Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Hãy là mảnh đất tốt

 

Trang Tin Mừng hôm nay phải nói thật đẹp. Trước hết, hình ảnh phong phú của việc gieo giống quá đẹp. Đẹp về ý nghĩa sâu xa. Nhưng đẹp nhất vẫn là thái độ của người đi gieo. Người đi gieo đã có thái độ vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương.

Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn "Người gieo giống"để mô tả số phận Lời Chúa được tung ra giữa nhân loại và đem lại kết quả như thế nào: Có hạt rơi xuống bên vệ đường, chim trời ăn mất. Có hạt rơi xuống trên sỏi đá, không đâm rễ được, bị khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, bị chết nghẹt. Chúa không chú trọng đến phần mất mát đó cho bằng đến sự phát triển mạnh mẽ của hạt giống khi rơi vào phần đất tốt. Nó sẽ nẩy sinh một mùa gặt phong phú, một thành ba mươi, sáu mươi hay một trăm. Vậy thì chúng ta đừng ai nản lòng vì mất mát, thiệt thòi. Người gieo giống cứ thẳng tay tung vãi khắp nơi một cách quảng đại, không dè xẻn. Bên ngoài xem ra như mọi sự chống lại việc triển nở của hạt giống Lời Chúa. Nhưng hãy chờ mùa gặt đến, kết quả sẽ vượt mức tưởng tượng, vì đây là công việc của Thiên Chúa.

Trước tiên, ta thấy người đi gieo đã gieo một cách hào phóng. Nhìn cách gieo của ông ta thấy : ông vốc từng vốc lớn hạt giống và rộng tay vung vãi. Ông gieo không tiếc xót. Ông gieo không tính toán. Ông gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người đi gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Ông muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.

Kế đến, ta thấy người đi gieo đã gieo một cách kiên trì, ông gieo bất kể ngày đêm. Ông gieo bất kể mưa nắng. Ông gieo bất kể những thất bại. Đợt gieo giống đầu tiên đã thất bại vì chim chóc tha đi, ông liền gieo tiếp đợt hai. Bị sỏi đá nắng hạn, cây lúa mất mùa, ông lại đi gieo tiếp đợt thứ ba. Bị gai góc bóp nghẹt, cây lúa bị lụi tàn, ông vẫn không nản, cứ gieo đợt thứ tư. Ông đúng là người đi gieo hạt không biết mỏi mệt.

Và khi gieo, người đi gieo đã gieo trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng của ông thật lớn lao. Chính với niềm hy vọng ấy, ông đã dám đầu tư tất cả tiền bạc, sức khỏe, thời giờ vào việc gieo hạt. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn, đứng vững trước những thất bại. Vì hy vọng, ông gieo cả trên lối đi, trên đá sỏi, trong cỏ gai. Ông tin rằng có gieo thì có gặt. Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông kiên trì và sau cùng đi đến thành công.

Và trên hết, ta nhận ra rằng người đi gieo đã gieo trong tình thương yêu. Tình thương yêu của ông dạt dào lắm. Nên ông đã không ngại hao tốn tiền của, tâm trí, sức lực. Tình thương ấy bao la lắm. Nên ông động lòng thương đến cả những mảnh đất chai cứng, đá sỏi, gai góc. Tình yêu thương ấy mãnh liệt lắm. Nên ông mong sẽ cảm hoá được cả gai góc, sỏi đá, biến chúng thành đất màu mỡ phì nhiêu. Ông đã có thể chỉ chọn đất tốt mà gieo. Nhưng tình thương yêu mãnh liệt không cho phép ông làm thế. Vì ông không muốn loại trừ những miền đất chai cứng chứa đầy sỏi đá, cỏ gai.

Nói về việc rao giảng lời Chúa, chúng ta thấy có hai thực tại đối kháng nhau. Trước hết chúng ta xác tín lời Chúa là lời hiệu nghiệm, một khi đã gieo trồng thì chắc chắn sẽ đem lại mùa xuân với hoa trái dồi dào. Đàng khác là sự chai cứng của những tâm hồn, khiến cho cuộc sống cứ chìm trong tội lỗi và mùa đông ảm đạm cứ kéo dài tưởng chừng như vô tận.

Thiên Chúa dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Ngài. Dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa có các môn đệ.

Thực vậy, giữa lòng cuộc đời ồn ào và náo nhiệt này, nhiều khi lời rao giảng chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc và người nói chỉ thấy vọng lại chính âm điệu của mình và không có một người đáp trả. Cuộc sống hình như vẫn bước đi theo nhịp điệu riêng của nó, vẫn được lượng giá bằng cái thước đo quen thuộc của nó. Cảm giác ấy gắn liền với sự cô đơn của người rao giảng. Cô đơn vì không một ai chia sẻ nỗi thao thức với mình. Từ nỗi cô đơn ấy, người ta dễ dàng buông xuôi, chán nản và tuyệt vọng.

Thiên Chúa vẫn đến viếng thăm ta qua các biến cố lớn nhỏ, vui buồn, nhưng rất nhiều khi hay là hầu hết nhiều khi, hầu hết mỗi lần Chúa đến thăm để nói với ta một điều gì đó, mạc khải cho chúng ta một điều gì đó thì ta lại vắng mặt, chúng ta lại lo ra. Nhiều lần ta được tiếp xúc với Lời Chúa nhưng ta lại lơ là không màng chi đến Lời Chúa nữa.

Như một bác nông phải, trước khi xạ lúa cân phải chuẩn bị ruộng đất. Chúng ta cũng thế. Thật là hữu ích nếu như trên đường tới nhà thờ tham dự thánh lễ, chúng ta biết tự chuẩn bị đón nhận chân lý. Chúng ta đừng nói: Lạy Chúa, hôm nay xin đừng để cha giảng quá dài. Trái lại hãy thân thưa: Lạy Chúa, xin giúp con đón nhận những chân lý để nuôi sống đời sống thiêng liêng của con. Chính người giảng cũng phải cầu nguyện như thế, để những người nghe mình giảng sẽ lợi dụng được những điều mình trình bày, và sẽ cung cấp được những mảnh đất phì nhiêu cho những chân lý mình đang cố gắng gieo trồng. Chúng ta không phải chỉ cầu nguyện cho mình, mà còn phải cầu nguyện cho người giảng nữa. Đó quả thực là một việc làm quí giá biết bao.

Ngày nay Giáo Hội không ngừng rao giảng Lời Chúa qua các thế hệ trên khắp thế giới. Giáo Hội cũng gặp nhiều khó khăn, thất bại như: thiếu phương tiện, bị bách hại, đời sống kém cỏi của một số giáo sĩ và giáo dân, số người rửa tội ngày càng ít đi trong một thế giới duy vật và trần tục hoá. Thật đáng buồn khi thấy đời sống đạo ngày càng sa sút. Lời Chúa như rơi vào sỏi đá, vào bụi gai hay ngoài đường lộ. Tuy nhiên, như lời Thánh Justinô: đứng thất vọng, người gieo cứ việc gieo và để cho Lời Chúa âm thầm hoạt động. Không có gì được phép làm cho chúng ta phải nghi ngờ hay chán nản. Hạt giống Lời Chúa có thể là bé nhỏ, có thể bị đối xử tàn tệ, bị chà đạp, bị lấn át, nhưng năng lực của nó là vô hạn (Is 55,10-11).

Để thu được nhiều lợi ích qua việc giới thiệu cách dồi dào kho tàng Thánh Kinh, tất cả chúng ta phải làm cho mình nhiệt tình hơn trong việc tham dự thánh lễ. Quả thật, chúng ta phải công nhận rằng chúng ta có đến nhà thờ với nhiều thời gian nhưng chú ý đến các bài đọc thì không có mấy. Chúng ta phải lắng nghe trong tinh thần đức tin, đó là Đức Kitô đang nói với chúng ta khi Thánh Kinh được tuyên đọc 

 

 

 

 

1439    12-07-2017