Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Giáo phái "ngũ tuần" có phải chăng là thách đối của Giáo hội Công Giáo?

Giáo phái "ngũ tuần" có phải chăng là thách đối của Giáo hội Công Giáo?


 
Trước sự phát triển ngày càng lan tràn mạnh mẽ trên khắp thế giới kể cả Việt Nam của phong trào Hiện Xuống ( Pentecostalisme ) Mới. Đức cha Phero Nguyễn Văn Khảm đã ưu tư tự hỏi: “ Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã biết đến tình hình này chưa ? Đối diện với tình hình đó, định hướng mục vụ nào có thể được coi là thích hợp và hiệu quả nhất ?”

phai-ngu-tuan-va-nhung-thach-do-cho-giao-hoi-cong-giao.jpg

Đặt ra câu hỏi như thế có nghĩa định hướng của Giáo Hội Việt Nam không thích hợp đồng thời cũng không đem lại hiệu quả trong việc đối phó với phái “ Ngũ Tuần” nói riêng và các loại…lạc giáo khác nói chung ?

 

Để trả lời cho câu hỏi này, thiết nghĩ chúng ta cần đặt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng của Giáo Hội toàn cầu. Thật vậy Giáo Hội hiện lâm cơn khủng hoảng trầm trọng và cũng chính trong cơn khủng hoảng đó mà đã phát sinh ra các lạc giáo trong đó kể cả giáo phái “ Ngũ Tuần”.

 

Giáo phái này mệnh danh là phong trào Hiện Xuống Mới với phong cách cầu nguyện đặc trưng lôi kéo được rất nhiều người bằng cách: “ Đề cao cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa, cảm nghiệm sự hiện diện của Thánh Thần được biểu hiện cách cụ thể qua các đặc sủng, việc nói tiếng lạ, chữa lành bệnh tật thể xác cũng như tinh thần. Những câu hỏi mà các tín đồ của phong trào Hiện Xuống hay đặt ra cho người khác là: Bạn đã gặp Chúa chưa ? Bạn đã nhận Chúa Giê Su vào lòng chưa ? Bạn đã thực sự là Ki Tô Hữu chưa ? Bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chưa v.v…. ( Nguồn tập san Hiệp Thông – Đgm Phero Nguyễn Văn Khảm – Phái Ngũ Tuần và những thách đố cho GH CG Việt Nam ).

 

Trước những câu hỏi của giáo phái này, quả thật người Công Giáo không ai là không…lúng túng chẳng biết trả lời ra sao. Tuy nhiên không phải vì thế, chúng ta lại có thể mất đi lòng tin tưởng vào đạo giáo mà mình và cha ông đã theo đuổi, đã sống từ bấy lâu nay !

 

Chẳng những không mất lòng tin vào đạo, chúng ta còn có thể hỏi ngược lại: Vậy các bạn đã gặp được Chúa Giê Su chưa ? Đã thực sự là Ki Tô Hữu chưa. Đã cảm nghiệm được Tình yêu Thiên Chúa chưa ?

 

Nếu họ trả lời là…có thì chúng ta có thể khẳng định rằng người ta đã nói dối. Tại sao ? Bởi vì cái  gọi là Hiện Xuống Mới ấy hoàn toàn không phải là Thần Khí Chúa Ki Tô. Vì chưng hễ là Thần Khí Chúa thì luôn gắn với Sự Thật: Chúa Giê Su nói với người đàn bà xứ Samari bên bờ giếng Gia Cóp: “ Này bà, hãy tin Ta, giờ đến các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại trên núi này cũng chẳng tại Gierusalem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết còn chúng ta thờ lạy điều chúng ta biết vì sự cứu rỗi đến từ dân Do Thái. Nhưng giờ sắp đến và nay đã đến rồi khi kẻ thờ lạy thật hãy lấy tâm linh và sự thật mà thờ lạy Cha vì Cha vẫn tìm kiếm người dường ấy để thờ lạy Người. ĐCT là thần khí và những kẻ thờ phượng Người cần phải lấy tâm linh và sự thật mà thờ lạy” ( Ga 4, 21 -24 ).

 

Thần khí Chúa Giê Su nói đây chính là phần tâm linh hay nói cách khác đó chính là Đấng Cha nội tại trong mỗi người. Đức Ki Tô mạc khải cho người đàn bà ngoại đạo ấy về một cách thờ phượng mới đó là hãy quay trở về với Đấng Cha trong chính mình. Đấng Cha ấy không có ở…trên núi hay tại đền thờ Gierusalem mà ngay nơi tâm hồn mỗi người.

 

Quay trở về với Đấng Cha trong chính mình, tuy nhiên đó là điều tự thân mỗi người không ai làm được, cần có Đấng Trung Gian là Đức Ki Tô: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Chúa Giê Su là con đường duy nhất dẫn đến Đấng Cha. Những ai không bước đi trên con đường Giê Su ấy thì sẽ không bao giờ gặp được Cha cũng là Sự Sống đời đời: “ Còn sự sống đời đời là nhận biêt Cha tức Chân Thần duy nhât cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).

 

Nguyên nhân sâu xa khiến cuộc khủng hoảng của Giáo Hội ngày càng trầm trọng đó là vì đã không tin Chúa Giê Su, Đấng là đường là sự thật và là sự sống. Cũng chính vì không tin như thế nên thần học vẫn cứ còn tìm kiếm “ Sự Hồi Sinh Tôn Giáo” nơi phái “ Ngũ Tuần” mà không tin nơi Chúa Giê Su Ki Tô:

 

“ Bài học đầu tiên là cần mang lấy một lối nhìn tích cực hơn là tiêu cực nghĩa là khám phá nơi đó ( Ngũ Tuần ) sự hồi sinh tôn giáo. Chính đức Gioan Phao Lô 2 là người đi bước trước về thái độ này. Trong thông điệp Redemptor Hominis, ngài đã nhìn vấn đề và những thách đố của nó trong bối cảnh của một cuộc hồi sinh tôn giáo khi ngài viết: Thời đại chúng ta vừa vĩ đại vừa hấp dẫn. Một đàng trong khi xem ra người ta đang theo đuổi sự thịnh vượng vật chât và càng lúc càng chìm sâu trong chủ nghĩa tiêu thụ và duy vật. Đàng khác ta lại đang chứng kiến sự tìm kiếm ý nghĩa đời sống, nhu cầu đời sống nội tâm và một khát vọng học hỏi những hình thức và phương pháp mới giúp suy niệm và cầu nguyện. Không chỉ trong các nền văn hóa vốn có những yếu tố mạnh mẽ về tôn giáo nhưng ngay cả trong những xã hội Tục Hóa, người ta vẫn kiếm tìm chiều kích thiêng liêng của đời sống như phương thuôc chống lại tình trạng phi nhân…

 

…Hiện tượng này, cái được gọi là Hồi Sinh Tôn Giáo không phải là không mơ hồ nhưng cũng là một cơ may. Là một cơ may bởi lẽ người môn đệ Chúa Giê Su có thể giới thiệu cho thời đại này Tin Mừng như là đáp trả tuyệt hảo cho những khát vọng căn bản và sâu xa nhất cho con người. Thế nhưng vấn đề là tại sao người ta không tìm thấy câu trả lời trong GH Công Giáo mà lại đi tìm ở nơi khác, kể cả người Công Giáo cũng bỏ đạo mà đi theo họ ?” ( Nguồn: Tạp Chí Hiệp Thông – Đgm Phê Rô Nguyễn Văn Khảm đã dẫn ).

 

Sở dĩ người ta không tìm được câu trả lời cho những khát vọng căn bản và sâu xa của con người là vì Giáo Hội từ sau CĐ Vatican 2 thay vì rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời nội tại thì lại là Nước Trời Tục Hóa: “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Ki Tô rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc và các linh mục khác – Đức Ki Tô Hôm Qua, Hôm Nay và Mãi Mãi ).

 

Nếu Nước Trời là tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo hết nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức thì đâu có cần gì phải tin và lòng ăn năn, sám hối ? “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).

 

Cần phải tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô bởi vì Tin Mừng đó là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước Thiên Chúa chừng nào đến thì Ngài đáp: Nươc Thiên Chúa không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).

 

Chính bởi Nươc Trời là…Nước mầu nhiệm nội tại như thế nên Đưc Ki Tô mới đòi hỏi lòng tin và sự sám hối. Giữa lòng tin và việc sám hối có một mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau. Càng sám hối bao nhiêu thì lòng tin càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu. Ngược lại không sám hối tội mình thì không thể có lòng tin vào Tin Mừng.

 

Có tin vào Tin Mừng và quay về với Nước Trời ở nơi mình thì mới có thể đáp trả được cho những câu hỏi căn bản và sâu xa của con người về lẽ sinh tử, tử sinh ở đời. Đạo Công Giáo được gọi là Đạo Đức Tin và đức tin ấy là tin sự hiện hữu của Nước Trời cũng là một với Đấng Cha nội tại: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhìn nhận Chúa Giê Su là Cứu Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 -9 ).

 

Đức tin cần thể hiện bằng việc làm và việc làm ấy chính là cầu nguyện với Đâng Cha: “ Khi ngươi cầu nguyện thì đừng như bọn giả hình vì họ ưa đứng cầu nguyện trong Nhà Hội và tại góc đường để cho người ta thấy. Quả thật Ta nói cùng các ngươi, họ đã được phần thưởng của họ rồi. Còn ngươi, khi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 5 -6 ).

 

Cầu nguyện cách chân thật, xứng đáng thì phải xoay cái Tâm trở vào bên trong nơi Đâng Cha ngự trị. Điều này hoàn toàn khác với lối cầu nguyện phô trương nặng về cảm xúc của phái “ Ngũ Tuần”: “ Những buổi cầu nguyện của pgong trào này thường đầy cảm xúc, tác động mạnh mẽ trên tình cảm của người tham dự. Trong khi đó xem ra phía Công Giáo nhấn mạnh nhiều đến chân lý về mặt tri thức và có vẻ coi nhẹ cảm nghiệm vì cho rằng nó nặng cảm tính và dễ mang tính chủ quan. Câu hỏi có thể đặt ra là phải chăng chúng ta đã quá nhấn mạnh đến ý tưởng hơn là tình cảm, đến chân lý khách quan ( Objectivity )mà xem thường sự đáp ứng chủ quan của tín hữu ( Subjectivity )” ( Nguồn Tập san Hiệp Thông – Đgm Phero Nguyễn Văn Khảm đã dẫn ).

 

Cái gọi là…chủ quan, thực chất đó chỉ là Ý Riêng con người. Đang khi đó để gặp gỡ, kết hợp được với Thiên Chúa thì nhất thiết cần bỏ ý riêng mình đi. Cầu nguyện mà lại cứ đòi hỏi phải đáp ứng cho cái gọi là chủ quan ( Subjectivity ) ấy thì làm sao Chúa có thể nhậm lời ? Chính cái ý riêng ấy mới khiến ta xa Chúa chứ không phải điều chi khác !

 

Trên con đường theo Chúa, điều cốt yếu là phải …bỏ mình tức bỏ ý riêng mình đi: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ). Theo Chúa thì phải…bỏ mình. Không…bỏ mình thì không thể theo Chúa. Không những Chúa răn dạy những ai muốn theo thì phải…bỏ mình mà chính Ngài cũng thực thi điều ấy: “ Vì Ta từ trời xuống chẳng phải để làm theo ý riêng Ta bèn làm theo Ý Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).

 

Vâng theo Thánh Ý Chúa đó là cốt tủy của việc sống đạo. Thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội hiện nay không đến từ phía giáo phái “Ngũ Tuần” hoặc bất cứ ý hệ tư tưởng nào khác mà là do đã đánh mất niềm tin nơi Chúa Giê Su. Đang khi đó Ngài đòi hỏi cần đặt hết lòng tin nơi Ngài để được cứu: “ Ta là sự sáng đến thế gian. Hầu hễ ai tin Ta thì không cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 46 ).

 

Chúa nói lời này với các môn đệ khi còn ở thế gian và có ý ám chỉ về Bí Tích Thánh Thể sau khi Ngài đã phục sinh về trời. Chúa Giê Su Thánh Thể là ánh sáng soi đường nhưng cũng là Bánh của sự sống là lương thực cần thiết của con người trên con đường về quê hương vĩnh cửu: “ Ta là bánh của sự sống. Ai đến cùng Ta hẳn chẳng hề đói. Ai tin Ta thì chẳng hề khát” ( Ga 6, 35 ).

 

Sự đói, khát đây cố nhiên là …đói khát về tâm linh. Chính cái sự đói khát ấy là nguyên nhân đưa đến thống khổ cho thời đại ngày nay do nơi không có lòng tin vào quyền năng của Chúa Giê Su Thánh Thể. Chúa khóc và nói với dì Briege MCKenna O.S.C về việc mất đức tin nơi hàng ngũ các Linh Mục: “ Briege ơi !Đây là những vị Ta đã chọn để hướng dẫn Dân Ta. Nhưng các vị ấy đã mất niềm tin vào Ta. Các vị ấy đã tìm sự khôn ngoan thế gian.Họ quay lưng lại với quyền lực của Ta để chọn quyền lực thế gian. Chúa mạc khải cho tôi biết rằng: Sắp có khủng hoảng lớn trong chức Linh Mục” ( Quyền Năng Của Chúa Giê Su Thánh Thể ).

 

Đời Linh Mục là đời dâng hiến như Đức Ki Tô đã hiến mình cho đoàn chiên: “ Ta là người chăn tốt vì chiên mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 10, 11 ). Sống cuộc đời hiến dâng thật khó biết bao nếu không được sự đỡ nâng, chở che của Mẹ Maria. Việc Ngài được tuyên xưng là Mẹ các Linh Mục là rất đúng. Ngày nay thiên chức Linh Mục bị khủng hoảng chính là vì các vị đã không biết cậy dựa vào Đức Mẹ để toàn tâm thực thi Thánh Ý Chúa.

 

Xưa trong tiệc cưới CaNa, Đức Mẹ đã nhận ra…sự khó của nhà tiệc và Ngài đã nói với những người giúp việc: “ Hễ Người bảo làm gì thì hãy làm theo” ( Ga 3, 6 ). Đường hướng Mục Vụ của Giáo Hội trong tình thế hết sức khó khăn hiện nay không là gì khác đó là hết lòng cậy trông, phó thác nơi Đức Maria.

 

Chẳng phải người Công Giáo chúng ta vẫn tin rằng Đức Maria là Mẹ giống như tông đồ Gioan đã được Chúa Giê Su khi còn trên Thánh Giá trao cho: “ Này là con Bà” ( Ga 19, 26 ) hay sao ?

 

Phùng Văn Hóa

765    06-03-2021