Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Hoán cải

15.3

Chúa nhật III Mùa Chay

Ga 4, 5-42

HOÁN CẢI

            Mùa chay là cơ hội rất tốt để chúng ta tiến gần đến anh chị em và gần bên Chúa. Dụ ngôn cây vả trong vườn nho của bài phúc âm, đây là một hình ảnh rất thiết thực và cụ thể dễ hiểu. Ai gieo hạt cũng mong hạt nẩy mầm và sinh hoa kết trái. Làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng mong có kết qủa tốt. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài ban cho chúng ta biết bao hạt giống tốt để chúng ta sinh lời. Chúa ban cho chúng ta những ân huệ khác nhau tùy theo khả năng: Người mười nén bạc, kẻ năm nén và người hai nén. Chúa mong mỏi những nén bạc ân sủng đó được phát triển và nẩy sinh hoa trái.

            Chúa Giêsu cũng mời gọi hết mọi người hãy sám hối, kể cả người mắc tội nhẹ. Ngài nói: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13, 2-3).

            Chúa Giêsu cũng dùng dụ ngôn cây vả để truyền cho chúng ta biết rằng: Con người sống phải ra hoa kết trái bằng chính đời sống của mình, phải có sự trở về. Người chủ đến thăm vườn, thấy cây vả không kết trái, ông nói: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt đi, để làm gì cho hại đất?” (Lc 13,7). Lời của ông có vẻ lạnh lùng, không gắn bó với những thành quả công sức mình và mọi người thợ đã bỏ ra để vun trồng, chăm sóc.

            Nhưng khi xét lại theo chuyên ngành thì lời ông nói cũng có lý vì để lại một cây không có trái thì chỉ hại đất, tốn phân, tốn công. Người thợ đã can thiệp, nài nỉ: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (Lc 13, 8-9). Và ông chủ vườn đã để cây vả lại, điều này chứng tỏ lòng thương xót và kiên nhẫn của Thiên Chúa được biểu lộ nơi hình ảnh ông chủ vườn. Ông vẫn chờ đợi để cây vả ra trái.

            Thiên Chúa bao dung và yêu thương mọi người, nhưng con người lại khắt khe và hẹp hòi trong cách đối xử với nhau. Vì thế mà cuộc sống này vẫn còn tồn tại những thập giá và đau khổ. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy luôn thận trọng, lấy bài học của dân Do Thái trong hành trình sa mạc làm gương, để khỏi gục ngã trước cám dỗ của kiêu ngạo và dục vọng. Kể cả những ai nghĩ là mình đang đứng vững cũng phải coi chừng, vì rất có thể họ bị vấp ngã một cách bất chợt.

            Như người cha người mẹ tốt lành, Thiên Chúa cũng đầu tư cho chúng ta rất nhiều, chăm sóc chúng ta rất chu đáo. Ngài đem trồng chúng ta vào vườn nho Hội Thánh của Ngài. Ngài đã dùng lời Ngài để uốn nắn chúng ta, dùng lời dạy của Hội Thánh để hướng dẫn chúng ta, dùng máu Ngài đổ ra trên thập giá để cứu chuộc chúng ta khỏi chết, dùng Mình Thánh Ngài để thông ban sự sống đời đời cho chúng ta.

            Thật sự chẳng có gì Ngài có thể làm mà lại không làm để nâng đỡ cứu vớt chúng ta, để giúp chúng ta nên người hoàn thiện. Thế nhưng thay vì sử dụng ân huệ của Ngài để cải thiện đời sống và nâng cao phẩm chất cho xứng với tầm vóc người con cái Chúa, chúng ta đã sử dụng ân huệ dồi dào Chúa ban để làm điều bất xứng, làm suy giảm nhân cách, làm ô danh Chúa, làm đau lòng cho Ngài.

            Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối khi thời gian còn thuận tiện. Đừng thử thách Thiên Chúa nhưng hãy thật lòng ăn năn trở về cùng Chúa. Sự trở về không chỉ là hành vi đấm ngực ăn năn về tội đã phạm,mà còn phải sống theo lời mời gọi của Chúa: “Hãy sinh hoa kết trái xứng với lòng ăn năn thống hối”. Hoa trái làsự thánh thiện. Hoa trái làviệc lành phúc đức. Hoa trái là đời sống công bằng bác ái. Hoa trái là đời sống yêu thương và phục vụ mọi người. Xem ra đường trở về là không khó. Cái khó là ở việc sinh hoa kết trái. Làm sao chúng ta có thể sống thanh sạch, đang khi còn ởgiữa thế gian mà sự dâm ô, tục tĩu, lăng loàn đang có mặt mọi nơi và mọi chốn.

            Để sám hối, ta phải xin ơn nhận biết mình có tội đồng thời nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta, để nhờ ơn Chúa, ta quyết sống đẹp lòng Thiên Chúa hơn. Ta đang được sống trong sự bình an, đó là cơ hội để ta ra sức sống tâm tình ăn năn sám hối, tin tưởng tín thác vào tình thương của Chúa. Cái chết đến bất ngờ, nếu ta không sẵn sàng thì sẽ “chết tươi ăn năn chẳng kịp”. Đứng trước cái chết của người khác, ta hãy học cách sống cho xứng đáng với tình thương của Chúa.

          Sám hối hay hối cải không chỉ là từ bỏ con đường xấu xa tội lỗi, trái lại sám hối cũng còn có nghĩa là không được như cũ mà phải tốt hơn, tấn tới hơn, nhân đức hơn và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng hơn. Do đó, một người sống cứ lừng khừng, tầm thường cũng đáng bị lên án như kẻ có tội vậy. Trái lại, một kẻ được gọi là sám hối thực sự không những xa lánh tội lỗi mà còn là con người có ích, trưởng thành.

          Khi đọc dụ ngôn cây vả không sinh trái, chúng ta phải luôn theo nghĩa tích cực, nghĩa là không phải điều xấu điều ác đã không làm, nhưng là điều tốt, việc thiện đã bỏ qua. Người chủ vườn thất vọng không phải vì cây vả đã cho trái xấu xí hay độc hại, nhưng vì nó đã không sinh sản. Nó đã bị xét xử vì nó không sinh hoa trái. Bởi vậy, người sám hối là người phải đổi mới để mỗi ngày một nên tốt hơn : "Phải tiến bước trên con đường sám hối và của đổi mới, và phải qua cửa hẹp của thập giá, để thông ban hoa trái  của ơn cứu độ cho người ta” 

            Mùa Chay là thời gian thuận tiện nhất để mỗi người Kitô hữu sám hối và đổi mới con người mình. Đổi mới là quy luật của sự phát triển và tiến bộ. Chúng ta quan sát thiên nhiên trong những ngày mùa đông giá lạnh, cây cối trở nên cằn cỗi, trơ trụi và không còn sức sống. Nhưng khi mùa xuân về, khí trời ấp áp, cây cối bừng dậy sức sống, chúng đâm chồi nảy lộc, trổ hoa muôn màu sắc trông thật đẹp mắt. Thiên nhiên và sự sống xung quanh chúng ta thật kỳ diệu! Qua sự kiện này, chúng ta nhận thấy rằng đổi mới là quy luật của phát triển nơi thiên nhiên.

            Mùa chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta sống đạo và hành đạo thực sự. Như cây vả cần sự vun xới, chăm bón và thuốc thang để sinh hoa trái. Chúng ta hãy dùng thời gian mùa chay thánh này giúp sưởi ấm tâm hồn, qua việc sám hối ăn năn để tâm hồn của chúng ta nở hoa kết trái trên đường nhân đức.

            Mùa Chay là cơ may Chúa ban cho để chúng ta hối cải như thánh Phaolô đã nói với tín hữu Côrintô :”Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”(2Cr 6, 2b). Ngay cả cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là thời gian gia hạn Chúa ban do lòng thương xót của Ngài. Sau khi cánh cửa thời gian khép lại, chúng ta sẽ không còn cơ hội để hối cải và sinh hoa kết quả nữa.

            Ta được mời gọi từ bỏ đời sống cũ, mặc lấy đời sống mới bằng cách rèn luyện các nhân đức, thực hành những giá trị Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã dạy, sống như Chúa đã sống. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể được biến đổi toàn bộ con người chúng ta theo khuôn mẫu là Chúa Kitô, từ suy nghĩ, phán đoán, tình cảm, con tim, động lực sống và cả cách hành xử của chúng ta. Đó là con người mới, nhân cách mới, đời sống mới trong Chúa Kitô.

953    12-03-2020