Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Hồng y Newman, vị thánh “hợp thời” nhất của thời buổi chúng ta?

 

Hồng y John Henry Newman (1801-1890) vừa được phong thánh vào ngày chúa nhật 13 tháng 10 là vị thánh có tất cả mọi tiêu chuẩn để trở thành vị thánh “hợp thời” nhất của thời buổi chúng ta. Vô số tài năng đáng kinh ngạc cũng như các nét đặc biệt nhân cách của ngài đã làm cho ngài trở thành vị thánh không tử đạo người Anh đầu tiên được phong thánh từ 500 năm nay, một gương mẫu thiêng liêng ngoại hạng cho thời buổi chúng ta. Linh mục Keith Beaumont, một trong các chuyên gia lớn về hồng y Newman giải thích cho chúng ta biết về điều này.

Thần học gia, tiểu thuyết gia, thi sĩ, triết gia, anh hùng quốc gia, nhà quý tộc biết trau dồi nghệ thuật tình bạn, hồng y Newman luôn là thỏi nam châm ảnh hưởng trên nhiều người muốn đi tìm một ý nghĩa. Sinh vào đầu thế kỷ 19 ở nước Anh, John Henry Newman là người đứng đầu phong trào phục hồi Giáo hội anh giáo trước khi qua đạo công giáo. Ngài là một trong các tư tưởng gia vĩ đại không thể phủ nhận vào thời của ngài. Tuy nhiên ngừng lại ở hình ảnh một nhà trí thức lỗi lạc là không hiểu rõ đời sống của ngài. Bản tính dè dặt nhưng ngài cũng cho thấy ngài là người rất nồng ấm. Ngài nổi tiếng với năng khiếu biết lắng nghe người khác. Khẩu hiệu hồng y của ngài nói lên con người của ngài: Trái tim nói với trái tim (cor ad cor loquitur). Và ngài đang trở thành vị thánh có ảnh hưởng đến thời hiện đại. Linh mục Keith Beaumont, Dòng Oratorian và là tác giả nhiều sách về Thánh Newman trong đó có quyển Chúa nội tâm: thần học thiêng liêng của John Henry Newman (Dieu intérieur : la théologie spirituelle de John Henry Newman).

Một bậc thầy thiêng liêng của thời hiện đại

Newman là con người của cầu nguyện mà đời sống thiêng liêng vô cùng phong phú. Linh mục Keith Beaumont giải thích với báo Aleteia: “Qua các bài giảng và các thư của ngài, ngài đã để lại cho chúng ta các bài học thiêng liêng phong phú dựa trên tâm lý thấm nhập, thực tế và luôn đổi mới. Điều này làm cho ngài trở thành một trong các vị thầy thiêng liêng vĩ đại của thời hiện đại.”

Ngài thường tháp tùng hàng ngàn người đến nghe ngài giảng hay viết cho ngài, họ xin ngài lời khuyên về thần học cũng như về các vấn đề thiêng liêng. Theo hồng y Newman, hai chuyện không thể nào tách nhau: “Thần học phải phục vụ đời sống thiêng liêng nhưng thường khi thần học lại không kết nối. Có lẽ đó là lý do vì sao ngài biết cách nói về Chúa rất dịu dàng, ngài không bao giờ là nhà đạo đức,” linh mục Beaumont giải thích.

Một con người của Chúa đi tìm sự thật

Hồng y Newman là con người của Chúa theo nghĩa sâu đậm nhất của chữ này. Ngài luôn đi tìm sự thật tuyệt đối. Điều này đã làm cho các người anh giáo cáo buộc ngài ngay ngày hôm sau ngài chuyển qua đạo công giáo. Dù vậy, ngài không thay đổi gì trong các bài ngài viết trước khi trở lại. Đối với ngài, những điều này vẫn còn hiệu lực vì chúng được hướng dẫn bởi chính cuộc đi tìm sự thật của ngài. Linh mục Beaumont giải thích: “Từ năm 15 tuổi, Newman đã có một kinh nghiệm choáng ngợp về Chúa mà ngài mô tả đó là sự hiện diện mật thiết nhất của chính mình.” Trong tác phẩm  tự truyện Lịch sử các ý kiến tôn giáo của tôi (Apologia pro vita sua), ngài nói, sự hiện diện này của Chúa không bao giờ rời bỏ ngài.

Nhà truyền giáo được nghe nhiều nhất nước Anh

Hồng y Newman là người hoạt động không mệt mỏi. Ngài đứng đầu phong trào đổi mới Giáo hội anh giáo, sau đó ngài sáng lập Đại học công giáo Ai-len ở Dublin và chi nhánh Dòng Thánh Philip Nêri ở Anh.

Ngài cũng là tác giả của vô số sáng kiến khác, là “mục tử” trong suốt đời mình: làm cha xứ, trách nhiệm với cộng đoàn, người hướng dẫn thiêng liêng cho hàng ngàn người trong môi trường ngài phụ trách. Như nhà viết tiểu sử của ngài nêu lên, trong vòng 15 năm, hồng y Newman là người rao giảng được nghe và được đọc nhiều nhất trên toàn nước Anh!

Một văn sĩ lớn của nước Anh

Hồng y Newman được xem là một trong các văn sĩ lớn nhất nước Anh thế kỷ 19, và điều ít ai biết, ngài cũng là một trong các nhà văn trào phúng của mọi thời. Linh mục Beaumont nói: “Thật đáng tiếc cho nét trào phúng tế nhị và rất “nước anh” này của ngài đôi khi các dịch giả Pháp đã không lột hết ý nghĩa!”

Hồng y Newman là tác giả của sáu mươi quyển sách và vẫn còn nhiều tác phẩm chưa được xuất bản.

Ngài cũng là tác giả của một số lượng lớn thư từ, gồm hơn 20 000 thư. Ngoài ra còn có rất nhiều bài cầu nguyện, bài suy niệm, bài thơ và cả 2 quyển tiểu thuyết. Từ khi ngài còn sống, nhiều người đã cho ngài là “thánh” nhưng ngài cự lại, các thánh không ai viết tiểu thuyết!

Tín hữu kitô, không phải chỉ là người công giáo

Trước khi đổi qua đạo công giáo, Newman đã canh tân sâu đậm Giáo hội anh giáo. Linh mục Beaumont giải thích: “Năm 1890 lúc ngài qua đời, một người bạn anh giáo quản nhiệm nhà thờ chính tòa Thánh Phaolô ở Luân Đôn đã ca ngợi ngài như sau, có lẽ cũng hơi quá một chút, ngài thật sự là ‘nhà sáng tạo’ Giáo hội anh giáo như chúng ta biết ngày hôm nay”. Dĩ nhiên phải nói chính xác, chỉ một phần Giáo hội anh giáo được biến đổi. Chính vì vậy mà nhiều người anh giáo ngày nay vinh danh ngài như người tái sáng lập Giáo hội riêng của họ. Cũng như người công giáo, họ tôn kính ngài như một vị thánh!

Sắp tới là tiến sĩ Giáo hội?

Nếu hồng y Newman xứng đáng được công nhận như gương mẫu của sự thánh thiện là qua đời sống của ngài cũng như qua mẫu mực tư tưởng của ngài. Là nhà văn, là vị thầy hướng dẫn thiêng liêng, sau phong thánh, Giáo hội sẽ phong ngài là tiến sĩ Giáo hội. Đó là điều các giáo hoàng từ thời Đức Piô XII đã mong ước. “Nhất là Đức Phaolô VI và Đức Bênêđictô XVI được xem là các giáo hoàng am tường tư tưởng và tác phẩm của ngài. Ngay từ năm 2010 khi phong chân phước cho hồng y Newman, Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh đến sự nhất quán trong tư tưởng của ngài nhất là các trực giác về lương tâm, về tương quan giữa đức tin và lý trí, về chỗ đứng trọng yếu của đức tin trong xã hội và về một sự tiếp cận giáo dục mới. Linh mục Beaumont nói với báo Aleteia: “Tôi muốn đặc biệt vinh danh ngài về khái niệm giáo dục của ngài, một khái niệm đã có ảnh hưởng rất lớn để tạo một đặc nét riêng về các giá trị đạo đức, một động lực rất mạnh để hỗ trợ các trường trung học và đại học công giáo ngày nay (éthos)”, linh mục hy vọng Đức Phanxicô sẽ nhanh chóng mở con đường nhận biết ngài như một nhà thần học vĩ đại.

Marta An Nguyễn dịch

471    21-10-2019