Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Khả năng thiêng liêng của trẻ con là gì?

 

Trẻ con ở tuổi rất nhỏ đã là vị thầy thiêng liêng. Các em có một mối quan hệ trực tiếp và trong sáng với Chúa, mối quan hệ này đôi khi làm cho người lớn phải ngạc nhiên.

“Bà có một cái gì trong lòng bà không? Vì con, con có một cái gì trong lòng con, đó là Chúa Giêsu. Ngài ở trong lòng con và chiếm mọi chỗ”. Với lời nói của mình, em Louis 3 tuổi tiết lộ cho bà giữ trẻ đức tin đơn sơ lạ lùng của em. Được cha mẹ truyền lại, đức tin này làm chứng cho đời sống thiêng liêng của một em bé chưa đến tuổi đi học này.

Dù chưa đến tuổi gọi là tuổi lý trí, các em bé rất cởi mở với đời sống nội tâm. Bà Anne Ricou, tổng biên tập báo Pomme’Apisoleil, tạp chí khơi dậy ý thức dành cho trẻ em từ 4 đến 8 tuổi giải thích: “Các em được nối kết với huyền ẩn một cách lạ lùng”.

Các nhà thần nghiệm tí hon

Linh mục Olivier Bonewijn, tác giả tuyển tập Thần nghiệm tí hon (Petits Mystiques), một sưu tập các hạt ngọc thiêng liêng của trẻ em, linh mục nói lên sự “tươi mát của tuổi thơ, giai đoạn tuyệt vời của cởi mở và nhưng không”. Cha giải thích: “Chính vì thế mà chúng ta phải tế nhị trước các em. Thường chúng ta xem trẻ em như người lớn đang hình thành. Nhưng mỗi tuổi có sự hoàn hảo riêng và có mối quan hệ riêng với Chúa”.

Mối quan hệ này với thế giới siêu nhiên không rắc rối và không khiêm tốn giả tạo, như em Louis nói với bà giữ trẻ của em, mối quan hệ này khác xa với sự dè dặt mà người lớn thường gặp khi đề cập đến vấn đề này. Linh mục Thierry Avalle giải thích: “Khi đứa bé nói chuyện với người lớn về Chúa và về sự mở lòng ra của mình, các em nói đến điều cốt yếu một cách rõ ràng”, linh mục Thierry Avalle thuộc giáo phận Paris, đề tài luận án tiến sĩ của ngài “Trẻ con, vị thầy của sự đơn giản”.

Điểm ghi nhận này được triết gia và nhà xuất bản Jean-Paul Mongin chia sẻ, ông là người điều hành các buổi nói chuyện triết lý với trẻ con, ông nhấn mạnh: “Trong triết học, Thiên Chúa ở mọi nơi. Tôi thấy có một sự dè dặt khi người lớn nói về Chúa, đặc biệt nơi các giáo viên quá sợ hãi với ý tưởng sợ hại đến chủ nghĩa thế tục. Nhưng nơi trẻ em, thường là nơi các em bé hồi giáo, không có sự sợ hãi khi nói đến Chúa”.

Ông Jean-Paul Mongin nói tiếp: “Vì thế tuổi thơ ấu là tuổi của ngạc nhiên trường kỳ, tuổi mọi thứ đều mới mẻ và đều ngạc nhiên”. Ông Mongin là giám đốc nhà xuất bản “Các Platon tí hon” (Les petits Platons), ông nhớ lại trong một buổi nói chuyện khi trả lời cho câu hỏi “cái gì chúng ta có thể thực sự biết”, một em bé gái 4 tuổi trả lời: “Điều con thực sự biết, đó là mẹ con thương con”. “Nhận thức” ở tình yêu mà em bé diễn tả mang một chiều kích thiêng liêng, dù chúng ta không biết em sẽ có hình thức đức tin nào sau này”.

Từ khi nào chúng ta có thể cho rằng đứa trẻ có một đời sống thiêng liêng riêng, thậm chí có thể nói đứa bé có một mối quan hệ với Chúa?”  Theo linh mục Avalle thì “ngay khi đứa bé có lương tâm”, linh mục đề cập đến “khả năng cầu nguyện sớm sủa của đứa trẻ theo cách rất hiện thân, qua việc các em dùng nến, dùng bài hát”. Linh mục Avalle giải thích: “Bất kỳ một hành vi nào dù nhỏ nhất như thắp nến, thì đối với trẻ con đều có một chiều kích thiêng liêng mà người lớn thường xem đó chỉ là khía cạnh tổ chức cho buổi cầu nguyện”. Theo linh mục, mối quan hệ với Chúa của đứa trẻ gắn kết trong mối quan hệ của đứa bé với cha mẹ mình: “Nếu cha mẹ yêu thương em bé, đón nhận em với tình yêu, thì em bé nhìn thấy Chúa nơi cha mẹ; và nếu em bé thấy cha mẹ cầu nguyện, thấy cha mẹ quỳ xuống trước Người Khác, thì đứa bé sẽ cho rằng Người Khác này rất lớn”.

Nhưng cũng có một số em quan tâm đến điều siêu nhiên này dù các em lớn lên trong các gia đình không tin. Đó là trường hợp em Carlo Acutis người Ý chết vì bệnh bạch cầu năm 15 tuổi và năm 2018 em được Đức Phanxicô tuyên bố đấng đáng kính, em không được cha mẹ dạy đạo khi còn nhỏ. Mẹ của em nói: “Trong gia đình các thánh, luôn có người cha hoặc người mẹ là người làm gương (…). Trong trường hợp của Carlo, chính Carlo đã đưa chúng tôi đến với đức tin!” Mẹ của em nhớ lại các suy tư sâu sắc đáng kinh ngạc của em lúc em mới 3, 4 tuổi.

Có nhiều trường hợp, các vấn đề thiêng liêng của trẻ em thường làm cha mẹ chưng hửng, họ thường nghĩ chờ trẻ con lớn lên chúng hiểu. Bà Anne Ricou giải thích: “Chúng ta thường bối rối khi không có câu trả lời ngay lập tức. Nhưng chúng ta có thể trả lời bằng cách đặt câu hỏi khác cho đứa bé, để nó bật lên và chúng ta có thể cùng đi theo với câu hỏi đó”.

Về phần mình, bà Sofia Cavalletti, người có sáng kiến dạy giáo lý theo nguyên tắc giáo dục của Maria Montessori, bà không đồng ý với việc “xác quyết (…) đứa trẻ không thể nhận được những điều cao cả tuyệt vời như vậy”ø: “Tôi nghĩ thực tế không phải vậy, ngược lại chính chúng ta mới là người không thể truyền cho trẻ em với sự đơn giản chủ yếu, cái gọi là trẻ con không có khả năng chỉ là che giấu sự thiếu hiểu biết của chúng ta, tránh cho chúng ta khỏi đi tìm, khỏi đào sâu thêm sau này”.

Từ chối Chúa

Tuổi thơ ấu cũng có thể là tuổi kiên quyết từ chối Chúa. Khi mới 5 tuổi, Alexis đã xin cha mẹ “bỏ phép rửa tội của mình”. Trong nhiều tháng, mỗi ngày chúa nhật em đều nói: “Con không muốn là con của Chúa nữa, con không muốn đi lễ nữa”.

Còn em Lucie, 4 tuổi thì sau khi bà ngoại qua đời, em không chịu cầu nguyện mỗi buổi tối, em nói với mẹ của em: “Mẹ nói với con là bà ngoại đã ở trên trời với Chúa. Nhưng khi con nói chuyện với bà, bà không trả lời con”.

Linh mục Bonewijn xác nhận: “Có thể có những đấu tranh thiêng liêng thực sự nơi một số em không chấp nhận Chúa. Cũng như người lớn, các em có quyền, các em có những cuộc đấu tranh nội tâm riêng của mình. Và đôi khi các em đối diện với những trở ngại mà chúng ta cho là vô lý, nhưng lại là có thật”. Linh mục Avalle ghi nhận: “Các em có thể có các lựa chọn thiêng liêng riêng rất sớm”.

Tuy nhiên, các từ chối này không nhất thiết là từ chối hẳn. Với Alexis, em đã có một bước ngoặt năm 7 tuổi khi em dự lễ rước lễ lần đầu của người chị họ cùng tuổi. Xúc động trước buổi lễ, đầu hôm sớm mai em sốt sắng lạ lùng, cứ mỗi thánh lễ em đều hỏi: “Con có thể đi rước lễ được không?”

Marta An Nguyễn dịch

547    05-06-2019