Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Giải mã bí ẩn về người Philistine

Giải mã bí ẩn về người Philistine

 

Gã khổng lồ Goliath trong Thánh Kinh là người Hy Lạp? Các hài cốt bên trong một nghĩa trang cổ xưa ở miền nam Israel đang cung cấp manh mối gien di truyền quý báu giúp chứng minh nguồn gốc của người Philistine, kẻ thù không đội trời chung của người Israel trong Kinh Thánh.

 

Hầu hết cộng đồng người Philistine tập trung tại 5 thành phố dọc theo bờ nam của địa điểm mà ngày nay là Israel và Dải Gaza vào giai đoạn đầu của thời đại đồ sắt, cách đây khoảng 3.000 năm. Trong Thánh Kinh, người hùng David đánh bại gã khổng lồ Goliath của người Philistine trong một trận đấu tay đôi, và dũng sĩ vô địch Samson dùng xương hàm của một con lừa để đánh tan đội quân Philistine gồm 1.000 binh sĩ.

 

Người Philistine đến từ đâu?

Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng, người Philistine di cư đến bờ biển của vùng Cận Ðông thời cổ đại vào giai đoạn cuối thời đồ đồng, khoảng 1.200 năm trước công nguyên. Họ xuất hiện trong tình cảnh những bộ tộc khác định cư xung quanh miền đông Ðịa Trung Hải lâm vào cảnh sụp đổ, có thể do thiên tai hoặc nhân họa. Các sản phẩm gốm sứ xuất phát từ bàn tay của người Philistine có nhiều dấu vết tương đồng với dân tộc ở vùng Aegean, phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa nắm được chứng cứ xác thực về nguồn gốc xuất xứ của tộc người bí ẩn này.

Giờ đây, cuộc nghiên cứu các vật liệu di truyền chiết xuất từ hài cốt trong nghĩa trang của thành phố biển Ashkelon vào năm 2013 đã tìm được một manh mối ADN. Theo đó, nó nối kết người Philistine với các sắc dân sinh sống ở miền nam châu Âu trong thời đồ đồng. Báo cáo do các nhà nghiên cứu Viện Max Planck (Ðức) phối hợp với Ðại học Wheaton ở Illinois (Mỹ) đã được đăng tải trên chuyên san Science Advances vào đầu tháng 7.

 

Cựu Ước cho biết người Philistine đến từ một hòn đảo xa xôi. Một đền thờ Ai Cập do pharaoh Rameses III cho xây dựng vẫn còn hình ảnh các trận chiến với “người ngoài biển”, những người xuất hiện trên bờ Ðịa Trung Hải. Văn tự cổ xưa Ai Cập cũng ghi lại cái tên vô cùng tương đồng do người Do Thái dùng để gọi kẻ thù của mình. Các nỗ lực khai quật những địa điểm của người Philistine thời xưa giúp tìm thấy tàn tích gốm sứ và kiến trúc hoàn toàn khác so với các láng giềng của họ là người Canaan. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học vẫn chưa thể khẳng định hoa văn trên vò khác nhau xuất phát từ những tộc người khác biệt.

Eric Cline, nhà khảo cổ học đến từ Ðại học George Washington (Mỹ) chuyên về văn hóa thời đồ đồng cuối ở vùng Cận Ðông, cho biết trước đây giới nghiên cứu vẫn không tìm được chứng cứ xác thực cho thấy xuất xứ của tộc người “đóng vai ác” trong Kinh Thánh, dù biết được người Philistine di cư từ Aegean đến vùng Cận Ðông vào khoảng năm 1.200 trước công nguyên. Chuyên gia Cline (không tham gia cuộc nghiên cứu mới) là tác giả của quyển “1177 BC: The Year Civilization Collapsed”, tạm dịch “Năm 1177 trước công nguyên: Thời điểm nền văn minh sụp đổ”, theo đó phân tích giai đoạn khi người Philistine đến Cận Ðông. Ông đánh giá cao phát hiện mới của các đồng sự Ðức và Mỹ, và nói đây là “kết quả vô cùng thú vị và đặc biệt quan trọng”, cho phép hóa giải bí ẩn lâu nay về nguồn gốc của những con người này.

 

Chứng cứ trực tiếp

“Chúng tôi đều hy vọng có thể thu thập được thông tin di truyền như dạng này. Giờ đây chúng tôi đã nắm được chứng cứ khoa học về ADN để có thể khẳng định người Philistine trên thực tế đến từ nam châu Âu”, theo tiến sĩ Cline. Ðể rút ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu phân tích ADN của 10 bộ hài cốt được khai quật tại Ashkelon, một trong những thành phố cảng thời xưa của dân tộc này. Nhờ vào công nghệ xác định niên đại bằng đồng vị carbon-14, họ tìm được 3 bộ hài cốt có từ trước thời người Philistine được cho là đã đến Ðịa Trung Hải vào khoảng năm 1.200 trước công nguyên, và 3 bộ thuộc về những thế kỷ sau đó, cụ thể vào cuối thời đồ sắt.

 

Kết quả phân tích gien di truyền cho thấy nhóm hài cốt cổ xưa hơn, rơi vào giai đoạn thường xuất hiện nhiều câu chuyện ghi trong Cựu Ước, có gien hoàn toàn khác với các láng giềng ở vùng Cận Ðông, nhưng lại tương đồng với dân số ở miền nam châu Âu. “Từ ADN, chúng ta đọc được yếu tố châu Âu hiển thị một cách rõ ràng, đủ để phân biệt với những tộc người cùng thời trong khu vực đó”, theo Science Daily dẫn lời trưởng nhóm Daniel Master của Ðại học Wheaton. “Nói một cách dễ hiểu, đó là những con người đến từ vùng đất khác, không phải dân bản địa”, ông nhận xét.

Tiến sĩ Master coi đây là “chứng cứ trực tiếp” phản ảnh sự thay đổi văn hóa trong các thành phố của người Philistine, và là dấu hiệu cho thấy họ di cư từ nơi khác đến. ADN của nhóm sau cũng mang theo một số gien Nam Âu, nhưng lại gần gũi hơn với người Canaan. “Người Philistine sau khi đến nơi đã pha trộn với dân tộc bản xứ, nên vài trăm năm sau đó hầu như thông tin di truyền của họ chẳng có gì khác biệt so với cộng đồng gien tập thể của vùng Cận Ðông”, theo nhà khảo cổ di truyền học Michal Feldman của Viện Max Planck, một trong các tác giả của báo cáo.

Kết quả cho thấy nguồn gốc của người Philistine có thể dao động từ Cyprus đến Sardinia, nhưng cần phải tiến hành thêm các cuộc nghiên cứu kế tiếp nếu muốn thu hẹp phạm vi tìm kiếm.

 

 L Lang
808    17-01-2021