Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Hướng đến một con đường thiêng liêng cho tâm trạng cô đơn (3/8)

 

Hướng đến hành động mạo hiểm hơn, yếu mềm hơn, cho người khác khoảng không gian tự do hơn, vui thú hơn, cống hiến cao cả hơn. 

Vui thú

Chuyển biến thoát khỏi tha hóa còn tùy thuộc vào vui thú và óc hài hước: Tự bản chất, chúng ta là những sinh thể vui thú. Chúng ta hồn nhiên hưởng thú vui, ngớ ngẩn, hài hước, trêu đùa, và ngạc nhiên (không nói đến tình trạng say rượu). Một nhận xét khá thú vị, chúng ta ngưỡng phục người thông minh, sợ người quyền lực, nhưng lại thích người vui vẻ.

Dù vây, thường thì chúng ta không gây đủ niềm vui thú và hài hước trong những mối quan hệ của mình. Và chúng ta phần nào tự hỏi tại sao mình lại hay chán người khác! Theo bình thường, định hình những mối quan hệ của chúng ta quá phụ thuộc vào sự nghiêm túc, và thiếu đi sự ngạc nhiên, thiếu đi sự vui thú và hài hước. Thường thường khi tiếp xúc với người nào đó lần đầu tiên, chúng ta thấy họ thú vị và hấp dẫn. Điều này do bởi ở giai đoạn đầu tiên, chúng ta vui thú và ngây ngô với người khác. Và một sự thật đáng buồn là, thường thường sau đó, khi đã gần gũi với họ rồi, chúng ta không còn vui thú và ngây ngô nữa, mà nhanh chóng sa vào vết mòn nghiêm nghị buồn chán! Tại sao người phối ngẫu hôn nhân, gia đình, bạn bè, và cộng đoàn của chúng ta thường ảm đạm và không thú vị? Thường là do chúng ta và họ đã lâu không còn biết vui thú và ngớ ngẩn với nhau nữa. Chúng ta không còn vui đùa với họ, chúng ta để dành niềm vui thú của mình cho những việc khác. Điều cần làm để có được một sự cách tân trở lại, tươi trẻ trở lại, hăng hái trở lại liên tục đối với những mối quan hệ của chúng ta là một ít đùa giỡn, vui thú, hài hước và chọc ghẹo vui vẻ.

Vở kịch Cô gái Từ giã (The Goodbye Girl) của Neil Simon nói nhiều về điểm này. Simon mô tả mối quan hệ vô cùng lãng mạn giữa hai người trẻ. Đặc nét của mối quan hệ là dám mạo hiểm, mềm yếu, có một khoảng không gian tự do, nhưng nó cũng được cấu thành bởi tính chất mà Hy Lạp cổ đại gọi là Mens, sự vui thú, và sau này, đó là phẩm chất đem lại cho mối tình này những gia vị tuyệt hảo nhất.

Ví dụ một đoạn trong vở kịch, chàng trai mời cô gái đi ăn tối. Sau giờ làm, cô sốt ruột mong sẽ thấy anh đang chờ mình để đưa mình đến  một nhà hàng lộng lẫy. Ngạc nhiên thay! Thay vì thấy anh, cô lại thấy một mảnh giấy nhắn cô lên mái nhà của cô. Bối rối, cô thận trọng đi lên mái, chăm chú nhìn bóng tối chung quanh, và ngạc nhiên bất ngờ thấy vị hôn phu ăn mặc như tài tử Humphrey Bogart, từ góc tối bước ra. Ba giờ ngồi bên nhau trên mái nhà là ba giờ hạnh phúc nhất của họ, cùng thưởng thức món ăn ngon dưới cơn mưa, bên ánh nến, trên mái nhà. Đó không phải là nhà hàng trong tâm tưởng bạn! Nhưng cũng không phải cặp đôi trong tâm tưởng bạn.

Tình yêu có nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa của tình yêu không chỉ là ngủ chung giường hay sống chung nhà cho bằng bất ngờ đến với nhau qua mãnh lực của hoàn cảnh, qua gắn kết với nhau bởi hấp lực tình dục hay hấp lực xúc cảm. Tình yêu có nghĩa là chia sẻ mọi điều: sầu muộn và hoan lạc, thăng tiến và yếu nhược, sự sống và cái chết. Nếu tình yêu vẫn còn và vẫn thú vị, thì tình yêu đó có nghĩa là chia sẻ những ngớ ngẩn, chọc ghẹo nhau, và giữ tình yêu cho nhau trong nét hài hước và ngạc nhiên.

Bất cứ buổi gặp mặt nhau nào và có người chỉ trích về chuyện tha hóa, thì cứ để con người vui thú này chê trách đầu tiên.

Hy sinh

Khi xem xét biến chuyển từ tha hóa đến hội nhập, chúng ta thấy không dễ để tạo nên và gìn giữ một mối dây liên hệ có ý nghĩa với người khác. Thật vậy, có người tự hỏi xem điều này có còn có thể được. Liệu có bao giờ chúng ta thực sự đến với nhau, thực sự vươn đến người khác, yêu họ chân thành, một tình yêu không ích kỷ không? Liệu thông hiệp thực sự giữa con người với nhau có thể được hay không?

Vấn đề này không dễ giải đáp. Ngày nay nhiều người nghĩ rằng khả thể của tình yêu chân chính là một điều không thể với tới được. Càng ngày những người nhạy cảm càng tuyệt vọng trong việc giữ một tình yêu chân chính và họ tuyên bố, vượt trên các lời nói, các bản tình ca của chúng ta, thực sự chỉ có tư lợi, ích kỷ và vị kỷ mà thôi. Bất cứ ai nhạy cảm với nỗi đau của thế giới, nhạy cảm với nỗi đau và những biến chuyển trong tâm hồn mình, họ buộc phải đặt câu hỏi: Liệu thực sự chúng ta có thể đến với nhau trong một tình yêu và tình mật thiết chân thật, một điều vượt trên tư lợi và vị kỷ không?

Đức tin Kitô của chúng ta cho biết câu trả lời cho vấn đề này phải được khẳng định. Linh đạo Kitô tin tưởng vào khả thể của tình yêu nhân tính, vào gắn kết có ý nghĩa, sâu đậm, vững bền và vượt trên tư lợi. Tuy nhiên, linh đạo Kitô cũng khẳng định phải trả một giá nào đó để biến tình yêu này thành hiện thực. Giá đó là một điều tận căn: tự hiến, chịu đóng đinh chính mình. Ngoài giá đó ra, không còn giá nào khác để chúng ta có thể đến với tình yêu. Cho phép tôi đưa ra một ví dụ điển hình:

Tiểu thuyết nổi tiếng mới đây Người đàn ông và Cậu bé (Man and Boy) của tác giả Tony Parsons phản ánh về sự mạnh mẽ và yếu đuối ở thế hệ hôm nay. Nhân vật chính là người vừa mừng sinh nhật thứ ba mươi. Cũng như nhiều người khác trong thế hệ của anh, anh có nhiều đức tính đáng ngưỡng mộ: Chân tín, thành thật, đáng mến, khá khiêm nhường, nói chung là lương thiện và có đức hạnh căn bản. Anh mong muốn tất cả những điều công chính, nhưng dù có ý muốn tốt lành, cuộc đời của anh vẫn vấp phải một sự méo mó đau đớn.

Có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một đứa con trai anh yêu quý hết mình, nhưng anh lại quan hệ thiếu suy nghĩ với một đồng nghiệp trong đêm mừng sinh nhật của anh. Anh nghĩ rằng, tự thân hành động đó không có ý nghĩa gì hết. Đối với anh đó chỉ là một hành động chóng qua, đơn thuần và đơn giản chỉ là một đêm phi lý mà thôi. Nhưng vợ của anh lại nhìn theo một cách khác. Trước đây cô đã từng bị những người đóng một vai trò đáng kể trong đời cô phản bội – kể cả cha của cô, cô không muốn chấp nhận và tha thứ cho chồng. Cô bỏ đi và cuối cùng là ly dị, còn anh, anh tự hỏi vì sao một hành động gần như không đáng kể lại gây nên hậu quả nghiêm trọng đến như vậy. Dần dần, trong đau đớn, anh bắt đầu nhận ra hành động đó có một hậu quả sâu sắc, cho dù trong đầu chúng ta có nhìn nhận nó hay không.

Điều anh học qua bài học cay đắng này là tình yêu phải đòi hỏi một điều gì đó, đòi hỏi những chọn lựa khó khăn và đôi lúc còn đòi hỏi chúng ta phải đổ máu. Tình yêu không thể có được cách nhưng không. Có một giá thực sự chúng ta phải trả để có tình mật thiết. Thánh giá của Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta như vậy.

Ngôn ngữ chúng ta dùng để nói về thập giá có lẽ đôi khi không cho chúng ta đủ ấn tượng đó. Chúng ta nói về cuộc khổ nạn trên thập giá của Chúa Giêsu là “chuộc lại món nợ”, là “tẩy rửa chúng ta bằng chính máu của Ngài”, là “đền bù tội lỗi”, là “phá tan sức mạnh của Satan.” Những từ ngữ này căn bản mang tính ẩn dụ, có lẽ đã cho chúng ta ấn tượng việc Chúa Giêsu chịu nạn trên thập giá là một phần của kế hoạch thần thiêng và cuộc khổ nạn đó là để trả món nợ thiêng liêng. Như thế, sự hiến mình của Chúa Giêsu đơn giản là một điều gì đó mà chúng ta ngưỡng mộ và giữ lấy trong ân sủng, nhưng lại không biết noi theo gương đó. Và đó chính là sai lầm của chúng ta.

Những gì Chúa Giêsu đã chịu trên thập giá, và những gì Ngài đã chịu trước đó trong vườn Cây Dầu cho chúng ta thấy một bí mật thâm sâu, bất biến về tình yêu nhân loại, và đòi hỏi chúng ta phải noi theo. Cuộc khổ nạn trên thập tự của Chúa Giêsu, giữa các điều khác, mặc khải tình yêu đích thật có một giá và giá đó đắt. Nếu chúng ta muốn trong cuộc đời mình, có được một tình yêu kiên vững, thành tín, và trao hiến trọn đời sống, thì đau khổ như Chúa Giêsu đã phải chịu trên thập giá chính là cái giá phải trả để có được.

Fyodor Dostoevsky đã từng nói “Tình yêu là một điều khắc nghiệt,” và T. S. Eliot  thêm rằng, giá cả thì “không rẻ hơn các thứ khác”. Vì thế con đường thoát khỏi cô đơn và tha hóa đòi hỏi một cái gì trong chúng ta, một điều gì cao hơn ước muốn thoát khỏi cô đơn của chúng ta: Nếu chúng ta muốn một tình yêu thật sự vượt trên những mơ mộng hão huyền, nếu chúng ta muốn giữ bất cứ một cam kết nào đã hứa trong hôn phối, trong tình cha mẹ, bằng hữu, hay trong ơn gọi, chúng ta chỉ có thể giữ được bằng ý muốn sẵn sàng đổ máu và chết đi chính mình. Không có con đường nào khác. Tình yêu có một giá. Chịu đau khổ khi cam kết và bị đau thương trên đường đi của tình mật thiết chính là giá phải trả của tình yêu, một giá sẽ cho chúng ta thoát khỏi tha hóa.

Đây không phải là điều chúng ta muốn nghe say sưa. Chúng ta có nhiều đức tính tốt, nhưng đổ máu và chết đi chính mình để thành tín với các cam kết của mình không phải là điều chúng ta thường thực hiện tốt đẹp. Cũng như nhân vật chính trong truyện của Parsons, chúng ta thành tín, đáng mến, và có đạo đức. Chúng ta muốn những điều ngay chính, nhưng tất cả chọn lựa của chúng ta là một sự từ bỏ, và chúng ta sẽ thích nếu có thêm một điều gì đó mà không phải hy sinh bỏ bất kỳ cái gì khác. Chúng ta muốn là thánh, nhưng lại muốn nếm cảm giác của tội nhân xem nó như thế nào; chúng ta muốn sống chung thủy, nhưng cũng muốn ve vãn bất kỳ ai hấp dẫn đến với  mình; chúng ta muốn làm người tốt, nhưng lại không muốn hy sinh; muốn sống chuẩn mực sâu sắc nhưng không muốn từ bỏ lạc thú với tác dụng kích thích của nó. Tóm lại, chúng ta muốn yêu, nhưng không muốn trả giá “vâng lời đến chết.”

Nhưng đòi hỏi này là bẩm tính nội tại của tình yêu. Yêu là phải trả giá, và trả bằng tất cả mọi thứ. Một tình yêu vượt trên những ảo mộng chính là tình yêu “đổ máu” và “vâng lời cho đến chết.” Tình yêu mời gọi chúng ta nhìn vào nỗi đau gắn kết chặt chẽ với cam kết chung thủy, và nói với chúng ta, như Chúa Giêsu đã nói: “Không theo ý con, nhưng trọn theo ý Cha.”

Con đường từ xa lánh đến tình mật thiết đòi hỏi chúng ta phải tập nói những câu này.

J.B. Thái Hòa dịch

321    22-11-2019