Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Henri Tincq: “Chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống quyền lực công giáo”

 

Phỏng vấn nhà báo Henri Tincq, nhà quan sát tinh tế của thế giới công giáo, ông tố cáo trong quyển sách Vatican, ngày tận thế về việc cai trị có tính cách “giáo quyền” và “phân biệt giới tính” của Giáo hội.

 

Nhà viết khảo luận tôn giáo trong nhiều thập niên của báo Le Monde, trong thời gian này đặc biệt ông viết về triều giáo hoàng của Đức Gioan-Phaolô II, ông là nhà quan sát tinh tường các bí ẩn của thế giới công giáo. Như nhiều tín hữu, ông cũng bị báo động bởi các tai tiếng dồn dập làm hoen ố hình ảnh Giáo hội, ngòi bút tinh tế này có một phân tích thẳng thắn về cơn khủng hoảng hiện nay của Giáo hội trong quyển sách dấn thân và giáo huấn, Vatican, ngày tận thế (Vatican, la fin d’un monde, nxb. du Cerf). Cuộc phỏng vấn với một trong các chuyên gia am tường nhất của Giáo hội công giáo, đã thúc đẩy Đức Phanxicô tiến xa hơn nữa trong quyết tâm của ngài nhằm chấm dứt chủ nghĩa giáo sĩ trị.

Le Point: Ông đưa ra một hình ảnh song song giữa khủng hoảng hiện nay của Giáo hội công giáo với sự sụp đổ hệ thống xô-viết trong những năm 1980. Thật vậy sao? 

Henri Tincq: Chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống quyền lực công giáo. Điều đáng kể, đây là cuộc khủng hoảng đạo đức khủng khiếp qua các tiết lộ về tội ác tình dục phạm trên trẻ con, trên các chủng sinh và cả trên các nữ tu, và các tiết lộ cáo buộc về “đời sống hai mặt” của các hồng y, giám mục…v.v. thêm vào cuộc khủng hoảng đạo đức này còn có khủng hoảng về quản trị, rồi khủng hoảng về giáo điều. Đây là khủng hoảng toàn bộ, có tính cách “hệ thống” như chính Đức Phanxicô đã nói. Giáo hội vẫn và sẽ vẫn là cộng đoàn của những người tin vào Tin Mừng và vào Chúa Kitô. Nhưng điều thách thức cho cuộc khủng hoảng của Giáo hội công giáo ngày nay là sự kết thúc của một hệ thống quyền lực. Một hệ thống giáo sĩ, gia trưởng, la-mã, xem thường phụ nữ, phân biệt giới tính, được thể hiện qua một guồng máy cai trị và một giáo hoàng, được cho là không thể sai lầm và chỉ có trách nhiệm trước mặt Chúa.

Ông quay nhìn lại tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II tháng 4 năm 2005, khi hai triệu người khóc thương nhớ ngài ở ngoài đường phố Rôma và xin “phong thánh ngài ngay lập tức”. Nhưng theo ông, sự “tán dương” này là khởi đầu của một hoàng hôn… 2005, và cũng là sự rút lui khỏi cuộc sống công khai của ông Maciel, người sáng lập Đạo Binh Kitô (Légionnaires du Christ), một tên tội phạm tình dục, một kẻ lừa đảo lâu năm được Vatican của Đức Gioan-Phaolô II bảo bọc.

Tôi theo sát triều giáo hoàng phi thường này hơn một phần tư thế kỷ, giáo hoàng chói lọi Gioan-Phaolô II (1978-2005). Sự nhất trí thể hiện khi ngài qua đời và trong tang lễ huy hoàng ở quảng trường Thánh Phêrô. Đức Gioan-Phaolô II là “cha xứ toàn cầu”, người đi thăm tất cả các nước, người đã chiến đấu chống mọi thể chế áp bức, người đã góp phần vào sự sụp đổ của chế độ cộng sản, người hoạt động để thống nhất châu Âu, cho sự tự do và nhân quyền. Nhưng dưới ánh sáng của những gì đã xảy ra và 15 năm sau khi ngài qua đời, chúng ta mong có một sự tái đánh giá lại hồ sơ của ngài. Vì ngài bị bệnh nên ngài bị bao vây bởi những người không tốt, họ giấu ngài thực tế nhục nhã, ngài không đo lường được vụ bê bối tình dục đã bắt đầu. Sự bảo vệ mà kẻ tội phạm Maciel được hưởng bên cạnh ngài và bên cạnh những người thân cận ngài là bóng tối lớn nhất của ngài. Cuối cùng Đức Gioan-Phaolô II là nguồn gốc của loại băng hà này của Giáo hội về mặt kỷ luật, giáo huấn và đạo đức, làm cho Giáo hội ít thích nghi để đương đầu với các chuyện xáo trộn ngày nay.

Tất cả các vấn đề này nói lên qua các cuộc khủng hoảng lạm dụng – vì sao không có phụ nữ đứng đầu Giáo hội?, vì sao không giảm nhẹ các quy tắc khiết tịnh hay độc thân của linh mục và các tu sĩ?, đã không có một suy tư và một giải pháp từ giáo hoàng Gioan-Phaolô II hay giáo hoàng Bênêđictô. Có phải đây là không có khả năng quản lý hay một quyết tâm muốn bảo vệ thể chế?

Đức Gioan-Phaolô II đã bảo vệ những người như ông Maciel vì ông có mối liên hệ với Châu Mỹ La Tinh và tài sản của phong trào Đạo Binh Kitô đã được dùng để tài trợ cho nghiệp đoàn Solidarnosc ở Ba Lan. Tôi nói lên điều này không phải để đòi “bỏ sự phong thánh” của ngài, nhưng đã có một số người đã đòi. Về chính sách đối ngoại, chắc chắn Đức Gioan-Phaolô II là một giáo hoàng vĩ đại. Nhưng trong khi ngài đi nước ngoài, Giáo triều La Mã tự cai trị một cách thảm hại, chận lại tất cả các vấn đề kỷ luật và tất cả mọi tiến triển về vị trí của phụ nữ, tình trạng và điều kiện sống độc thân của các linh mục, và nội dung về đạo đức tình dục là trung tâm cuộc khủng hoảng hiện nay.

Chính ông, ông cũng thừa nhận đã chậm đo lường tầm mức rộng lớn của cuộc khủng hoảng này…

Đúng, tôi đã mất một thời gian dài để nhận ra sự nghiêm trọng của tình trạng này. Tôi quan tâm đến chính sách đối ngoại của Vatican hay thần học của Đức   Joseph Ratzinger/Bênêđictô XVI hơn là các vụ bê bối tình dục mà tôi phải thú nhận, đối với tôi nó có vẻ ở ngoài rìa. Trước hết tôi thấy đây là ý muốn của một vài hãng tin muốn ‘thanh toán’ với một Giáo hội dạy đời. Hồi đó tôi nói có một sự “lên án của báo chí.” Tôi đã lặp lại thống kê theo đó 90 % trường hợp ấu dâm là xảy ra trong gia đình. Quyển sách này có thể là một cách để tôi sửa chữa đánh giá sai lầm của tôi về những ngày đầu cuộc khủng hoảng này. Nhưng khi khám phá sự tích tụ các vụ tai tiếng tình dục từ Boston đến Úc, từ Ba Lan, từ Pháp, khi đọc các chứng từ khiếp đảm, các quyển sách – như những cú đấm thực sự – của nữ tu Véronique Margron, của bà Christine Pedotti, chúng tôi, người công giáo, tất cả chúng tôi đều bàng hoàng. Các giám mục Pháp đã rất chậm nêu lên các chuyện này, chậm lắng nghe các nạn nhân, chậm đón nhận những người này vào các buổi họp của họ. Cuối cùng các biện pháp để đối phó với vấn đề đã được đặt ra. Kể từ ngày Đức Phanxicô ban hành tự sắc “Ánh sáng của thế giới”, 9 tháng 5 – 2019, việc tố cáo không còn được xem là tội. Chính ngài muốn việc đấu tranh chống “giáo sĩ trị” được đi tới. Ở Pháp ủy ban Sauvé đã làm một công việc quan trọng. Rất nhiều cuộc thảo luận đã được các giáo xứ tổ chức. Cuối cùng thì mọi thứ cũng được nhúc nhích!

Nhưng làm sao chúng ta hình dung được, các hồng y, các giám mục buổi sáng dâng thánh lễ, buổi chiều ở trong phòng tắm hơi đồng tính?

Ông đã phản ứng như thế nào trước các tiết lộ của nhà văn Frédéric Martel trong quyển sách Sodoma về “đời sống hai mặt” của các hồng y ở Rôma?

Tôi đã đọc trước khi quyển sách được xuất bản, Frédéric Martel mô tả các xúc phạm thuần phong ở Vatican như trong các phim của điện ảnh gia Ý Fellini. Một lần nữa tôi cũng trễ tràng… Tôi không quan tâm đến các chuyện “ăn nằm” trong Giáo hội. Tôi không biết nhiều thế giới đồng tính, trong ba mươi năm tôi theo dõi cuộc sống của Giáo hội và của Vatican mà không nhận ra “cuộc sống hai mặt” này. Chắc chắn không phải là nhiều, nhưng làm sao hình dung được, các hồng y, các giám mục buổi sáng dâng thánh lễ, buổi chiều ở trong phòng tắm hơi đồng tính? Làm thế nào tôi đã ở bên cạnh thực tế này, không nhận ra nỗi ám ảnh sợ người của một số hồng y lại che giấu sự đồng tính công khai hay nén lại của họ. Làm thế nào tôi có thể che giấu lòng tin của tôi vào Giáo hội này – và ngắn gọn là đức tin của tôi – lại bị chấn động nặng bởi các tiết lộ về thực hành đồng tính, lạm dụng tình dục của các linh mục trên trẻ em và trên các nữ tu? Chúng ta luôn có thể nghĩ quyển sách của nhà văn Frédéric Martel ở một vài khía cạnh là quá đáng. Nhưng theo chỗ tôi biết, từ khi quyển sách được xuất bản, chưa có một vụ kiện hay phản bác nào được đưa ra.

 

Gần đây Đức Giáo hoàng đề cập đến “ly giáo” trong Giáo hội, đây là một điều mới mẻ từ miệng của một giáo hoàng. Ngài có lý không?

Đây là kết quả của quyển sách được nghiên cứu kỹ lưỡng của ký giả Nicolas Senèze, tùy viên báo La Croix tại Vatican về việc các người bảo thủ chống Đức Phanxicô bắt nguồn từ Mỹ (Làm thế nào nước Mỹ muốn thay đổi giáo hoàng, Comment l’Amérique veut changer de pape, nxb. Bayard). Trong chuyến đi của Đức Phanxicô, các ký giả nói đến “ly giáo” và ngài lặp lại chữ này. Tôi không phải là không biết sự đa dạng và tầm mức rộng lớn các chống đối giáo hoàng đến từ các hồng y ở Mỹ như hồng y Burke hay hồng y người Guiné Sarah và ngay cả ở Rôma. Những người trong bộ máy tố Đức Phanxicô đã đụng đến học thuyết giáo điều công giáo về sự bất khả phân ly của hôn nhân, về đồng tính, về phá thai, về ngừa thai. Nhưng từ những chuyện này để nói là “âm mưu” hay ”ly giáo” thì những chữ này là quá mức. Hoặc quá sớm. Hiện nay vụ ly giáo duy nhất trong Giáo hội công giáo kể từ năm 1988 là vụ của “những người theo chủ nghĩa truyền thống” của Giám mục Lefebvre.

Độc thân linh mục chưa bao giờ là một giáo điều

Theo các người bảo thủ, nếu cứ muốn thích ứng theo với thời buổi thì Giáo hội sẽ thất bại. Ông nghĩ gì về lập luận này?

Đó là một vấn đề lớn có từ… Thánh Phaolô, câu hỏi đặt ra cho tất cả tín hữu: Giáo hội phải theo thế giới hay thế giới phải trở lại với Giáo hội? Các “người truyền thống” như danh từ gọi họ trong quá khứ và những người siêu bảo thủ ở Vatican thì dĩ nhiên họ thích chọn lựa thứ hai. Nhưng những gì họ không muốn nhận thấy, đó là Đức Phanxicô, người mà họ xem là giáo hoàng tiến bộ nguy hiểm, cho đến bây giờ ngài chưa làm gì để đặt lại vấn đề giáo điều công giáo.  Ngài bảo vệ để có các lựa chọn mục vụ chính xác – một sự đón nhận tốt hơn đối với những người đồng tính, những người ly dị tái hôn, các phụ nữ đã phá thai -, nhưng thực chất, ngoài những gì các người “chống Đức Phanxicô” đưa ra, Đức Phanxicô chưa đụng đến một ly tấc nào về đạo đức công giáo. Ngài chưa đề nghị một suy tư mới nào cho Giáo hội công giáo về tự nguyện chấm dứt thai kỳ, về việc đẻ mướn (PMA), về việc rước lễ của những người ly dị tái hôn hoặc kết hôn giữa hai người đồng phái. Và ngài cũng chưa hé mở bất cứ một thay đổi nào của Giáo hội về viên thuốc ngừa thai, về bao cao su và về ngừa thai. Vậy mà vụ tai tiếng lớn lao liên hệ đến các vụ lạm dụng tình dục của các linh mục lại là dịp để suy nghĩ đến các vấn đề nhạy cảm – không phải là về giáo điều nhưng là về kỷ luật – như vấn đề khiết tịnh và độc thân của các linh mục. Như thế các quy tắc cũ không còn đứng vững cho ngày hôm nay. Giáo hội phải chấm dứt sự giả hình vì lợi ích cho nhân loại! Quá nhiều các linh mục và tu sĩ sống trong cảnh cô đơn cùng cực. Sự lựa chọn nên giao cho các linh mục tương lai để họ chọn độc thân hay hôn nhân. Tôi không ủng hộ hôn nhân cho các linh mục, nhưng phải nhớ là cho các ông đã lập gia đình chịu chức không tạo một vấn đề nào về mặt giáo điều!

Trong những ngày đầu của Giáo hội, các linh mục đều lập gia đình. Độc thân của chức thánh chưa bao giờ là một giáo điều. Mọi người đều biết tập tục này chỉ được áp dụng ở phương Tây vào thế kỷ 11. Có các linh mục lập gia đình ở Giáo hội Đông phương, kể cả linh mục công giáo. Thượng hội đồng Amazon mở ra ở Rôma ngày 6 tháng 10 sẽ phải cho phép có các sứ vụ mới cho các ông và cả cho các bà. Điều này sẽ không thể không có căng thẳng, vì làm sao có sự khác biệt giữa các tín hữu ở các vùng xa xôi hẻo lánh vùng Amazon với các tín hữu ở vùng thôn quê ở Pháp chẳng hạn, ở đó chúng ta cũng không tìm ra linh mục? Tôi cũng bị ấn tượng bởi phản ứng của các cộng đồng công giáo về cuộc “tranh luận lớn” do Đức Phanxicô mở ra về “nạn giáo sĩ trị”. Rất nhiều thảo luận, rất nhiều blog nở rộ khắp nơi. Và tôi thấy, toàn bộ thế giới công giáo đang mở ra cho các tiến hóa. Ngay cả trong từ vựng dùng, chẳng hạn trong cách đối xử với hàng giáo sĩ. Chúng ta đã bắt đầu không còn gọi là “Monseigneur” giám mục hay “Éminence” hồng y! (các chữ tạm gọi là tương đương với Đức Tổng Giám mục, Đức Hồng y). Ở thời đại chúng ta, các danh xưng như thế này không còn một ý nghĩa nào.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

600    09-10-2019