Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Giá trị Tin Mừng

Thánh Piô X, Giáo Hoàng

Ed 28:1-10; Đnl 32:26-27,27-28,30,35-36; Mt 19:23-30

GIÁ TRỊ TIN MỪNG

Thánh Piô X có tên là Giuse Sarto, sinh năm 1835 tại làng Riese, miền Vénétia nước Ý. Thánh Piô X rất thông minh, cần mẫn và sáng trí . Ngài học tiểu chủng viện Pađua và thụ phong linh mục vào năm 1858.

Thánh nhân đã làm cha phó giáo xứ Tomholo, rồi chánh xứ Salzanô, và được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo Triều Roma. Vì là một người có tài, có đức, nên Ngài được Đức Thánh Cha phong làm Giám Mục địa phận Mantoue vào năm 1884. Thánh nhân đã chu toàn trách nhiệm chủ chăn, chuyên lo đào tạo hàng giáo sĩ, thương yêu,lưu tâm đến người nghèo và để ý tới phụng vụ.

Với những cố gắng phục vụ Giáo Hội, lo lắng cho tha nhân, năm 1893, thánh nhân được phong làm Hồng Y, Giáo Chủ Venise Thiên Chúa đã tuyển lựa Ngài cách đặc biệt để lèo lái Giáo Hội của Chúa, nên sau khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIII qua đời, Ngài được bầu lên chức vụ tối cao của Giáo Hội vào ngày 4 tháng 8 năm 1903. Ngài đã cố gắng chối từ nhưng như lời Chúa nói:" Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, thu được kết quả, và kết quả anh em được lâu bền"(Ga 15, 16 ).

Trên ngai Giáo Hoàng, Ngài vẫn sống đơn sơ, khiêm nhượng, khó nghèo. Thánh nhân bảo vệ đức, củng cố đức tin cho mọi người, lên án, chống lại phái duy tâm, tiếp xúc với các nhóm ly giáo, đặt nền tảng vững chắc cho giới tu sĩ, soạn thảo cuốn giáo luật, khuyến khích lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể, việc siêng năng rước lễ và việc ban cho trẻ em rước lễ sớm hơn thường lệ.

Lời của Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay gây sốc không những cho người nghe lúc bấy giờ (các môn đệ vô cùng sửng sốt) mà gây sốc cho rất nhiều người trong mọi thời đại: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa” (c. 24). Đồng thời ngược lại, Chúa lại hứa ban thưởng gấp trăm cả đời này lẫn đời sau cho những ai từ bỏ mọi sự mà theo Người. 

Như người ta hay nói: có tiền mua tiên cũng được. Tiền bạc của cải có vẻ đem lại chỗ dựa vững chắc cho chủ nhân, chính vì thế người ta thích thu tích của cải một cách vô độ (Lc 12, 21). Của cải làm chúng ta phải bận tâm: “Kho tàng anh em ở đâu, trái tim anh em ở đó” (Mt 6, 21), kho tàng dưới đất sẽ giữ tim ta dưới đất. Ham mê của cải có thể bóp nghẹt hạt giống lời Chúa trong tim ta (Mt 13, 22).

Nó làm chúng ta dễ trở nên nô lệ: “Anh em không thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia… Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6, 24). Như thế nó có khả năng đẩy Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu. Quả thực của cải dễ làm ta khép lòng lại trước Thiên Chúa và tha nhân, và làm cái tôi của ta trở nên cứng cỏi, tự mãn.                

Tiền của có sức hút và mê hoặc con người  - ‘Đồng tiền đi liền khúc ruột’ – do đó, để có thể làm chủ được nó, con người không được khinh suất, nhưng rất cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Bởi thế mà Đức Giêsu đã nói: "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được." (c. 26) Với sự hướng dẫn và ơn Chúa ban, con người sẽ biết cách sử dụng tiền của để mưu cầu lợi ích cho mình và cho tha nhân, giúp phát triển xã hội ngày càng tươi đẹp, lành mạnh và phong phú.

Của cải có sức thu hút và mê hoặc lòng người, bởi vì dường như nó có thể đáp ứng mọi nhu cầu và đời sống hưởng thụ của con người. Chẳng vậy mà người đời có câu: “có tiền mua tiên cũng được”, hay “tiền là tiên là phật…” Người có nhiều tiền của được gọi là người giàu. Theo quan niệm của người Do-thái cũng như quan niệm của nhiều người thì đó là những người được phúc.

Có mâu thuẫn không giữa những điều Chúa nói? Chẳng phải nếu Chúa ban cho họ gấp bội ở đời này thì họ lại trở thành người giàu hay sao, và khi ấy phải chăng họ lại trở thành những kẻ khó vào nước trời? Thực ra, mấu chốt của vấn đề là tinh thần từ bỏ; người có tinh thần từ bỏ không bị ràng buộc bởi của cải, hay nói khác đi, họ không bị của cải vật chất cản trở bước đường làm người môn đệ, nhưng biết dùng nó như phương tiện Chúa ban để sống theo ý Chúa. Vì thế, họ có thể là người rất giàu có về của cải nhưng luôn coi nó là hồng ân, là quà tặng của Thiên Chúa ban mà sống trong tinh thần tri ân, cảm tạ và luôn sẵn sàng chia sẻ, cho đi không tính toán.

Đối với Chúa, không phải có nhiều của cải là được vào Nước Trời. Của cải vật chất rất cần cho sự sống đời này nhưng có thể là một cản trở rất lớn cho sự sống đời đời. Chúa không hứa điều gì cho những người không chịu từ bỏ của cải nhưng Người hứa phần thưởng cho những ai biết từ bỏ mọi sự mà đi theo Người: "Họ sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp".

Đã hẳn Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải sống nghèo nàn mạt rệp. Vì cái nghèo cho thấy sự tồn tại của điều ác. Nó chỉ cho chúng ta biết xã hội, môi trường chúng ta sống vẫn còn đó sự bành chướng của ích kỷ; vẫn còn đó những con người không biết chia sẻ, chỉ biết vun đắp cho chính mình, thiếu vắng tinh thần quảng đại sẵn sàng cho đi của một tình yêu vị tha.

Hơn nữa, sự nghèo túng, bần hàn, khốn cùng như ‘sự dữ hiện hình’ làm cho con người không còn nhân phẩm, sống không ra người và đó không phải là điều Thiên Chúa muốn; vì khi tạo dựng vũ trụ, con người, chẳng phải Thiên Chúa đã chúc phúc và ra lệnh cho nó sinh sôi và phát triển phong phú hay sao? Và Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô khi đến cứu độ trần gian Ngài đã đến với thân phận nghèo hèn khốn cùng của con người là để cứu vớt, nâng họ lên khỏi vực sâu của bần cùng tội lỗi cho họ trở nên ‘giàu có’ vì được làm con Thiên Chúa.

Tuy nhiên, sự giàu có lại khiến con người dễ xa rời Thiên Chúa bởi mê lầm, tự mãn. Mê lầm vì nghĩ rằng của cải là cứu cánh có thể thỏa mãn tất cả, đem lại sung sướng và hạnh phúc - tiền có thể làm cho họ đạt được danh vọng, vinh quang và mọi thú vui ở đời – bởi thế mà ‘có tiền mua tiên cũng được’; và cũng từ đó dẫn đến tự mãn không cần Thiên Chúa, và tồi tệ hơn nữa là họ có thể quay lưng lại với Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa, bất chấp mọi thủ đoạn để có thể đạt được những ước muốn bất chính của mình. Vì vậy mà Đức Giê-su nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của được” (Lc 16,13). Vì tiền của có thể là một tên đầy tớ tốt, hữu dụng, nhưng ngược lại nó sẽ là ông chủ xấu xa, độc ác.

Cuối bài Tin mừng, chúng ta thấy một câu có vẻ không ăn nhập gì lắm, nhưng thực ra là một ý hướng chủ đạo dẫn dắt bản văn: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu." (c. 30) Những kẻ ‘đứng chót’ ở đây – Đức Giêsu muốn nói đến những con người ‘nghèo’ của Tin mừng – những người sống khiêm tốn, chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào thế lực của giàu sang vinh hoa phú quí; họ là những kẻ được Thiên Chúa yêu thương, bênh vực và là những ‘người lớn’ trong nước trời (Lời kinh Magnificat). Bởi vì họ lấy Chúa là sức mạnh, là gia nghiệp của đời mình. Họ là những người khôn ngoan biết tích lũy kho tàng trên trời nơi mối mọt không thể đục khoét hơn là tìm kiếm của cải phù vân (x. Lc 12,33); họ hiểu ý nghĩa và vị trí của tiền của, biến nó thành phương tiện để thi hành ý Chúa chứ không coi nó là mục đích của cuộc đời. Vì thế, họ là những người được Thiên Chúa chúc phúc và nước trời sẽ là phần thưởng của họ. (c. 28. 29).

Trong cuộc sống trần thế, có biết bao điều cám dỗ làm ta sống xa Chúa như của cải vật chất, thú vui trần gian. Thái độ của chúng ta thế nào? Chúng ta đã sẵn sàng từ bỏ hay còn để tâm trí vướng bận với những điều trên? Chỉ khi chúng ta biết từ bỏ và sống theo lời Chúa dạy thì mới hi vọng đón nhận vinh phúc Nước Trời mà Người đã hứa ban.

          Sự giàu sang đích thực không nằm trong của cải chúng ta nắm trong tay mà chính là ở những gì chúng ta chia sẻ và trao ban cho tha nhân. Sự nghèo khó đích thực cũng không phải là sự thiếu thốn của cải vật chất, mà chính là tấm lòng trong sạch luôn hướng mở đến những giá trị Tin mừng.

 

1383    18-08-2018