Giáng sinh là thời gian chúng ta có thể mong đợi Chúa gia tăng thêm đức tin và sự hiểu biết của chúng ta về tình yêu sâu sắc của Người dành cho chúng ta.

Các nhân viên kế toán thì kiểm tra bảng cân đối (số dư) hàng triệu lần. Các Luật sư thì nghiên cứu các lời cung khai vào ban đêm.

Các bác sĩ luôn theo kịp nghiên cứu mới nhất để họ có thể chẩn đoán cách chính xác cho các bệnh nhân của họ. Tất cả những chuyên gia này đều biết rằng các giải pháp mà họ đang tìm kiếm đang ở ngay trước mặt họ, nhưng chỉ có điều là họ không thể nhìn thấy nó. Vì thế, họ tiếp tục chọn lọc các dữ liệu có sẵn cho họ với hy vọng rằng sẽ tìm được giải pháp.

Trong suốt Mùa Vọng này, chúng ta đã có cơ hội làm điều gì đó rất giống như thế và vui hưởng nó nhiều hơn nữa! Mỗi Mùa Vọng, Thiên Chúa mời gọi chúng ta “hãy dọn con đường cho Đức Chúa” (Mt 3,3) bằng cách nhớ lại và sống lại những sự kiện kỳ ​​diệu dẫn đến sự ra đời của Chúa Kitô. Đó là một cơ hội để xem xét qua những sự kiện đó để chúng ta có thể tìm thấy một hoặc hai chìa khóa tiết lộ về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa và kế hoạch của Người. Khi chúng ta suy gẫm về những câu chuyện này, chúng ta cho Chúa Thánh Thần cơ hội để mở to đôi mắt (tầm nhìn) của chúng ta hơn một chút và đặt sự hiện diện của Người trong chúng ta sâu hơn một chút.

Đây có thể là một công việc đầy thách đố. Rốt cuộc, câu chuyện Giáng Sinh đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta đến nỗi chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ các phúc lành mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta, đặc biệt là niềm vui được đến gần với Chúa Giêsu. Do vậy, chúng ta hãy hướng tâm hồn mình vào Chúa Giêsu khi chúng ta cầu nguyện qua những câu chuyện này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mở những câu chuyện ấy ra cho chúng ta để chúng ta có thể nhìn thấy Chúa Giêsu theo một cách thức mới và đón lấy những phúc lành mà Chúa dành cho chúng ta trong mùa tràn đầy niềm vui này.

Một Câu Chuyện về Sự Nghi Ngờ. Trước hết, hãy nhìn vào sự khác biệt giữa sự nghi ngờ và lòng tin tưởng. Hãy khởi đầu bằng cách nhìn xem xét hai cuộc trò chuyện vừa rất giống nhau vừa rất khác nhau. Một là giữa sứ thần Gabrien và một tư tế người Do Thái cao tuổi tên là ông Giacaria. Hai là cuộc trò chuyện giữa sứ thần Gabrien và một phụ nữ trẻ người Do Thái ở Nazarét tên là Maria.

Giacaria và vợ ông là bà Êlisabét đều là những con người rất tốt lành và chính trực, họ trung thành theo tất cả các đường lối của Thiên Chúa. Hai ông bà xem ra đã sống hạnh phúc với nhau, chỉ trừ một điều: Họ không có con cái. Suốt nhiều năm trường, hai ông bà đã cầu nguyện để có một đứa con, nhưng cũng chẳng có đứa con nào cả.

Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi vào một ngày kia trong khi Giacaria đang thi hành nhiệm vụ của ông trong Đền thờ. Không hiểu từ đâu, sứ thần Gáprien hiện ra với ông! Nghe sứ thần Gáprien nói, Giacaria đã hốt hoảng: (Người đang nói với mình) là ai nhỉ? Và vì thế sứ thần báo với Giacaria rằng ông có một tin vui: “(Này Giacaria) Đừng sợ”, sứ thần nói: “Thiên Chúa đã nhậm lời ông cầu xin. Bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được vui mừng hỷ hoan” (Lc 1,11-14).

Lẽ ra đây phải là tin vui phấn khởi, nhưng Giacaria lại đầy sự hồ nghi sâu kín trong lòng. Ông không thể tin rằng ông và vợ ông sẽ thụ thai sau một thời gian quá lâu. Ông hỏi: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều này? Vì tôi đã già và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,18).

Thất vọng bởi câu trả lời của Giacaria, sứ thần đã nhắc nhở ông về (căn tính) mình là ai và cố gắng mở mắt ông. Sứ thần nói: “Tôi là Gáprien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa… Nhưng bây giờ ông sẽ bị câm, không thể nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi” (Lc 1,19-20).

Một Câu Chuyện Về Niềm Tin. Cuộc trò chuyện thứ hai, giữa sứ thần Gáprien và Đức Maria, thì phức tạp hơn. Giống như Giacaria, Đức Maria rất ngạc nhiên và thậm chí “bối rối”. Và cũng vậy, (có lẽ Maria đã thắc mắc về sứ thần) ngài là ai nhỉ? Do đó, như đã làm cho Giacaria, sứ thần Gáprien khuyến khích Maria: “Đừng sợ” (Lc 1,30).

Khi sứ thần Gáprien giải thích vai trò chính yếu của Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Đức Maria đã trả lời với những lời lẽ có vẻ giống như những lời của Giacaria. Maria đã hỏi sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34). Sứ thần Gáprien giải thích thêm và Maria trả lời: “Tôi đây nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”(Lc 1,38). Một cách nào đó, Đức Maria đã có thể chấp nhận sứ điệp của sứ thần Gáprien dễ dàng hơn nhiều so với Giacaria có thể.

Một Lời Thưa “Có (Xin Vâng)” Quý Giá. Có thể là không công bằng khi nghĩ rằng Giacaria phải hiểu được sứ điệp của sứ thần Gáprien, nhưng sứ thần nhận thấy rằng có điều gì đó còn hơn cả sự hiểu lầm trong câu trả lời của ông. Với tư cách là một tư tế, Giacaria chắc chắn đã biết về lịch sử của dân tộc mình. Chắc chắn ông biết về đôi vợ chồng già, Ápraham và Sara, và Thiên Chúa đã hứa với đôi vợ chồng này như thế nào – họ cũng là những người không có con, vậy mà họ đã có một cậu con trai. Chắc chắn Giacaria biết rằng Sara đã nghi ngờ về lời hứa này và thậm chí bà còn cười coi thường về điều đó. Tại sao Giacaria không nói: “Nếu điều đó đã xảy ra với Ápraham và Sara, thì tại sao điều đó lại không thể xảy ra với Êlisabét và tôi?”

Bấy giờ Giacaria trái ngược với Maria. Giống như Giacaria, Maria được cho biết những gì Thiên Chúa đã dự định thực hiện. Và giống như Giacaria, Mẹ đã bối rối. Nhưng sứ thần Gáprien nhận thấy việc Đức Maria hỏi xuất phát từ một khát vọng khiêm tốn để hiểu chứ không phải từ sự không tin. Cho dẫu Mẹ Maria không hoàn toàn hiểu rõ ràng về mọi sự, nhưng sứ thần Gáprien nhận ra Mẹ đã đặt niềm tin của Mẹ vào Chúa như thế nào.

Lời thưa “Có (Vâng)” của Mẹ Maria cũng khó khăn và đầy rủi ro hơn nhiều so với Giacaria. Sứ điệp của sứ thần mang đến Giacaria liên quan đến việc sinh một con trai trong một cuộc hôn nhân, nhưng đối với Mẹ Maria, điều đó phải thực hiện với một đứa con được thụ thai bên ngoài một cuộc hôn nhân. Đối với Giacaria, phí tổn (sự hy sinh) tập trung vào thời gian, năng lực và tiền bạc cần có đối với một đôi vợ chồng lớn tuổi để dưỡng nuôi một đứa con. Nhưng đối với Maria, phí tổn tập trung vào toàn bộ cuộc đời của Mẹ.

Maria đã phải đối diện với sự lựa chọn là từ bỏ những kế hoạch và ước mơ của riêng Mẹ. Có lẽ Mẹ cảm thấy rằng lời thưa “có (vâng)” của mình có khả năng kết thúc cuộc hôn nhân với Giuse, gây căng thẳng cho mối tương quan của Mẹ với thân phụ mẫu và tạo thời cơ cho những người láng giềng lên án Mẹ. Ai sẽ tin nổi đứa con của Mẹ là con “bởi Thánh Thần?” Ai có thể tin rằng Maria vẫn còn trinh trắng? Những hệ quả của quyết định này đã làm Maria mất tất cả những gì quý giá của Mẹ. Tuy vậy, Mẹ vẫn thưa “vâng (có)”.

Tin Tưởng vào Các Sự Kiện. Toàn bộ mùa Mùa Vọng là một mùa của đức tin. Mẹ Maria, Thánh Giuse và những người khác đã phải đặt niềm tin của mình vào các sự kiện về những gì mà Thiên Chúa đã nói với các ngài, chứ không phải những cảm xúc của mình. Nếu Mẹ Maria chỉ dựa vào những cảm xúc của mình, thì Mẹ có thể đã kết thúc câu chuyện bằng cách nói: “Điều này không thể được. Thiên Chúa sẽ không đòi hỏi tôi làm điều gì cam go như thế này”. Thánh Giuse có thể đã nói: “Tôi có quyền kết hôn với một trinh nữ. Thiên Chúa không thể bảo tôi hãy đưa Maria về làm vợ tôi. Làm sao tôi có thể đặt tương lai của tôi vào một giấc mơ?”

Tâm trí của Maria đã làm Mẹ rối bời. Mẹ đã bối rối thực sự. Tuy nhiên, đến khi phải đưa quyết định, Mẹ Maria đã thưa “có (vâng)”. Mẹ đã tin tưởng những lời của sứ thần Gáprien, cho dẫu Mẹ không biết tất cả mọi chi tiết. Tâm trí của Thánh Giuse cũng làm ngài phải bối rối. Bạn hãy tưởng tượng ngài hẳn đã phải trằn trọc và quay quắt suốt đêm khi ngài chiến đấu với giấc mơ của mình. Tuy nhiên, cuối cùng, Giuse cũng đặt niềm tin của mình vào Thiên Chúa.

Tâm trí là một điều phức tạp. Nó có thể đòi phải hợp lý hóa bất cứ điều gì. Nó có thể đi len lỏi mọi nơi mọi chốn và tìm mọi cách để biện minh cho bất kỳ cảm xúc nào đang chi phối chúng ta vào lúc đó. Đây là lý do tại sao chúng ta phải cậy dựa vào những chân lý đức tin của chúng ta, chứ không phải những cảm xúc của mình, những cảm xúc thường đến rồi đi.

Thư gửi tín hữu Do Thái nói với chúng ta rằng “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy” (Dt 11,1). Nhờ sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa, chúng ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng ân sủng đó không bắt buộc chúng ta phải tin những gì đã được tiết lộ cho chúng ta. Đây là lý do tại sao ý chí của chúng ta – quyết định của chúng ta đặt niềm tin vào các sự kiện – điều này rất quan trọng cho nền tảng của chúng ta. Ý muốn của chúng ta nhìn thấy những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đang tỏ lộ cho chúng ta bằng ân sủng của Người, và nó thúc đẩy trí năng của chúng ta chấp nhận Thiên Chúa là Đấng vừa có thật vừa tốt lành.

Thánh Tôma Aquinô chứng thực điều này khi ngài khẳng định rằng đức tin chỉ cho chúng ta thấy điều gì xảy ra nếu chúng ta chọn Thiên Chúa: “Đức tin của chúng ta cho phép chúng ta nhìn thấy sự tốt lành vô tận (không giới hạn) của Thiên Chúa, nó thanh tẩy tâm hồn của chúng ta và nó cho chúng ta biết rằng sự xa cách với Thiên Chúa là tội ác lớn nhất chúng ta có thể phải đau khổ”.

Một Mùa Của Đức Tin. Mùa Vọng và nhất là vào mùa Giáng Sinh, chúng ta có thể cầu xin Chúa tăng thêm đức tin cho chúng. Hãy đặt qua một bên những mối hoài nghi và công bố rằng Chúa Giêsu đã đi vào trần gian để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Hãy nhắc nhở chính bản thân bạn rằng Người đã sống lại từ cõi chết và Người sẽ trở lại để đưa chúng ta đi và ở với Người mãi mãi. Đã đến lúc chúng ta phải tin tưởng rằng Thiên Chúa rất mực yêu thương chúng ta và hãy thưa với Người rằng: “Lạy Chúa, con tin vào Chúa và con thật ngạc nhiên về tình yêu của Chúa. Xin giúp cho sự thiếu lòng tin của con”.

Vì thế, hãy để cho tất cả những lời Chúa hứa xảy ra và chúng ta sẽ dành thêm một chút thời gian để cầu nguyện về câu chuyện Giáng Sinh trong Tin Mừng của Thánh Luca. Hãy xem xét qua các dòng tư tưởng của câu chuyện và cố gắng tìm một số chìa khóa để giúp cho đức tin ngày càng mạnh mẽ thêm. Chúng ta đừng chỉ xem thoáng qua câu chuyện vĩ đại này nhưng hãy đi sâu vào đó và xem chúng ta có thể khám phá được những gì. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa ban ân sủng để lôi kéo mọi người và mọi gia đình đến gần với trái tim của Chúa khi chúng ta mừng ngày ra đời của Đấng Cứu Thế vào Giáng Sinh này.

Theo The Word Among Us [wau.org]
Personal Spirituality Resources

Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương