Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Hôn nhân sẽ bền vững miễn là bạn đừng cố sức để rượt đuổi các niềm vui thú của mình


Thật trớ trêu, sống theo một giáo huấn vốn chẳng liên quan gì đến sự an vui của bạn, lại giúp bạn hạnh phúc.

Giáo sư lão khoa (gerontology) Oxford, bà Sarah Harper, cho biết: Chúng ta phải tái suy tư về hôn nhân, vì tuổi thọ của chúng ta ngày càng cao. Và bà cho rằng, người ta có thể sống thọ tới 120 hay 130. Giáo sư cũng khẳng định, “Chúng ta sống thọ hơn rất nhiều, chúng ta phải xem xét về việc chúng ta có thực sự muốn sống cùng nhau trong 50, 60, 70, 80, 100 năm hay không”.

Tôi cho rằng, vị giáo sư này sẽ trả lời là, “Không, nếu chúng ta không muốn như vậy”. Hầu hết những người ở ngoài Giáo hội, đều coi hôn nhân như là một giao kèo, trong đó chúng ta dấn thân vào với các kế hoạch và mục tiêu riêng của chúng ta. Chúng ta sẽ giữ giao kèo đó nếu chúng ta cảm thấy nó còn ổn thoả. Nhiều người có lẽ cho rằng, bạn sẽ không tài nào nuôi dưỡng, kéo dài được tình yêu của mình dành cho một ai đó trong nhiều thập kỷ. Con người thì thay đổi. Hôn nhân của bạn sẽ trở nên chuyện thường nhật, ổn định, và an ổn trong nếp nhà, và đây là điều mà họ cho rằng thật tẻ nhạt, nhàm chán. Bạn có thể chọn: hoặc là “an phận, an ổn”, hoặc là đi ra ngoài vòng “kềm toả” để thay đổi. Tuỳ bạn chọn lựa.

Chuyện của Burchill và Landesman

Lập gia đình nhiều lần, cây viết có sách bán chạy thuộc hàng top, Julie Burchill cho biết, “chúng tôi gặp khó khăn hơn những người sống vào thời nữ hoàng Vitoria, vì chúng tôi sống thọ hơn – và quan trọng hơn là chúng tôi giữ được đầu óc trẻ trung rất lâu”. Bà đang sống cùng người chồng thứ ba, và hai ông chồng trước hoàn toàn không hạp ý cô.

Bà ta giải thích, “Một số người – như người chồng đầu Tony Parsons của tôi chẳng hạn – sinh ra đã là một người trung niên rồi. Những người khác, như tôi chẳng hạn, xem chừng chẳng thể nào lớn lên được bất chấp họ có cố công đến mấy đi nữa”. Hãy để ý nha bạn, với bà Burchill, chuyện không chịu lớn lên được coi là rất bình thường, rất ổn. Tức là chuyện cứ giữ đầu óc trẻ trung. Như thế thì tốt hơn là trở nên một người trung niên như người chồng đầu của bà ta.

Bình luận về phát biểu của bà giáo sư, ký giả Cosmo Landesman đau buồn viết, “Dầu rằng tự thâm tâm mình tôi vẫn tin vào kiểu hôn nhân đoan hứa chung thuỷ, gắn bó với nhau đến trọn đời, tôi vẫn phải nhận rằng, không có một kiểu, một loại hôn nhân nào tương hợp được với hết thảy mọi người được. Và không may, cuộc hôn nhân trong mơ của tôi đã không hợp với tôi. (Hay là tôi không thích hợp cho cuộc hôn nhân đó.)” Ký giả này đã ly hôn hai lần và đang tích cực tìm kiếm cho mình người vợ thứ ba.

Ông ta trân trọng cuộc hôn nhân đầu của mình, ông chia sẻ. “Đó là một cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm tuyệt vời, cho đến khi niềm vui và tiếng cười ra đi – và thế là cô ấy cũng ra đi luôn”. Người vợ được nói đến chính là Julie Burchill, khi trả lời phỏng vấn đã nói, “Tôi là người vợ đầu của Cosmo, và có vẻ ông ta không hiểu rằng, nếu bạn không làm cho ai đó hạnh phúc, thì họ sẽ rời xa bạn, nếu họ muốn”.

Xem chừng, sự đổ vỡ của cặp đôi này là điều không thể nào tránh khỏi. Có lẽ, những câu đùa chua chát của bà Burchill và những lời hài hước đầy tiếc nuối của ông Landesman như ở trên, sẽ khiến họ phải bật cười. Bà tôi thì bảo rằng, đó là “bãi tha ma véo von chuyện quá khứ”. Tôi lại thấy buồn, dù mọi chuyện có thể lý hiểu được, vì thấy rõ nguồn cơn. Tôi mong đây chỉ là cách để người ta đối diện với một nỗi đau lớn, chứ tôi không mong rằng mọi chuyện lại hời hợt đến như vậy.

Giáo huấn của Giáo hội

Giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân không đòi hỏi bạn: có hay không cảm thấy yêu thương người bạn đời của mình trong mấy chục năm trường. Hôn nhân là một tình trạng bạn được kêu mời đón nhận, và nó đòi hỏi bạn phải sống theo một số quy cách, ràng buộc nào đó. Trong mục có tựa là “Những hiệu quả của bí tích Hôn phối”, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo bắt đầu như sau, “Từ cuộc hôn nhân thành sự giữa những người phối ngẫu nảy sinh một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc hữu tự bản chất; ngoài ra, trong hôn nhân Kitô giáo, những người phối ngẫu được củng cố và như được thánh hiến do một bí tích đặc biệt để chu toàn nghĩa vụ và nâng cao phẩm giá bậc sống của mình”.

Xin lưu ý, các nghĩa vụ được nói rõ trong câu này. Không phải là về các niềm vui sướng hay phúc lành. Đúng là giáo lý có đề cập đến hạnh phúc liền sau đó một xíu, qua một trích dẫn của một thần học gia thế kỷ II, thế nhưng cả một chương mục dài nói về hôn nhân, đã trình bày hôn nhân như là một ơn gọi, chỉ có liên hệ các gián tiếp với các cảm xúc của bạn mà thôi.

Chính ở đây, chính ở điểm này… nếu người ta nhận ra sự thật, người ta sẽ thấy đó thực sự là một sự trớ trêu kinh khủng. Sống theo một giáo huấn vốn chẳng liên quan gì đến sự an vui của bạn, lại giúp bạn hạnh phúc – chắc chắn là hạnh phúc hơn ông Landesman và theo tôi, hơn cả bà Burchill nữa. Hơn nữa, và quan trọng hơn, giáo huấn còn đi kèm với lời Chúa hứa sẽ bù đắp và làm cho vuông tròn những yếu đuối của các bạn, sẽ làm cho cuộc hôn nhân của các bạn vững bền theo năm tháng. Câu chuyện của ông Landesman và bà Churchill nhắc tôi nhớ lại câu chuyện mà một linh mục đã kể cách nay nhiều năm.

Vị linh mục kể cho tôi câu chuyện về một người đàn ông đau bệnh và người vợ tham dự một thánh lễ đặc biệt dành cho các cặp vợ chồng chung sống lâu năm. Ông ta ngồi cạnh bàn thờ và ngước mắt nhìn lên, tham dự ở hàng ghế đầu, nơi dành riêng cho những người khuyết tật và ốm yếu. Người chồng nằm trên chiếc cáng, ông ta đau ốm do một chứng thoái hoá, nên chỉ có thể đưa mắt lên xuống qua lại mà thôi.

Người vợ đứng bên cạnh ông, và khi đến phần các người vợ lập lại lời thề hứa, bà đứng lên, nắm lấy tay ông, nhìn vào mắt ông, bà lập lại lời thề hứa với ông. Tiếp đến, đến lượt các ông chồng, bà nắm lấy tay ông, nhìn vào mắt ông, bà lập lại những lời thề hứa thay ông, những lời hứa ông dành cho bà.

Đấy chính là điều bạn sẽ nhận được khi bạn dấn thân cả đời. Đấy chính là điều bạn sẽ có được sau cả một đời dấn thân, ngay cả khi cuộc đời đó là 130 năm ròng.

David Mills

1633    09-06-2017