Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Hướng tới việc cử hành Chúa nhật Lời Chúa lần đầu tiên

 


Kinh Thánh là cuộc sống
Hướng tới việc cử hành Chúa nhật Lời Chúa lần đầu tiên

 

Nicola Gori

Chúa nhật Lời Chúa đầu tiên sẽ được cử hành vào ngày 26 tháng giêng. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã công bố ngày Chúa nhật Lời Chúa trong Tông thư dưới dạng Tự sắc, Aperuit illis, vào ngày 30 tháng 9 năm 2019. Đây là một ngày đặc biệt nhằm thúc giục các tín hữu đọc và suy niệm Kinh Thánh, bởi vì như thánh Girolamo đã nói, “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Việc cử hành ngày này được ấn định hằng năm vào Chúa nhật III Thường niên. Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về thúc đẩy việc Tân Phúc âm hóa đã giải thích trong hội nghị, được tổ chức tại phòng họp báo của Tòa thánh, vào sáng thứ sáu ngày 17 tháng giêng, trước sự hiện diện của Đức TGM Octavio Ruiz Arenas và Đức ông Graham Bell thư ký của hội đồng.

Tông thư đã được công bố trong phụng vụ lễ nhớ thánh Girolamo, kỷ niệm 1600 năm ngày qua đời của ngài. Đức TGM Fisichella đã nhắc lại, vị thánh Giáo phụ này là nhà nghiên cứu Kinh Thánh vĩ đại và là người chuyển dịch bản văn Kinh Thánh sang tiếng Latinh từ ngôn ngữ gốc [tiếng Hy lạp]. Việc chọn ngày công bố Tông thư “là một cử chỉ hết sức chú ý đến thế giới rộng lớn được tập hợp quanh các nghiên cứu và giải thích Kinh Thánh”, mà trong năm nay sẽ đem đến cho sinh hoạt của Giáo hội “một loạt các sự kiện đa dạng để tôn vinh con người và công trình của thánh Girolamo”.

Đức TGM Fisichella đã nhắc lại rằng sau công đồng Vatican II, với hiến chế Dei Verbum, và Thượng Hội đồng về Lời Chúa năm 2008, với Tông huấn Verbum Domini, nhiều sáng kiến mục vụ khác nhau đã được đẩy mạnh trên thế giới nhằm mục đích “lấy sự hiểu biết, phổ biến, suy tư và học hỏi Kinh thánh làm trung tâm”. Trong số đó, Đức TGM đã đề cập đến Tuần lễ học cách cầu nguyện với Kinh Thánh, được xúc tiến bởi Cộng đoàn Canção Nova ở Brazil, tháng Kinh Thánh được đẩy mạnh ở Argentina vào tháng 9. Tại Colombia, Lời Chúa được đề xuất cho các trẻ em với những trò chơi con rối. Ngày Quốc tế Kinh Thánh được tổ chức tại Mỹ vào tháng 11. Cho nên ngày Chúa nhật Lời Chúa được đặt ra như một “dự án mục vụ của việc Tân Phúc Âm hóa”. Mục tiêu là để làm sống lại “trách nhiệm của tín hữu trong việc hiểu biết Kinh Thánh và giữ cho nó được tồn tại qua việc thông truyền và nhận thức thường xuyên, có khả năng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của Giáo Hội, được khám phá trong những điều kiện khác nhau”.

Một sáng kiến khác của Hội đồng Giáo hoàng về thúc đẩy việc Tân Phúc Âm hóa là tạo ra một logo riêng. Logo diễn tả một cảnh trong Kinh Thánh rất nổi tiếng : hành trình của các môn đệ trên đường Emmau, theo tường thuật của Tin mừng Luca. Đấng Phục sinh đã kết hợp với những người bộ hành đang buồn sầu vì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Cùng với Chúa Kitô, người đang nắm “cuộn sách” trong tay, cụ thể là Kinh Thánh, cho thấy sự ứng nghiệm nơi con người của Ngài, có hai môn đệ : Cleopa, như Luca đã viết, và vợ của ông, theo một số nhà chú giải. Cleopa tay cầm gậy, là dấu hiệu của cuộc hành hương; trong khi tay người vợ dường như chạm vào Chúa Kitô. Cả hai khuôn mặt của các môn đệ đều hướng về Chúa. Đây là tác phẩm của nữ tu Marie-Paul Farran, người Ai cập, đã sống trọn cuộc đời trong tu viện Bênêđettô Notre-Dame du Calvarire ở Giêrusalem, qua đời vào tháng 5/2019.

Đức TGM cho biết, ngày Chúa nhật Lời Chúa được cử hành cận ngày đối thoại giữa người Do thái giáo và Công giáo và Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Đó là một chọn lựa nhằm “đánh dấu một bước tiến xa hơn trong đối thoại đại kết, bằng cách đặt Lời Chúa làm tâm điểm của sự dấn thân mà các Kitô hữu được kêu mời thực hiện mỗi ngày”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ ngày Chúa nhật Lời Chúa lúc 10 giờ sáng tại đền thờ thánh Phêrô. Tượng Đức Mẹ Knock, đấng bảo trợ của người Ireland, sẽ được đặt cạnh bàn thờ. Năm 1879, Đức Trinh nữ hiện ra tại Knock cùng với thánh Giuse và thánh sử Gioan cho thấy bàn thờ là nơi Con Chiên chiến thắng ngự trị, như trong thị kiến của sách Khải huyền. Đức Trinh nữ trong lần xuất hiện này, Đức TGM giải thích, “không nói, giữ thinh lặng, như thể biểu lộ thái độ căn bản trước mầu nhiệm”. Tuy nhiên, toàn bộ cuộc hiện ra là “nói”, bởi vì qua thánh Gioan cho chúng ta thấy trong Tin mừng điều chúng ta vẫn phải thi hành và hành trình đang chờ đợi chúng ta nhắm đến những thời đại sau cùng.

Một cử chỉ mang tính biểu tượng khác sẽ được diễn ra vào đầu thánh lễ đó là tôn vinh Sách Bài Đọc đã được sử dụng trong tất cả các phiên họp của Công đồng Vatican II. Vào cuối thánh lễ, Đức Giáo hoàng sẽ trao Kinh thánh cho 40 người đại diện cho tất cả mọi gương mặt trong cuộc sống hằng ngày: từ giám mục cho đến người ngoại quốc; từ các linh mục cho đến các giáo lý viên; từ những người sống đời sống thánh hiến cho đến các cảnh sát và các vệ binh Thụy sĩ; từ các đại sứ thuộc các lục địa khác nhau cho đến các giảng viên đại học và giáo viên của các trường tiểu học, trung học; từ người nghèo cho đến các phóng viên; từ các hiến binh cho đến các phạm nhân đang thụ án chung thân trong tình trạng mất tự do. Sau khi rời khỏi đền thờ, một ấn bản Kinh Thánh đặc biệt sẽ được trao cho những người hiện diện, một ấn bản do nhà xuất bản San Paolo thực hiện trong dịp này.

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

901    30-11--0001