Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Hoán cải là ơn của Chúa

 

Trong những tuần cuối của năm phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta suy nghĩ rất, rất nghiêm túc về đời sống Kitô hữu. Trong Kinh thánh, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta đừng là Kitô hữu bề ngoài, mục nát, thích thoải mái tiện nghi, Ngài kêu gọi chúng ta hoán cải.

Hoán cải là một ơn, ‘là Thiên Chúa đến viếng thăm’, theo lời giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ ba, 18-11, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Mácta. Giáo hoàng suy niệm dựa trên các bài đọc trong ngày từ chương 3 sách Khải Huyền, và Tin Mừng theo thánh Luca kể về cuộc gặp giữa Chúa và ông Giakêu người thu thuế.

Đức Phanxicô lưu ý, trong bài đọc một, Chúa đã muốn các Kitô hữu ở Laodicea hoán cải vì họ đã trở nên ‘hâm hẩm.’ Họ sống một ‘đời sống thiêng liêng thoải mái.’ Họ nghĩ rằng: ‘Tôi làm những gì có thể, nhưng tôi đang yên bình và không muốn bị những thứ lạ lẫm làm phiền.’ Giáo hoàng Phanxicô chỉ ra rằng những người này ‘sống tốt, nghĩ rằng mình chẳng bỏ sót việc gì: Tôi đi lễ ngày chúa nhật, thỉnh thoảng cầu nguyện, tôi thấy tốt, tôi có ơn Chúa, tôi giàu có’ và ‘tôi không cần gì nữa, tôi ổn rồi.’ Giáo hoàng cảnh báo, ‘tâm thức này là tình trạng tội lỗi, cảm thấy thoải mái về đường thiêng liêng là tình trạng tội.’ Chúa đã có những lời nặng nề cho những người như thế, ngài nói: ‘Vì ngươi hâm hẩm, nên Ta mửa ngươi ra.’ Dù thế, Chúa vẫn cho họ lời khuyên, ngài bảo họ hãy ‘phục trang cho mình’ vì ‘Kitô hữu thoải mái là kẻ trần trụi.’

Rồi, còn có một lời kêu gọi thứ hai dành cho ‘những ai sống bằng vẻ bề ngoài, các Kitô hữu bề ngoài.’ Những người này tin là mình đang sống, nhưng thực ra họ chết rồi. Và Chúa bảo họ hãy coi chừng. Giáo hoàng nói rằng, ‘Vẻ bên ngoài là vải liệm bọc những Kitô hữu này: họ chết rồi.’ Và Chúa ‘kêu gọi họ hãy hoán cải.’

‘Tôi có phải là một trong những Kitô hữu bề ngoài này không? Bên trong, tôi có sống thực không, tôi có đời sống thiêng liêng không? Tôi có nghe tiếng Thánh Thần, tôi có lắng nghe Ngài không, tôi có tiến tới, hay … không? Nhưng, nếu mọi chuyện có vẻ tốt, tôi chẳng có gì phải lo lắng về mình cả: Tôi có gia đình tốt, người ta chẳng đàm tiếu gì về tôi, tôi có mọi thứ tôi cần, tôi làm lễ cưới ở nhà thờ … tôi được Chúa ban ơn, tôi quá ổn. Vẻ ngoài đó! Các Kitô hữu bề ngoài đó … họ chết rồi! Thay vào đó, chúng ta phải tìm kiếm những gì sống động trong chính mình, với hồi tưởng và cảnh giác, tái tăng cường sức sống này để có thể tiến tới. Hoán cải chính là, từ vẻ bề ngoài chuyển biến về với hiện thực. Từ thứ chẳng nóng chẳng lạnh về tình trạng bừng bừng cháy bỏng.’

Lời kêu gọi thứ ba được nói với Giakêu, ‘trưởng thu thuế, và là người giàu có.’ Giáo hoàng nói, ‘ông này tham ô, làm việc với dân ngoại, làm cho người Roma, ông phản bội quê hương mình.

Ông cũng như nhiều lãnh đạo mà chúng ta biết: tham nhũng. Những người này, thay vì phục vụ người dân, lại bóc lột họ để phục vụ cho mình. Có nhiều chuyện như thế trên thế giới. Và người dân không muốn người như vậy. Người này không hâm hẩm, không cheat, họ ở trong tình trạng thối rữa. Họ đang mục nát. Nhưng, ông cảm nhận được điều gì đó trong lòng, ông thấy đấng chữa lành này, ngôn sứ này mà người dân đã đồn rất nhiều, và ông muốn gặp ngài, vì tò mò mà thôi. Thần Khí thật khôn khéo phải không nào! Ngài gieo hạt giống hiếu kỳ, và để thấy Chúa, người này đã làm một việc thật tức cười. Nghĩ mà xem, một yếu nhân, cũng là một người tham ô, một lãnh đạo của các lãnh đạo khác, và cũng là kẻ cướp nữa, trèo lên cây để xem đoàn người. Chỉ nghĩ về điều đó thôi. Cũng thật buồn cười rồi!’

Giáo hoàng nói rằng, Giakêu ‘chẳng biết xấu hổ.’ Ông muốn nhìn thấy Chúa Giêsu, và ‘Thần Khí đang hành động trong ông.’ Rồi ‘Lời Chúa đi vào lòng ông, và cùng với Lời Chúa, là niềm vui, hân hoan.’ ‘Những người thoải mái và những người bề ngoài, đã quên mất niềm vui là gì, còn người mục nát này đã ngay lập tức có được nó, và tâm hồn ông thay đổi, ông hoán cải.’ Do đó, Giakêu hứa sẽ trả lại gấp bốn những gì ông đã chiếm đoạt.

‘Khi hoán cải chạm đến túi tiền, thì đó là chuyện bảo đảm chắc chắn. Kitô hữu trong lòng? Vâng, ai cũng vậy. Kitô hữu theo dòng giống? Đúng, tất cả chúng ta là vậy. Nhưng, Kitô hữu cả túi tiền nữa, thì rất ít người. Nhưng, ông đã hoán cải, một sự hoán cải ngay lập tức, sự hoán cải đích thực. Ông đã hoán cải. Nhưng, đi ngược lại lời của Giakêu, là lời của những người khác, không muốn hoán cải, không cần sự sám hối: ‘Hãy xem, họ lầm bầm: ‘Ông ấy đến nhà kẻ tội lỗi!’ Ông ấy đã làm ô danh mình, đã đánh mất sự trong sạch của mình. Ông ấy phải tẩy uế vì đã bước vào nhà kẻ tội lỗi.’

Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại rằng, đây là ‘ba lời kêu gọi hoán cải’ mà chính Chúa Giêsu nói với ‘những người hâm hẩm, thoải mái, người bề ngoài, người nghĩ mình giàu có nhưng thực ra nghèo mạt, chẳng có gì, người đã chết rồi.’  Lời Chúa, ‘có sức biến đổi mọi sự,’ nhưng ‘chúng ta không phải lúc nào cũng có can đảm để tin vào Lời Chúa, để đón nhận Lời chữa lành cho chúng ta từ bên trong.’ Trong những tuần cuối của năm phụng vụ, Giáo hội muốn chúng ta ‘suy nghĩ rất, rất nghiêm túc về sự hoán cải bản thân, để có thể tiến tới trên con đường sống Kitô hữu của mình.’ Giáo hội bảo chúng ta ‘hãy nhớ lấy Lời Chúa, ghi vào và chăm lo ký ức này, hãy cảnh giác, và vâng theo Lời Chúa, để chúng ta có thể bắt đầu một đời sống mới, đời sống được hoán cải.’

J.B. Thái Hòa dịch

1266    16-04-2018