Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Giáo dân là chứng từ Tin Mừng giữa lòng thế giới

 

 
Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy ban Giáo Dân - Tháng 08.2019 - PHẦN HUẤN GIÁO - Phần IV: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI

UBGD.jpg

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế để soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”(Mt 5:14-16)

Chính dựa vào đoạn Tin Mừng này mà Công Đồng Va-ti-can II đã mạnh dạng gọi Hội Thánh là Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), và điều này đặc biệt đúng trong việc canh tân chiều kích giáo dân, cũng như định hướng cho mục vụ trần thế của Hội Thánh, là Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Thế giới, trong tất cả sự đa diện thuận cũng như nghịch với Tin Mừng, là bối cảnh mà Hội Thánh được đặt vào để mang ánh sáng của Đức Ki-tô tới soi chiếu nó.

 

1/ Thế giới với các chiều kích văn hóa của nó

 

Khi nói tới thế giới trần gian, ta không được phép quên rằng: trước hết, đó là một thực tại tốt đẹp được Thiên Chúa dựng nên trong chương trình tạo đựng của Người, đồng thời đó cũng là một thực thể đã sa ngã cần được Người cứu độ. Cách riêng, khi nói tới thế giới dưới khía cạnh con người - là đối tượng thật của Tin Mừng, ta nên dùng ý niệm văn hóa để diễn tả nó.

 

Ta tạm xác định nội dung của văn hóa như sau: ‘văn hóa là tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các khả năng thể xác và tinh thần của mình, lồng trong các điều kiện địa lý, nhân văn, truyền thống và lịch sử nhất định... Văn hóa là một tập hợp bao gồm nhiều phương diện phức tạp của cuộc sống như sắc tộc, ngôn ngữ, phong tục, nghệ thuật…, thậm chí gồm cả niềm tin và các tín ngưỡng diễn tả nó. Văn hóa còn là những kinh nghiệm hoài bão của các thế hệ đi trước được lưu lại trong các công trình của con người như văn chương, mỹ thuật, pháp luật, kinh tế v.v. và được truyền cho các thế hệ kế tiếp’. Văn hóa được coi như kho tàng chung và thiêng liêng của mỗi dân tộc; và trong một mức độ nào đó, đôi khi còn được nhìn nhận như di sản chung của toàn thể nhân loại (xem hoạt động của UNESCO).

 

Thế nhưng, không một nền văn hóa nào trên trần gian có thể được coi là hoàn hảo cả! Mọi nền văn hóa đều tồn tại với những thiếu xót và khiếm khuyết của riêng nó, do đó mọi nền văn hóa đều luôn cần được điều chỉnh để thăng tiến hơn nữa. Một trong các nguyên nhân chính làm cho văn hóa bị lệch lạc chính là dục vọng và lòng tham của con người. Do đó, rất nhiều khi văn hóa mất đi định hướng tích cực của nó, và quay đầu làm tha hóa cũng như chống lại chính hạnh phúc đích thực của con người. Trong ngôn ngữ của lịch sử cứu độ, chúng ta khẳng định rằng: mọi nền văn hóa đều cần được ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, hầu phát huy được tất cả các tính năng cao đẹp nhất của chúng.

 

2/ Ý nghĩa của việc Hội Thánh đem Tin Mừng cho thế giới

 

Đức Giê-su đã đến trần gian trong một bối cảnh văn hóa rõ rệt, văn hóa của dân tộc Híp-ri lồng trong bối cảnh lớn hơn của văn hóa Hy lạp – Rô ma. Người đã trọn vẹn tiếp nhận những nét tích cực của các nền văn hóa cao đẹp đó, và đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời bằng chính ngôn ngữ, truyền thống, lịch sử của nó…, nhưng đồng thời Người cũng định hướng lại rất nhiều điều mà các nền văn hóa này khiếm khuyết, để thăng hoa và nâng chúng lên một cấp độ mới cao đẹp hơn.

 

Hội Thánh Đức Ki-tô cũng đã được khai sinh và lớn lên giữa bối cảnh văn hóa Híp-ri, rồi Hy-lạp và Rô-ma vào thời đại đó. Trong một mức độ nào đó, Hội Thánh theo dòng lịch sử cũng đã khoác lên mình không ít những yếu tố bên ngoài của các nền văn hóa thuộc xã hội Híp-ri, rồi Hy-lạp Rô-ma, rồi phương tây. Với Công Đồng Va-ti-can II, hơn khi nào hết, Hội Thánh nhận ra rằng mình có nhu cầu cấp bách là rộng mở tiếp thu những gì là tích cực của mọi nền văn hóa khác, ở bất cứ đâu con cái mình hiện diện. Nói tóm lại, Hội Thánh nhất thiết cần hội nhập vào các thực tại của con người và dân tộc mà các phần tử mình hiện diện, hầu có thể diễn tả niềm tin Ki-tô, và đem ánh sáng Tin Mừng tới cho họ.

 

Hơn thế nữa, Hội Thánh còn có thể đóng góp rất nhiều điều tích cực cho các nền văn hóa, tại bất cứ đâu Tin Mừng được hiện diện cách tích cực. Lịch sử trong các thế kỷ qua đã cống hiến những bằng chức hùng hồn cho thấy điều này, nhất là tại các quốc gia phương tây. Tin Mừng của Đức Ki-tô đã không ngừng chiếu sáng trên các vấn đề lớn của nhân loại như trả lại phẩm giá cho mọi người (xóa bỏ nô lệ, bình đẳng giới tính, tôn trọng lao động…), tôn trọng sự sống (bảo vệ thai nhi và chăm sóc trẻ nhỏ…), giúp xây dựng xã hội công bình hơn, phát triển các dân tộc, và tiến tới một thế giới hòa bình thịnh vượng hơn.

 

Tuy nhiên, thời nào cũng vậy và nhất là ngày nay, nhiều nền văn hóa nhân loại dầu đã có nhiều tiến bộ nhất là về văn minh khoa học kỹ thuật, vẫn đang phải giáp mặt với những thách đố cực kỳ nghiêm trọng. Đang có khuynh hướng tách rời văn hóa ra khỏi các định hướng Tin Mừng, và do đó ngày càng có nguy cơ đi ngược lại với những đòi hỏi thiết thân nhất của hạnh phúc trường tồn của con người. Hơn bao giờ hết, Hội Thánh thấy cần khẩn thiết dành cho thế giới con người một mối quan tâm rất đặc biệt (xem Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes). Tông Huấn Người Ki-tô hữu Giáo Dân đã gióng tiếng cảnh báo như sau: “Sự ly khai giữa Tin Mừng và văn hóa quả là một thẳm trạng của thời đại chúng ta, cũng như của nhiều thời đại trước. Như vậy Hội Thánh phải dồn mọi nỗ lực để quảng đại thực hiện công cuộc Phúc Âm hóa thế giới; đúng hơn phải Phúc âm hóa cho bằng được mọi nền văn hóa.” (CFL số 44) 

 

3/ Vai trò tiền phong của giáo dân

Đứng đầu trong trọng trách này, ta phải kể tới vai trò của các Ki-tô hữu giáo dân, vì họ là những người sống trong lòng trần gian, ngụp lặn giữa các thực tại trần thế hơn cả. Sự hiện diện liên tục và sâu sắc này chính là đặc thù của họ trong Hội Thánh của Đức Ki-tô. Chính nhờ họ và qua họ, mà Đức Giê-su và Hội Thánh Người liên tục nhập thể giữa lòng nhân loại và thế giới!

 

Liên đới với các thực tại trần gian chính là sự sống còn của họ, không chỉ dưới khía cạnh con người xã hội, nhưng cả trong phương diện Tin Mừng Nước Trời. Họ chỉ thực sự là Ki-tô hữu, một khi biết sống Tin Mừng giữa đời; đồng thời cũng chính trong tư cách Ki-tô hữu mà họ hội nhập cách hữu hiệu và thâm sâu vào các nền văn hóa đa dạng bao quanh. Ta nên nhớ rằng: Tin Mừng của Đức Giê-su vượt trên mọi nền văn hóa, không để mình bị trói cột vào bất cứ một nền văn hóa cá biệt nào, nhưng lại có khả năng thâm nhập vào và thăng hoa mọi nền văn hóa. Thánh Gio-an Bosco đã diễn đạt điều này trong câu châm ngôn tuy đơn sơ nhưng rất cụ thể như sau: ‘giáo dục người trẻ hầu họ trở nên những công dân tốt, và các Ki-tô hữu tốt’. Người Ki-tô hữu giáo dân càng dấn sâu vào các nền văn hóa của dân tộc và xã hội mình bao nhiêu, thì lại càng liên đới cách sâu sát với tất cả những gì là tốt đẹp và cao quí của nó bấy nhiêu, đồng thời càng phát huy được các giá trị Tin Mừng vào chính cái thế giới cụ thể đó. Họ sẽ thực sự là công dân tích cực của xã hội trần thế, có khả năng thăng tiến con người và xã hội cách thiết thực, đồng thời chiếu ánh sáng Tin Mừng của Đức Ki-tô vào thế giới.

 

Tông Huấn mạnh mẽ xác định cách làm việc như sau: “Khám phá và giúp khám phá ra phẩm giá không thể bị xúc phạm của mọi nhân vị, đó là nhiệm vụ chủ yếu, và theo một nghĩa nào đó, là nhiệm vụ trung tâm và liên kết trong công việc phục vụ mà Hội Thánh, đặc biệt là giáo dân, được mời gọi để phục vụ cộng đồng nhân loại” (CFL số 37). Trong đoạn văn này, chúng ta khám phá ra một thái độ cơ bản khác của Hội Thánh, đặc biệt là của giáo dân đối với thế giới. Ngoài những điều tốt lành đang mời gọi chúng ta có một thái độ liên đới để cùng tìm cách phát triển, thế giới còn đầy dẫy những sự dữ, những xúc phạm, những phản bội, những hủy diệt chống lại điều cao quí nhất là chính phẩm giá của con người. Tin Mừng, dưới tác động chữa lành và cứu độ của nó, sẽ tìm cách chỉnh đốn và nâng cấp nhân vị con người lên một tầng cao mới. Giáo dân là những tác nhân hàng ngày sinh sống giữa những thực tại hiện sinh đầy bi tráng của thế giới, và một khi chính họ được Tin Mừng hoán cải, nhờ lối sống bác ái yêu thương và tích cực phục vụ của mình, họ sẽ xây dựng được một thế giới trần gian ngày càng tốt đẹp, và kiến tạo nhân loại ngày càng công bình và huynh đệ hơn. “Hoán cải lương tâm cá nhân cũng như tập thể, hoán cải sinh hoạt mà họ đang dấn thân, hoán cải đời sống và môi trường cụ thể của họ” (CFL số 44), đó là những điều mà mọi phần tử của Hội Thánh, đặc biệt những người Ki-tô giáo dân, sẽ góp phần mình vào việc xây dựng thế giới và xã hội loài người dựa trên Tin Mừng của Chúa.

Câu hỏi gởi ý:

·        Bạn có cho rằng: được sống giữa trần thế chính là một ưu điểm và một hồng ân, mà các Ki-tô hữu giáo dân có thể tự hào.., hay chỉ nhìn thấy cách sống này toàn là tiêu cực và thấp hèn để mà không ngừng than vãn?

·        Trong tư cách một giáo dân Công Giáo, bạn có bao giờ nghĩ rằng văn hóa chân chính của người Việt Nam có những nét tích cực đối với Tin Mừng? Và có bao giờ bạn nỗ lực khai thác để sống Tin Mừng sâu hơn không?

 

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty, SBD

391    05-08-2019