Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Hạnh phúc khi được gọi tên

 

Trang Tin mừng trên đây đưa chúng ta đến gặp một người đàn bà thật tội nghiệp, đó là Maria Mađalena, một người đã từng theo Đức Kitô tới chân thánh gía đầy tang thương. Trước hết, chúng ta thấy bà đầy sao xuyến, lo âu, sợ hãi bên nấm mồ, đến nỗi khi Chúa hỏi mà bà cũng không biết đó là ai, nên bà đã thốt lên : “tôi không biết người ta đã đặt Ngài ở đâu” dù trước đó bà đã có mặt lúc táng xác Ngài.

Đối với bà, xem ra tất cả đều sụp đổ, chẳng còn gì hy vọng nữa cả; thế nhưng, chính trong sự tận cùng của cái tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy mà bà đã được Chúa ban cho một món qùa: không phải trên đôi tay, mà là một cuộc gặp gỡ ‘diện đối diện’, một cuộc gặp gỡ bằng con tim mà bà đã giành cho Chúa kể từ lúc bà gặp được Ngài. Một cuộc gặp gỡ đầu tiên, nhất là bà được Chúa gọi bằng chính tên của bà “Maria!”.

Mácđala không nhận ra người đang nói chuyện với mình là Đấng Phục Sinh, vì bà còn đang bị đắm chìm trong tình cam riêng tư của mình. Con tim bà đang tức tưởi. Tình cảm của bà đang nghẹn ngào đến mức có thể gục ngã. Chính vì vậy mà không nhận ra Chúa. Chỉ đến khi Chúa gọi đích danh bà: “Maria!” bà mới nhận ra người này là Thầy mình. Chính tiếng gọi của Chúa đã kéo bà ra khỏi cơn mê của tình cảm. Chính tiếng gọi thân quen này đã đem đến cho bà một động lực sống khi bà còn là người tội lỗi.

Khi được gọi tên, thì đó là dấu cho thấy sự thân mật giữa Chúa Giêsu và người đó. Chẳng hạn như tương quan thân tình giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa vị mục tử nhân lành và đòan chiên, người mục tử tốt lành thì nhận biết từng con chiên của mình và Ngài gọi tên từng con một. Như vậy, việc được gọi tên diễn tả sự thân thương, gần gũi, mà đối với những người bình thường không thể có được.

Việc Chúa gọi tên Maria Madalena năm xưa còn được giành cho tất cả mọi kitô hữu chúng ta. Chúng ta được Chúa mời gọi để lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, khi đó, chúng ta được gọi tên, được đổi mới từ con người cũ thành con người mới; được nâng lên thành con cái của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống Phục sinh trong nhiệm thể Đức Kitô. Sự sống mà Chúa Phục Sinh đem lại, sẽ làm cho con người sống đúng vị trí làm người và làm con của Thiên Chúa đến muôn ngàn đời.

Đây là lần thứ ba bà Maria Macđala đến mộ Chúa. Lần thứ nhất lúc táng xác Chúa “Còn bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó, quay mặt vào mồ” (Mt 25, 61). Lúc này chắc chắn bà rất đau lòng vì thấy ông Giuse và Nicôđêmô tẩm liệm cho Chúa một cách sơ xài quá. Có lẽ lúc đó họ không cho bà “xía” vô mấy chuyện này vì bà là phụ nữ. Chính vì vậy mà suốt đêm hôm đó bà không ngủ được, bà chuẩn bị những thứ cần thiết để sáng hôm sau bà ra mồ tẩm liệm lại cho Chúa. Bà nghĩ trong đầu: “Mấy thằng cha đàn ông này ẩu tả quá, để gánh phụ nữ này làm cho mấy ông xem!”. Bà lăng xăng hết lấy vải tới lấy dây, hết thuốc thơm tới thuốc rửa… cũng bấy nhiêu thứ thôi mà sao cứ lộn xộn suốt đêm.

Thì ra không phải vì đồ đạc lộn xộn, mà tâm hồn bà lộn xộn. Lần thứ hai là vào “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối” (Ga 10, 1). Một người phụ nữ mà một mình lúc trời còn tảng sáng, tức khoảng 3, 4 giờ sáng, giữa núi rừng tĩnh lặng nghe rõ từng bước chân, lâu lâu nghe tiếng loài dã thú rống lên, hoặc côn trùng rên âm ỉ… thật là rùng rợn! Vậy mà Mácđala vẫn mạnh dạn lên đường.

Ta thấy chắc chắn có một động lực nào đó mạnh đến mức che mờ cả lý trí vốn đã yếu ớt của người đàn bà. Đến nỗi bà không kịp suy nghĩ đến đó ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mồ cho mình. Để rồi khi đến nơi, “bà thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến” (Ga 20, 2). Điềm báo cho bà biết là có chuyện gì xảy ra rồi đây.

Có lẽ ai trong chúng ta từng có cảm nghiệm nỗi buồn biến thành niềm vui. Có người mất vật chất. Có người vì lý do nào đó đánh mất niềm hy vọng. Có người cách này hay cách khác đánh mất niềm tin, đánh mất tình yêu… nhưng đã tìm lại được. Nếu những ai còn đang mang nỗi buồn, chúng ta hãy noi gương bà Maria chạy đến với Chúa phục sinh để Ngài đong đầy niềm vui, hạnh phúc cho chúng ta, cách riêng là trong những ngày hoan lạc mừng Chúa sống lại.

Khi cảm thấu hiểu điều này, Thánh Gioan Vianey khuyên chúng ta: ‘Khi các thập giá vào đau khổ đến, chúng ta cũng hãy qùy gối trong vườn cây Dầu; chúng ta hãy uống cạn chén đắng đồi Golgotha; chúng ta hãy ngẩng đầu lên với lòng dũng cảm và với lòng nhiệt thành thánh thiện. theo sau ngày thứ Sáu tuần thánh là buổi sáng vui mừng phục sinh của Thiên Chúa nhập thể, và chúng ta cũng có một ngày vui mừng như vậy. Bởi vì nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ được hưởng vinh quang với Người’ (Sermon of St. Gioan Vianney, p. 340-342)

Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra cho bà Maria Madalena, Người đã không tỏ vinh quang như trên núi Hiển Dung cho ba môn đệ Phêrô, Gioan, Giacôbê (Mt 17,1-8), mà vinh quang của Chúa Giêsu Phục Sinh lại mang dáng dấp của một người làm vườn. Vì sao không là một hình ảnh nào mà lại là hình ảnh một người làm vườn?

Đó là sứ điệp dạy ta phải biết thay đổi chính mình. Ta không thể mang nguyên hình ảnh con người cũ của mình, một con người còn nhiều dính bén cuộc sống trần thế, còn nhiều bon chen, tranh giành, còn ích kỷ, lỳ lợm, còn dễ sa đà trong cám dỗ, còn nhiều tính toán, vụ lợi…để có thể đi gặp gỡ Đấng Phục Sinh được. Nếu không thay đổi mình, nếu không phục sinh cuộc đời mình trong đức tin, ta sẽ chẳng bao giờ gặp được Chúa. Thậm chí, dù có đối diện với Chúa, ta vẫn thấy Người trong dáng dấp tầm thường như Maria Mađalêna chỉ có thể thấy Chúa Phục sinh như một người làm vườn mà thôi. 
CTV TT VL 

 

 

1194    18-04-2017