin Mừng


 
( Đề tài chia sẻ “Đồng hành với người trẻ trong đời sông hôn nhân” )

Dàn bài:

Loan báo Tin Mừng là gì?

Tại sao Gia đình phải loan báo Tin Mừng?

Đâu là những phương thức cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng đối với các gia đình trong thế giới ngày nay?

Kết luận:

 

giadinh.jpg 

 

I.          Loan báo Tin Mừng là gì?

 

Loan báo Tin mừng là sống những điều Chúa Giê-su dạy trong Tin Mừng mà chúng ta nghe trong các thánh lễ, cũng như thực hành các giới luật của Người nơi môi trường sống thường ngày của chúng ta. Loan bao tin Mừng là thi hành sứ vụ hay lệnh truyền của Đức Giê-su Ki-tô: “Anh Em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, Loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Loan báo Tin Mừng là tìm cách sống và thực hành trong mọi môi trường nhằm Tin Mừng của Chúa được toả lan, nhằm “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện…”.

 

II.         Tại sao gia đình phải Loan báo Tin Mừng?

 

Vì Loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo hội, Công Đồng Vat. II diễn đạt về Giáo Hội như sau: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo (thừa sai), vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG 2). Không ai tự loại mình ra khỏi sứ vụ Loan báo Tin Mừng, nhưng đã lãnh nhận Bí tích rửa tội là đều có bổn phận và trách vụ trong việc giới thiệu Chúa/ Tin Mừng cho mọi người ở mọi nơi trong mọi lĩnh vực. Chính vì thế, Gia đình công giáo là bao gồm các thành viên đã được rửa tội thì càng phải ý thức trách nhiệm Loan báo Tin Mừng ngay từ trong gia đình mình rồi từ đó lan toả ra bên ngoài.  (Hữu xạ tự nhiên hương). (Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Sống là lan toả, là cho đi và triển nở, nên gia đình công giáo không được phép khép kín, giữ riêng cho gia đình ân huệ được đón nhận từ Chúa nhưng hãy biết trao ban và loan đi. ( Hình ảnh anh thanh niên bị quỷ ám được chữa lành: “Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào. Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.” ( Mc 1, 18-20).

 

CÂU CHUYỆN: VIÊN NHẠC SĨ VÀ CHIẾC VĨ CẦM QUÍ GIÁ

 

PHÍT KÂY-DƠ-LÊ (fritz kreisler) (1875-1962) là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã tạo được một tài sản đồ sộ nhờ các buổi hòa nhạc và soạn nhạc, nhưng lại hào phóng cho đi gần hết những của cải kiếm được. Do đó, trong một chuyến đi lưu diễn, ông phát hiện ra một cây vĩ cầm rất đẹp và âm thanh của nó nghe thật tuyệt vời, nhưng ông lại không có đủ tiền để mua ngay. Sau một thời gian để dành, khi ông mang tiền đến mua thì cây vĩ cầm kia đã được bán cho một nhà sưu tầm nhạc cụ. Phít theo địa chỉ tìm đến chủ nhân mới của cây vĩ cầm để xin được mua lại. Nhà sưu tầm lúc đầu không muốn bán, vì theo ông ta cây đàn này là một bảo vật quí giá. Phít cảm thấy chán nản thất vọng. Tuy nhiên trước khi ra về, ông nảy ra sáng kiến và nói với người chủ mới của cây đàn như sau: “Tôi xin phép được chơi một bài trước khi cây đàn này bị rơi vào cỏi thinh lặng”. Được chủ nhân đồng ý, viên nhạc sĩ tài ba này đã làm cho ông chủ cây đàn vô cùng xúc động khi nghe được tiếng đàn du dương réo rắt của nó qua bàn tay tài hoa của ông, đến nỗi ông ta đã phải thốt lên: “Này Kây-dơ-lê ơi! Tôi không có quyền giữ cây đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới, để thiên hạ được thưởng thức âm thanh tuyệt vời của nó”.

 

III.        Đâu là những phương thức cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng đối với các gia đình trong thế giới ngày nay?

 

Sống yêu thương là cách loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả nhất vì “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10), vì “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13,35). Chúng ta lắng nghe câu chuyện cảm động sau đây để mỗi thành viên trong gia đình biết sống cho nhau. Đó phải chăng là cách Loan báo Tin Mừng?

 

Câu chuyện: QUẢ CAM YÊU THƯƠNG

 

Ở ngôi làng nọ có một gia đình nghèo có 3 người: bố, mẹ và cậu con trai. Họ bên nhau rất đầm ấm, người Bố đi làm thuê để kiếm cơm gạo nuôi gia đình, người mẹ lo việc đồng áng, bếp núc và chăm sóc con.

 

Một hôm, người mẹ đi làm đồng về nhặt được một trái cam ai đó đánh rơi bên đường, cơn khát và mệt nhọc dường như tiêu tan khi bà nghĩ đến những múi cam ngọt lịm và mọng nước. Nhưng nghĩ đến cậu con trai ngoan ngoãn chẳng mấy khi được ăn hoa quả, bà liền lau sạch trái cam và cất vào túi.

 

Về đến nhà, bà gọi: Con trai ngoan của mẹ, nhìn xem mẹ có gì cho con này!

 

Đang học bài, cậu bé ngước ngước lên rồi hò reo sung sướng: Ôi, mẹ mua cho con ạ? Trái cam ngon quá, con cám ơn mẹ.

 

Người mẹ cảm động thầm cảm ơn ai đó đã vô tình đánh rơi trái cam để bà được tận hưởng niềm vui sướng hạnh phúc khi đã biết nhịn cơn khát và dành phần trái cam ngon ngọt cho con mình. Còn cậu bé, vừa hít hà hương thơm dịu dịu, vừa ngắm nghía màu sắc vàng tươi của trái cam, cậu nghĩ: Mẹ thương mình biết bao khi mua trái cam ngon ngọt dường này, mình phải ngoan ngoãn vâng lời mẹ. Chợt nghĩ đến Bố giờ này đang vất vả làm việc, cậu ngập ngừng đôi chút rồi nhẹ nhàng xé mẩu giấy viết: “Bố ơi, con yêu Bố lắm, chắc Bố đang rất mệt vì làm việc cả ngày, Bố ăn trái cam này cho đỡ mệt Bố nhé.” Rồi cậu gắn mẩu giấy lên trái cam và cho vào góc tủ, nơi bố thường cất mũ mỗi khi đi làm về.

 

Chiều muộn, người bố đi làm về cởi áo khoác ngoài, treo mũ vào góc tủ, ông tròn xoe mắt, xúc động đọc những nét chữ ngây thơ của cậu con trai, ông hôn cả mảnh giấy và trái cam xinh xắn như muốn cảm ơn đứa con yêu quý. Nhìn xuống bếp, thấy vợ đang lúi húi công việc, ông thấy thương người phụ nữ nhỏ bé, suốt ngày bận rộn để chăm sóc cho hai bố con mà không bao giờ phàn nàn kêu ca, ông cảm thấy mình mang ơn vợ biết bao.

 

Nhẹ nhàng đến bên cạnh và choàng tay ôm vợ, ông ghé tai nói nhỏ: Cám ơn em, cha con anh cám ơn em, anh cho em này.

 

Và ông đưa trái cam cho vợ. Người vợ bật khóc khi nhận ra đây chính là trái cam mình đã đưa cho cậu con trai. Bữa cơm tối hôm đó vẫn vui vẻ, hạnh phúc như bao bữa cơm khác nhưng ngọt ngào hơn với hương vị của trái cam tình yêu họ dành cho nhau.

 

1.         Gia đình, môi trường gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau.

 

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15, 4-5). Ngoài việc, tham dự kinh nguyện lễ lạy tại nhà thờ, mỗi thành viên trong gia đình cũng được mời gọi gặp gỡ Chúa nơi gia đình mình trong kinh sáng kinh tối. Giờ kinh gia đình là giờ linh thiêng và đẹp đẽ để quy tụ cũng như giúp nhau thăng tiến trong đời sống gia đình. Mỗi người cầu nguyện cho nhau và cùng nhau chia sẻ Lời Chúa trong gia đình là cách thức giúp nhau củng cố đức tin và tìm được niềm vui nơi Chúa. Vì Chúa là chủ của gia đình. Không có Chúa, chúng ta chẳng làm nên trò trống gì cả. Tiền bạc ư? Không ăn thua. Mọi thú vui khác ư? Cũng nhanh chóng trôi qua. Quả thật, “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.” (Tv 62, 2). Vì thế, gia đình chỉ thật sự tồn tại và muốn trở nên gia đình Loan báo Tin Mừng thì gia đình đó tiên vàn là gia đình cầu nguyện, gia đình có Chúa ở cùng. Cũng vậy, để các thành viên trong gia đình nối kết và hoà thuận với nhau một cách mật thiết thì cần gắn kết với Chúa như cành nho gắn kết với cây nho mới có sự sống và sinh hoa kết trái.

 

2.         Gia đình, cuốn sách Tin Mừng thứ 2 - giáo điểm truyền giáo

 

Từ những thành viên đã được Rửa tội, thuộc về Chúa Ki-tô, người bố, người mẹ, người con, được nối kết thành một gia đình, một mái ấm, hay nói cách khác trở thành một giáo điểm truyền giáo. Nơi đây, mỗi người cố gắng sống thật tốt bổn phận của mình để có sức thu hút người khác. Nơi đây, mỗi người hãy biết sống cho người khác thay vì chỉ sống ích kỷ, vô cảm. Nơi đây, mỗi người ý thức sống cho, sống vì và sống với người khác qua việc dấn thân để hy sinh và phục vụ nhau mà không biết mỏi mệt cũng như chán chường. Từ đó, nụ cười, sự bình an và niềm hạnh phúc của chồng là của vợ, của con là của cha mẹ, của cha mẹ là của con cái,…Từ đó, hơi ấm gia đình càng ấm lên bởi tình yêu quan tâm và sống cho nhau. Từ đó, hạnh phúc gia đình được nhân lên bởi không ai sống cho riêng mình nhưng biết quan tâm, sẻ chia cũng như cảm thông với nhau. Cũng nhờ đời sống yêu thương và quan tâm lẫn nhau như thế, gia đình công giáo mới đủ sức thu hút được các gia đình chung quanh, nhất là các gia đình anh chị em đồng bào chưa cùng niềm tin. Một câu hỏi được đặt ra: “Tại sao bao nhiêu năm trời sống bên nhau, gần nhau, nhưng người lương dân, các gia đình lương dân vẫn không có dấu hiệu hay được cảm hoá bởi đạo công giáo, bởi các gia đình công giáo?” Như thế, chúng ta phải xem lại cách sống đạo của chúng ta. Phải chăng vì rượu chè, cờ bạc, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình,…còn ẩn tàng quá nhiều bên trong gia đình công giáo? Phải chăng chuyện buôn gian bán lẫn, lừa dối, bất hoà bất thuận, tham lam, chiếm đoạt, trộm cắp, chôm chỉa, ngoại tình, hỗn láo mất nết, lỗi đức bác ái, lỗi đức công bằng,… đang xảy ra ngày càng nhiều nơi các gia đình công giáo? Như thế, làm sao chúng ta loan báo Tin Mừng cho người khác được? Làm sao cảm hoá người khác được? Làm sao thu hút người khác được? Quả thật, Gia đình công giáo được mời gọi trở nên cuốn sách Tin Mừng bằng đời sống, hay gọi là ‘cuốn sách Tin mừng thứ 2’ cho những anh chị em chưa cùng niềm tin đọc. Nghĩa là mỗi trang Tin Mừng phải là một hành động yêu thương, là một cử chỉ dễ thương, là một nụ cười, một lời hỏi thăm, một nghĩa cử quảng đại giúp đỡ tha nhân, một sự quan tâm và vị tha với nhau, là chăm sóc và thăm viếng nhau trong lúc hoạn nạn và khó khăn.

 

Tình yêu là yếu tố cần thiết trong đời sống hôn nhân: không có tình yêu thì không có hạnh phúc, nhưng kèm theo là bất hoà, bất thuận, hận thù, ghen ghét, đấu đá, khinh miệt, phá hoại cuộc đời của nhau…Khi gia đình không có tình yêu tồn tại, khi vợ chồng thiếu vắng hơi ấm tình yêu, là dấu hiệu vắng bóng của Thiên Chúa trong gia đình, trong cuộc đời của nhau. Thay vì chiếc nhận anh trao cho em để làm bằng chứng tình yêu, thì từ nay em hãy nhận ‘chiếc gậy’ này để làm bằng chứng…Không còn tình yêu thì không còn hạnh phúc. Không còn hạnh phúc thì không còn mái ấm gia đình. Khi gia đình bất hoà bất thuận là đã trở nên gương mù gương xấu cho nhau, cho con cái và cho những người chung quanh. Như thế, làm sao mà loan báo Tin Mừng được?

 

Vậy đâu là phương thức để giúp gia đình, giúp đời sống vợ chồng trở nên men, muối, là ánh sáng, là Loan báo Tin mừng trong môi trường sống: Một sự nhịn chín sự lành, chín bỏ làm mười. Mỗi người trong gia đình biết sống: khiêm nhường, biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi, tha lỗi. Mỗi người thương yêu gần gũi nhau bằng việc làm: nhẫn nhục - hoà giải, gương lành – dưỡng dục, tin cậy – cởi mở, chấp nhận lẫn nhau, cảm thông lắng nghe, xin lỗi – cám ơn, quảng đại tha thứ, xây dựng nước Chúa.

 

Kết luận: Gia đình loan báo Tin Mừng là gia đình có Chúa qua việc siêng năng chạy đến với Chúa qua cầu nguyện, thánh lễ, việc đạo đức khác. Gia đình có Chúa là gia đình hạnh phúc và bình an. Gia đình bình an là gia đình yêu thương. Gia đình yêu thương là gia đình Loan báo Tin Mừng. Cầu mong cho tất cả chúng ta đang hiện diện ý thức bổn phận và trách nhiệm của việc Loan báo Tin Mừng của riêng mỗi người. Vì đó là mệnh lệnh, là bản chất của Giáo hội, của mỗi chúng ta. Như Thánh Phaolô, chúng ta cũng mạnh dạn thốt lên rằng: Khốn thân tôi nêu tôi không Loan báo Tin Mừng. Hy vọng rằng với cuộc gặp gỡ đầy chớp nhoáng này phần nào giúp ích cũng như thúc bách chúng ta ngoài việc lo lắng cho cơm áo gạo tiền trong gia đình, chúng ta cũng phải sống chứng nhân trong mọi nơi mọi lúc và mọi lĩnh vực, là loan báo Tin Mừng cho mọi dân mọi nước. Amen.

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

1154    12-03-2021