Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Khiêm nhượng - bài học muôn thuở

Thứ Bảy tuần XXX TN

Lc 14, 1,7-11

KHIÊM NHƯỢNG – BÀI HỌC MUÔN THUỞ

 

Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ, con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Họ muốn tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống; họ ham muốn giàu sang, uy quyền, muốn chiếm cho mình chỗ nhất nơi công hội, tiệc tùng. Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đề ra nét đặc thù của Kitô giáo đi ngược với thái độ hám danh và cũng là bài học cho mỗi người, đó là bài học khiêm nhường.

Hôm nay, theo bài Tin Mừng kể lại, Chúa Giêsu được mời đi dự tiệc tại nhà một thủ lãnh Pharisieu, khi thấy người ta đi dự tiệc cứ chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu đã dạy họ phải tìm chỗ cuối hết. Ngài không dạy cho chúng ta một mánh lới, một tiểu xảo để được vinh dự khi chủ nhà mời ta lên cỗ nhất. Trái lại, Ngài muốn nhân cơ hội đó dạy ta về đức khiêm nhường đích thật.

Ta thấy hôm đó Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà một đầu mục nhóm Biệt phái. Nhận thấy ở đó có những thực khách háo hức chọn chỗ nhất, Chúa Giêsu liền nói với họ một dụ ngôn, trong đó Ngài mời gọi người ta hãy sống khiêm nhường bằng cách chọn lấy địa vị sau chót: khi anh được mời đi ăn cưới, anh đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng cũng được mời... Trái lại, khi được mời, anh hãy ngồi vào chỗ cuối.

Đó cũng là thái độ của những người Pharisêu mà Đức Giêsu nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay. Người quan sát và thấy trong bữa tiệc có nhiều kẻ chỉ thích chọn chỗ cao để cầu vinh dự mà thiếu sự tế nhị đối với người khác. Vì thế, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn những người khách được mời dự tiệc cưới để dạy bài học về sự khiêm nhường. Chúng ta biết rằng, trong đời sống, không ai là số một, cũng chẳng ai là hoàn thiện, mà tất cả đều là tội nhân khốn khổ trước Thiên Chúa.

Mọi sự con người có được đều bởi ân ban của Thiên Chúa, nên con người cần lấy sự khiêm nhường làm trọng. Sự khiêm nhường mà con người phải có trước hết là đối với Thiên Chúa, vì “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52), thứ đến con người cần khiêm nhường trước tha nhân. Cuộc sống luôn luôn là sống cùng và sống với. Do đó, con người phải cậy dựa vào người khác để nâng đỡ nhau.

Người Do Thái cũng giống như người Việt Nam chúng ta, thường rất thích sĩ diện. Ngày xưa, các cố ông cố bà chỉ ao ước được một lần vinh dự ăn tiệc giữa làng, nơi chỉ có các chức sắc, vai vế trong hương thôn làng xã mới được mời, nên đã ví von bằng hình ảnh: “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Nhưng “miếng giữa làng” chắc gì đã ngon hơn “sàng xó bếp” vì coi chừng bị ngộ độc thực phẩm do làm vội, làm ẩu và làm bẩn; và chắc chắn “miếng giữa làng” sẽ chẳng no bụng như “ sàng xó bếp” vì tiệc xong về nhà lại phải dặm thêm một gói mì tôm. Thế nhưng tại sao người ta vẫn thích, vẫn muốn và vẫn “mê” miếng giữa làng ấy? Thưa, bởi vì kèm theo “miếng giữa làng” là những ánh mắt thèm thuồng, ước ao, những lời xì xào bàn tán, những câu bình phẩm khen chê vì mình không được vinh dự đó.

Xét bề ngoài, thì đây chỉ là một vấn đề lịch sự, bởi vì xếp chỗ ngồi là việc của chủ nhà, chứ không phải của người dự tiệc. Tuy nhiên, việc chọn chỗ cuối như thế phải được thực hiện một cách đơn sơ, tự nhiên, chứ nếu tìm chỗ cuối với hậu ý và hy vọng được mời lên chỗ cao hơn, thì đó là một sự khiêm nhường giả tạo, một sự kiêu ngạo tinh tế.

Khi có sự khiêm nhường, con người sẽ hiểu vinh quang danh dự chỉ bền vững nếu đó là điều được Chúa ban tặng và đặt để cho ta còn tất cả những thứ khác chỉ như điều sách Giảng viên viết: “phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, 2).

 Ông ba xưa nói “miếng giữa làng” ngày xưa ấy bây giờ đã được biến đổi. Nó không còn chỉ ở trên bình diện miếng ăn nữa mà nó đã trở thành sự háo danh và chen vào mọi sinh hoạt của người Kitô hữu, ngay cả những sinh hoạt đạo đức: muốn được ghi tên trên bảng vàng nhà thờ vì đã dâng cúng cái này cái kia, muốn được mọi người trong xứ biết đến vì mình đã có công với giáo xứ, thậm chí tôi dâng cúng cái ghế đá ở đài Đức Mẹ thì phải có tên gia đình tôi ở sau lưng ghế, đi lễ hằng ngày và đọc kinh to để mọi người thấy tôi là người đạo đức, cho ai cái gì thì tôi phải được mọi người chân nhận là đầy tình bác ái yêu thương…

          Thánh Phaolô suy niệm và thấy rằng Đức Kitô đã khiêm nhường tự hạ và sự tự hạ sâu thẳm nhất đó là Ngài đã vâng lời thực hiện thánh ý Chúa Cha bằng việc chấp nhận chết đau thương trên thập giá. Điều đó cũng đúng trên Đức Maria, mặc dù được chọn sinh ra Đấng Cứu Độ muôn loài, nhưng Mẹ vẫn khiêm nhường tự nhận mình là tỳ nữ thấp hèn và sẵn sàng tuân hành thánh ý: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền…” (Lc 1, 38).

          Và ta thấy các Thánh, chẳng hạn như Thánh Martino mà hôm nay chúng ta kính nhớ, cũng không đi ra ngoài con đường mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã đi: khiêm nhường và vâng lời. Thánh Martino đã tự nhận mình là “thằng mọi đen, thằng con lai” và chỉ xin ở trong ngành trợ sĩ khi gia nhập dòng Đaminh. Trong nhà dòng, Ngài mau mắn vâng lời và thi hành những công việc thường hèn mà bề trên xếp đặt. Thế nhưng Thiên Chúa đã dùng Ngài như khí cụ để thực hiện những phép lạ phi thường. Đến lượt chúng ta, các Kitô hữu, con đường mà chúng ta phải đi cũng là con đường đó: bắt chước Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các Thánh để nỗ lực thực hiện đức khiêm nhường, để sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa, ý Giáo Hội và cả ý bề trên. 

Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu sắc hơn. Ðối với Ngài, tiệc cưới tượng trưng cho Nước Thiên Chúa, trong đó kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, còn kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên. Vượt ngoài tầm đòi hỏi của xã giao, lời nói của Chúa làm cho con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban, mà chỉ những ai tự hạ và ý thức mình là hư vô mới có thể lãnh nhận. Còn kẻ tưởng mình cao trọng, chắc chắn không thể chiếm hữu Nước Thiên Chúa, và Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.

Tóm lại, nhiều Kitô hữu chúng ta đang đi vào bước chân của những người Pharisieu, những kẻ đã bị Chúa Giêsu kết án là giả hình. Để tránh cái thói háo danh và giả hình ấy, Chúa mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, hãy thấy rằng mình cũng chỉ mang thân phận con người đầy những yếu đuối bất toàn trước mặt Thiên Chúa và vì vậy đừng lên mặt với người khác nhưng hãy biết vị trí thật của mình là gì. Chúa không chỉ dạy chúng ta sống đức khiêm nhường, nhưng chính ngài đã đi bước trước, đã sống trước: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự…” (Pl 2, 6-8).

Với lời mời gọi và gương sống tự hạ, khiêm nhường của Chúa từ lúc sinh ra cho đến lúc chết trên Thập giá, chúng ta hãy quyết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.

 

 

1059    03-11-2017