Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Hồng y Michael Czerny: “Khoảng cách lớn nhất trong Giáo hội ngày này là với giới trẻ”

 

Tân hồng y Michael Czerny là một ngạc nhiên lớn trong lễ phong hồng y hôm nay. Không ai ngờ ngài có tên trong danh sách 13 tân hồng y, ngài chưa là giám mục! Trong những năm gần đây, linh mục Czerny là cộng sự thân cận của Đức Phanxicô, ngài góp phần trong việc viết Thông điệp Chúc tụng Chúa (Laudato si). Ngài vừa được Đức Phanxicô phong giám mục chỉ mới hôm qua trong một buổi lễ long trọng ở Đền thờ Thánh Phêrô. 

 

 

Sinh ra ở Tiệp khắc (nay là Cộng hòa Séc), hai năm sau ngài rời quê hương lên đường đi định cư ở Canada, nơi cha mẹ ngài đã ‘sống sót’ nhờ sự giúp đỡ của một gia đình có ‘lòng thương xót’, một sự việc đánh dấu suốt đời ngài.

Ngài học ở Mỹ và sau vụ giết hại các tu sĩ Dòng Tên tại Đại học Universidad Centroamericana (UCA) ở El Salvador năm 1989, ngài làm việc ở đó trong chức vụ phó viện trưởng. Ngài sống 10 năm ở châu Phi nơi ngài thành lập mạng lưới Dòng Tên chống bệnh sida và là cố vấn cho Hồng y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình.

Năm 2017, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm phó thư ký phân bộ Di dân và Tị nạn của bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện, cách đây vài tháng ngài được bổ nhiệm làm thư ký đặc biệt cho Thượng hội đồng Amazon. Vì vai trò quan trọng này, ngài không muốn trả lời các câu hỏi về cuộc họp sắp tới này với phóng viên báo La Nacion tại trụ sở Dòng Tên. Ngài tế nhị trả lời các câu hỏi khác, ngài nói rất rành tiếng Tây Ban Nha. Ngài cho rằng khoảng cách lớn nhất trong Giáo hội ngày này là với giới trẻ, đã có những lúc có các xung đột nhiều hơn trong thể chế nhưng ít có khả năng có ly giáo.

Cha nghĩ vì sao Đức Phanxicô phong cha làm hồng y?

Tôi cho rằng để đóng góp vào hồng y đoàn ngày càng phản ảnh một Giáo hội đang trở thành, thể hiện trong nhiều nền văn hóa khác nhau, từ bối cảnh đến tình trạng nhưng cũng trong các khó khăn và thách thức. Một Giáo hội không nguyên khối nhưng đa diện.

Trong trường hợp của cha, đây dường như là thông điệp rõ ràng của Đức Phanxicô muốn nói lên sự quan tâm với 70 triệu người tị nạn và di cư trên thế giới…

Đúng, tôi là người di cư: tôi sinh ra ở Tiệp khắc mà bây giờ đã gọi là khác, tôi lớn lên ở Canada và học ở Mỹ, tôi làm việc ở Salvador, ở Rôma và ở châu Phi, và điều này cũng có thể là một đóng góp cho giáo hội đa diện.

Đây là công nghị thứ 6 của Đức Phanxicô và là công nghị đầu tiên mà tất cả các cử tri là “người của Bergoglio”. Theo cha, ngày nay có bao nhiêu sự phản đối Đức Giáo hoàng?

Tôi không biết, tôi nghĩ Giáo hội chưa bao giờ có giai đoạn nào mà không có chống đối các giáo hoàng, một cách khách quan, chúng ta có thể nói có nhiều xung đột. Nhưng khó để giải thích các tranh cãi và sự đa diện trong các ý kiến, vì mọi thứ thay đổi với mạng xã hội và chúng ta phải học hỏi từ đó. Nhưng cường độ ồn ào của phía đối lập dường như không phải là chỉ số về tầm quan trọng của vấn đề hoặc xung đột.

Cha có cho rằng thách thức chính của Giáo hội công giáo ngày nay là vụ bê bối lạm dụng tình dục trên trẻ em của các giáo sĩ không?

Không. Các thách thức thì nhiều, như khoảng cách giữa Giáo hội và giới trẻ. Các đau khổ nạn nhân các vụ lạm dụng phải chịu đựng thì không thể chấp nhận, nhưng chúng ta luôn xin tha thứ và lòng trắc ẩn cho điều này và Giáo hội đã phản ứng với các đường lối mới và nhận thức mới. Nhưng mối quan hệ giữa Giáo hội và người trẻ, khoảng cách hay hố ngăn cách giữa Giáo hội và người trẻ là một vấn đề rất quan trọng, một thách thức rất lớn.

Gần đây Linh mục bề trên tổng quyền Dòng Tên Arturo Sosa tuyên bố có một “cuộc đấu tranh chính trị” trong lòng Giáo hội, giữa những người muốn đưa Công đồng Vatican II vào hành động và những người không muốn…

Đó là một vấn đề phức tạp. Có ít người tuyên bố chống Công đồng, đúng hơn là có khác biệt về tông giọng và sự nhấn mạnh. Tôi nghĩ phải cần tìm kiếm và Đức Phanxicô đã làm, cơ hội để nói chuyện một cách cụ thể với các chiều kích khác nhau của vấn đề.

Gần đây người ta nói đến ly giáo trong Giáo hội Mỹ và Giáo hội Đức. Điều này có thể có không?

Tôi không biết. Thêm nữa khó giải thích ngắn gọn bối cảnh truyền thông hiện nay… Nếu có năm người nói “ly giáo” thì điều này có thực sự là một vấn đề không? Tôi có các nghi ngờ của tôi.

Trong một mật nghị, có thể nào có khối Bắc Mỹ-Canada, khối Canada hay khối châu Âu không?

Tôi hy vọng không tìm thấy khối. Và tôi không biết, cái đó còn tùy. Khi tôi ở với người Mỹ, tôi cảm thấy như tôi đang ở nhà mình; khi tôi ở với người châu Âu cũng vậy. Có các điều vượt ra khỏi lời nói và nhãn hiệu… Ở châu Phi, tôi cũng cảm thấy như ở nhà mình…

Cha có bao giờ tưởng tượng một giáo hoàng Dòng Tên sẽ phong hồng y cho người chưa làm giám mục không?

Không bao giờ!

Nếu cha phải định nghĩa giáo hoàng này bằng hai hoặc ba từ?

Công đồng Vatican II. Đây chính là giáo triều của Công đồng Vatican II. Chúng ta bây giờ có một giáo hoàng đang cố gắng làm cải cách lớn cho Giáo hội và cuộc đấu tranh vĩ đại này là để đưa Giáo hội vào thế giới hiện đại. Ngài muốn cập nhật các Giáo hội trong hình thức địa phương của họ, không phải từ trên cao. Và chính vì vậy có sự đa dạng lớn và đó là một phần của sự phong phú nhưng cũng tạo ra các căng thẳng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

631    06-10-2019