Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Gilles Lipovetsky: “Chúng ta ở trong Kỷ nguyên bất an”

,

Gilles Lipovetsky phân tích các hệ quả của Covid-19 trên văn hóa cá nhân và tiêu dùng. Tác giả Lạc thú và xúc giác. Tiểu luận về xã hội quyến rũ (Gallimard, 2017, Giải thưởng Montyon của Hàn lâm viện Pháp)

 

Dịch Covid-19 đã làm ngưng hình ảnh chúng ta có về thế giới từ nhiều năm nay, một thế giới diễn ra với tốc độ siêu hiện đại, chúng ta đang đi qua một dịp chưa từng có để đặt lại quan điểm: thời kỳ này cho chúng ta thấy điều gì?

Gilles Lipovetsky: Tôi bị sốc vì sự thiếu chuẩn bị của các Quốc gia trước một khủng hoảng to lớn như thế này. Chúng ta sống trong ý tưởng các đại dịch chỉ có thể xảy ra ở châu Á, châu Phi, còn ở các nước chúng ta thì sẽ không bị. Trước hết tôi thấy đây là sự phá sản, đặc biệt là ở nước Pháp vì nhiều quốc gia cũng rơi vào  tình trạng tương tự, nhưng họ sáng suốt, họ không bị giam hãm trong lô-gích ngắn hạn … Sâu xa hơn, những gì được đặt vấn đề là mô hình quản lý y tế dựa trên tiêu chuẩn kinh doanh, ngầm củng cố bởi ý tưởng phải thường xuyên tiết kiệm, suy nghĩ rằng toàn cầu hóa có thể giải quyết vấn đề, như thử có một bàn tay vô hình trên thị trường, chẳng hạn nếu chúng ta không có khẩu trang, trong trường hợp gặp vấn đề chúng ta có thể đi mua chỗ khác. Câu ngạn ngữ chính trị “Cai trị là dự trù trước” áp dụng trong trường hợp này cho thấy là chưa đủ. Đây gần như là nguyên tắc cơ bản của Nhà nước: phải đảm bảo an ninh của dân chúng, điều này họ đã không làm được. Chúng ta có số liệu thống kê, chuyên gia, có một kho dữ liệu … và cuối cùng chúng ta thiếu mọi thứ. Điều này cho thấy sự bất hợp lý của một ban quản trị khi nào cũng cho mình hợp lý.

Có một nghịch lý lớn ở đây!

Đây chỉ là một khía cạnh trong các khía cạnh khác, chúng ta nhớ lại trong những năm 1980, chúng ta dễ dàng có hẹn để đi khám mắt, bây giờ phải mất sáu tháng. Vì để tiết kiệm, chúng ta đào tạo ít bác sĩ dù người già ngày càng nhiều hơn. Đây là một nghịch lý tuyệt đối. Thay vì đào tạo thêm trong ngành y tế thì chúng ta lại giảm. Dường như ý thức chung không phải là chuyện được chia sẻ tốt nhất. Chuông báo động đã được gióng lên, lần này chúng ta hy vọng nó sẽ tạo phản ứng thực sự.

Ông có ở trong số người nghĩ rằng thế giới tiếp theo nhất thiết sẽ phải khác đi không?

Hiện nay rất khó để đưa ra dự báo rõ ràng cho tương lai, vì tất cả tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới, mà chúng ta chưa đo lường được tầm mức rộng lớn của nó. Tôi nghĩ nó sẽ xuất hiện các yêu cầu chính đáng để xem lại hệ thống sản xuất của chúng ta, ít nhất là liên quan đến các thiết bị y tế và chúng ta hy vọng Âu châu sẽ tìm ra giải pháp để chúng ta không lệ thuộc nước ngoài.

Nhà nước hiện đại là một hệ thống tự xây dựng và phải đảm bảo quyền tự chủ và an ninh của chính nó, điều mà chúng ta đã không làm được. Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo điều này, cũng một cách như chúng ta đảm bảo an ninh quân sự của mình. Nó bao gồm kiểm soát và can thiệp bổ sung của các cơ quan công quyền: nhưng vấn đề là kiểm soát và can thiệp đến đâu? Cho đến giờ này chưa ai trả lời được, vì tất cả tùy thuộc vào quy mô của cuộc khủng hoảng. Nhưng rõ ràng là ở một số lãnh vực liên quan đến sức khỏe, Châu Âu và Hoa Kỳ phải giành lại quyền kiểm soát và không thể để vấn đề này vào tay chỉ một thị trường. Nếu chúng ta có đủ khẩu trang, xét nghiệm, máy thở như Nam Hàn và Đài Loan đã có thì chúng ta không lâm vào cuộc khủng hoảng này. Chúng ta đã phải trả một giá khủng khiếp cho việc quản lý căng thẳng đã có từ mười mấy năm nay của chúng ta.

Ý tưởng một mô hình tiêu thụ đang biến mất theo hướng có lợi cho sự thanh đạm hạnh phúc theo tôi chỉ là một hình thức khoa trương, không ảnh hưởng đến tầm mức quy mô toàn cầu.

Làm thế nào châu Âu đi ra khỏi cuộc khủng hoảng này?

Châu Âu không hoạt động tốt cho thấy qua việc nước Anh ra khỏi khối thị trường chung Âu châu và phong trào dân túy nổi lên khắp nơi. Cuộc khủng hoảng cho thấy sự thiếu đoàn kết, và không đồng đều, cũng có các hành động đoàn kết giữa các quốc gia, nhưng chúng ta không nên chất đầy thuyền! Cuộc khủng hoảng còn tác động lâu, nhất là về vấn đề nợ và ý tưởng chúng ta sản xuất ở các nước kém phát triển sẽ có thể đặt lại vấn đề. Phải rất cẩn thận vì chúng ta không tiên đoán được gì, đây là một vị thế không dễ dàng và gay go.

Ông nói về cuộc khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu và chúng ta chưa biết đến tầm mức… Đây có phải là kết thúc hay cấu trúc lại mô hình tiêu dùng như chúng ta đã biết?

Từ hai tháng này, một phần dân chúng đã tiết kiệm, họ không đi tiệm ăn, không đi xem phim, họ ngưng giải trí và giới hạn chi tiêu vào chuyện cần thiết, họ có một khoản tiết kiệm rất lớn. Họ sẽ làm gì với tiền tiết kiệm này? Giữ vốn để đề phòng hay vui chơi khi có dịp để bù trừ? Về ngắn hạn chúng ta không biết họ sẽ phản ứng như thế nào, nhưng điều này rất quan trọng cho việc phục hồi kinh tế. Theo tôi, ý tưởng có một cuộc khủng hoảng tiêu dùng thì tương đối, chắc chắn sẽ có một cách tiêu thụ khác, ít ô nhiễm, chủ trương tiêu dùng chất xanh, nhưng tất cả không nói lên một cách cụ thể các hành vi tiêu dùng. Người dân bắt đầu ủng hộ hữu cơ nhưng các vật dụng này đắt tiền và không tạo thay đổi lớn. Người dân tiếp tục dùng xe và tình trạng kẹt xe vẫn còn. Ngành du lịch bị ảnh hưởng khủng khiếp, nhưng nó không ngừng mở rộng. Trước khi có cuộc khủng hoảng sức khỏe, thế giới có khoảng 1,4 tỷ du khách và người ta dự trù trong 20 năm nữa sẽ có đến 5, 6 tỷ du khách.

Nói tóm lại tôi không nghĩ rằng, vì suy nghĩ đạo đức mà người dân giới hạn các chuyến đi chơi của họ. Cuộc khủng hoảng sẽ làm nổi bật sự bất bình đẳng và khát vọng tiêu dùng vẫn tiếp tục. Đầu tiên hết vì ngày nay tiêu dùng đáp ứng một chức năng trị liệu: ngoài trừ một bộ phận dân chúng – đặc biệt là những người có một tôn giáo – người dân không tiêu thụ vì họ cần vật dụng, nhưng để thay đổi tinh thần, để quên các bất hạnh… Điều này tạo các vấn đề, tôi không chối cãi. . Như thế, ý tưởng một mô hình tiêu thụ đang biến mất theo hướng có lợi cho sự thanh đạm hạnh phúc theo tôi chỉ là một hình thức khoa trương, không ảnh hưởng đến tầm mức quy mô toàn cầu.

Ở quy mô toàn cầu, những gì đang nổi lên là mong muốn tiêu dùng và thoải mái vật chất.

Tư duy sinh thái không nên dẫn đến việc truất đi phát triển kinh tế, không phát triển kinh tế thì sẽ không giải quyết được các vấn đề.

Nhưng cuộc khủng hoảng sinh thái sớm muộn cũng đặt chúng ta vào chân tường…

Tất cả đều phụ thuộc vào việc chúng ta xem ý nghĩa của sinh thái học như thế nào: một hệ sinh thái tận căn dẫn đến việc tiêu thụ hợp lý, hoặc một lựa chọn khác dung hòa đổi mới công nghệ và sinh thái, cho phép một chế độ di động với việc giảm lượng khí thải CO2, và do đó có thể theo đuổi hiện đại hóa và tiêu dùng… Tôi nghĩ đó là con đường sẽ phát triển, con đường này bị các nhà môi trường cấp tiến lên án là ngõ cụt. Theo tôi, tôi nghĩ công nghệ đặt ra vấn đề nhưng nó cũng mang lại một phần giải pháp và tư duy sinh thái không nên dẫn đến việc truất đi phát triển kinh tế, không phát triển kinh tế thì sẽ không giải quyết được các vấn đề.

Theo tôi, cho rằng tăng trưởng là chất độc là một sai lầm cơ bản. Các thách thức lớn – sức khỏe nói riêng – đòi hỏi phải có phát triển. Những gì chúng ta phải nhắm đến là tăng trưởng có trách nhiệm, để ý đến các mệnh lệnh của hành tinh: nhà nhà tiêu thụ ít hơn, ô tô và thiết bị được tái chế, có rất nhiều việc phải làm trong các lãnh vực này.

Cách đây năm năm, Đức Phanxicô công bố Thông điệp Chúc tụng Chúa, một bản văn có tiếng vang vượt ra ngoài giới công giáo. Sau khi đi tìm “tự do” và “ánh sáng”, chúng ta sẽ hướng tới một cuộc tìm kiếm về chiều sâu và ý nghĩa không?

Tôi nghĩ hai con đường tương hợp nhau. Trên thực tế, chủ nghĩa duy vật tiêu dùng vẫn tiếp tục, nhưng đồng thời mọi người cho rằng nó không đủ cho họ. Thời đại của chúng ta không phải là “hay” mà là “và”. Chúng ta muốn cải thiện sự thoải mái của mình, đi du lịch, có máy tính, ít người từ chối những chuyện này, nhưng điều này không có nghĩa là cạn sức để không đi tìm con đường thiêng liêng hay đạo đức. Không phải nhân loại chúng ta trở nên ích kỷ tự quy về mình hay tự mê đến mức chà đạp lên tất cả các giá trị con người và không cần phát triển để nâng cao, và ngày nay không phải có ít con đường thiêng liêng hơn ngày xưa, đơn giản là nó cụ thể qua nhiều cách khác nhau. Mọi người hướng việc đi tìm của mình một cách cá nhân. Đỉnh cao của sự tự do này được thấy trong hiện tượng của các vụ hoán cải mà ngày xưa thường được liên kết với các thời chiến tranh, nạn dịch, mà ngày nay lại theo một tiến trình cá nhân. Tôi quan sát thấy chủ nghĩa duy vật càng chi phối tổ chức thế giới một cách khách quan thì càng gia tăng các vụ đi tìm có tính cách cá nhân này. Việc giải hóa các thể chế không có nghĩa là thể chế biến mất. Ngược với những gì chủ nghĩa mát-xít có thể tiến lên, con người vẫn tiếp tục tin có một nguyên tắc cao hơn. Chủ nghĩa duy vật cá nhân không có nghĩa là nhận chìm tất cả các giá trị.

Ngày nay không phải có ít con đường thiêng liêng hơn ngày xưa, đơn giản là nó cụ thể qua nhiều cách khác nhau.

Ông khẳng định chủ nghĩa cá nhân không dính gì với ích kỷ: thật là táo bạo!

Ích kỷ là một triền dốc khả dĩ của chủ nghĩa cá nhân. Nhưng có nhiều chuyện khác. Sự nhân lên của các hiệp hội và các tình nguyện viên trong xã hội đương đại của chúng ta là bằng chứng cho điều này. Ý tưởng rằng trước đây mọi chuyện tốt hơn và chúng ta sống đoàn kết hơn là một huyền thoại. Ngày nay hàng triệu người đang chiến đấu vì người khác. Nếu chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân có nghĩa là sự biến mất tình người trong con người thì làm sao giải thích có các thiện nguyện viên này? Các sự kiện này cải chính cho hình ảnh xấu của chủ nghĩa cá nhân. Và trong các chế độ mà cá nhân bị xóa mờ vì lợi ích tập thể bằng quyết định chính trị, thì chủ nghĩa cá nhân lại bùng lên thêm trên lãnh vực cá nhân, đến mức chủ nghĩa tiêu dùng trở nên thô lỗ! Mặt khác nghĩ rằng chủ nghĩa tiêu dùng sẽ là một con đường cứu rỗi mới thì rõ ràng nó không làm cho con người thỏa mãn hoàn toàn. Các người làm việc thiện nguyện cho thấy tiêu thụ không thể mang lại hạnh phúc thiết yếu là mình thấy hữu ích cho người khác.

Năm 1983, ông xuất bản khảo luận nổi tiếng Kỷ nguyên Trống rỗng (L’Ère du Vide). Bây giờ chúng ta đang ở trong kỷ nguyên nào?

Bây giờ chúng ta đang ở trong Kỷ nguyên Bất an hay Kỷ nguyên Sợ hãi! Cảm nhận bất an lan rộng này có thể thấy ở khắp nơi. Về mặt cá nhân thì bất ổn trong gia đình, các vụ ly dị, ly thân ảnh hưởng sâu đậm đến mỗi người… Về mặt chính trị-văn hóa, các hiện tượng thì quá nhiều: lo lắng về vấn đề toàn cầu hóa, bất an liên hệ đến vấn đề di dân và khí hậu, bất an về thực phẩm, thực phẩm thành một mối lo, bất an về tình trạng kinh tế, thất nghiệp, bất an về tương lai con cái, người ta nói con cái chúng ta sẽ sống không bằng chúng ta! Chúng ta đang ở một tình trạng bất an chung mà chủ nghĩa dân túy là một ví dụ. Đó là biểu hiệu lớn của thời đại chúng ta.

Nỗi sợ làm tê liệt. Làm thế nào chúng ta có thể phản ứng?

Chúng ta phải đầu tư vào lãnh vực giáo dục. Lý trí không giải quyết được tất cả vấn đề, nhưng tôi nghĩ cách đầu tư tốt nhất mà chúng ta có thể làm là trong lãnh vực này, vì đây là huy động trí thông minh của tất cả mọi người trên quả đất này, như thế sẽ mang lại các giải pháp tập thể ở quy mô toàn cầu. Phải cho dân chúng nhiều khí cụ hơn. Điều này có thể làm được với đức tin, nhưng đức tin thì không điều khiển. Giáo dục, nghiên cứu khoa học tùy thuộc vào các quyết định chính trị và tôi nghĩ chính trị có thể đầu tư vào lãnh vực này. Tôi không chia sẻ ý tưởng hư vô cho rằng chúng ta không còn giá trị gì. Không phải thiếu các giá trị đặc trưng cho chúng ta, nhưng thiếu công cụ cho phép chúng ta thực hiện. Không có giáo dục, làm thế nào để tạo việc làm, làm thế nào để có tương lai, làm thế nào để đẩy lui “tin giả?”. Khi chúng ta nâng cao dân trí thì chúng ta có thể ngăn chặn sự gia tăng này. Giáo dục là một lĩnh vực vô cùng to lớn.

Không ai mà không đồng ý! Chỉ cần nhìn vào cuộc tranh luận về vai trò của nhà trường

Bên cạnh khoa học, sáng tạo nghệ thuật là một thành phần quan trọng của biểu hiệu cá nhân. Người Mỹ nói đây là cách mạng nghiệp dư. Ước muốn diễn tả là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa tiêu dùng là không đủ và ai cũng muốn chính mình làm các chuyện, và trường học phải đi trong hướng này: không phải chỉ đơn thuần đào tạo việc làm nhưng còn để phát triển con người, cho con người khả năng chính mình có thể làm các chuyện. Làm những chuyện mình yêu thích! Tình yêu, không phải là không có gì… Trong thế giới hiện nay, chúng ta làm nhiều chuyện dưới áp lực của lợi nhuận và công việc không phải lúc nào cũng được triển nở. Việc tìm nơi để triển nở vượt các tầng lớp xã hội, vượt phương tiện tài chánh: chẳng hạn nhiều người rất bình thường bỏ công bỏ sức vào các ca đoàn. Tôi nghĩ chúng ta đánh giá thấp nhu cầu này, vì tiêu dùng quá mức đánh giá cao hành vi mua: chắc chắn, chúng ta “mua” một giây phút thỏa mãn nhưng trong số các chuyện mà chủ nghĩa tiêu dùng không thể nào cho chúng ta, đó là nó không mang lại cảm nhận mình hữu ích cho người khác và niềm vui được sáng tạo, trường học phải cho chúng ta phương tiện để vun trồng tài năng sáng tạo bên trong của chúng ta. Nếu không, chúng ta chỉ có các trung tâm thương mại, máy truyền hình và chân trời chúng ta được ấn định qua khả năng mua một chiếc xe mới. Nếu không ai cho bạn dụng cụ, vì sao bạn không đến viện bảo tàng hoặc học chơi một nhạc cụ? Không phải chủ nghĩa cá nhân hay tư bản trách nhiệm cho các bất hạnh của chúng ta: chính xã hội không ở tầm cao với tham vọng giáo dục mà đáng lý là của xã hội.

Marta An Nguyễn dịch

536    23-05-2020