Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Hãy phát triển hạt giống đức tin đời mình

CHÚA NHẬT XI TN

Ed 17:22-24; Tv 92:2-3,13-14,15-16; 2 Cr 5:6-10; Mc 4:26-34

HÃY PHÁT TRIỂN HẠT GIỐNG ĐỨC TIN ĐỜI MÌNH

          Trong cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê su thường dùng dụ  ngôn mà rao giảng Lời Chúa. Dụ ngôn là những câu chuyện rút ra từ cuộc sống thực tế đời thường mà mọi người nghe đều biết, để trình bày về các mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa. Chẳng hạn: Nước Thiên Chúa giống như một cánh đồng lúa có cỏ lùng xen lẫn, hoặc giống như một hạt cải nhỏ bé, như nắm men được hòa lẫn trong thúng bột, như kho báu chôn giấu trong thửa ruộng, như một viên ngọc quí giá, như cái lưới chụp xuống bắt được mọi thứ cá... (x Mt 13).

Thật vậy, qua các dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho biết Nước Thiên Chúa có thực và đang đến qua các dấu hiệu là các phép lạ Người làm như: Xua trừ ma quỷ, chữa lành các thứ bệnh tật… (x Mc 1,54). tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất: được gieo xuống ruộng đất; dù người gieo ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống tự nảy mầm mọc lên thành cây lúa, rồi tới mùa sẽ trổ đòng đòng, và thành bông lúa nặng trĩu hạt. Nước Thiên Chúa cũng sẽ dần dần lớn lên tới chỗ viên mãn vào ngày tận thế, dú có gặp chống đối đàn áp của ma quỷ và thế quyền bách hại.

Hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta một khái niệm về nước trời: Nước Trời giống như một người kia gieo hạt giống trong ruộng của mình, và nước trời giống như hạt cải nhỏ bé. Thánh Augustino đã nói: “Có những kẻ nói rằng Giáo Hội đã biến mất khỏi thế giới này rồi”. Cũng từ đó, một số lớn người cũng đã tiên báo một cách mơ hồ Giáo Hội đã bị chôn vùi rồi, nhưng thực tế thì họ đã bị chôn vùi khi mà Giáo Hội vẫn còn đó. Napolêon nói: “Người dân qua đi, ngai toà sụp đổ, thể chế biến mất, nhưng Giáo Hội vẫn còn”.

Nước Trời giống như một hạt cải, có nghĩa là một thứ hạt rất nhỏ bé. Tuy nhiên, khi được gieo vào lòng đất nó trở thành cây cải lớn đến nỗi chim trời có thể làm tổ ở đó được. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta cách thế hoạt động của Thiên Chúa: quyền lục phi thường của Đấng tạo hoá có thể làm cho sự sống trỗi dậy từ một cái rất nhỏ. Đọc Kinh Thánh Cựu Uớc, chúng ta thấy: Abraham, một nhà thương gia nổi tiếng đã nhận lệnh của Thiên Chúa để đi đến một nơi mà ông không hề biết đến. Ông vâng lời và sẽ trở thành người cha của một dân tộc vĩ đại mà trong khi đó vợ ông đang son sẻ. Lịch sử của Nước Thiên Chúa bắt đầu từ đó.

Có người gọi dụ ngôn này là “hạt giống mọc lên một mình”. “Người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa” (Mc 4, 27). Thực tế, hạt giống không có tự mình mọc lên được như Phaolô nói: “Tôi trồng, Apôllô tưới, những chính Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cr 3, 6). Một khi hạt giống được gieo vào lòng đất, tương quan giữa hạt giống với đất được thiết lập, một chuỗi những kỳ bí vô hình tuyệt vời bắt đầu, quá trình nảy mầm sẽ xảy ra, nếu như nhà nông không để ý đến những gì ông đã gieo và không ai quan tâm đến hạt rơi vào thửa đất.

Nước Thiên Chúa được sánh ví như hạt cải với sự lớn mạnh của nó... Liệu tất cả những người tin có hy vọng thế không ? Và các tín hữu có trông đợi như vậy không ? Phải chăng “những điều mắt chẳng hề thấy, tai không hề nghe, và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm, hết thảy là những điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người sao ?” (1 Cr 2, 9) Thật vậy, “sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người” (1Cr 1, 25), nên điều nhỏ nhặt tốt lành của Chúa cũng lộng lẫy hơn sự bao la của thế giới.

Thật thế, ta nhìn thấy hạt cải thì nhỏ xíu, nhưng lại nảy sinh ra một cây mà chim trời có thể làm tổ ở đó. Với sự so sánh này, Chúa Giêsu muốn nói với các thính giả của Người là Triều đại của Thiên Chúa đã gần đến. Đúng vậy, cái khởi sự có vẻ vô nghĩa, nhưng nó sẽ lớn lên cũng như một cây mà không ai có thể ngờ được chiều kích to lớn của nó khi so sánh nó với hạt giống. Các Kitô hữu, sau lễ Phục sinh, nhớ lại dụ ngôn này để soi chiếu cho hoàn cảnh của chính họ. Lúc khởi đầu các cộng đồng Kitô hữu có thể là khiêm tốn. Nhưng Đức Kitô đã sống lại cho mọi người và Tin Mừng phải được lan rộng trên khắp cùng thế giới.

Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Ngài mạc khải về Nước đó qua những dấu chỉ và hình ảnh, qua hành động của Ngài. Ngài đã khẳng định: “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được... vì Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc. 17, 20-21), nghĩa là đã thực sự đến với nhân loại, ở giữa nhân loại mà người ta chưa nhận ra (Mt. 12, 28). Nước đó khởi đầu từ trần gian, và sẽ viên mãn vào ngày cánh chung. Những kẻ đi theo để cộng tác với Đức Giêsu có thể đã băn khoăn về tương lai của Nước đó. Đức Giêsu đã cho họ một câu trả lời khá rõ khi kể cho họ dụ ngôn Hạt giống âm thầm mọc và dụ ngôn Hạt cải.

Và chính Chúa Giêsu là Nước Trời. Theo cách thức của người gieo hạt, Người đã được gieo vào lòng đất thân xác Đức Trinh Nữ Maria. Người đã lớn lên và trở thành cây che phủ toàn thể địa cầu. Sau khi bị nghiền nát bởi cuộc Thương Khó, trái cây sinh ra đủ mọi hương vị, phù hợp với khẩu vị và tỏa hương thơm cho mọi vật sống chạm đến Người. Vì, như hạt cải, sự kiện hạt bị nứt ra chính là mạnh của nó. Tương tự như vậy, Chúa Kitô muốn thân mình được nghiền tán ra để sức quyền năng Thiên Chúa được thể hiện trong thế gia... Chúa là vua, là nguyên lý của mọi quyền hành là Nước Trời, vì tất cả vinh quang của nước ấy ở nơi Chúa.

Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi. Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất, và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây. Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái. Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng. Ðây là lúc ta phải sống niềm tin: tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu, bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người. Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa, dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên. 

Mỗi Kitô hữu chúng ta cần góp phần vào sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa bằng việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày, năng cầu nguyện và thực hành bác ái phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ Chúa đang hiện thân trong những người đau khổ bệnh tật và bị bỏ rơi... Những hạt giống nhỏ bé là các việc lành ấy sẽ góp phần làm tăng trưởng Hội thánh ngày một lớn mạnh theo thánh ý Chúa.

Như những hạt cải nhỏ bé, phải biết tự hủy mới mọc thành cây và lớn lên, các tín hữu cũng phải tập chết đi cho các ý riêng ích kỷ và tự mãn, cho các đam mê nhục dục thấp hèn, cho các thói hư tật xấu của mình… Mỗi khi gặp sự chống đối hay thất bại, thay vì nản lòng thóai lui, chúng ta cần xác tín rằng: Nếu chúng ta biết sống khiêm tốn nhỏ bé, âm thầm cầu nguyện và can đảm dấn thân kèm theo sự tín thác cậy trông vào ơn Chúa giúp… chắc chắn việc tông đồ của chúng ta sẽ đạt kết quả đúng theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

 

 

1058    16-06-2018