Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Hãy đi và làm như vậy

14/07/2019

Chúa Nhật Tuần XV Mùa Thường Niên Năm C

Lc 10, 25-37

HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY

          Trước mắt người Do Thái thì dân Samari thật đáng khinh miệt. Họ bị xem là người lai căng vì đã kết hôn với ngoại kiều, làm vẩn đục dòng máu tinh tuyền của tổ tiên Do Thái. Họ bị khinh miệt vì đã tôn thờ các tà thần ngoại lai. Thế nên người Do Thái xem người Samari như những người hạ cấp đáng bị tẩy chay.

          Thế nhưng hình ảnh của người Samari trong Tin Mừng hôm nay lại đẹp tuyệt vời. Giá trị của người đó gia tăng thật cao.

          Câu chuyện rất hấp dẫn : Tại một khúc đường vắng từ Giêrusalem đến Giêricô có một khách bộ hành bị bọn cướp xông ra trấn lột hết tiền bạc của cải, lại còn đánh người ấy trọng thương nằm thoi thóp, nửa sống nửa chết giữa quảng đường hoang vắng.

          Thế rồi, một tia hy vọng loé lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang từ xa đi tới. Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị tư tế, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh. Nhưng rồi vị tư tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên rồi đi thẳng, để mặc anh nằm thoi thóp giữa đường.

          Một lát sau, có một thầy trợ tế đi qua, niềm hy vọng của nạn nhân lại được bùng lên nhưng rồi vụt tắt, vì thầy trợ tế chỉ đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh. Có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn ẩn náu đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia...

          Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp từ xa vẳng lại. Người thứ ba xuất hiện, một người dân Samari. Ôi thôi! Chẳng hy vọng gì nơi hạng người nầy, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là lai căng và rối đạo!

          Thế nhưng thật bất ngờ, người Samari cho lừa dừng lại, bước xuống, cúi mình trên nạn nhân, cảm thương con người xấu số.

          Qua câu chuyện người xứ Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu chỉ cho ta con đường dẫn đến sự sống đời đời.

          Ta hãy xem xét khẳng định của Chúa Giêsu: Hãy yêu thương thì ngươi sẽ được sống. Đẳng thức yêu thương bằng được sống đối với chúng ta có hoàn toàn rõ ràng hay không? Nếu có, chúng ta hãy cảm tạ Chúa, giòng máu Tin Mừng đang chảy trong huyết quản của chúng ta. Nhưng đây là điều phải kiểm chứng.

          Đôi khi trong cuộc sống chúng ta vẫn vô tâm như vậy. Nhiều người đã được sống hạnh phúc nhưng họ đâu biết rằng hạnh phúc của họ là nhờ sự chắt chiu từng hy sinh âm thầm của biết bao nhiêu người. Có thể đó là sự hy sinh không mệt mỏi của cha, của mẹ từng ngày vất vả trên nương đồng, hay trên công trường. Có thể đó là sự hy sinh nhịn nhục của những người thân chịu thiệt thòi để họ được hạnh phúc. Có thể đó là sự hy sinh nhường nhịn của bạn bè để họ được vui hơn trong cuộc sống. Thế mà, nhiều người vẫn tưởng rằng mình lớn lên không cần ai giúp đỡ. Lối suy nghĩ đó đã dẫn đến một đời sống ích kỷ, hẹp hòi, một lối sống dửng dưng đến xa lạ với đồng loại.

          Ở đời vẫn còn đó biết bao người chắt chiu từng hạt gạo, gom góp từng miếng vải để giúp kẻ cơ hàn. Cuộc đời vẫn còn đó biết bao người hy sinh cả cuộc sống mình để phục vụ các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nan y. Vẫn còn đó cả hàng triệu người đang đổ mồ hôi vật vã trên công trường, trên nương đồng để làm ra của cải và sản phẩm cho hàng tỉ người trên trái đất hưởng dùng.

          Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao người biết hy sinh vì tha nhân, biết kiến tạo niềm vui trong những giọt mồ hôi lao nhọc để phục vụ tha nhân. Thế nhưng, giòng đời vẫn còn đó những trái tim khô cằn, những tâm hồn lạnh nhạt đến dửng dưng với nỗi đau của đồng loại. Họ đâu biết rằng cuộc đời của họ đang bị cuốn trôi theo một giòng chảy của trần đời. Họ được đón nhận thì cũng phải biết trao ban. Vì chẳng ai có thể giữ mãi cho mình được điều gì mãi mãi. Tất cả những gì mình có rồi một mai cũng bị cuốn trôi theo thời gian.

          Khi Chúa Giêsu nói đến yêu thương ở đây, đây không phải là một trong những niềm đam mê, tình yêu hoặc tình bạn, là những thứ đưa chúng ta lên chín tầng mây, mà là tình yêu thương anh em rất có tính cách bó buộc, cụ thể. "Phải làm điều đó!". Và đây không luôn luôn là điều làm thích thú.

          Người Samari đã chọn một cuộc sống hao tổn và nồng nhiệt. Trong khi thấy người đàn ông nằm đó, ông có lẽ đã cảm thấy cần phải đi qua cho nhanh, nhưng sức mạnh của cuộc sống của ông chiến thắng những vấn nạn đang đến với ông, Chúa Giêsu nói: ông động lòng thương và ông làm mọi sự cần thiết. Ông không quên gì cả, cho mà không tính toán. Không chờ đợi một lời cảm ơn nào và có lẽ vừa đi vừa hát lâm râm, hạnh phúc vì đã làm một người sẵn sàng phục vụ con người. Hai người kia sẽ tiếp tục sống lay lắt. Còn người Samari, ông đang sống triệt để. Chúa Giêsu nói: "Hãy yêu thương thì ngươi sẽ được sống".

          Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và nhà thông luật hôm nay phần nào cũng có thể được ta hiểu theo viễn tượng của kinh nghiệm nhỏ của tuổi thơ tôi ngày xưa. Người luật sĩ đến với Chúa Giêsu để tìm câu trả lời cho thắc mắc quan trọng nhất của cuộc đời: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?". Và đây cũng là thắc mắc của mọi người, không ai có thể dập tắt được câu hỏi này trong tâm hồn họ. Tạm thời, họ có thể dẹp qua một bên câu hỏi này, vì những lo toan cho cuộc sống hoặc vì những mê lợi của lợi danh, của quyền lực... Nhưng rồi vào lúc nào đó con người và mỗi người chúng ta cũng sẽ phải đặt ra cho mình câu hỏi này: "Tôi sống đây để làm gì? Và tôi phải làm gì để được sống đời đời?".

          Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Mẹ Têrêxa Calcutta nói: "Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình".

          Yêu rồi làm. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết phải làm gì cho người anh em. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ có sáng kiến để xả thân vì mọi người, nhất là những người nghèo hèn đau khổ. Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận, kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần chúng ta dám dừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em.

          Chúa Giêsu đã phải dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân lành để soi sáng cho nhà thông thái, để rồi rốt cuộc như thể chính ông cũng khám phá ra được chân lý. Chúa Giêsu không đặt vấn đề như nhà thông thái: "Ai là người thân cận của tôi", mà Ngài đã đặt lại vấn đề: "Ai đã trở nên người thân cận của người anh em bị nạn kia", và nhà thông thái đã trả lời đúng: "Thưa là kẻ đã tỏ ra lòng thương đối với người đó".

          Tâm hồn cần có tình thương, nhất là cần được đầy tràn tình thương của Chúa thì mới dễ dàng trở thành tâm hồn thân cận của mọi người, trở thành người anh chị em của mọi người, bất luận người đó là ai. Không phải dễ thực hiện sáu chữ của Chúa Giêsu cho nhà thông thái: "Hãy đi và làm như vậy".

          Người Samaria là một anh chàng không có đạo, mà không có đạo cũng đồng nghĩa với không thể sống bác ái lương thiện. Quan niệm Do Thái hẹp hòi và thiển cận ấy, như một mẫu mực để những ai muốn có cuộc sống đời đời phải nhìn đó mà noi theo. Người Samaria ngoại đạo đã trổi vượt hơn những người chính thống, đạo đức nhất của xã hội và Giáo Hội lúc bấy giờ là thầy Lêvi và vị tư tế. Trổi vượt trong lãnh vực yêu thương, cứu giúp những người gặp vận nạn hiểm nguy trong cuộc sống. Còn chúng ta thì sao?

          Xã hội ngày nay có nhiều kẻ thờ ơ với tha nhân, nhưng những người Samaria hiện đại cũng không thiếu. Họ có khi mang danh hiệu Kitô hữu, có khi mang danh hiệu Phật tử, có khi mang danh hiệu cộng sản và có khi chẳng mang một danh hiệu nào cả. Nhưng họ giống như Đức Kitô đã sống và họ tiếp cận được với Thiên Chúa cũng như với tha nhân. Vậy thì để trở nên những người Samaria thời buổi hôm nay, chúng ta đã thực sự có được một trái tim mở rộng, một thái độ quan tâm đến mọi người, mọi việc kế cận với chúng ta hay chưa?

 

759    07-07-2019