Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Hướng đến đời sau khi mời khách dự tiệc

04        08        Tr         Thứ Hai tuần 31 TN

Thánh Carôlô Borrômêô, Gm. Lễ nhớ.

Rm 11:29-36; Lc 14:12-14

HƯỚNG ĐẾN ĐỜI SAU KHI MỜI KHÁCH DỰ TIỆC

          Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu đến nhà một người thủ lãnh nhóm Pharisêu. Nhiều trang Tin Mừng đã nói đến sự xung khắc giữa nhóm Pharisêu với Chúa Giêsu, thế mà hôm nay thật ngạc nhiên khi Chúa đến dự tiệc không phải ở nhà một người Pharisêu bình thường, nhưng là nhà của một thủ lãnh nhóm Pharisêu.

          Khi mời “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” chủ tiệc không những không được đáp lễ sau này, mà lúc này phải chấp nhận bao nhiêu phiền phức với những thực khách “không nên mời” như thế; không chừng bữa tiệc sẽ dở đi vì sự hiện diện của họ! Sự thường “bánh ít trao đi, bánh chì trao lại”. Chúa Giêsu đề nghị một cách tính toán khác, hay đúng hơn, đừng tính toán chi cả khi cho đi. Hãy ban phát theo tiếng gọi của một con tim rộng mở, nhằm đến phúc lợi của tha nhân. Không ngại gian nan, không chờ đáp trả. Vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, bao giờ Ngài cũng bù đắp lại bằng những tấm “bánh chì” đầy đặn.

          Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.

          Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

          Tình thương của Chúa Giêsu không theo kiểu của thế gian. Chúa không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.

          Có lẽ giữa Chúa và người này có một tình cảm đặc biệt. Trong nhà người Pharisêu hôm đó rất nhiều người, bạn bè của ông đương nhiên là không thể vắng mặt. Sự hiện diện của Chúa Giêsu tại bữa tiệc là cơ hội để nhóm Pharisêu dò xét. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu dạy bài học về yêu thương không chỉ cho người mời Chúa đến, nhưng là cho tất cả mọi người hiện diện: Yêu thương không chỉ nằm nơi sách vở, lời nói, nhưng cần phải đem ra thực hành.

          Ở đây, người thủ lãnh nhóm Pharisêu cũng rất khéo léo khi mời Chúa đến nhà dùng bữa. Thế nhưng ông sẽ có phúc hơn khi mời được những người có hoàn cảnh khó khăn đến. Vì nếu như ông chỉ mời những người có điều kiện khá giả, chắc chắn một điều sau này ông sẽ được mời lại. Thực vậy, ở đời nhiều người quan niệm ‘hòn đất ném đi, hòn chì ném lại’ nếu khi giúp đỡ một ai đó, sau này họ sẽ được trả ơn cân xứng với những gì đã làm.

          Giữa một xã hội có tốc độ phát triển chóng mặt, con người bị cuốn hút vào một sức mạnh vô hình. Chính điều này làm cho con người xa cách nhau và trở nên ích kỷ hơn. Đây cũng là phương châm sống của nhiều người ngày nay: Tôi sẽ làm bất cứ điều gì miễn là có lợi cho bản thân tôi. Lối sống đó khiến con người chỉ muốn sống trong cái được trước mắt, mà không lưu tâm đến những người bên cạnh đầy chua xót, khổ đau. Lối sống vô cảm này cũng có thể đang chiếm ngự trong tôi và các bạn. Đức Giêsu muốn chúng ta hãy có lòng quảng đại với tha nhân. Sự cho đi đừng bao giờ có tính toán thiệt hơn kẻo chúng ta mất phần thưởng của Cha trên trời, bởi lẽ Thiên Chúa sẽ thay cho những người khốn khổ, bất hạnh quanh ta để đáp lễ, trả ơn cho chúng ta.

          Đối với con người, bữa tiệc luôn là cách thức để giúp mọi người xây dựng mối quan hệ gắn bó, tin cậy hơn mang tính chất hợp tác lâu bền, để dễ dàng có tầm ảnh hưởng lớn đối với mọi người trong xã hội. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài đưa ra lối nhìn trái chiều, với sự sâu sắc mới mẻ, hình ảnh mời dự tiệc đây tức là chúng ta phải biết cho đi, và cho cho mọi người hành xử với nhau một cách nhưng không, Người chọn những người tật nguyền, bất hạnh, nghèo túng để yêu thương, không cần sự đền ơn đáp nghĩa. Con người sợ đau khổ, sợ nghèo hèn đói rách, nhưng Thiên Chúa luôn vỗ về nâng đỡ, che chở kẻ khó khăn, khi bệnh tật khốn cùng. Đồng thời Người luôn yêu mến những ai có tinh thần phục vụ, hy sinh vì mọi người.

          Lời Chúa mời gọi mỗi người hãy tập sống cho đi, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng dù sống lành hay dữ, mọi người đều sẽ sống lại trong ngày sau hết, thế nên Ngài không muốn để mất một ai trong trong chúng ta phải hư đi, nên đã nhắn nhủ: “Thế là họ sẽ ra đi, bọn này sẽ chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 26, 46).

          Vì thế, khi chúng ta được mời gọi tham dự tiệc Thánh Thể, là chúng ta được no thỏa phần hồn, cũng mang ý nghĩa đón nhận biết trao đi và chia sẻ cho mọi người. Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm hướng mọi người về bữa tiệc Nước Trời, nơi đó là những ân huệ của con người mà Thiên Chúa luôn dành cho những ai, được ưu tiên mời vào là những người hèn kém, nghèo khó, lầm than cơ cực những người bị xã hội ruồng bỏ, đó là hình ảnh những người công chính mới đạt tới cuộc sống là quê hương vĩnh cửu đời đời.

          Thế giới còn rất nhiều người đau khổ cần sự giúp đỡ của những người xung quanh, nếu mỗi người biết học nơi Thánh Têrêsa Calcutta sự hy sinh và lòng nhiệt thành giúp đỡ những người khốn khó, chắc chắn một điều những người đó sẽ được an ủi rất nhiều. Ngược lại, sự yêu thương vẫn mãi là lời nói, hay câu cửa miệng mà thôi, nếu chúng ta không đem ra thực hành.  

463    03-11-2019