Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Islamabad vinh danh “Mẹ Têrêxa của Pakistan”

 

50 000 đồng tiền 50 rúp Pakistan sẽ được in hình nữ tu Ruth Pfau, bác sĩ, nữ tu công giáo qua đời ngày 10 tháng 8 vừa qua, thọ 87 tuổi.

Các kitô hữu Pakistan gặp rất nhiều khó khăn, biểu tượng qua trường hợp của cô Asia Bibi, nữ tín hữu kitô bị lên án tử hình vì tội “phạm thượng”. Trường hợp của cô không phải là trường hợp cá biệt, và việc chính quyền Pakistan vinh danh một nữ tu công giáo gốc Đức là chuyện đáng ngạc nhiên. Nhưng nữ tu Ruth Pfau khi còn sống đã vượt lên ranh giới của những phân biệt.

Ở lại Pakistan vì tình cờ

Nữ tu sinh năm 1929 trong một gia đình theo đạo tin lành ở Leipzig, xơ xém bị chôn vùi ở nhà mình vì thành phố bị bỏ bom trong thời Thế Chiến Thứ Hai. Rồi thành phố Leipzig bị Hồng quân chiếm đóng. Gia đình xơ trốn được qua Tây Đức, xơ học y khoa trong những năm 1950. Hai tác giả Tôma Aquinô và Josef Pieper đã đặc biệt tác động trên xơ và xơ trở lại đạo công giáo. Trong một chuyến đi Paris năm 1957, xơ vào Dòng các Nữ tu Maria.

Năm 31 tuổi xơ đi Ấn Độ, nhưng vì trục trặc giấy tờ, xơ phải ở lại Pakistan. Xơ đi khắp nước và xơ gặp bệnh nhân phung cùi đầu tiên của mình. Vì vậy hay đúng hơn nhờ bệnh nhân này mà xơ ở lại đất nước Pakistan để chiến đấu chống căn bêng phung cùi. Mấy chục năm sau xơ kể lại: “Anh cũng xấp xỉ tuổi tôi, nhỏ hơn 32 tuổi… anh bò và xem như không có gì bất bình thường khi người ta để anh…  trong bùn.”

Bác sĩ chiến đấu với bệnh phung ở Pakistan

Mới đầu xơ săn sóc các bệnh nhân trong một cái chòi ở Karachi, sau đó chòi này trở thành trại cùi Marie-Madeleine. Nữ tu đi khắp nước, ở Pakistan cũng như ở Đức để quyên tiền và làm việc đắc lực để Pakistan trở thành một trong các nước đầu tiên ở Á châu được Tổ chức Y tế Thế giới chính thức công nhận đã loại hẳn bệnh cùi năm 1966. Xơ kể: “Mới đầu chúng tôi tưởng mình đơn độc trong sa mạc. Nhưng dần dần trại cùi chúng tôi trở thành một ốc đảo, từng đoàn xe nườm nượp đến”. 

Hôn nhân “theo kiểu Pakistan”

Để ghi ơn các việc của nữ tu, chính quyền cấp cho xơ quốc tịch Pakistan năm 1988, nhưng quan hệ của xơ với chính quyền lúc thì ổn định, lúc thì xáo trộn. Xơ thường nói đùa khi xơ so sánh mối quan hệ này như “đám cưới kiểu Pakistan”, có nghĩa là đám cưới theo lợi lộc. Nữ tu và chính quyền triền miên tranh cãi nhau, nhưng xơ không thể “ly dị”: “Chúng tôi có quá nhiều con cái nên không thể ly dị!” Xơ không che giấu các quan điểm của mình, xơ dứt khoát về tình trạng không dân chủ của đất nước Pakistan: “Để có dân chủ thì phải có giáo dục và chính quyền chẳng quan tâm một chút gì về giáo dục”.

Quốc táng

Dù có các quan hệ xáo trộn này, nhưng chính quyền Pakistan đã khen ngợi nữ tu không tiếc lời, Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi đã tuyên bố: “Nữ tu sinh ở Đức nhưng tâm hồn nữ tu luôn ở Pakistan”.

Trong lễ an táng của xơ, với một đất nước có 95% đa số là hồi giáo, cờ Vatican đã bay phất phới bên cạnh ở Pakistan.

Marta An Nguyễn dịch

513    18-11-2017