Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Giáo hội Nhật Bản: Lời của hồng y Hollerich, cựu nhà truyền giáo ở Nhật

Giáo hội Nhật Bản: Lời của hồng y Hollerich, cựu nhà truyền giáo ở Nhật

Hồng y Jean Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg, ngài đi truyền giáo ở Nhật trong vòng 17 năm, trước khi được được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Luxembourg năm 2011.

Nước Nhật là chặng thứ nhì trong chuyến đi lần thứ tư đến Á châu của Đức Phanxicô, đất nước mà ngay từ khi còn trẻ ngài đã mơ đặt chân đến. Vatican News có cuộc phỏng vấn với hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg hiện nay, ngài từng đi truyền giáo ở Nhật 17 năm. Giáo hội Nhật có một lịch sử đặc biệt, đã cự được với các cuộc bách hại trong nhiều thế kỷ. Một Giáo hội ngày nay sống hài hòa với các tôn giáo khác và ngày càng thu hút người trẻ ở Tokyo.

Nước Nhật đặc biệt được các linh mục Dòng Tên đến truyền giáo từ thế kỷ 16. Và 65 năm sau, kitô giáo bị cấm và người công giáo bị bách hại. 

Phỏng vấn hồng y Jean-Claude Hollerich 

Trước hết có nhiều giáo dân cộng tác với các tu sĩ Dòng Tên, những người “doguku, những người cùng sống với”. Đó là các giáo lý viên. Họ thông dịch các bài giảng, và chuẩn bị tinh thần cho giáo dân là các cộng đoàn công giáo sẽ có thể không có linh mục. Trong các cộng đoàn nhỏ còn lại, trẻ em được rửa tội và các giáo lý viên dạy cho các em đọc kinh trong lúc chờ đợi các nhà truyền giáo trở lại. 

Vì vậy chính sức mạnh của cộng đoàn là nền tảng giúp cho sự hiện diện này?

Đó cũng là sức mạnh cảm nhận nhóm của người Nhật. Vì kitô giáo bị cấm, nên nếu trong năm gia đình có một người theo đạo thì tất cả đều bị xử tử. Và như thế áp dụng trong các gia đình ở nhiều vùng khác nhau. Nhưng khi cả gia đình, cả làng đều là người công giáo thì điều này đã không xảy ra: họ sống ẩn giấu.

Có hai thế kỷ người công giáo bị đàn áp. Giáo hội bám rễ trong tinh thần tử đạo này, bây giờ giáo dân Nhật còn giữ trong ký ức tinh thần này không?

Chắc chắn, họ còn giữ trong ký ức, nhất là giáo dân ở thành phố Nagasaki. Nagasaki và Tokyo là các Giáo hội khác nhau. Tokyo là Giáo hội mới được thành lập bởi tầng lớp trung lưu của xã hội. Ở Nagasaki, họ là hậu duệ của tổ tiên kitô hữu. Nhà thờ chính tòa Nagasaki ở Odakami bây giờ là một khu phố của Nagasaki, nhưng trước đây là một làng riêng biệt, người dân hoàn toàn theo đạo công giáo.

Linh mục Bernard Petitjean thuộc Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris đã thấy một nhóm nhỏ tín hữu kitô vào nhà thờ dù họ bị cấm, bị đe dọa giết. Họ đặt cho ngài các câu hỏi và tự xưng mình là tín hữu kitô, họ nói với ngài “chúng ta có cùng một trái tim”.

Chứng từ của các vị tử đạo có tạo nên sức mạnh cho Giáo hội ngày nay không?

Rất nhiều, có các vị tử đạo ở thế kỷ 19 mà chúng ta không biết nhiều, các người này khi họ nói họ là kitô hữu, họ bị bắt bớ, Nhà nước đưa họ đến các trại tập trung, có một trại ở Zuwano, gần Yamaguchi được nhiều người biết đến. Cũng có nhiều tín hữu kitô chết vì đức tin ở thế kỷ 19. Dù vậy ngày nay có sự chung sống tốt đẹp giữa các tôn giáo ở Nhật.

Làm sao giải thích giải thích điều này và làm sao để có một sự chung sống tốt đẹp này?

Người Nhật rất quan tâm đến sự hài hòa. Khi có một tôn giáo mới xuất hiện, trước hết có sự khó chịu vì người dân phải tìm một thế quân bình mới, nhưng một khi mình đã ở trong thành phần của cộng đồng thì mình ở trong sự hài hòa. Họ tôn trọng lẫn nhau, họ giúp đỡ lẫn nhau. Tôi luôn giữ một kỷ niệm trong đầu, khi tôi còn là một tu sĩ Dòng Tên trẻ, tôi chưa chịu chức linh mục, có hồng y Poupard đến. Ngài đi thăm Núi Hiyei, trung tâm của một trong các ngôi chùa Phật giáo lâu đời nhất của Nhật, chùa Tendai (Thiên Thai tông). Sự đón tiếp nồng nhiệt, lịch sự, trong tình huynh đệ thật là tuyệt vời. Các phật tử Nhật hiểu ngài có trải nghiệm thiêng liêng. 

Mối quan hệ của người Nhật với đức tin là gì?

Đa số người Nhật không thuộc về một tôn giáo hoặc họ quên nguồn gốc tôn giáo của họ, nhất là người dân ở Tokyo, một thành phố rất lớn. Nếu trong nhà có ông bà qua đời, họ nhờ các nhà sư làm đám tang. Đây là một xã hội rất thế tục không thuộc về một tôn giáo nào nhưng lại không thù nghịch với đức tin. Người dân cởi mở với tôn giáo. Mọi người đều mừng ngày Tết. Trước giao thừa họ đến chùa Phật để nghe tiếng chuông. Sau đó họ đến các ngôi đền Thần đạo (shinto). Và rất nhiều người trẻ đặt câu hỏi về tôn giáo.

Người công giáo chỉ chiếm 0,35% đa số. Đại đa số các hôn nhân là hỗn hợp. Trong bối cảnh này, việc trao truyền đức tin sẽ không đơn giản?

 

Trong tất cả các giáo xứ đều có lớp giáo lý ngày thứ bảy hoặc chúa nhật và có rất nhiều người trẻ tham dự. Trẻ em được các thanh niên hướng dẫn chơi thể thao trước giờ giáo lý, và đây là một chuyện rất tốt. Ở thành phố luôn có các vụ trở lại. Ở thôn quê thì giảm nhưng ở thành phố thì tăng, tôi làm việc ở môi trường đại học và mỗi năm tôi may mắn rửa tội cho hai hoặc ba sinh viên. Không ai trong số các sinh viên theo đạo. Nhưng tình bạn với các sinh viên làm chuyển biến nhiều chuyện, chúng tôi đi du lịch chung với nhau… Họ hỏi tôi “vì sao cha đến Nhật? Vì sao cha không nhận lương trong khi cha là giáo sư? Vì sao cha không lập gia đình?” Đó là câu hỏi họ đặt ra cho một người truyền giáo: vì sao tôi đến Nhật. Dĩ nhiên chúng tôi không thể giải thích tất cả trong một buổi tối, nhưng bên cốc bia lúc này lúc kia, tôi chia sẻ với họ đời sống của tôi, tôi luôn có người xin tôi rửa tội cho họ.

Có thể có một cái nhìn sai lầm khi đặt câu hỏi về nước Nhật, khi nghĩ về nước Nhật, người ta có cảm tưởng đây là xã hội tiêu thụ, nơi chủ nghĩa cá nhân rất mạnh, nơi có nhịp sống điên cuồng, nơi gia đình truyền thống tan vỡ. Cha nói người trẻ rất quan tâm về tôn giáo, điều này có nghĩa là họ có quan tâm về lâu về dài?

Đúng, tôi xin đơn cử một ví dụ. Khi nói chuyện với một trong các sinh viên xin tôi rửa tội, tôi khám phá ngày xưa anh đi nhà trẻ công giáo. Anh giữ một kỷ niệm bình an khi cầu nguyện, lúc đó anh mới 5 tuổi, và anh muốn tìm lại bình an này, tìm lại cái hạnh phúc này. Vì thế anh xin rửa tội.

Làm thế nào Giáo hội có thể tháp tùng các người trẻ này?

Cũng như ở châu Âu, mình phải gần với họ. Không phải làm việc cho người trẻ nhưng phải gần họ, tôi may mắn được gần họ vì tôi làm trong môi trường đại học, được thấy các thế hệ trẻ khác nhau, và cũng không nên có một hình ảnh cố định về họ “người trẻ thì như vậy, như kia” nhưng phải cởi mở trong gặp gỡ, trong lắng nghe và như Đức Phanxicô thường hay nói, phải “lắng nghe trong thấu cảm”. Các quan hệ đã được thiết lập, tình bạn đã có vì thế tôi rất hạnh phúc khi mỗi năm ở giáo phận Luxembourg, tôi được các gia đình Nhật đến thăm, các sinh viên đến tìm gặp. Thật tuyệt vời khi chúng tôi còn giữ tình bạn này.

Người Nhật chờ đợi gì khi giáo hoàng đến?

Tôi nghĩ họ nghĩ Đức Giáo hoàng là người thánh thiện, người nói một ngôn ngữ mà họ hiểu. Và đó là nhà hiền triết đến từ Tây phương, luôn có khía cạnh này ở Nhật đối với người phương Tây. Và tôi nghĩ họ sẽ rất mong chờ sứ điệp này.

Tôi vẫn còn nhớ lời của một cựu sinh viên Nhật ngoài ba mươi tuổi, anh nói: “Con có một vé đi xem lễ Đức Giáo hoàng cử hành ở Tokyo!”, tôi nói nhưng mà con không công giáo, anh trả lời: “Đúng, nhưng con muốn thấy Đức Giáo hoàng và con muốn tham dự thánh lễ”. Vẫn còn lòng nhiệt huyết này. Người dân chờ một cái gì, người dân chờ lời của sự sống. Như thế, đây là một xã hội hậu-hiện đại ở Tokyo đã mất la bàn. Các giá trị truyền thống của họ vẫn còn và còn nhiều hơn ở châu Âu nhưng nó đã bị sụp đổ từ 20, 30 năm nay. Và người dân muốn biết làm thế nào để hạnh phúc trên quả đất này và đâu là trách nhiệm của chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

Hình ảnh Đức Phanxicô đến Nhật ngày thứ bảy 23 tháng 11-2019, ngày mưa gió!

 

1016    25-11-2019