Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Khi Đức Kitô không còn là trung tâm điểm


Dù có ý hướng tốt lành, khía cạnh nguy hiểm nhất của thuyết tiến bộ phóng khoáng (liberal progressivism), như tôi đã đề cập trong một số báo trước, chính là giả định của nó rằng, nó nắm giữ một vị trí trổi vượt về mặt lý tính, và từ vị thế đó, nó có thể thẩm định ngon lành các triết thuyết hay truyền thống tôn giáo khác. Xét ở góc độ này, thuyết tiến bộ phóng khoáng không phải là một quan điểm như các quan điểm khác, nhưng chính là thuyết duy lý. Các quan điểm của nó đơn giản, chính là những quan điểm mà thuyết duy lý, đã tạo ra trong lịch sử, và đã được những nhân vật có đầu óc khai sáng, các bậc trí giả chủ trương.

Không phải là các quan điểm khác chẳng có gì để truyền đạt cho các nhân vật khai sáng cả nam cả nữ này; nhưng đó đơn thuần là, những điều mà các quan điểm khác truyền đạt – đồng thời phải được những người theo thuyết tiến bộ phóng khoáng (liberal progressives), vui vẻ công nhận rằng, chúng cởi mở với tất cả các truyền thống, dù là tín ngưỡng bản địa Mỹ châu, Hồi giáo, Kitô giáo, Do-thái giáo, Ấn độ giáo, các tín ngưỡng bộ tộc Phi châu – rốt cuộc, tất cả đều được “soi xét”, “tuyển lựa” dự theo các tiêu chuẩn và thang giá trị của thuyết tiến bộ phóng khoáng hiện đại (modern liberal progressivism). Các tôn giáo là “tốt” miễn là chúng phải tương hợp với các mục tiêu của thuyết tiến bộ phóng khoáng hiện đại – và bị coi là “xấu”, là “lỗi thời” và “hẹp hòi” khi không tương hợp.

Những người theo thuyết tiến bộ phóng khoáng, tự cho mình là “có đầu óc cởi mở”, thường huênh hoang thế này, “Tôi có đầu óc cởi mở với hết thảy mọi tôn giáo”. Xem ra, họ không ý thức được, khi “cởi mở với tất cả”, họ đã tự bứng mình khỏi điều đã giúp thống nhất tất cả các tôn giáo mà họ tự nhận là mình cởi mở với: một sự dấn thân trọn vẹn cho một truyền thống tôn giáo cụ thể, một truyền thống mang lại cho các tín đồ, hay người theo nó một ý nghĩa.

Những người chủ trương thuyết tiến bộ phóng khoáng hiện đại (Modern liberal progressives) cho rằng mình, trong tư cách là những cá nhân độc lập, có lý trí, tự họ tạo nên ý nghĩa (make meaning). Các tín đồ tận tâm theo một tôn giáo, đặt nền cuộc sống của họ, trên một xác tín, họ sẽ đón nhận một ý nghĩa mà chính họ không làm ra hay tạo ra. Người “cởi mở tới hết thảy mọi tôn giáo và triết lý” tự đóng kín bản thân khỏi tất cả (những tôn giáo và triết lý này), vì điều mà người ấy thiếu mất, chính là điều mà một tín đồ, một tín hữu thực thụ có được: sự dấn thân cho một lối sống cụ thể.

Những người chủ trương thuyết tiến bộ phóng khoáng hiện đại cho rằng, cái giá mà họ phải chấp nhận khi muốn trở thành những con người cởi mở và khai sáng, chính là: họ không thể để mình trở nên “bị hạn chế” giống như các Kitô hữu, các tín đồ Hồi giáo, Do-thái giáo hay Ấn-độ giáo thực thụ. Thế nhưng, ít nhất, họ cũng phải thú nhận điều này là, họ chẳng hề “cởi mở” hơn ai cả; họ chỉ “chọn lựa” từ các truyền thống tôn giáo khác những gì và chỉ những gì, tương hợp với một số mục tiêu và nhãn quan nhất định nào đó của họ mà thôi, mà đấy lại chính là điều mà họ vin vào để mà kết án người khác.

Ở đây, tôi không thể đứng ra biện hộ cho các truyền thống tôn giáo hay triết lý khác, nhưng xin cho tôi đặt ra một câu hỏi: Phải chăng Kitô giáo “hẹp hòi” còn thuyết tiến bộ phóng khoáng hiện đại thì “cởi mở” và “thấu hiểu”?

Một người bạn của tôi, gần đây đã đưa ra một nhận định thế này, “khi Đức Kitô được xem là trung tâm điểm của một học viện, mọi sự ăn khớp, nhịp nhàng với nhau (relevant)”. Như Hiến chế mục vụ về Giáo hội của Công đồng Vatican II (Gaudium et Spes) đã khẳng định, vì lẽ các Kitô hữu tin, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể, nên “không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”.


Tranh: Đang đêm, em gái dẫn đường cho Nhân ngư bị mù (Pablo Picasso, 1934 [Philadelphia Museum of Art])

Vì các Kitô hữu tin Đức Kitô hằng hữu với Chúa Cha, và là nguồn cội của hết thảy hiện hữu và chân lý, nên họ (nên) dấn thân cho ý niệm rằng, tất cả mọi hiện hữu và chân lý, bất kể phát xuất từ đâu, đều có dính dấp tới họ. Đấy là lý do của việc họ lập ra các “đại học”, nơi đó hết thảy các hệ thống và các phương pháp tiếp cận, hướng tới chân, thiện, mỹ đều có chỗ của mình.

Khi Đức Giêsu ở trung tâm điểm, Marx, Darwin, Freud, Nietzsche và Galileo đều có chỗ riêng của mình, bên cạnh Athanasius, Basil vùng Caesarea, Gregory vùng Nyssa, Bonaventure, Thomas Aquinas và Catherine thành Siena. Còn khi Darwin, Marx, Freud, hoặc Nietzsche trở thành động cơ, trở thành “lực chủ đạo, thống lãnh”, lập tức “cái nền bị sụp”, các quan điểm khác, hoặc là bị xếp hạng dựa theo ý thức hệ chủ đạo (the reigning ideology), hoặc là bị xé ra các “phân khoa” tạp nham, trong đó giáo sư “thủ thỉ” với các sinh viên của mình bằng một thứ ngôn ngữ riêng của họ, và chỉ “thủ thỉ” được với đám sinh viên này chứ không một ai khác. Và bạn có thể quên đi chuyện được đọc các tác phẩm của Athanasius, Basil, Gregory, hay bất kỳ tác giả nào khác, đấy là chưa kể đến tác phẩm bị cho là nguy hiểm là cuốn Kinh thánh.

Thuyết tiến bộ phóng khoáng hiện đại, gặp vấn đề với câu cách ngôn kinh điển: “Hãy tự biết mình!”. Nó thực sự gặp vấn đề khi nhận ra mình, thuộc vào chuỗi những “triết lý” hiện đại nhất, và chẳng cái nào có được một hồ sơ đáng kể là sáng sủa, xét ở yếu tố cởi mở, chấp nhận sự khác biệt và tính đa dạng, hết thảy chúng đều bị cho là cực kỳ “lý trí”, ra rả giọng điệu “hướng đi lịch sử đang xoay vần”, và “không thể chối cãi là sẽ ích lợi, tốt lành cho nhân loại, nếu như họ biết hợp tác với nhau và làm theo những gì chúng tôi chỉ bảo”.

Công giáo thì khác, khi so sánh chúng ta thấy, họ có một hồ sơ khá tốt vì chấp nhận sự độc đáo-trong-đa dạng và đa dạng-trong-độc đáo: một sự độc đáo không áp chế sự đa dạng, và một sự đa dạng không triệt tiêu tính độc đáo thuộc bản tính. Có các tín hữu Công giáo Pháp, tín hữu Công giáo Đức, tín hữu Công giáo Argentina, tín hữu Công giáo Ukraine, tín hữu Công giáo Phi-châu, tín hữu Công giáo tại New York, và các tín hữu Công giáo làm việc tại nông trang vùng Iowa. Giáo hội Công giáo có các thầy dòng Bênêđíctô, dòng thánh Brunô, dòng Cát Minh, dòng Phan Sinh, dòng Đa Minh, dòng Tên, và cả hàng trăm hội dòng khác, hết thảy đều khác biết nhau, hết thảy đều hiệp nhất trong cùng một đức tin.

Bạn muốn học cổ ngữ La Tinh hay Hy Lạp? Bạn rất thích Platon, Aristotle, Cicero và Seneca? Bạn muốn đọc các công trình của Galileo, Kepler và Newton, muốn học môn sinh vật học hiện đại, muốn đọc các áng thơ của Homer và Dante, cùng các tiểu thuyết của Jane Austin và Henry James? Bạn muốn sở đắc những kiến thức mới mẻ hơn, chứ không chỉ là những thứ được thiết lập sẵn theo trào lưu thời đại, để có thể thích ứng hơn, dấn thân hơn trong “thời buổi kinh tế toàn cầu” này? Nếu vậy, bạn có thể đến với một đại học nhân văn Công giáo (Catholic liberal arts university) – là nơi “không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”.

Khi Đức Kitô không còn là trung tâm điểm, các ngành học nhân văn lập tức mờ nhạt đi; khi xảy ra các tranh luận về các tiêu chí của “chương trình nền” hoặc “các ngành học cơ bản”, thường thường việc ủng hộ các khoa nhân văn cũng đi kèm, cũng gắn liền với việc ủng hộ việc giữ lại Công giáo tính của trường. Thuyết tiến bộ phóng khoáng, như đã được chứng thực, không phải là một “ủng hộ viên” thực sự của khoa nhân văn. Tôi cho rằng, nó nắm giữ quá nhiều quan điểm chưa được khai sáng (unenlightened).

Có vẻ như, chẳng hữu lý gì, mà các khoa cổ điển (ND: classics, nghiên cứu cổ ngữ, văn học, nghệ thuật, điêu khắc… La Mã và Hy Lạp cổ), văn chương thế giới, luận lý và lịch sử triết học, lại phải lệ thuộc một cách sống còn vào việc các đấng bậc giám mục, các bề trên hội dòng, các nhà điều hành đại học, có giữ vững niềm tin của họ vào giá trị của một nền giáo dục nhân văn Kitô giáo hay không. Nhưng đúng là mọi việc đang diễn ra như vậy đấy.

Randall Smith 826    27-07-2017