Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Gia đình như một tế bào của xã hội, nhìn theo quan điểm hệ thống - 2

  • Mười nguyên lý của học thuyết hệ thống

 

Hệ gia đình, vốn là một hệ thống mở vì hệ gia đình có quan hệ với hệ xã hội, hệ kinh tế, hệ văn hoá (truyền thống, niềm tin..) và các nguyên lý sau của tư duy hệ thống giúp phân tích sâu hơn.

 

4-1 một hệ thống sống gồm nhiều cá thể để tạo thành khối của hệ thống

 

Một hệ thống sống gồm những cá thể như  tế bào, cơ quan, người, nhóm, tổ chức. Nếu áp dụng vào gia đình thì gia đình cũng là một hệ thống sống :  gia đình hạt nhân gồm cha mẹ, con cái còn gia đình rộng hơn thì phải kể thêm ông bà nội, ông bà ngoại, dâu, rể, cháu, chắt; xa hơn nữa phải kể luôn anh chị em ruột. Các cá thể này có các quan hệ qua lại, tác động hỗ tương lẫn nhau  và tác động với nhiều yếu tố khác và cuối cùng tạo thành nếp sinh hoạt gia đình: xung đột hay hoà nhập, cản trở hay thăng tiến.

Gia đình mang những đặc tính riêng, không thể có ở mỗi cá nhân. Những dặc tính đó phản ánh cấu trúc của gia đình bao gồm  những cá thể trai, gái ở mọi lứa tuổi khác nhau: anh em, chị em hoặc sự biến động của những cá thể theo năm tháng như  lấy vợ, lấy chồng.

 

  • Một hệ thống luôn luôn có những hệ thống phụ  và lại nằm trong một hệ thống lớn hơn

 

Trong một hệ thống có những hệ thống phụ chúng gặp nhau, cắt nhau, xuyên qua nhau, luồn vào nhau theo đủ mọi chiều hướng, nói khác đi có những tác động hổ tương. Chúng có những quan hệ  có tính cách biện chứng tức là chúng có ảnh hưởng lẫn nhau; cái này ảnh hưỏng đến cái kia (một cách tích cực hoặc tiêu cực); cái này có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm cái kia và ngược lại.

Khi nói đến hệ thống, ta phải hiểu rằng không những nó bao gồm nhiều  hệ thống phụ cấu tạo nên nó, mà các hệ thống phụ này lại nằm trong những hệ thống lớn hơn và các hệ thống này lại nằm trong các hệ lớn hơn nữa. Môi trường ngoại cảnh gồm nhều lớp tác động lên nhau:Ạ

– vi hệ thống (microsystem): Có mối quan hệ giữa những cá thể trong gia đình và với những nơi hoặc các hoàn cảnh cá nhân có tiếp xúc trực tiếp với những người khác (ví dụ:  câu lạc bộ thể thao, sở làm, hàng xóm ..)

 – trung hệ thống (mesosystem): đó là toàn bộ các tương quan của các vi hệ thống, là các nơi cá nhân có tham gia tích cực . Ví dụ: làm việc vui vẻ ở sở có thể ảnh huởng đến lối xử thế tại nhà hoặc yêu người trong sở làm có thể gây gổ với vợ con khi về nhà

– ngoại hệ thống (exosystem): đó là toàn bộ các nơi hay các hoàn cảnh chi phối đến cuộc sống cá nhân, dù cá nhân không tham dự vào (ví dụ: tình hình công việc làm ăn..)

– vĩ  hệ thống (macrosystem): có mối quan hệ giữa gia đình với ngoại cảnh như hệ kinh tế (công việc), hệ xã hội (phong tục, tín ngưỡng, tập quán), hệ tinh thần (các giá trị, các niềm tin, tâm linh), hệ tâm lý (nâng đỡ tinh thần, tương trợ) và các hệ này có thể xem như nền một bức tranh (ví dụ: cá nhân chủ nghĩa, tiêu thụ, tiết kiệm, chuẩn mực xã hội..)

 

Vài ví dụ để thấy sự tương quan các hệ phụ trên:

Trên truyền hình hàng ngày, ta thấy chiếu phim về bạo hành, cá nhân bỏ nhà ra đi , bạo hành về gia đình khiến cho trẻ em bị ảnh hưởng.(macrosystem)

Vài hoàn cảnh cha mẹ không chủ động được cũng ảnh hưởng đến chất lượng của quan hệ cha-con (exosystem). Ví dụ: thất nghiệp, con cái học không được, thu nhập thấp làm cha mẹ bực mình, gây gổ, đánh con

Làm việc bị chủ rầy la, bị căng thẳng do đau ốm, do tiếng động, do buồn bực gia đình  cũng ảnh đưởng đến các đối xử qúa lố với trẻ em (mesosystem)

Gia đình, nhà ở  là những nơi có tương quan mạnh giữa cha-con, mẹ-con (microsystem). Môi trường gia đình ảnh hưởng đến con cái:  nếu cha hoặc mẹ hoặc cả hai không để ý gì đến học hành, bạn bè của con cái, giao du thì chúng đâm ra hư hỏng. Từ sự tương quan các hệ phụ, ta thấy muốn tác động trên một vấn đề, phải nhìn xa và muốn có hiệu qủa, phải để ý đến tương quan giữa nhiều vấn đề khác nhau và chú ý đến cả cộng đồng, trên mọi mặt và trên nhiều cấp độ.

 

  • Mọi hệ thống sống được xem như là các vật thể trong chuyển động theo cặp đôi

 

Trong hệ thống gia đình, có những quan hệ vợ-chồng, cha-con, mẹ-con, nàng dâu-mẹ chồng, anh-em, chị-em; xa xa hơn thì có ông-cháu, bà-cháu v.v. Các quan hệ này có thể là tuơng trợ (cộng sinh, hội sinh, hợp tác ..) hay quan hệ đối địch (cạnh tranh, ngoại tình, ghen tuông ..)

 

  • Các quan hệ tương trợ

 

cộng sinh (symbiosis) là cả hai bên đều có lợi:

.cộng sinh giữa anh chị em: chị giúp em nhưng cũng đồng thờI hiểu thêm bài

            .cộng sinh giữa ông bà và cháu: ông bà giúp đỡ giữ cháu để bố mẹ đi làm  vừa vui tuổi già, nhưng con  cũng đưa cho cha mẹ tiền tiêu như một ủy lạo giữ trẻ  ông bà còn có thể giúp các cháu như nói chuyện, đưa đón cháu đi học về, kềm bài vở,  dạy Việt ngữ vào dịp hè
Già thì bế cháu ẳm con

Già đâu lại muốn cau non trái mùa ! ..

 

Không những ông bà đem lợi  ích cho các cháu mà chính ông bà cũng học được ở các cháu. Vì cần có sự hiểu biết cập nhật hoá của giới trẻ nên qua nói chuyện biết thêm được đời sống trẻ hiện đại, nhờ vậy ông bà sống trẻ trung hơn, hiểu các thanh thiếu niên hơn và cảm thấy không bị bỏ rơi tụt hậu. Tóm lại, sự ràng buộc ông bà và cháu là một quan hệ cọng sinh vì cả hai thế hệ đều có lợi.

. cộng sinh giữa vợ chồng:

Cộng sinh giữa vợ chồng như chồng đứng nấu ăn trong bếp, vợ làm bồi bàn trong một quán cơm; như chồng cày, vợ cấy trong canh tác đồng áng

 

hội sinh (commensalism) là quan hệ giữa hai người nhưng chỉ một bên có lợi cần thiết, còn bên kia không có lợi và cũng không có hại gì. 

Thực vậy, người chồng đi làm kiếm tiền, nhưng nếu không có người vợ lo toan, tính toán thì cuộc sống cũng không chu toàn

 

-hợp tác: cũng giống như quan hệ cộng sinh, nhưng không nhất thiết phải thường xuyên chung sống với nhau . Ví dụ: anh em giúp vốn cho nhau để mua nhà, để kinh doanh, thay vì ra ngân hàng mượn tiền lãi xuất cao.
Anh em giúp nhau khi dời nhà, đau ốm cần anh em nương tựa, lúc hoạn nạn, vui buồn có nhau. Vô số câu tục ngữ để nói lên anh em, bà con ruột thịt trong gia đình luôn gắn bó với nhau ‘Lá lành đùm lá rách’, ‘một giọt máu đào hơn ao nước lã’, ‘mười đời chưa rời cánh tay’ v.v Biết bao nhiêu người sau khi định cư ở nước ngoài, đã tìm cách bảo trợ cho anh chị em còn ở lại bên nhà hoặc gửi tiền về giúp

 

4-3.2      Các quan hệ đối địch

 

– ức chế cảm nhiễm

Ví dụ quan hệ  nàng dâu, mẹ chồng  thường gay cấn, nhưng phải che dấu mặt ngoài, để tỏ ra mình là con dâu hiếu thảo, như ca dao:

 

Thương chồng phải khóc mụ gia

Chứ tôi với mụ, chỉ là người dưng

 

Hoặc:

Thật thà như thể lái trâu

Yêu nhau như thể ..nàng dâu mẹ chồng!

 

Lái trâu là hay tráo trở, không thể tin được, chừng nào mà họthật thà trong nghề buôn bán thì lúc đó mẹ chồng mới hoà hợp với nàng dâu

Cảnh người vợ than chồng về cảnh khổ khi làm dâu:

 

Anh qua làm rễ bên em ăn cơm với cá

Em qua làm dâu bên anh ăn rau má với rạm đồng

 

–          ghen tương

 

Hồng nào hồng chẳng có gai

Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng

 

hoặc:

 

Rằng tôi chút phận đàn bà

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình

 

Nhưng ghen không đâu vào đâu sẽ làm mất hoà khí, vì chồng/vợ có những quan hệ giao tiếp với xã hội, vì có ngoại cảnh, môi trường chi phối. Chính vì có tác động của môi trường chung quanh, nói khác đi đó là một hệ thống mở, do đó, phải thích nghi với môi trường mới.

 

  • ngoại tình

 

Ngọại tình trong tư tưởng của người vợ cũng đã khiến người chồng hững hỡ:

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ

Người ấy cho nên vẫn hững hờ

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi

Và từng thu chết, từng thu chét

Vẫn dấu trong tim bóng một người

                (Hai sắc hoa ti-gôn, T.T.Kh.)

 

Người đàn ông cũng ngoại tình, cũng ‘bay bướm’, dù đã có vợ, nhưng vẫn ‘còn ước cau non trái mùa’:

 

Đàn ông năm bảy lá gan

Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người

 

Và ngoại tình là nguyên nhân đổ vỡ

 

Có oản anh phụ tình xôi,

Có cam phụ quít, có ngưòi phụ ta

Có mực anh phụ tình son

Có kẻ đẹp giòn, anh phụ nhân duyên

Có bạc anh phụ tình tiền

Có nhân ngãi mới, anh quên em rồi

 

Cũng có trường hợp, một người con gái dù đã đi lấy chồng mà còn nhận qùa tặng của người tình đầu tiên mà không thông báo cho chồng mình biết, dấu diếm, như vậy cũng có thể gây hiểu lầm, đi đến đổ vỡ. Chẳng thà dứt khoát như ngưòi con gái trong ca dao:

 

Vẽ gì một mớ trầu cay

Sao anh không hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng, như cá cắn câu!

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ ?

Chim vào lồng biết thuở nào ra ?

 

  • cờ bạc

 

 Đây cũng là một yếu tố khiến gia đình tan vỡ. Hãy nghe lời một  người vợ than vãn:

 

Chồng em nó chẳng ra gì

Tổ tôm xóc đĩa nó thì chơi hoang

Nói ra xấu thiếp hổ chàng

Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà

Gần casino, có thể bị quyến rũ. Nói về casino, hiện nay cũng vì cái casino mà nhiều gia đình tan nát, mất cửa mất nhà. Một tờ báo ở Montreal, nơi tác giả ở, chạy tít lớn trên trang đầu: Le casino fait des ravages dans la communauté asiatique ; tỷ lệ nguời Việt không nhiều nhưng đỏ đen với casino thì rất đông:

 

Đêm nằm nghĩ lại mà coi

Lãy chồng đánh bạc như voi phá nhà

 

Chính vì không thể chuyển dộng theo cặp đôi nghĩa là chỉ chú ý đến mình mà không chú ý đến người khác do cá nhân chủ nghĩa chi phối, tính toán nhiều qúa, nên nhiều thanh niên thanh nữ sống độc thân càng ngày càng nhiều.

Xưa kia thì một (chồng) với một (vợ) là một; ngày nay, một với một là ba (tôi, anh, chúng ta). Tại Mỹ, có đến 43 triệu phụ nữ sống độc thân. Ở Quebec, 40% phụ nữ  độc thân, nhiều xấp đôi cách đây 40 năm.

 

4-4  các hệ thống sống nhận năng lượng vào từ ngoài khác với hệ thống kín. Nếu ứng dụng vào gia đình, thì:

-năng lượng ở đây có nghĩa là sự tìm hiểu đối tượng trước hôn nhân, chứ không yêu cuồng sống vội như trong bài hát:

tình cho không biếu không, tình là tình khi không mà có, tình là tình nhiều lúc có như không ..

 Những câu lạc bộ, những giới thiệu, những gặp gỡ, những trao đổi trong Internet giúp các bạn trẻ có dịp gặp gỡ nhau trên thực tế ngoài đời hay trên thực tế ảo (virtual reality) để trao đổi quan điểm về tình yêu,  về gia đình, về ứng xử lứa đôi, thay vì khi cưới xong rồi, người chồng và vợ khác biệt nhau, tị nạnh nhau về giữ con, rửa chén, làm giường, săn sóc  hoặc chồng lo T.V., vợ đánh casino. Nếu qua tìm hiểu đối tượng mà  thấy không có mẫu số chung để thành bạn đời thì cũng có thêm được một người bạn ngoài xã hội. Các thanh niên thanh nữ cần có bạn bè để cùng nhau học tập vui chơi và nếu có bạn khác phái thì dễ chững chạc hơn, có phong cách cư xử đẹp hơn. Nhưng chính các bạn cần luyện tập khả năng làm chủ bằng cách tránh những cuộc chơi chỉ có hai người những nơi mà mình không thể làm chủ dược. Quan hệ tình dục trước hôn nhân có thể dẫn đến đổ vỡ. Quan hệ tình yêu Thúy Kiều đối với Kim Trọng rất nồng thắm, ‘xem trong âu yếm có chiều lả lơi’, nhưng Thúy Kiều làm chủ được và đã khuyên Kim Trọng:

 

Trong khi chắp cánh liền cành

            Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên

 

-năng lượng ở đầu vào của hệ thống cũng có thể là niềm tin, tin vào chính mình, tin vào gia đình vì mất đi niềm tin là mất tất cả. ‘Những con mắt buồn phiền xin cấy lại niềm tin’ vì mất đi niềm tin có thể dẫn đến sự tự hủy hoại đời sống và đây cũng là một hiện tượng xã hội khá phổ biến, do đó cha mẹ phải nói chuyện với con cái trong tình thương mặn nồng:

 

 Có con thì phải dậy con

Dạy con nên khéo, nên khôn mọi đàng

Lãy lời hơn thiệt bảo ban

Tìm câu êm ái, dịu dàng nhủ khuyên

Dạy con nên thảo nên hiền

Dạy cho em dưới anh trên thuận hoà

 

  • năng lượng ở đầu vào của hệ thống cũng có thể là những lời ru con của mẹ in sâu vào tiềm thức đứa bé:

                        Con ơi mẹ bảo con này

Học buôn học bán cho tầy người ta

Con đừng học thói chua ngoa

Họ hàng ghét bỏ người ta chê cưòi

Dù no dù đói cho tươi

Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan

 

Đời sống tinh thần của đứa bé được nuôi nấng từ những lời ru con, ru mây vào hồn, từ những âm thanh mộc mạc, đơn sơ, không màu mè, dạy con từ thuở còn thơ nhưng thấm dần với tiếng thời gian

 

4-5  Mỗi hệ thống phụ được xác định bởi khả năng tiếp nhận đầu vào về vật chất, năng lượng, thông tin, dự trữ, chuyển hoá và đầu ra

Trong sinh thái học, gồm các hệ thống phụ như thực vật, động vật, đất đai, nước.., các hệ phụ này có tác động qua lại với nhau: chúng nhận năng lượng, dự trữ năng lượng và chuyển hoá các năng lượng thành sản phẩm. Gia đình cũng vậy: nhận năng lượng như lời khuyên, giáo dục, cha mẹ nuôi con, tình yêu, công cha, nghĩa mẹ để nuôi con đến khi khôn lớn, học hành, thành tài,  dựng vợ gả chồng. Các lời khuyên răn, dạy dỗ giúp các em bé nhiều dự trữ văn hoá . Dự trữ có nghĩa là khả năng chịu đựng sự thay đổi, khả năng thích nghi và linh động, uyển chuyển, mềm dẻo . Dự trữ cũng là có khả năng đối phó linh hoạt với những biến cố ngẫu nhiên ngoài dự kiến .Nếu căn bản văn hoá càng sâu, càng rộng như dạy con cháu biết nói, viết, đọc Việt ngữ thì ít mất gốc hơn. Với vốn tiếng Việt, dù lưu lạc bốn phương, họ vẫn giữ được bản sắc Việt tính, bản sắc giống nòi, dù họ có biến thái theo môi trường xứ họ đang sống.

Sự thích nghi và tính đàn hồi, mềm dẻo làm cho hệ vững vàng hơn: cây sậy tuy yếu mà vẫn đứng vững trước gió. Cũng như trong thiên nhiên, nhiều hệ sinh thái rất yếu ớt, mảnh khảnh, không thích nghi vì không có sức đàn hồi nên khi điều kiện sinh thái thay đổi thì bị hỏng, mất đi, còn các hệ sinh thái thích nghi có thể trì kéo lại được.

 

4-6  Cấu trúc của một hệ thống tùy thuộc vào các hệ thống phụ và vào các hệ thống lớn chi phối cũng như vào các mối liên hệ qua đó sự khởi động được thực hiện. Các hệ thống phụ được khởi động để phản ứng lại với các  thay đổi của các hệ phụ khác.   

Cấu trúc một hệ thống là toàn bộ các quan hệ của những hệ thống phụ . Các quan hệ này là xuyên qua các kênh giữa các hệ phụ trong đó đầu vào là vật chất, năng lượng, thông tin và đầu ra là các sản phẩm. Ví dụ khi cơ thể ( hệ thống) bị bệnh xâm vào thì  miễn nhiễm (hệ phụ) sẽ được kích năng để chống lại bệnh tật.

Thực vậy, gia đình chịu ảnh hưởng của nhiều hệ thống lớn hơn như:

  • hệ thống chính trị .Chính vì hệ thống chính trị cọng sản mà người Việt Nam mới hàng hàng lớp lớp bỏ xứ ra đi tìm tự do. Các chiến tranh, các xung đột địa phương hay thế giới đã khiến lớp trai tráng hi sinh nhiều, để lại qủa phụ:

Lấy chồng đời chiến chinh

Mấy người đi trở lại

Lỡ khi mình không về

Thì thương người vợ chờ

Bé bỏng chiều quê,

 

để lại bao em bé  mồ côi hoặc  các phụ nữ phải sống độc thân vì thiếu đàn ông. Hệ thống chính trị qui định bắt buộc như Trung Quốc chỉ cho gia đình một con mà thôi

– hệ thống kinh tế  dĩ nhiên ảnh hưởng đến gia đình nhiều nhất vì nếu không công ăn việc làm, nếu bị thất nghiệp thì hạnh phúc gia đình cũng bị chi phối. Thực tế là trong hệ gia đình, khi tài nguyên,-tiền bạc- tăng hay giảm, sẽ có nhiều hậu qủa.

– hệ thống xã hội nhân văn:

Gia đình ngày nay, vì cả cha lẫn mẹ đều đi làm, đi sớm, về  trễ  nên không còn thì giờ để ý đến con, con đâm ra hư hỏng. Gặp thêm bạn xấu ở học đường lôi cuốn đâm ra chích choé, hút sách, rượu chè ; xem các chương trình khiêu dâm hay  bạo hành trên truyền hình lôi cuốn các em trong các hành vi tiêu cực và  đó là trái bom nổ chậm của thiếu niên.

Nhiều bà mẹ lo cho con đã phải dời chổ ở nhiều lần, tránh các khu phố có ngoại cảnh xã hội tiêu cực như gái bán hoa ngoài đường, thanh niên chích choé.

Mất hứng thú trong học tập cũng là do xáo trộn môi trường gia đình như cha mẹ bất hoà, hoàn cảnh thất nghiệp và đó là môi trường tạo điều kiện (enabling environment) cho bạo hành gia đình. Ở đây, cũng nên nói thêm về quan điểm giới (gender): nếu ta chỉ thu gom chị em bán hoa để giáo dục, để huấn nghệ mà quên những kẻ mua dâm là nam giới, nếu ta chỉ chú ý đến giáo dục  giới tính cho riêng các thiếu nữ trong khi màn ảnh, video khiêu dâm cứ bủa vây tấn công hang cùng ngỏ hẽm, nếu ta chỉ nặng về vận động phụ nữ về kế hoạch hoá gia đình mà quên đi phái nam  thì rõ ràng là chưa có cái nhìn toàn bộ.

– hệ thống văn hoá bao gồm mọi yếu tố tinh thần, tâm lý, tâm linh, các giá trị. Hệ thống văn hoá được truyền thông qua các báo chí, các đài truyền thanh, truyền hình.

Cả bốn hệ thống phụ này đều tương quan với nhau, lồng ghép lên nhau . Do đó trong sự nghiên cứu mọi hiện tượng nhân văn và xã hội, ta phải chú ý đồng bộ đến các hệ  đó để phân tích vấn đề.

Hệ gia đình luôn luôn chịu sức ép bên ngoài cũng như bên trong hệ thống:

– sức ép bên ngoài ở đây trong truờng hợp gia đình Việt, bị nhiều yếu tố như  chồng cải tạo, vợ ở nhà nuôi con; khi chồng may mắn còn sống không chết trong tù cải tạo trở về gia đình thì mối tình cũng khác năm xưa.

– sức ép bên trong như con cái qua xứ lạ, học hành phải gấp rút để đuổi kịp chúng bạn, sống trong môi trường khác, nói tiếng khác.

Nếu hệ thay đổi qúa nhanh theo sự thay dổi của ngoại cảnh thì hệ không ổn định đưọc. Hệ phải tự điều chỉnh để giữ được thế ổn định, chỉ khi nào tác động vượt qúa giới hạn của tính đàn hồi thì hệ mới thay đổi. Nhiều khi chỉ những việc đâu đâu mà hệ thống mất ổn định:

 

Rõ ràng sự nhỏ cỏn con

Bằng lông mà nảy ra cồn Thái Sơn

Xin đừng ra dạ Bắc, Nam

Đừng chê lươn ngắn mà tham trạch dài

504    11-07-2018