Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Hãy nhận lấy Thánh Thần

Lễ hiện xuống chính là ngày lễ 50 của Cựu Ước. Đó là cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua, ngoài ra đó còn là ngày lễ tạ ơn vì Chúa đã cho mùa màng tốt tươi, cũng như để kỷ hiệm ngày Chúa công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai. Lễ hiện xuống, Thánh Thần được ban cho các môn đệ để hướng dẫn, để đồng hành với các môn đệ sau khi Chúa Giêsu lên Trời.

Ngày xưa Chúa Thánh Thần bay lượn trên nước và đã biến cái đám hỗn mang thành một vũ trụ có trật tự thế nào, thì bây giờ Ngài cũng bay lượn, cũng hiện diện trong tâm hồn để biến con người tội lỗi, vô trật tự của chúng ta thành một Kytô hữu đích thực, Ngài sẽ cởi bỏ con người cũ của chúng ta, biến chúng ta trở nên một tạo vật mới, một con người mới.

Chắc hẳn bề ngoài chúng ta vẫn như trước vẫn giống với mọi người, có đầu, có mắt, có trái tim, nhưng cách thức chúng ta nhìn ngắm, cách thức chúng ta suy nghĩ, cách thức chúng ta yêu mến thì lại hoàn toàn thay đổi, như lời tiên tri Êgiêkiel đã diễn tả: Ta sẽ rảy nước tinh tuyền trên các ngươi và các ngươi sẽ được trong sạch. Ta sẽ cất khỏi các ngươi trái tim bằng đá, nhưng sẽ ban cho các ngươi một trái tim bằng thịt. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới và một thần khí mới.

Trước khi về trời Chúa Giêsu đã hứa không để cho chúng ta phải mồ côi, Người sẽ gởi đến cho chúng ta một Đấng an ủi, để nhắc lại những điều Người đã giảng dạy. Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ tưởng đến Ngài, và chúng ta có thể gặp gỡ Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta kể từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để biến tâm hồn và thể xác chúng ta thành đền thờ cho Thiên Chúa, như lời thánh tông đồ đã khuyên nhủ: Anh em không nhớ rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần hay sao.

Hãy mang lấy Thiên Chúa và hãy tôn vinh Người trong thân xác anh em. Chúng ta sẽ dễ dàng trở nên thánh thiện, nếu chúng ta luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần đang ngự trị trong chúng ta. Còn đối với Giáo Hội, Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá và hoạt động bằng các bí tích. Chúa Giêsu đã về trời và trở nên vị trung gian bầu cử cho chúng ta trước toà Đức Chúa Cha.

Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Và như chúng ta đã biết Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô. Thân xác muốn sống thì phải có linh hồn. Vai trò của linh hồn thật là quan trọng, nó là nguyên lý của sự sống, nếu linh hồn lìa khỏi thì thân xác sẽ phải chết. Cũng vậy Chúa Thánh Thần là linh hồn của nhiệm thể Giáo Hội, chính Ngài trao ban và bảo tồn đời sống ơn sủng trong chúng ta. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể cầu nguyện và làm được những việc tốt lành. 

Khi ban Thánh Thần trên các môn đệ, Đức Giêsu đã thổi hơi vào các ông và bảo: “Hãy nhận lấy Thánh Thần”. Thánh Thần chính là làn hơi của Thiên Chúa, Ngài như là gió. Người ta không thấy gió, người ta không biết gió bắt nguồn từ đâu và đến đâu thì dừng lại. Cho dù các nhà khí tượng học có bao trước được các trận bão, ta vẫn có cảm tưởng mình bị một sức mạnh vừa huyền bí vừa mạnh mẽ bao trùm. Gió thổi và gây tiếng động. Gió bẻ gãy và nhổ bật lên. Gió tàn phá, nhưng cũng làm cho đất đai ra phì nhiêu. Có khi gió quạt mát, có lúc gió thiêu đốt. Về làn gió Thánh Thần cũng thế. Ngài mạnh mẽ, Ngài len lỏi vào mọi sự. Nếu chúng ta mở lòng ra với Ngài, Ngài sẽ bẻ gãy, Ngài nhổ tung và phá hủy tất cả những gì chống lại tình yêu Thiên Chúa; Ngài cũng làm cho các con tim nên dồi dào phong phú. Ngài liên tục làm việc trong lòng chúng ta, như thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà liên tục kêu lên: “Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6).

Bởi phép Chúa Thánh Thần, Lời của Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, Ước gì các tín hữu Kitô cũng biết để cho Chúa Thánh Thần tràn ngập tâm hồn mình, để nhờ Lời của tình yêu Thiên Chúa cũng trở thành xương thịt nơi họ và cuộc sống của họ cũng trở thành ngôn ngữ của cảm thông, của yêu thương, của gặp gỡ và của hiệp nhất nên một vơí nhau trong tư tưởng và trong hành động.

Thánh Thần tác động trong Cộng Đoàn Hội Thánh: Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại như sau: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần , họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

Thánh Thần biến đổi các Mục Tử của Hội Thánh: Thời sơ khai, Thánh Thần đã tác động để biến đổi các Tông đồ (x. 1 Cr 12,4-11): Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm và công khai làm chứng cho Chúa Giê-su trước mặt đám đông (x. Cv 2,14-36); Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu rõ mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó (x. Ga 16,12-13); Từ tình trạng buồn chán thất vọng và muốn thoái lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui hy vọng (x. Lc 24,32-35). Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã đón nhận nhiều tín hữu bày tỏ lòng sám hối và xin chịu phép Rửa gia nhập Hội Thánh (x. Cv 2,41).

Thánh Thần liên kết muôn người nên một: Lúc đó tại Giêrusalem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các Tông đồ nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2, 5-8). Đã có 15 dân tộc nghe các Tông đồ rao giảng. Trái với nhân loại thời Tổ phụ Nôe, do kiêu ngạo muốn thách thức Thiên Chúa đã hè nhau xây tháp Ba-ben, và đã chia rẽ thành nhiều dân tộc nói các thứ tiếng khác nhau (x St 11,1-9), thì hôm nay chính Thánh Thần đã hiệp nhất các dân tộc để cùng tuyên xưng một đức tin.

Thánh Thần soi lòng mở trí giúp lương dân đón nhận chân lý: Sau bài giảng đầu tiên của Tông đồ Phêrô, nhờ ơn Thánh Thần tác động nên đã có tới ba ngàn người đang ở tại Giêrusalem tin theo Chúa Giê-su và đã chịu phép rửa gia nhập vào Hội Thánh (Cv 2,41). Những tín hữu này đã họp thành cộng đoàn Hội Thánh Sơ Khai.

Thánh Thần thúc đẩy sự hiệp nhất trong Hội Thánh Sơ Khai: Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà Cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem đã luôn sống hiệp nhất với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ sự hiệp thông này mà số người xin gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng (x. Cv 2,42-47).

          Với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta đã kết thúc 50 ngày mùa Phục Sinh. Từ giây phút này trở đi, chúng ta sẽ làm chứng, như  trong các bản văn Tân Ước, về đời sống mà Chúa Thánh Thần mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta gọi hôm nay là “sinh nhật của Giáo Hội”. Rõ ràng chính thái độ mâu thuẫn của các Tông Đồ trong suốt hành trình sứ vụ của Đức Giêsu và sự phân tán khi Người bị bắt và bị giết chết, cho thấy rằng nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa, thì đã không có một Giáo Hội đi loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô – đó là tầm quan trọng và sự cần thiết của Lễ Hiện Xuống.

Lễ Hiện xuống không chỉ là  ngày khai sinh Giáo hội, mà Lễ Hiện Xuống vẫn còn tiếp diễn, nghĩa là Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong Giáo Hội. Người ta gọi Công đồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống mới, một luồng gió mới đã thổi vào Giáo Hội để canh tân cho thích hợp với độ chóng mặt của thế giới ngày nay.

 

Thánh Thần đang thực hiện một sự thống nhất mới cho nhân loại, hay nói đúng hơn một nhân loại mới trong đó người người có thể hiểu nhau, cảm thông với nhau đang được khai sinh, một nhân loại mới trong đó mọi người đã có thể hiểu nhau và cảm thông vơi nhau trong cùng một ngôn ngữ mà chính Thiên Chúa đã ban cho con người và ngôn ngữ mới ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người. Chính nhờ Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ngỏ với con người, đã trở thành con người. CTV TT VL

1711    02-06-2017