Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Hãy dẹp bỏ định kiến

 

Mỗi người đều có quê hương xứ sở. Nơi “chôn nhau cắt rốn” ấy là chỗ mà mọi người đều cảm thấy bình an hạnh phúc khi họ được sống gần gũi, gắn bó với những người thân yêu, quen thuộc. Nhắc đến quê hương, nơi sâu thẳm cõi lòng của người xa xứ đã dấy lên một niềm thương cảm sâu lắng nhớ nhung.

Chúa Giêsu có những cảm xúc hi Ngài quyết định trở về Nadarét, quê hương của Ngài. Thế nhưng sự việc diễn ra có phần trái ngang. Nghe Chúa Giêsu giảng dạy, dân làng rất đỗi ngạc nhiên, đầy thán phục, song họ chẳng tin vào Ngài.

Tại quê hương, vì biết rõ “tông tích” của nhau, người ta dễ có những thành kiến hoặc định kiến về nhau và đó như là một dấu ấn khắc sâu trong trí họ. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Maccô sẽ làm nổi bật mối tương quan của Ngài với bà con thân thuộc tại chính quê quán của Ngài – làng Nagiarét.

Họ không tin, một phần vì thân thế của Chúa Giêsu chẳng có gì đặc biệt: “Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” (Mc 6, 3), phần khác là vì ganh tị với tài trí và quyền năng của Ngài. Chúa Giêsu đã phải ngỡ ngàng trước sự cứng lòng của những người đồng hương và vì thế, Người chẳng thực hiện được phép lạ nào tại quê nhà.

Thánh Mácô đã từng cho thấy thái độ không tin nơi những người bà con của Chúa Giêsu (x. Mc 3,20-21: họ nói Ngài mất trí và muốn bắt người về quê; Mc 3,31: Họ ngăn cản Ngài rao giảng). Trong đoạn này, Mc ghi nhận thêm thái độ không tin của những người cùng làng với Ngài.

Mở đầu chương 6, tác giả mở ra một khung cảnh : Chúa Giêsu về thăm làng xóm thân yêu, có các môn đệ đi cùng (c.1). Đến ngày Sabát, người Do Thái thường tập họp tại hội đường để nghe đọc và được giải thích sách luật. Đó là thói quen tốt lành của người Do Thái. Thói quen này được bắt nguồn từ thời lưu đầy, dân không còn nơi tế tự, họ thường tập họp nhau để đọc sách luật...

Hôm ấy, Chúa Giêsu cũng vào hội đường và Ngài giảng dạy. Đây cũng là công việc bình thường của người đàn ông trưởng thành, có hiểu biết về Kinh Thánh . Nhưng hôm nay họ lại ngạc nhiên về cách giảng dạy, đúng hơn về sự hiểu biết của Ngài. Họ xầm xì, bàn tán,  nói ra nói vào. Vì đâu mà ông ta được như vậy ? Sự khôn ngoan? Những phép lạ ông đã làm ? (x. c2).

Họ ngạc nhiên sửng sốt về sự khôn ngoan hiểu biết của Chúa Giêsu : Trí hiểu sắc bén, lời nói mạnh mẽ như có uy quyền. Những phép lạ Ngài làm như có quyền lực từ ơn trên, chứ không do con người. Họ ngạc nhiên không phải vì một con người bình thường, giống như họ mà có quyền lực trên bệnh tật, ma quỉ, vì thời đó cũng có nhiều thầy lang chữa bệnh... Nhưng họ sửng sốt vì “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao ?. Chị em của ông cũng là bà con hàng xóm của chúng ta”.

Thế là đã rõ. Cái định kiến đã ngăn cản lòng tin của họ. Họ phủ nhận một con người Giêsu đầy uy quyền chỉ vì Giêsu là người hàng xóm của họ. Đáng lẽ : “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, họ phải vui sướng và hãnh diện vì điều đó chứ. Nhưng đây lại là sự ghen tỵ đến độ xúc phạm đến Ngài ( x. c3). Họ không chấp nhận điều đó.

Cuộc ra mắt của Đức Giê-su với người đồng hương Na-da-rét thất bại nặng nề. Lý do thật dễ nhận thấy: lòng thành kiến. Ca dao Việt Nam nhận định: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh, thấy Bụt hiền lành bế Bụt đi chơi”. Có thể nói rằng bất cứ ai thành tâm thiện chí đến gặp Đức Giê-su, đều được ơn hoán cải: xấu nên tốt (ông Gia-kêu, người phụ nữ Sa-ma-ri…), tốt nên tốt hơn (các tông đồ, ông Ni-cô-đê-mô…), trừ những kẻ cứng lòng tin như dân làng Na-da-rét. Họ đánh mất cơ hội ngàn vàng ‘đổi đời’ chỉ vì họ chỉ biết nhìn đến quá khứ 30 năm Ngài chung sống ở giữa họ: một bác thợ mộc, một anh láng giềng, người con trong một gia đình tầm thường. Đôi mắt họ bị lớp vỏ quen thuộc che khuất, trí óc họ bị bao phủ bởi sương mù thành kiến, và họ đã hụt mất một cơ may.

Chúa Giêsu đã nói gì về định kiến này ? Ngài nói : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc và trong gia đình mình mà thôi Vì ông bà ta có câu  “quen quá hóa nhàm, hoặc gần chùa gọi bụt bằng anh”. Những người thân thuộc lại trở thành những kẻ thù nghịch, gièm pha, hạ giá, xúc phạm nhau.

Dù Chúa Giêsu đã cảnh báo dân làng về điều đó, nhưng họ vẫn không từ bỏ được thành kiến ấy. Thành kiến lúc này đã trở thành hàng rào chắn, trở thành bức tường ngăn cản và bóp nghẹt niềm tin của họ (c.6).

Dù biết những thành kiến của họ, nhưng Chúa Giêsu vẫn ngạc nhiên vì họ không tin. Sự cứng lòng, chai đá khiến họ thích ở lì trong cái cũ, trong tội lỗi hơn là vươn ra đón lấy ánh sáng cứu độ. Và ơn cứu độ không thể đến với họ, nếu họ không mở lòng đón nhận : “Chúa Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại đó, chỉ đặt tay chữa lành một vài bệnh nhân” (c.5). Ở đây, chúng ta có thể xem như cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu bị thất bại, thất bại ngay tại quê hương của Ngài.

 Định kiến “bụt nhà không thiêng” vẫn còn tồn tại trong cuộc sống thường ngày của nhiều người trong chúng ta. Chúng ta thường xét đoán thiếu khách quan về anh chị em mình và vẫn còn nuôi trong lòng sự ghen tương khi thấy người khác trổi vượt hơn mình. Như thế, ta khó nhận ra chân giá trị của anh chị em, khó nhận ra được những vẻ đẹp tiềm ẩn và những giá trị cao quý trong tâm hồn họ, và cũng khó nhận ra Chúa hiện diện nơi họ.

Không phải cứ ngày xưa nhưng trong xã hội ngày nay hoặc ngay trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta thường “gán” cho người khác những gì mà chúng ta đã “nghĩ” về họ, nhất là những lỗi lầm quá khứ, những hành vi bất chính từ bao đời. Chúng ta “ dán nhãn” cho họ và nghĩ rằng “khó thay đổi hoặc khi chứng kiến sự thay đổi của họ, chúng ta lại cho rằng : đó là do một tác nhân nào đó... để trục lợi. Định kiến này xuất phát từ sự ghen tỵ, óc hẹp hòi dựa vào những yếu tố, nhân loại như : nghề nghiệp, gia cảnh... Những yếu tố này bày ra trước mắt chúng ta mỗi khi chúng ta nói đến hoặc đánh giá người đó vì thậm chí chúng ta còn xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của họ.

Những định kiến về nhau đã ngăn cản chúng con đến với Chúa và đến với nhau. Xin dạy chúng con biết khiêm tốn mở lòng đón nhận ơn Chúa, để Chúa biến đổi tấm lòng ích kỷ hẹp hòi của chúng con cho chúng con biết đón nhận nhau với tất cả những gì chúng con  “là” như chúng con là những người con đang thi hành ý Chúa mà thôi.

Con người thường đánh giá nhau theo định kiến có sẵn trong đầu. Ðôi khi còn bị ác cảm, yên trí về địa vị, gia tộc và quá khứ của một người, khiến chúng con đánh giá sai lệch và nông cạn về nhau. Thực tế là vậy, khi chúng con đã không có cái nhìn khách quan sẽ dẫn đến những nhận định bất công và thiếu trung thực. Vì “Yêu ai thì nói quá ưa – Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”.

Xin Chúa thương giúp ta biết nhìn nhận nhau là anh em con một Cha trên trời. Xin giúp ta đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa đã mang lấy thân phận con người. Xin cho ta con luôn tôn trọng lẫn nhau và đối xử công bằng với nhau. Xin loại trừ nơi ta những cái nhìn thiển cận, nông cạn và thiếu bác ái với nhau.

Truyền thông Vĩnh Long 

 

 

1558    31-01-2017 18:49:54