Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Hãy để cho tâm hồn ta thanh sạch

Thứ Năm tuần XXXI TN

Ga 2, 13-22

 

CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATERANO

HÃY ĐỂ CHO TÂM HỒN TA THANH SẠCH

Ðền thờ Latêranô là nhà thờ chánh toà của Ðức Giáo Hoàng. Ðức Thánh Cha với tư cách là Giám Mục Roma, cũng đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ chánh tòa. Ðền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo Hội Chúa Kitô, tượng trưng cho Tòa Thánh Roma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ khủng khiếp. Ðền thờ này do công của Hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích . Ðền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian nói trên.

Lịch sử thuật lại rằng khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố Roma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi thánh đường dùng đặt ngai tòa của Ðức giáo hoàng, với tư cách là Giám Mục Roma. Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng trầm của đạo giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thời Hoàng đế Roma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội, gia nhập dân thánh Chúa trong những đêm phục sinh và mừng lễ vượt qua tại đây.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Cung Hiến  Đại Vương Cung Thánh Đường Lateran ở Roma. Vua Constantine sau khi trở lại đạo đã xây vào thế kỷ thứ 4. Đây là Nhà thờ đầu tiên và nhà thờ chính tòa của Roma. Lễ này được mừng vào ngày 9-11 hàng năm ít là từ thế kỷ 12. Đây là lễ về sự nối kết của Thân mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô là Hội Thánh. Tuy nhiên các bài  đọc mời chúng ta ngắm nhìn vượt xa quá những kiến trúc vật chất, dù quan trọng, đẹp đẽ và suy niệm lời mời gọi chúng ta là đền thánh của Chúa.

Đền thờ là nơi Chúa ngự. Chúa ngự  ở  đâu, đấy là  đền thờ Chúa. Thánh Phaolô nói “Anh em là  đền thờ Chúa.” Hình  ảnh của  đền thờ Chúa mà tiên tri Êzekiel nhìn thấy nhắc chúng ta hình ảnh Abraham. Khi tổ phụ Abraham sống  đức tin, khi ông có Chúa ngự, mọi sự ông chạnm đến biến thành vàng. Dân chúng  được  ơn lành chỉ vì Abraham và gia đình ông sống kề bên. Cậu Giuse bị tù oan uổng. Tuy thế từ nhà tù đó nước chảy ra làm cả mặt đất được chúc phúc nhờ ông. Đền thờ là thành của Thiên Chúa, nơi  Đấng Tối Cao ngự. “Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Đấng Tối Cao.”

“Bạn không thể chỉ là máng nước nếu bạn trước hết không là bể chứa.” Nếu Đền thờ Thiên Chúa, dù là Abraham, Giuse, hay bạn và tôi có một bể chứa  đức tin, thì nước sẽ chảy ra và hoàn tất lời hứa với Abraham là tất cả các nước trên mặt đất sẽ được chúc phúc nhờ người. Chúng ta không sản xuất thứ nước đó, chúng ta chỉ là “khí cụ bình an của Chúa.” Đó là tâm tình của Thánh Bernarđô.

Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe thánh Gioan nói Chúa  đuổi những người đổi bạc khỏi đền thờ vì họ biến đền thờ thành nơi chợ búa! Chúa Giêsu có quyền xét đoán và làm thế không? Các kinh sư thời  đó cho rằng không! Còn chúng ta nghĩ sao? Chúa có quyền bảo chúng ta là đền thờ cá nhân hay cả Giáo hội là đền thờ tập thể của Chúa Thánh Thần phải trong sạch những hành vi của chúng ta? Chúng ta có cho Chúa quyền đuổi mọi cái kìm hãm chúng ta là  đền thờ Chúa, một dòng sông chuyển ban  ơn phúc cho toàn thế giới. Chúa không muốn chúng ta nên nơi họp chợ của đủ mọi thứ ba lăng nhăng.

Khung cảnh đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng. Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán" (Ga 2,16). "Nhà của Ta là nhà cầu nguyện,còn các ngươi làm thành hang trộm cướp" ( Mt 21,12-13).Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy."Nơi buôn bán", "Hang trộm cướp", Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x Gr 7,11).

Trước cảnh tượng ồn ào và huyên náo ấy Chúa Giêsu đã hành động và hành động của Ngài đã làm cho người Do Thái hết sức kinh ngạc. Thực vậy, Ngài đã đánh đuổi những người buôn bán bò chiên, bồ câu và những người ngồi đổi tiền. Không phải chỉ bằng những lời quát mắng mà bằng cả roi vọt. Ngài săn đuổi cả người lẫn vật ra khỏi đền thờ, lật đổ bàn ghế của những kẻ đổi tiền. Và Ngài đã xác định cho thấy ý nghĩa của việc Ngài đã làm: Hãy mang khỏi nơi đây những vật này. Đừng biến nhà Cha thành một cái chợ. Đồng thời Ngài cũng còn muốn nói lên rằng: Kiểu tế lễ của người Do Thái đã lỗi thời, đã mất hết ý nghĩa, và đã biến dạng thành một việc buôn bán để trục lợi. Như vậy thì đền thờ chỉ còn là một cái chợ không hơn không kém. Tình trạng này không thể được tiếp tục.

Đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi người Do Thái thờ phượng Thiên Chúa bao đời nay, dẫu có huy hoàng tráng lệ cũng chỉ là một toà nhà vật chất bằng gỗ đá ở một nơi cố định. Chúa Giê-su khai mở một cuộc cách mạng tôn giáo từ nền tảng khi Ngài nội tâm hoá, và thần linh hoá ngôi đền thờ Thiên Chúa trong giao ước mới: đó là chính thân thể của Ngài. Khi thông hiệp với Chúa Ki-tô trong sự chết và sống lại của Ngài, nhờ bí tích Thánh Tẩy, tâm hồn người tín hữu cũng được thánh hoá trở thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Từ nay, khi kết hợp với Chúa Ki-tô, nhờ bí tích Thánh Thể, người ta có thể đi vào cung thánh linh thiêng nhất của đền thờ Thiên Chúa, đó chính là Thân Thể của Chúa Ki-tô. Những ngôi đền thờ vật chất giờ đây chỉ là hình bóng và phương tiện cho ngôi đền thờ đích thực này.

Từ thời đại này qua thời đại khác đền thờ Latêranô là nhà thờ chính tòa của vị Giám mục thành Rôma mà tất cả Hội Thánh đều coi là Giáo hội mẹ. Chỉ từ thế kỷ thứ 16 nó mới bị một nhà thờ khác cạnh tranh, đó là đền thờ thánh Phêrô và Phaolô, bây giờ ở trong điện Vatican. Nhưng giá trị lịch sử và ý nghĩa Giáo hội của nó vẫn toàn vẹn. Hằng năm cả Hội thánh toàn cầu hướng về nó như về người mẹ muôn thuở đã sinh ra các người con đang ở đầy mặt đất.

Mừng lễ cung hiến Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi nhà thờ vật chất, ta hướng về Ngôi Đền Thờ Rất Thánh là Chúa Kitô, để nhận ra Người cũng chính là Ngôi Đền Thờ Mẹ của mọi ngôi đền thờ khác là chúng ta. Ngôi Đền Thờ Mẹ rất Thánh ấy đã chấp nhận “hủy mình ra không”. Và chấp nhận được “phá hủy” như thế, để nên nguồn lợi lớn lao cho mỗi ngôi đền thờ con của Ngôi Đền Thờ Mẹ, là chính chúng ta: Người mang ơn cứu độ, mang lại sự sống trường cửu cho ta.

Con người được mời gọi nên thánh thiện hơn, nên trở thành vật thánh và đền thánh. Chúng ta phải bảo toàn đền thờ của Thiên Chúa… và đồng thời phải nhớ “thành xây trên núi không thể khuất được” thì đền thờ của Chúa là thân mình chúng ta cũng phải có những hành động tốt chiếu sáng ra chung quanh cho mọi người biết có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Hiểu được ý nghĩa của bài học về sự tự hiến nơi Chúa Giêsu như thế, đến lượt mình, bạn và tôi cũng hãy là những người biết dùng tất cả tài năng, sức lực, sự khôn ngoan để chung tay xây dựng cuộc đời, xây dựng Hội Thánh. Nếu một ngôi đền thờ vật chất bị phá hủy, nó chỉ trơ lại một đống đổ nát. Nhưng nếu một ngôi đền thờ là chính mỗi con người biết “phá hủy” và chấp nhận để cuộc đời “phá hủy” mình, nghĩa là biết chấp nhận tự hiến, ngôi đền thờ ấy sẽ sinh ra không biết bao nhiêu lợi ích cho chính mình và cho muôn người.

Hôm nay mừng lễ Cung hiến Ðền thờ, chúng ta phải nghĩ về đền thờ thiêng liêng; nhưng cũng phải quí đền thờ hữu hình của giáo xứ chúng ta và quyết tâm làm cho đền thờ này cũng đẹp đẽ sốt sắng như đền thờ trong tâm hồn.

 

 

 

976    08-11-2017