Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Giáo Hội hiện diện trong những mô thức

 

Đa số Kitô hữu chúng ta thường để tâm sống với luật đạo hơn là ý thức về vị thế năng động của mình trong Giáo Hội. Nếu bất ngờ được hỏi, “Giáo Hội Công Giáo là gì?” (1), bấy giờ chúng ta mới nghiệm ra mình chưa thật sự hiểu rõ bản thể của Giáo Hội. Sự khiếm khuyết này khiến chúng ta chưa thật sự hòa nhập vào lòng Giáo Hội. Đã đến lúc chúng ta nên ý thức đúng về bản thể của Giáo Hội. Muốn thế, không gì hơn chúng ta hãy tìm đến ngành thần học giáo hội (ecclesiology). Ngành học này đã có từ lâu và rất quan trọng vì có đối tượng là Giáo Hội.   
Nội tại của Giáo Hội là một mầu nhiệm nên không thể đưa ra một định nghĩa đơn giản qua một hướng nhìn. Qua thời gian, thần học đã nhận ra những mô thức (models) đa dạng của Giáo Hội (2). Mỗi mô thức chỉ nêu ra được một đặc tính của Giáo Hội trong lịch sử cứu độ. Vì vậy, mặc dù thần học đã cố gắng dẫn ra nhiều mô thức, nhưng chúng không có tính cách cố định và ngưng đọng. Thực thể phong phú của Giáo Hội vẫn chờ đợi những hiểu biết bổ túc trong tương lai.

Nhận định về Giáo Hội trước thời công đồng Vatican II

Giáo Hội đã được hiểu như thế nào trong quá khứ? Giáo lý Công Giáo, theo truyền thống, đã nhìn Giáo Hội qua 3 mô thức mà giáo lý gọi là ba thành phần. Đó là: Giáo Hội đang chiến đấu (các tín hữu tại thế), Giáo Hội khải hoàn (các thánh trên thiên đàng), và Giáo Hội đau khổ (các linh hồn trong luyện ngục). Tuy Giáo Hội chia làm ba thành phần nhưng liên kết với nhau. Chẳng hạn các tín hữu tại thế cầu nguyện với các thánh trên thiên đàng và cầu cho các linh hồn trong luyện ngục. Các thánh trên thiên đàng cầu nguyện cho các người tại thế. Giáo lý cũng dạy rằng cầu nguyện cho người khác cũng là cầu nguyện cho chính mình.  

Thần học kinh viện (3) nhận diện Giáo Hội Công Giáo qua hai mô thức: Giáo Hội hữu hình tại thế và Giáo Hội vô hình trên trời. Giáo Hội hữu hình gồm có tòa thánh Vatican, các giáo phận trên thế giới và toàn thể giáo dân. Giáo Hội vô hình gồm có các vị thiên thần và cộng đồng các thánh trên thiên đàng. Chỉ Giáo Hội vô hình mới có tính siêu việt và phổ quát (công giáo) nên là Giáo Hội đích thực. Giáo Hội hữu hình tại thế chỉ là tạm, như đoàn hành hương trong tiến trình về miền đất hứa để hợp với Giáo Hội trên trời. Giáo Hội hữu hình sống trong trần thế nên phải có những luật lệ và phân bộ thích hợp với xã hội loài người. Vì do con người quản trị nên Giáo Hội trần thế không tránh khỏi những lỗi lầm có thể xảy ra do bản tính bất toàn của người phàm.
Có lẽ đa số Kitô hữu chúng ta đều nhìn Giáo Hội qua những mô thức kể trên, rồi ngưng đọng sự hiểu biết của mình ở đó. Những biểu thị nêu trên, tuy đúng nhưng chưa trình bày đủ sự phong phú về mối liên hệ giữa giáo dân và sứ mạng của Giáo Hội trong chương trình cứu độ. Chúng cũng chưa nói ra được bản thể huyền nhiệm của Giáo Hội. Chẳng hạn ơn sủng của Thần Khí, khi chính Đức Giêsu nói: Tốt hơn Thầy ra đi để Ðấng Thần Khí đến với các con (Ga 16:7). Nhờ Thần Khí tác động mà cộng đồng môn đệ của Đức Giêsu đã trở thành Giáo Hội.

Thực thể Giáo Hội theo nhận định của thần học hiện đại

Nền thần học hiện đại đã nhận dạng Giáo Hội qua khá nhiều chiều hướng. Trong số những công trình này, nổi bật nhất là hệ thống phân tích của Hồng y Avery Dulles (4). Những mô thức về Giáo Hội của ngài đã được phổ biến rộng rãi trong mọi giới Công Giáo như một hệ tư tưởng chỉ đạo để học hỏi về Giáo Hội. Ở đây tôi xin dựa vào 6 mô thức của ngài để suy luận về Giáo Hội.

1.  Giáo hội là một tổ chức qui củ (Church as institution)

Giáo Hội là khuôn mẫu cho một xã hội hoàn hảo đúng với nghĩa hoàn hảo. Giáo Hội không lệ thuộc vào ai, tự đứng vững và đầy đủ bởi chính mình như một quốc gia độc lập. Hệ thống lãnh đạo có hình thức như một chính phủ thế tục với hiến pháp riêng, với các bộ ngành, và được điều hành bởi hàng chức sắc có quyền bính xếp đặt theo hệ thống phẩm trật (hierarchical). Nền nhà của Giáo Hội là tầng lớp tín đồ như những công dân trong xã hội đó. Kiến trúc này đã được thiết lập bởi Chúa Giêsu và được Chúa ban ơn tông truyền tiếp nối cho đến ngày tận thế. Nhờ đó Giáo Hội ngày nay vẫn nối kết với Giáo Hội từ thời các thánh Tông Đồ. Nếu không có mối nối kết này Giáo Hội không còn là nguồn ơn cứu độ xuyên qua dòng lịch sử.
Trọng tâm của mô thức này nhắm vào ơn ích cho giáo dân. Giáo Hội phục vụ giáo dân qua ba chức năng: quản trị, giáo huấn và ban phát ân sủng. Về mặt quản trị, Giáo Hội phải có thẩm quyền chỉ đạo. Thẩm quyền ở đây không nên hiểu theo dạng dân chủ nhưng là dạng thần quyền. Công đồng Vatican I nêu rõ thẩm quyền của Giáo Hội là do Thiên Chúa trao ban. Tuy nhiên quyền bính này không mang tính độc đoán nhưng nhân từ như bà mẹ nuôi con. Về chức năng giáo dục, Giáo Hội là trường học dạy bảo chân lý qua những giáo điều để có sự sống vĩnh cửu. Về chức năng ban phát ơn sủng, Giáo Hội là nơi cung cấp những những nhiệm tích để nuôi dưỡng linh hồn. Tóm lại Giáo Hội không nên hiểu là một tổ chức theo đẳng cấp mà là một kết hợp có trật tự. Sự kết hợp này đã được Thánh Phaolô mô tả: Anh chị em không còn là khách trọ hay khách qua đường, nhưng là người nhà của Thiên Chúa. Tòa nhà được xây dựng trên nền tảng các thánh Tông Đồ, các tiên tri, và có Đức Giêsu Kitô làm đá góc tường (Eph 2:19-22).

2.  Giáo Hội là một hiệp thông mầu nhiệm (Church as mystical communion)

Giáo Hội hướng đến việc dẫn dắt tín đồ hiệp thông với Thiên Chúa. Bản chất của sự hiệp thông không phải là sự ràng buộc theo giáo luật, hay theo một cấu trúc xã hội, nhưng là sự tương tác giữa những cá nhân có ý thức về nhau (interpersonal community). Toàn thể tín đồ liên kết với nhau qua cùng một Thần khí của Chúa Giêsu phục sinh. Mô thức này có thể gọi tắt là “ân sủng” vì nhấn mạnh đến các ân sủng năng động của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta thấy Tân Ước diễn tả Giáo Hội như một công đoàn hiệp thông. Các tín hữu tụ lại với nhau, hoặc dăm ba người, hoặc vài gia đình, hay một cộng đồng để cầu nguyện. Đức Giêsu phán, “Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Ta, thì Ta ở giữa họ” (Mt 18:20). Thánh Phaolô cụ thể hóa Giáo Hội là một thân thể với nhiều chi thể (1Cr 12:12-15). Theo công đồng Vatican II, nguyên lý đầu tiên và tối căn bản của thần học Giáo Hội là sự hiệp thông mầu nhiệm chứ không phải là một tổ chức tôn giáo. Hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa (hướng dọc) và giữa con người với nhau trong Chúa Kitô nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần (hướng ngang). Chính Đức Giêsu muốn tất cả mọi tín đồ và Thiên Chúa trở nên một (Ga 17:20-23). Suy ra khi Kitô hữu chúng ta kết hợp với nhau, cũng là kết hợp với Giáo Hội và kết hợp với Thiên Chúa.

3.  Giáo hội là nhiệm tích (Church as sacrament)

Nhiệm tích (còn gọi là bí tích) là những dấu chỉ (dấu tích) hữu hình nhưng mang ý nghĩa thiêng liêng (mầu nhiệm) chỉ có thể cảm nhận qua đức tin. Nhiệm tích biểu lộ sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa, Đấng không thể nhìn thấy. Ngay chương đầu của bản Hiến Chương về Giáo Hội (Constitution on the Church) Công đồng Vatican II tuyên bố, Giáo Hội là nhiệm tích của sự kết hợp giữa Thiên Chúa và nhân loại. Để là nhiệm tích, Giáo Hội phải hội đủ 2 thành tố: phải là một tổ chức hữu hình để làm dấu chỉ cụ thể (ngoại giới), phải tàng trữ ơn phúc của Thiên Chúa (nội giới). Nói như Henri de Lubac: bản tính thánh và bản tính người phàm không tách rời nhau. Rahner đưa ra thí dụ, chẳng hạn nhiệm tích hãm mình thống hối ăn năn. Ý nghĩa của nó là lòng hối hận trong ý muốn xa lánh tội lỗi. Đó là dấu chỉ cụ thể qua việc làm của con người. Tuy nhiên công lao đó không có hiệu lực nếu không được nâng đỡ bởi ơn giải tội từ Thiên Chúa.  
Trọng điểm của mô thức này đào sâu ý nghĩa: nhiệm tích là một thực tại cộng đồng chứ không qui vào cá nhân. Không ai tự mình rửa tội cho mình, tự tha tội hay tự xức dầu cho mình. Nhiệm tích Thánh Thể không bao giờ được cử hành trong đơn độc. Con người luôn luôn được sống trong mối tương tác với nhau, bởi vì con người đến thế gian là một thành viên của gia đình, của chủng tộc, của một dân tộc… Như vậy các nhiệm tích đã dẫn dắt tín hữu đối thoại với nhau, nhờ đó tín hữu đạt được bước tiến bộ về tâm linh mà họ không thể đạt được trong sự tách biệt cô lập.

4 Giáo Hội là sứ giả loan tin (Church as herald)  

Giáo Hội như một sứ giả, người chính thức có trách nhiệm thu thập những thông điệp của vua, rồi đi loan truyền cho muôn dân. Như vậy mô thức sứ giả lấy lời nói làm chính. Cần phải nhấn mạnh ở đây, lời Chúa không phải là những lời đã nói trong quá khứ nay được Giáo Hội nhắc lại như là tường thuật một biến cố hay kể một truyện tích. Trái lại Lời Chúa là Lời vĩnh hằng. Chúa hiện diện trong Lời Chúa ngay tại đây, ngay bây giờ, và ban sự sống cho những ai tiếp nhận.
Trọng tâm của mô thức này, trước hết là nỗ lực kêu gọi giáo dân đổi mới và hoán cải, sau đó kêu gọi giáo dân trở thành sứ giả với lòng nhiệt thành tham gia vào nỗ lực truyền bá phúc âm. Chính Đức Giêsu đã nêu cao sứ vụ truyền bá phúc âm. Người nói với dân Capharnaum, “Ta còn phải đem tin mừng Nước Trời cho các thành khác, chính vì thế mà Ta được sai đến.” Rồi Người đi giảng trong các hội đường khắp nước Yuđê (Lc 4:43-44). Trước khi về trời, Đức Giêsu nói với các Tông đồ, “Các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ trong muôn dân. Dạy chúng mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi” (Mt 28,19-29). Thánh Phaolô cũng nói, “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng  là một bổn phận. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Trong tông huấn Evangelii nuntiandi (Loan báo tin mừng) năm 1975, Giáo hoàng Phaolô VI dạy: toàn thể Giáo Hội có sứ mệnh truyền giáo theo lệnh Chúa Giêsu. Dù chỉ một người đi rao giảng, cá nhân đó cũng đã hành xử trong sự hiệp thông với sứ mệnh của Giáo Hội (chương VI).

5.  Giáo Hội là tôi tớ phục vụ (Church as servant)  
Mô thức tôi tớ xác nhận Giáo Hội theo chân Chúa Giêsu, Đấng đến thế gian để chịu đựng đau khổ và phục vụ như kẻ tôi tớ. Giáo Hội tuyên bố sự hiện diện của Nước Trời không chỉ bằng lời nói qua việc rao giảng, nhưng thiết thực hơn trong sứ vụ hòa giải, băng bó vết thương, xoa dịu đau khổ, chữa lành bệnh tật... Nếu Chúa là “Đấng cho những người khác”, thì Giáo Hội cũng phải là “một cộng đồng cho tha nhân”.
Trong việc miêu tả chính xác ý nghĩa “tôi tớ”, Hồng Y Dulles lưu ý thuật ngữ “tôi tớ” bao hàm ba đặc tính: 1) công việc được thực hiện không phải bởi tự ý muốn nhưng bởi vâng lời theo lệnh truyền; 2) Công việc hướng đến lợi ích của người khác hơn là lợi ích của mình; 3) lối hành xử đầy lòng khiêm tốn và hạ thấp thân phận của mình.

Chúng ta thấy Hồng y Dulles bám sát ý nghĩa “tôi tớ” trong Tân Ước. Tôi xin đưa ra vài dẫn chứng. Về yếu tố vâng lệnh, thánh Phaolô nói, “Không ai rao giảng nếu không được nhận lãnh sứ mệnh” (Rm 10:15). Về yếu tố ích lợi cho người khác: Đức Giêsu chịu chết vì tội lỗi của nhân loại (1Cr 15:3). Về yếu tố khiêm tốn: Đức Giêsu quì xuống rửa chân cho các Tông đồ (Ga 13:1-15). Đức Giêsu nói, “Ta đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10:45).
6.  Giáo Hội là cộng đồng môn đệ (Community of disciples)  
Căn cứ vào sử liệu, khởi đầu Đức Giêsu thành lập Giáo Hội với 12 môn đệ, kế đó có thêm vài người quen thuộc như Lazaru, Martha, Mary Madelene… Theo thánh Luca cho biết, đã có lần Đức Giêsu sai 72 môn đệ chia ra từng cặp đi giảng đạo (Lc 10:1-2). Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật có 120 người tụ lại với Đức Mẹ Maria và 11 tông đồ để cầu nguyện (Cv 1:13-15). Đó là tất cả những môn đệ của Đức Giêsu được ghi trong Thánh Kinh. Họ là những người từ bỏ sản nghiệp và nếp sống cũ để sống gần gũi với Đức Giêsu (Mt 10:37-42). Họ tạo nên một cộng đồng với lối sống tách biệt với xã hội thời đó. Họ có niềm tin khác biệt về Nước Trời mà giới Do Thái giáo không chấp nhận, còn dân chúng thì hiểu lầm họ. Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ biết Thiên Chúa là Cha. Như vậy ngay từ đầu Giáo Hội là một kết hợp trong tình huynh đệ của những người có chung một Thầy và có chung một Cha.

Sau thời Đức Giêsu phục sinh, các Tông Đồ đã gọi tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu và được Thần Khí tác động là môn đệ của Chúa Giêsu (Cv 6:1-7). Theo tinh thần ấy, danh xưng “môn đệ” là tất cả những ai tin vào Đức Giêsu. Do đó theo Tân Ước, nhờ ơn Chúa Thánh Thần tất cả các tín hữu chúng ta đều là môn đệ của Chúa Giêsu qua đức tin.

Trọng tâm của mô thức này là đặt mỗi người chúng ta phải có ý thức mình là môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta phải làm gì để xứng với danh vị đó? Tân Ước đã nêu ra vô số linh đạo mà chính Đức Giêsu đã tóm lược như sau: từ bỏ chính mình, chấp nhận vác thánh giá, mến chúa yêu người, (Mt 10:37-38; 22:37-39; Lc 14:26-27). Thêm vào đó Giáo Hội cho biết, là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta bị ràng buộc bởi những bổn phận như: bố thí, xưng tội, dự thánh lễ, cầu nguyện, hãm mình và nhận lãnh Mình Thánh Chúa…  Với nếp sống này, Giáo Hội ngày nay vẫn như Giáo Hội thủa ban đầu, là một cộng đồng mang những giá trị tách biệt với xã hội trần thế.
Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội đích thật, từ thời cổ đã được tôn xưng là “Giáo Hội Thánh” (Holy Church). Giáo Hội có nguồn gốc từ Thiên Chúa nên không thể dùng trí óc thực nghiệm của con người để phân tích thực thể của Giáo Hội. Vì thực thể Giáo Hội là mầu nhiệm của Chúa Kitô nên chúng ta chỉ có thể đến với Giáo Hội qua những ý thức thần học. Ý thức thần học, điển hình qua 6 mô thức trên, cho chúng ta thấy Giáo Hội là nơi chúng ta nhận ra nhau để cùng đến với Thiên Chúa. Cũng trong mầu nhiệm, Giáo Hội được Thần Khí, Đấng hoán cải sự chết thành sự sống, vén mở những mạc khải để mở mắt tâm trí chúng ta, để chúng ta thấy chân dung Giáo Hội cũng chính là chân dung của mỗi Kitô hữu. Hiểu như vậy chúng ta nhận ra năng lực, ân sủng, và căn tính của mình trong liên hệ tương tác với Giáo Hội. 

Đỗ Trân Duy
_____________

(1) Tôi mượn câu hỏi gợi ý từ đề tựa bản thông điệp của Hồng Y Wojtyla (đức Gioan Phaolô II) “Ecclesia, quid dicis de teipsa?” (Church, what do you say of yourself - đối với chính bạn, Giáo Hội là gì?). Câu hỏi như tiếng chuông đánh thức trí óc chúng ta và dẫn tới sự trưởng thành trong ý thức về Giáo Hội và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội.

(2) Từ “model” thường được dịch ra Việt ngữ là “mô hình”. “Mô hình” chú trọng về mặt cấu trúc và được dùng trong ngành kinh tế hay khoa học. Nó là một vật mô phỏng theo cấu trúc gốc, để nguyên cứu, chẳng hạn kiến trúc sư làm mô hình vể căn nhà sẽ xây cất. “Model”, theo nghĩa thần học, nên hiểu là “mô thức” thì đúng hơn, bởi vì nó không phải một một mô hình được tạo ra để nghiên cứu. Mô thức nói tới một hướng ý thức trong toàn khối thâm sâu đa diện của thực thể gốc, ở đây là thực thể Giáo Hội.

(3) Thần học kinh viện (scholasticism - triết học kinh viện) khởi đầu đây là ngành triết học do hai giáo phụ Augustine và Thomas Aquinas sáng lập. Thánh Augustine chịu ảnh hưởng triết học Plato. Thánh Thomas chịu ảnh hưởng triết học Aristote. Hai vị dùng những phạm trù của triết học làm cơ sở để suy tư về những mạc khải trong thánh kinh. Hệ thống tư tưởng của hai thánh đã được dùng trong các chủng viện ở Âu châu từ thế kỷ IX để đào sâu ý thức về Thiên Chúa, từ đó phát sinh ra ngành thần học kinh viện.

(4) Thần học gia Avery Dulles (1918-2008) là linh mục dòng Tên. Nhờ công trình xây dựng thần học của cha, năm 2001 Giáo Hoàng Gioan-Plaolô II đặc biệt nâng ngài lên chức Hồng Y, dù ngài không ở trong hàng ngũ Giám Mục. Năm 1974, ngài cho xuất bản cuốn “Models of the Church” (Những mô thức của Giáo Hội) trình bày rằng Giáo Hội có 5 mô thức. Kỳ tái bản sách, năm 2002, ngài bổ túc thêm một mô thức nữa, nên tổng cộng là 6 mô thức.

2000    21-07-2017