Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Hãy loan báo Tin Mừng theo ân sủng Chúa ban

Thánh Barnabas, Tông Đồ

1 V 17:1-6; Tv 121:1-2,3-4,5-6,7-8; Mt 5:1-12

HÃY LOAN BÁO TIN MỪNG THEO ÂN SỦNG CHÚA BAN

Mặc dù thánh Barnaba không phải là một người trong nhóm mười hai tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu, nhưng thánh Luca coi ngài như vị tông đồ, vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Thánh nhân là người gốc Do Thái, sinh tại đảo Síp. Tên của ngài là Giuse, nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản. Danh xưng này có nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi.”

Ngay khi trở thành Kitô hữu, Thánh Barnaba đã bán tất cả những gì ngài có và đem tiền dâng cho các Tông đồ. Thánh nhân là người tốt bụng. Ngài rất nhiệt thành hăng say tin yêu Đức Chúa Giêsu. Barnaba được sai đến thành Antiôkia để rao giảng Tin mừng. Antiôkia là thành phố lớn thứ ba trong đế quốc Rôma thời ấy.

Tại đây, những người tin theo Đức Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Barnaba nhận thấy mình cần sự giúp đỡ nên liền nghĩ tới Phaolô thành Tarsô. Ngài tin rằng Phaolô đã thực sự được ơn trở lại. Chính Barnaba đã đứng ra thuyết phục Thánh Phêrô và cộng đoàn Kitô hữu; và đã xin cho Phaolô đến làm việc với mình. Barnaba là người khiêm tốn. Ngài không ngại chia sẻ năng lực và trách nhiệm. Ngài cũng biết Phaolô có một ân sủng rất đặc biệt và ngài muốn Thánh nhân có cơ hội để trao ban.

Thánh Barnaba là một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội. Ngài đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Đồng thời, chính ngài là người đã đứng ra đảm bảo về sự trở lại thực sự của thánh Phaolô trước mặt cộng đoàn Kitô hữu khi Phaolô mới trở lại đạo. Sau đó, Barnaba được sai đi rao giảng ở Antiôkia để rao giảng Tin Mừng. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnaba đã xin Phaolô đến giúp sức cho mình. Cả hai đã xây dựng một Giáo Hội thật phát triển tại nơi đây. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, chính ở Antiôkia mà "lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu".

Thánh Banaba đã sống mình vì mọi người. Cuộc đời Ngài luôn để cho tin mừng được thực hiện. Ngài tuy không phải là tông đồ nhưng vẫn được coi là trưởng lão của Giáo hội sơ khai. Chính Ngài đã dẫn dắt Phao-lô trở về. Chính Ngài đã từng đồng hành với Phao-lô trong giai đoạn đầu rao giảng tin mừng. Thế nhưng, ngài vẫn khiêm tốn ẩn mình. Cuộc đời ngài luôn quên cái tôi để Chúa được lớn lên. Khi có xảy ra mẫu thuẫn, Ngài không đòi người khác theo ý mình, nhưng dường như Ngài luôn nhẫn nhịn để ý Chúa được nên trọn.

Chính thánh Barnaba là người đứng ra bảo đảm và giới thiệu thánh Phaolô với các tông đồ, nhưng sau đó thánh Phaolô lui về ẩn dật trong nhà ngài tại Tarsô trong nhiều năm và Barnaba vẫn ở lại Jêrusalem. Sau này các thánh tông đồ sai Barnaba đến Antiokia để điều tra về sự thành công của thánh Phaolô trong công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Barnaba đã nhận ra ngay ơn Chúa trong công việc của thánh Phaolô. Ðây là lý do để nối kết hai người lại với nhau trong cánh đồng truyền giáo của dân ngoại. Cả hai sát cánh bên nhau tại Antiokia trong vòng một năm.

Barnaba đã cùng với Phaolô đi loan báo Tin Mừng cho Tiểu Á, nhưng sau người trở lại đảo Chypre. Thánh Barnaba, với cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt, đã giữ vai trò chủ yếu trong tiến trình truyền giáo của Hội Thánh.

Đọc lại hành trình của Phaolô chúng ta thấy ngài đã từng đụng độ với Phao-lô nhưng Ngài đã nhẫn nhịn vì lợi ích chung. Trong một lần tranh chấp về vấn đề ăn chung (Ga 2,13).

Số là Giáo Hội đã có quyết định rằng lương dân tòng giáo không bị buộc giữ tục lệ do thái giáo, trong đó có tục lệ phân biệt những món ăn nào sạch những món ăn nào dơ. Bởi đó các tông đồ đều hòa đồng với lương dân, ăn chung bàn với họ.

Và rồi một lần kia vì có mặt những người do thái nên vì muốn không gây khó chịu cho họ, thánh Banaba và cả thánh Phêrô đã tránh ngồi chung bàn ăn với những người lương tòng giáo. Lần đó Phaolô đã nổi giận đứng lên công khai trách nặng hai ngài. Nhưng sách thánh không viết gì về phản ứng ngược lại của hai vị, tức là hai vị đã nhịn. Phêrô vị lãnh đạo Giáo Hội, Banaba người đỡ đầu cho Phaolô, còn Phaolô chỉ là một kẻ đến sau, một người cấp dưới. Thế mà hôm nay người đến sau và người cấp dưới ấy công khai chỉ trích hai bậc trưởng thượng trước mặt cả người do thái lẫn người lương tòng giáo. Vậy mà hai vị này vẫn nhịn. Thật là một tấm gương về lòng khiêm tốn và coi trọng hòa khí.

Chúa Thánh Thần đã chọn thánh Barnaba và thánh Phaolô để thực hiện một sứ vụ quan trọng, đó là đem Tin Mừng đến cho dân ngoại. Do đó, hai ông đã khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên ở nước ngoài, trước hết là đến Síp và sau đó là đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh một vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Thánh Phaolô và Barnaba đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã được Công đồng Giêrusalem chấp thuận, tức là những người ngoài Do Thái khi rửa tội không buộc phải chịu cắt bì.

Barnaba và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo của mình, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Máccô, vị thánh sử tương lai. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnaba đem Máccô đến đảo Síp. Sau này cả ba người là Phaolô, Barnaba và Máccô đã làm hòa với nhau.

Tuy không có những dữ kiện rõ ràng, nhưng theo truyền thuyết thì thánh Barnaba đã được phúc tử đạo tại Síp vào năm 61. Đồng thời, truyền thống Hội Thánh nhìn nhận ngài là vị sáng lập Hội Thánh tại đảo Síp. Bên cạnh đó, người ta nói rằng mộ Ngài được tìm thấy năm 448 và trên ngực ngài còn có một cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Barnaba đã chép tay.

Thánh Barnaba là mẫu gương về lòng nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, và là mẫu gương về một đời sống khiêm nhường, bác ái và chia sẻ cho tha nhân. Chúng ta hãy cầu xin thánh nhân phù trợ cho mỗi người chúng ta, để trong đời sống thường ngày chúng ta biết quan tâm và chia sẻ Tin Mừng tình yêu của Chúa đến cho mọi người.

Chúa đòi buộc các tông đồ phải rao giảng lời của Chúa, để lời của các tông đồ rao giảng phải là lời của Thiên Chúa và phải được đón nhận như lời của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội tiên khởi, thánh Phaolô cho biết, các tín hữu đầu tiên đã ý thức và đón nhận lời các tông đồ rao giảng “không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy” (1Th 2,13).

Vì thế, khước từ lời rao giảng Tin Mừng của các tông đồ cũng là khước từ lời rao giảng của Chúa Giê-su và khước từ những người Chúa Giêsu sai đến là khước từ chính Chúa Giê-su. Người ta không thể ngụy biện rằng, chúng tôi tin Chúa Giêsu và nghe lời Ngài, nhưng chúng tôi không nghe lời các tông đồ Chúa sai đến. Lối ngụy biện đó không có đất sống, vì lời Chúa đã nói: “Ai nghe các con là nghe Thầy ; và ai khước từ các con là khước từ Thầy ; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy”(Lc 10,16). Chính vì tầm quan trọng của lời rao giảng, các tông đồ được đòi hỏi phải trung thành với lời Chúa hơn.

Mỗi người chúng ta khi sinh ra mang sẵn một loại tính tình. Tính tình, cá tính như những bông hoa điểm tô cho Giáo hội thêm rạng rỡ hơn. Hãy sống Tin Mừng và loan Tin Mừng theo cá tính riêng của mình. Nhưng đừng bao giờ dùng cá tính của mình trở thành vật cản loan báo tin mừng.

 

 

617    10-06-2018