Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Giáo dục gia đình - những thách đố mới

Không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách đầy đủ và vững bền nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Bởi vì gia đình là thể chế đầu tiên quan trọng nhất in dấu lên nhân cách đang hình thành vào lứa tuổi còn non dại, khi trẻ em chưa có ý thức rõ về điều đó.

 Khá nhiều người thuộc lớp đứng tuổi, lấy làm lo ngại trước sự sa sút nhân cách của một bộ phận ngày càng lớn trong các thế hệ đang lớn lên. Nhưng nói chung, chúng ta chỉ mới dừng lại ở những hiện tượng mà chưa mấy ai đi sâu phân tích thực chất và nguyên nhân một cách có căn cứ vững chắc. Vì vậy trước hết xin nói đôi điều về khái niệm giáo dục gia đình để có thể tìm ra cách lý giải vấn đề này...

 

Giáo dục gia đình ở đây được hiểu là toàn bộ những tác động của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trước hết của lớp trẻ.

 Gia đình là thể chế xã hội đầu tiên góp phần quyết định vào sự hình thành nhân cách trê em, hay nói đúng hơn, vào sự hình thành cấu trúc nhân cách. Các nhà tâm lý học lớn của thế kỷ này (Piaget, Mead, Moreno, Linton, Vygotsky, Leontiev... và chắc chắn là không thể bỏ qua Freud) đã chứng minh khá vững chắc điều đó. Ở phương Đông, dù không chứng minh theo lối thực chứng, các nhà hiền triết cũng đặc biệt nhấn mạnh tới sự hình thành nhân cách từ thuở ấu thơ, thậm chí từ khi còn nằm trong bào thai (thai giáo).

 

Ở đây, xin nhấn mạnh rằng: không thể có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách đầy đủ và vững bền nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Bởi vì gia đình là thể chế đầu tiên quan trọng nhất in dấu lên nhân cách đang hình thành vào lứa tuổi còn non dại, khi trẻ em chưa có ý thức rõ về điều đó. Những mối liên hệ của trẻ em với môi trường nguyên thuỷ này, đặc biệt với bố và mẹ, quyết định phương thức ứng xử, nhất là về mặt tình cảm, mà chúng sẽ trải qua sau này trong những mối liên hệ với các cá nhân khác. Một mối liên hệ tốt với bố mẹ, nhất là với mẹ, nếu được coi là "tốt”, sẽ đem lại cho chúng sự phấn chấn, tin cậy, lòng biết ơn và lòng hào hiệp sau này. Và nếu như mối liên hệ ấy bị trẻ coi là "xấu” thì sẽ đem lại cho chúng nỗi lo sợ mất đi cái gì đang có, sự bất an, sự ganh tức, sự nghi ngờ, thậm chí cả sự co mình lại kiểu tinh thần phân lập.

 Những đảo lộn từ gia đình truyền thống đến gia đình hiện đại

 Trong xã hội truyền thống với gia đình truyền thống, tác động của giáo dục gia đình đối với sự hình thành nhân cách có vẻ giản đơn, vì từ thế hệ này sang thế hệ khác (hàng chục thế hệ liền như vậy!) bao giờ cũng chỉ có một số khuôn mẫu quen thuộc lặp đi lặp lại. Những giao tiếp của người ta thường chỉ đóng khung vào gia đình, làng xóm. Những nhu cầu của con người thưởng chỉ quanh quẩn bấy nhiêu thứ: ăn no, mặc ấm, có mái nhà đủ che nắng che mưa, học hành dăm ba chữ, dự vài lễ hội trong năm... và ngay cả hoạt động sản xuất của con người cũng chỉ một năm hai mùa cày cấy, gặt hái, với cách đoán thời tiết "trông trời, trông đất, trông mây...", vì thế vấn đề xã hội hoá trẻ em hầu như không có gì phức tạp lắm. Nhưng hiện nay, mọi cái đều đổi khác, và khác một cách căn bản khi xã hội và gia đình Việt Nam đang chuyển mình để trở thành một xã hội hiện đại, gia đình hiện đại, trước hết ở các thành thị.

 Trong thời gian gần đây, quá trình này được đẩy nhanh chưa từng thấy và lan ra cả các vùng nông thôn rộng lớn. Từ chỗ gia đình là một đơn vị sản xuất (chủ yếu là nông nghiệp và phần nào thủ công nghiệp), nó chỉ còn duy trì chức năng kinh tế trong lĩnh vực thu nhập và tiêu dùng. Từ chỗ gia đình lớn kiểu gia trưởng, nó dần dần chuyển thành gia đình hạt nhân. Các thành viên trong gia đình có những mối quan hệ đối với nhau khác trước: tính độc lập của người vợ và cả của con cái tăng lên, các quan hệ hôn nhân dựa trên cơ sở tự nguyện hơn là bị áp đặt, không khí "dân chủ” và "bình đẳng" trong gia đình hình thành. Các thành viên gia đình dần dần tham gia hoạt động sản xuất xã hội ở bên ngoài khuôn khổ gia đình và chính sự "mở cửa" ấy đã đem lại một sự xáo trộn về quan hệ gia đình không thể tránh khỏi. "Tầm với" của con người trở nên rộng lớn hơn, chức năng xã hội hoá của gia đình dường như bị thu hẹp (chủ yếu ở tuổi ấu thơ và niên thiếu). Các thể chế xã hội khác gọi là các thể chế thứ sinh (institutions secondaires)- như trường học, nơi làm việc, nơi giao dịch... ngày càng chiếm một vai trò quan trọng hơn. Nóichung, về mặt văn hoá và nghề nghiệp, gia đình không còn giữ vai trò chủ yếu trong quá trình xã hội hoá ở những lứa tuổi vị thành niên như trước. Nhiều bố mẹ không đủ sức "rèn cặp" con cái. Uy tín của bố mẹ bị uy tín của trường học và nơi làm việc "cạnh tranh", vì đó là những nơi bảo đảm cho sự tiến thân của mỗi người nhiều hơn. Đặc biệt đáng chú ý là trong môi trường đô thị, nhất là các đô thị lớn, ít ai biết ai (gọi là trạng thái "vô danh" - anonymat), sự kiểm soát của gia đình đối với con cái bị buông lỏng...

 Tình trạng bất cập của gia đình trong quá trình biến đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại như vừa nói là nét chung của các nước đang phát triển. Điều cần nhấn mạnh là không nên để sự biến đồi này diễn ra như một sự đứt đoạn hoàn toàn, bởi vì không phải mọi cái truyền thống đều đáng bị từ bỏ, cũng như không phải mọi cái dược coi là hiện đại đều đáng tiếp nhận.

 Nhưng ngoài tình trạng bất cập ấy ra, ở nước ta hiện đang diễn ra một tình trạng hẫng hụt ở nhiều gia đình trong quả trình chuyển từ kinh tế "quan liêu bao cấp” sang kinh tế thị trường. Về thực chất, đây là sự thay hệ giá trị này bằng hệ giá trị khác. "Cáichung trên hết” nhường chỗ cho sự kết hợp hữu cơ giữa cái chung và cái riêng (và trong một số trường hợp, nhường chỗ cho "cái riêng trên hết"). Ngày nay, không thể gửi gắm số phận con em vào sự sắp xếp và ban phát của bộ máy Nhà nước, mà mỗi người, mỗi gia đình phải tạo được "chỗ đứng chân” độc lập của mình để tồn tại và thăng tiến. Quá trình vô cùng hợp lý ấy, tiếc thay, đang diễn ra một cách xô bồ, mạnh ai nấy được, chụp giựt, khiến cho các quan hệ gia đình và xã hội bị đảo lộn ghê gớm và những đạo lý thông thường của con người bị xâm phạm, bị bóp méo. Không khí ấy rất thuận lợi cho sự ra đời của một tầng lớp giàu có hãnh tiến (thay thế cho tầng lớp đặc quyền, đặc lợi trong kinh tế quan liêu bao cấp, và trong nhiều trường hợp, tầng lớp kia chuyển hoá thành tầng lớp này). Hệ giá trị gia đình cũ bị phá vỡ đã đành, cả hệ giá trị gia đình mới, có lợi cho sự phát triển lành mạnh của các cá nhân cũng khó hình thành. Có thể nói chắc rằng, chừng nào các quá trình chuyển sang kinh tế thị trường chưa được điều tiết bằng những chuẩn mực đạo lý và luật pháp chặt chẽ (sở hữu chính đáng, thu nhập chính đáng, kinh doanh chính đáng, hành nghề chính đáng...), chừng đó không thể chấm dứt tình trạng loạn cương của các gia đình.

 Định hướng xây dựng nhân cách?

 Bây giờ, nếu hỏi bất kỳ người nào về những định hướng giáo dục con cái mình, chắc chúng ta sẽ nhận được những câu trả lời không được rành mạch lắm.

 Hoàn cảnh xã hội ngày nay đang mở ra nhiều con đường tiến thân cá nhân, nhiều hình mẫu nhân cách hơn so với hoàn cảnh trước đây. Trước mắt con em chúng ta, biết bao con đường tiến thân khác nhau mở ra: trở thành một nhà doanh nghiệp, hoặc một người có trình độ kỹ thuật và nghề nghiệp cao trong các lĩnh vực rất khác nhau, hoặc một nghệ sĩ, hoặc một viên chức công hay tư thành thạo nghiệp vụ…

 Mẫu số chung của những hình mẫu nhân cách cũ là lấy Nhà nước làm chỗ dựa. Còn mẫu số chung của các hình mẫu nhân cách đang hình thành là lấy năng lực cá nhân của bản thân mình làm chỗ dựa. Từ đó hệ giá trị gia đình cũng biến đổi theo.

 Trong xã hội hiện nay, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều gia đình và cá nhân cố gắng tạo nên một đời sống riêng của mình, do chính mình làm chủ. Tính độc lập của gia đình và cá nhân đang được khôi phục và khẳng định. Quá trình này có thể mang theo những biểu hiện thái quá, nhưng về cơ bản là tích cực. Khẳng định tính độc lập của cá nhân đến mức chiếm đoạt của công làm của riêng, tham nhũng, đầu cơ gian lận, làm giả, lừa bịp... là điều không thể chấp nhận. Nhưng khẳng định tính độc lập cá nhân bằng chính sức lực, tài năng và sáng kiến của mình do đó mà có thể giàu lên chính đáng là điều cần khích lệ đúng mức.

 Định hướng xây dựng nhân cách hiện nay chính là nhằm xây dựng những cá nhân công dân có khả năng tồn tại và phát triển một cách độc lập. Tất cả các mặt phát triển của nhân cách (trí tuệ, xúc cảm, thể chất, năng lực nghề nghiệp, đạo đức, mỹ học, tâm linh...) đều phải được hướng vào đó, trước hết là năng lực kiếm sống một cách chính đáng.

 Nhiều gia đình hiện đang hướng con cái mình theo mục tiêu này và đó là điều đáng mừng. Nhưng trong giai đoạn chuyển biến xã hội lớn lao này, chỉ có sức lực của gia đình thì không thể nào kham nổi. Như đã biết, trong chế độ tập trung quan liêu, gia đình bị bào mòn lay chuyển tận gốc rễ. Gia đình mất đi tư cách độc lập của mình trong lĩnh vực kinh tế đã đành, nó còn mất đi tính độc lập cả trong lĩnh vực đời sống tinh thần. Nếu cá nhân là những "đinh ốc" của xã hội, thì gia đình cũng chỉ là nơi tập hợp một bộ phận những "đinh ốc" ấy, chỉ có khác là nơi tập hợp này còn dựa vào nền móng huyết thống để tồn tại. Vì thế, không ít gia đình lâm vào tình cảnh bế tắc, lúng túng trong quá trình khôi phục tính độc lập của mình. Sở hữu riêng không có. Nơi hoạt động không có. Năng lực nghề nghiệp thích hợp cũng không có... Trong hoàn cảnh ấy, nếu xã hội (mà Nhà nước là người đại điện) không tìm cách tạo ra những điều kiện cần thiết cho tính độc lập của gia đình và cá nhân, thì không thể nói tới việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triền nhân cách của trẻ em. Chỉ cần lấy một chuyện: nếu không duy trì và mở rộng được hệ thống nhà trẻ và trường phổ thông thật bảo đảm để cho các gia đình có thể chăm sóc trẻ em tốt hơn, nếu không tạo ra những điều kiện sinh sống độc lập hơn cho những thành viên lớn tuổi trong gia đình, thì khó lòng nói tới một môi trường thuận lợi cho việc giáo dục trẻ em.

 

Và như vậy, khôi phục và củng cố gia đình tuyệt đối không phải là công việc riêng của các gia đình. Xã hội (Nhà nước) đóng vai trò rất lớn, thậm chí trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, nó phải đóng vai trò quyết định trong quá trình khôi phục và củng cố gia đình như những tế bào lành mạnh của xã hội. Từng bước đi tới được những thể chế gia đình thích hợp cho hạnh phúc con người và nhất là thuận lợi cho giáo dục gia đình trước những thách đố mới. Đó chính là những con người Việt Nam vừa gắn bó sâu sắc với truyền thống gia đình, vừa tiếp nhận và xây dựng những cái mới trong lĩnh vực này.

 NK

 
1024    30-03-2017