Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Hồng y Becciu muốn được bồi thường vì không thể trở thành giáo hoàng

Hồng y Becciu muốn được bồi thường vì không thể trở thành giáo hoàng

 

Hồng y Angelo Becciu, bị Đức Phanxicô cách chức  ngày 24 tháng 9, ngày 18 tháng 11, hồng y đã kiện tạp chí L’Espresso vì tạp chí khẳng định hồng y đã biển thủ quỹ Tòa Thánh để mưu lợi cho gia đình mình.

Gần hai tháng sau khi bị Đức Phanxicô cách chức, ngày thứ tư 18 tháng 11, hồng y Angelo Becciu đệ đơn kiện báo L’Espresso đã đăng bài cho rằng hồng y dùng quỹ của Vatican để cho các thành viên trong gia đình mình.

Trong đơn kiện lên tòa án dân sự Sassari để được bồi thường, các luật sư của hồng y Becciu, cựu nhân vật số 3 của Tòa thánh đã đưa ra các thiệt hại có thể có và đòi bồi thường 10 triệu âu kim. Theo các luật sư, bài báo trên tờ L’Espresso được gởi cho Đức Phanxicô trước khi phát hành trên các sạp báo nước Ý đã làm cho Đức Phanxicô quyết định chấm dứt sự nghiệp của hồng y Becciu.

Trong tài liệu do hãng tin ADNKronos đưa ra chi tiết, các luật sư muốn chứng minh các hậu quả của bài báo L’Espresso đối với uy tín của hồng y Angelo Becciu, bị cách chức ở Bộ Phong thánh và mất các đặc quyền hồng y.

Các “hậu quả tiêu cực cho Giáo hội hoàn vũ và cho toàn thế giới”

Trong số các đặc quyền này, hồng y “mất cơ hội” ở trong số các giáo hoàng tiềm năng. Các luật sư khẳng định: “Dựa trên quá trình uy tín của hồng y, hồng y có thể ở trong danh sách những người có thể làm giáo hoàng.” Các luật sư cũng cho biết, chưa có cuộc điều tra chống lại hồng y được tiến hành cho dù ở Vatican hay ở Ý.

Theo các luật sư, việc loại bỏ hồng y Becciu khỏi mật nghị có thể dẫn đến việc “phản đối tính hợp lệ cuộc bầu cử giáo hoàng”. Các luật sư cho biết, có thể có các “liên can nghiêm trọng về mặt giáo điều” cũng như “sự chia rẽ trong Giáo hội.”. Họ nói thêm: “Đó là không kể đến các vấn đề tài chính nghiêm trọng mà việc triệu tập một Mật nghị thứ nhì sẽ kéo theo, vì đây là một công việc rất tốn kém cho Tòa thánh.”

Theo các luật sư bảo vệ, việc hồng y “không tham dự” mật nghị cũng sẽ tạo “hậu quả tiêu cực cho Giáo hội hoàn vũ và cho toàn thế giới” theo cách mà bất kỳ vị hồng y cử tri nào cũng có thể “ảnh hưởng đến định hướng của các đồng nghiệp mình khi bầu ở Mật nghị”.

Mất ngủ và chán ăn

Đơn kiện cũng đề cập đến “các hậu quả hủy hoại về mặt thể chất và tinh thần” với hồng y Becciu sau khi bài báo trên L’Espresso lưu hành, sau “năm mươi năm phục vụ tốt và trung thành với Giáo hội. Hồng y bị mất ngủ và mất cảm giác thèm ăn, mỗi ngày ông cảm thấy như đang trải qua một cái gì siêu hiện thực, đến mức phải đi chữa trị tâm lý”.

Về cơ bản, tài liệu của các luật sư cố vấn của hồng y Becciu thừa nhận, nếu hồng y lấy quỹ Tòa Thánh trả cho anh em mình thì việc này không có gì là bất hợp pháp, vì các khoản thanh toán này được thực hiện theo các thủ tục thông thường. Các luật sư cũng xác nhận, “mỗi năm có một khoản dành cho phó tổng thư ký Phủ Quốc Vụ Khanh một số tiền để làm việc từ thiện, và được phân phối theo quyết định của mình”.

Một “cuộc tấn công đáng kinh ngạc” chống báo “L’Espresso”

Tên của hồng y Becciu cũng dính vào việc đầu tư mạo hiểm một tòa nhà ở London, một giao dịch bất động sản mà Tòa thánh ước tính hồng y đã làm thiệt hại từ 76 triệu đến 150 triệu bảng theo như bản tin của báo La Croix thu thập được. Một khoản đầu tư mà Vatican hiện đang cố thoát ra càng sớm càng tốt, và một số người ở Rôma xem đây như một “lời nguyền rủa.”

Trong một bài báo đăng trên trang web của mình, báo L’Espresso đã tố cáo một “cuộc tấn công đáng kinh ngạc” và bảo vệ “công việc thông tin được làm một cách công bằng và chuyên nghiệp”, đồng thời nhận thức đầy đủ về “tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề này đối với công chúng”.

Đức Phanxicô đã đả kích “các nhà hảo tâm của Giáo hội” mà của lễ có được bằng giá của những con người…

Marta An Nguyễn dịch

590    20-11-2020