Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

John Henry Newman: Hành trình Bản Ngã - 2

Từ quan điểm của các thần học đức tin đương thời hơn, chúng ta thấy dường như trực giác của Newman về hình dung mang tính tiên tri đặc biệt. Ngày nay chúng ta nói về việc hàn gắn lại sự phân ly giữa thần học và linh đạo, hay về việc cân nhắc vai trò của chiều kích mỹ học và xúc cảm trong đức tin. Khi Newman nhất quyết rằng hình dung chạm đến tâm hồn và làm cho đức tin trở nên ‘hữu thực,’ thì ngài hòa hợp với các tư tưởng tiến bộ này. Các nhà tư tưởng gần đây, từ Einstein đến Ricoeur, đã khám phá hình dung là một dạng thiết yếu của nhận thức. Newman cũng chỉ ra đường hướng như thế, dù theo một cách thức thiếu hệ thống hơn. Các ngòi bút khác như William Lynch hay David Tracy đã khám phá hình dung hiện thể Kitô giáo. Cũng vậy với Newman, hình dung là phương tiện để xác định, đáng dùng để nhận thức mầu nhiệm Nhập thể và cũng như để hoán cải trở lại đạo. Như thế, hình dung là cầu nối giữa sự chắc chắn mang tính lịch sử của Nhập thể với con đường mang tính nội tâm và chủ quan hơn dẫn chúng ta đến lời thưa vâng với đức tin.

Trong lời của Newman (độc thoại tưởng tượng) 

Ai cũng biết việc tôi trở lại đạo năm 1845, dĩ nhiên đó là điểm then chốt trong cuộc đời tôi. Nhưng nó liên quan đến giáo hội hơn là đức tin. Tôi đã có thể trở lại đạo sớm hơn vào mùa thu năm 1816, khi cơn khủng hoảng và dao động khiến tôi có một ý niệm mới về Thiên Chúa mà tôi giữ trọn suốt cuộc đời. Với đam mê đọc sách, tôi đã cặp kè với các tư tưởng của một vài nhà vô thần cấp tiến như Hume, và tôi thấy lập luận của họ thật ấn tượng và thích đáng. Từ lập trường bên ngoài của họ, Thiên Chúa dường như bất khả tín. Đối với tôi, một người được nhận nền giáo dục Kitô cổ điển, nó lay động tận gốc các căn cứ nền tảng của tôi. Lúc đó tôi chỉ mười lăm tuổi, với tất cả những mong manh bình thường của tuổi mới lớn, cộng thêm khủng hoảng tài chính gia đình khiến tôi phải ở lại trường suốt mùa hè một mình. Tôi thật sự thấy bệnh, nhưng một chút gì đó giống thánh I-Nhã, căn bệnh lại là một điểm đảo chiều lớn đối với tôi.

May mắn thay, một giáo sư trẻ ở trường, mục sư Walter Mayers, đã bảo bọc cho tôi. Thầy là người dễ thương, theo phái Calvin, và đã cho tôi đọc đủ loại sách, giúp tôi thấy giới hạn của những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Quan trọng hơn, thầy đã hướng tôi khám phá Thiên Chúa một cách riêng tư hơn. Tôi trải nghiệm, sốt sắng và mạnh mẽ rằng Thiên Chúa nói với tôi trong lương tâm tôi, và Thiên Chúa này vừa có thật vừa lớn lao hơn sự hiện hữu của chính tôi. Đó là thời khắc mặc khải và ân sủng không bao giờ phai mờ. Việc này không đơn giản là do xúc cảm hay một biến chuyển đột ngột: dần dần qua nhiều tháng trời, tôi đạt đến một niềm tin vững vàng vào lòng thương xót và sự quan phòng của Thiên Chúa, cũng như một ý thức rõ ràng về việc mình được kêu gọi vào tương giao vĩnh cữu với Đức Kitô. Chắc chắn đó là một sự biến đổi tâm hồn, nhưng còn là một sự mở mang tâm trí tôi nữa. Nhờ đọc quyển sách của Thomas Scott, Uy lực của Chân lý (The Force of Truth), tôi nhận ra cuộc đời có thể là một chuyện tình dài lâu với chân lý, một cuộc phiêu lưu đòi hỏi trung tín trọn vẹn, và rằng trung tín với chân lý của Thiên Chúa có nghĩa là một cuộc chiến không ngừng chống lại thế giới thiển cận trong tôi và quanh tôi.

765    15-02-2019