Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Hà tiện, thiếu tin tưởng vào cuộc sống

 

Bà Marianne de Boisredon, kinh tế gia, người đứng đầu cơ quan Fondacio France giải thích vì sao tính keo kiệt là mối tội đầu.

 

 

Theo bà, keo kiệt là gì và vì sao đó là một tội?

Bà Marianne de Boisredon: Hà tiện là tích lũy tiền bạc vì tiền bạc. Tính mê mẩn giàu có mà không sinh lợi này có khía cạnh quá mức, vô độ, thậm chí là bẩn thỉu. Đặt của cải lên hàng đầu, trên con người, trên các quan hệ. Chỉ có tiền bạc là đáng kể. Người keo kiệt thấy cuộc sống chỉ có trắng và đen và nhất là họ sống cô lập. Họ cắt đứt với người khác. Chính vì lý do này mà đây là một tội. Người keo kiệt dính với của cải hơn là với con người. Và đó là bi kịch cho đời của họ! 

Tiền có nhất thiết là một cái gì tiêu cực không?

Để nói về tiền, tôi dùng hình ảnh của nước. Nếu nước đọng, nó bắt đầu có mùi hôi, nó thu hút ký sinh trùng. Nhưng nếu nước chảy thành suối thì nó là nguồn sống. Tất cả tùy thuộc vào cách chúng ta dùng tiền, tiền có thể phong phú. Tôi có kinh nghiệm này ở Chi-lê, nơi tôi làm việc trong lãnh vực thành lập và phát triển “ngân hàng của người nghèo” để giúp tiểu thương qua hệ thống tín dụng vi mô. Cho họ vay tiền với một tỷ giá hợp lý để giúp họ phát triển sinh hoạt và cải thiện cuộc sống. Tiền để luân chuyển. Đó là nền kinh tế của món quà. 

Tóm lại, tiền bạc không phải để tích trữ…

Tích trữ để đầu cơ hay để làm chuyện không tốt thì đó không phải là kinh tế bình thường và lành mạnh của một người hay của một gia đình. Ngược lại, nếu để đầu tư vào một cái gì cần thiết với mình như mua nhà, có một dự án nào đó với gia đình, với bạn bè, với một cơ quan thì sẽ giúp chúng ta có một động lực tích cực. Không có điều này thì mọi thứ thành khô cạn. 

Bà nhận được giáo dục nào đối với tiền bạc?

Tôi lớn lên trong một gia đình đông con, cha mẹ tôi nếm mùi chiến tranh và ý thức sâu xa về mọi thứ và giá trị của chúng. Cha mẹ tôi có sáu người con, cọng thêm một em bé gia đình tôi đón về trong dịp cuối tuần và mùa hè. Việc này dạy cho chúng tôi ý nghĩa của chia sẻ. Tôi học rất nhiều ở em bé này. Em bé thật sự đã mở tấm lòng cho tôi. Qua tính tình dễ thương, hay giúp đỡ, em mang lại một ánh sáng. Tôi thấy em tươi cười khi dọn dẹp nhà cửa, đó là điều tôi không làm được. Qua sinh hoạt hướng đạo, tôi học được ý nghĩa của thanh đạm, của tôn trọng thiên nhiên, của hạnh phúc sống trong cái tối thiểu.

Điều gì làm cho bà rời bỏ đời sống tiện nghi để đi phục vụ người nghèo ở Chi-lê?

Nhiều yếu tố trong đường đời dẫn tôi đến chọn lựa này. Tôi học kinh tế vì tôi muốn hiểu vì sao có người giàu, người nghèo, cơ chế nào duy trì những chuyện này. Một kinh nghiệm quyết định trong thời gian tôi ở trại phong cùi Ấn Độ khi tôi 22 tuổi. Kinh nghiệm này đã làm cho tôi có một ý thức rất mạnh. Tôi thấy người cùi dù bị bệnh, họ vẫn có một niềm vui sống, tôi nắm được trọn ý nghĩa, có một khả thể để đưa về điều thiết yếu: quan hệ giữa con người với nhau và với Chúa.

Rồi khi tôi làm ở viện thống kê Bỉ, tôi mong có sự kết hiệp trong đời tôi, giữa kinh tế, đời sống đức tin và phục vụ người nghèo nhất. Vì thế tôi bỏ ra một năm để nhận định với hội Fondacio và tôi đi Chi-lê. Gia đình tôi không dễ dàng chấp nhận cho tôi ra đi, nhất là với cha tôi, vì đây là sống vào Quan Phòng, qua một hệ thống đỡ đầu. Nhưng tôi đã thấy tiến trình này là dịp của dòng thác đức tin làm lây lan và rạng rỡ.

Điều quan trọng là đặt câu hỏi về những gì tôi làm, những gì tôi nhận được. Tôi rất ấn tượng về hành vi của một trong các cô con đỡ đầu của tôi khi cô nhận tháng lương đầu tiên. Cô mua quà cho những người cô quý mến. Tôi là mẹ đỡ đầu, cô mua cho tôi lọ kem dưỡng da. Cô nói với tôi: “Cả đời con, con đã nhận. Bây giờ con hạnh phúc được tặng mẹ món quà này.” Một lòng biết ơn thật cao cả!

Sự từ bỏ hoàn toàn không phải là một cái gì đau khổ?

Nạn nghèo khổ tạo nên những bất công trắng trợn. Khi túng thiếu cùng cực thì cuộc sống không thể chịu đựng nổi, không thể sống được. Tôi, tôi thấy được tình tương trợ giữa các người láng giềng với nhau trong khu phố. Nạn thiếu tiền càng mang tính cách hủy hoại khi cơ cấu xã hội không có cơ sở.

Nền kinh tế Tây phương dựa trên đầu cơ và đó là nguồn bất bình đẳng , nền kinh tế này có bệnh hoạn không?

Trước hết là nó mất quân bình, vì thế cách làm việc của nó bị rối loạn. Cứ đặt khuôn khổ đời sống theo tiêu chuẩn “thì giờ là tiền bạc” thì chúng ta quên đi, tiền bạc chắc chắn không thể thay thế thời gian! Và thời gian là tài sản quý báu để nuôi dưỡng các mối liên hệ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. 

Làm thế nào để chống lại với keo kiệt và thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tiền?

Keo kiệt thường là nhốt mình trong “của cải” để được an toàn. Điều này nói lên sự thiếu tin tưởng vào cuộc sống và sợ không được thương vì con chính người của mình. Để thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc, chúng ta cần có trải nghiệm hạnh phúc được cho và cho nhưng không. Đây không phải là điều tự nhiên, vì sợ thiếu đã quá ăn sâu trong lòng chúng ta. Chính ở đây chúng ta cần phải cầu nguyện để được mở lòng và để có được trao đổi trong tình anh em, điều giúp chúng ta đi tới. Ở hội Fondacio, chúng tôi đề nghị trải nghiệm trao đổi từng nhóm nhỏ năm đến tám người chung quanh một chủ đề dưới ánh sáng Phúc Âm, chẳng hạn mối quan hệ với tiền bạc. Sự việc đơn giản nói lên cảm nhận của mình, dưới cái nhìn nhân hậu của Chúa và của người khác thường là nguồn giải thoát, thậm chí còn được chữa lành và hầu như luôn được mở lòng.

Ngoài bốn người con của bà, bà còn đón nhận hai người con của cô em họ của chồng. Như thế đúng là buông bỏ, kể cả vật chất…

Tôi luôn nhớ cuộc gọi của cô em họ này. Đó là vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Cô cho biết cô chỉ còn sống được vài tuần và xin tôi chăm sóc hai con của cô. Một số chuyện đã chuẩn bị cho tôi và Henri chồng tôi. Chúng tôi chấp nhận và gia đình đồng ý. Khi sinh đứa con thứ tư, tôi phải sinh vất vả và lâu dài, tôi nói với chồng tôi, tôi không đủ can đảm để có thai nữa, nhưng quả tim tôi vẫn còn chỗ để nhận các đứa bé khác. Việc đón nhận là nguồn vui, nhưng cũng đặt cho chúng tôi các vấn đề lớn và các khó khăn cũng lớn. Nhưng tôi đã học rất nhiều ở các đứa bé này. Trước hết tôi thấy khả năng phục hồi của các em. Giúp các em lớn lên, vượt lên các chấn thương của chúng đã củng cố cho đức tin của tôi. Tôi ý thức, không có ơn sủng, tôi không làm được. Các khó khăn khuyến khích tôi tìm các phương tiện nhân bản. Điều này làm cho tôi quay về với cách giao tiếp không bạo động. Đúng trước học bạ xấu, thay vì la mắng, tôi đặt câu hỏi: “Điều gì làm cho con không học được?” Tôi nhận được sự tương trợ của gia đình mở rộng. Sự đón nhận này là nguồn tăng trưởng nhân bản và thiêng liêng. 

Có phải sự giàu có ngăn cản con người mở lòng không?

Tôi nghĩ chúng ta phải cẩn thận khi gom đũa cả nắm, vì vấn đề này rất tế nhị. Tôi đã thấy có người giàu quảng đại và hạnh phúc. Đó là trường hợp những người có tiền và làm cho tiền luân lưu, tạo công ăn việc làm, làm cho công ty chạy việc. Dám đầu tư tiền bạc vào các dự án tốt đẹp là chuyện tốt đẹp! Tôi cũng biết có những người nghèo thành người bất hảo. Và cho tiền thì dễ dàng hơn là cho thì giờ của mình.

Bà hiểu thế nào về lời Chúa Giêsu, con lạc đà qua cây kim dễ dàng hơn người giàu vào Nước Trời?

Có một linh mục giải thích cho tôi, vào thời Chúa Giêsu, khi các con lạc đà qua cổng hải quan, người ta phải dỡ hàng xuống nó mới qua cổng được vì cửa hẹp. Để đi tới, chúng ta phải bỏ đi những gì cồng kềnh, những gì phù phiếm. Sự không bám dính này giúp chúng ta đi đến điều thiết yếu, có nghĩa là các tương quan giữa con người và với Chúa. Vật chất không là gánh nặng khi chúng ta đứng trước thì giờ nhưng không mà chúng ta dành cho những người thân yêu hay lắng nghe một người đang thiếu thốn hay đang đau khổ.

Marta An Nguyễn dịch

420    17-03-2019