Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Khiêm tốn như Gioan

02/01/2019

Thứ Tư Mùa Giáng Sinh 

 Ga 2, 22-28; Ga 1, 14 và 12b

KHIÊM TỐN NHƯ GIOAN

          Tin Mừng ngày hôm nay cho ta thấy một mẫu gương khiêm tốn là thánh Gioan Tẩy Giả. Ta thấy ở nơi khác trong Tin Mừng, đã có lần Đức Kitô khen ngợi thánh Gioan là vị ngôn sứ cao trọng nhất trong số các ngôn sứ (Mt 11, 11). Nhưng thái độ của Gioan trong Tin Mừng hôm nay (Ga 1,19-28) cho thấy sự khiêm nhường tuyệt vời của vị Tiền Hô: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1, 26-27).

          Sứ mạng của Gioan là làm chứng cho Đức Giêsu. Sứ mạng này quan trọng đến nỗi trong Lời Tựa, ông được nhắc đến hai lần: một lần như là “chứng nhân” (Ga 1,6) và lần kia thì nhắc lại lời chứng của ông (1,15). Do đó, cứ theo Tin mừng thứ 4, hẳn là ông phải được gọi là “Gioan người làm chứng”. Danh hiệu mà Hội Thánh Đông phương gán cho ông, “Gioan vị Tiền Hô”, mở ra hai sứ mạng của ông, làm phép rửa và làm chứng.

          Gioan nổi tiếng bởi lối sống khắc khổ và lời giảng mạnh mẽ,thì người Do Thái, người Pharisêu, sai các tư tế và các thầy Lêvitừ Giêrusalem đến với Gioan đang làm phép rửa ở bên kia sông Giođan.Họ muốn biết ông Gioan là ai.Gioan đã không nhận mình là Đấng Kitô, hay Êlia tái giáng (Ml 4,5), hay vị Ngôn Sứ cao cả đã được ông Môsê loan báo (Tl 18, 15.18),mặc dù có người đã nghĩ ông là như vậy.Những lời từ chối của Gioan càng lúc càng ngắn hơn và sắc hơn.“Tôi không phải là Đức Kitô. - Tôi không phải là. - Không.”Gioan từ chối những chức danh mà nhiều người thèm muốn.,bởi lẽ ông biết rõ mình là ai.

          Khi bị bắt buộc phải đưa ra một câu trả lời về con người của mình,Gioan đã chọn câu của ngôn sứ Isaia (40, 3).“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa. Hãy sửa cho thẳng con đường của Chúa.”Gioan nhận mình chỉ là người dọn đường cho một Đấng đến sau,Đấng ấy là người ông không xứng đáng cởi quai dép.Cởi quai dép của chủ là việc chỉ dành cho người nô lệ thấp kém nhất.

          Gioan là người làm chứng tuyệt vời về ánh sáng (Ga 1, 7-8). Ông là “tiếng” làm chứng cho “Lời” là Con Một Thiên Chúa.Cám ơn Gioan vì nhờ ông mà ta gặp được Ánh Sáng thật.Cám ơn Gioan vì tiếng của ông dẫn ta đến với Lời của Thiên Chúa.

          Gioan được sai đến để làm chứng; nhưng cách làm chứng của Gioan thật lạ! Lạ không phải vì ông làm chứng cho Đức Kitô mà lại nói về chính mình. Lạ ở chỗ ông không vỗ ngực xưng tên mình là một “quí ông” nào đó mà ông phủ định chính mình: “Tôi không phải là…” Ông không phải là ánh sáng. Ông là người chỉ cho người ta thấy ánh sáng. Ông không phải là con đường. Ông chỉ là người dọn đường cho Đức Chúa. Gột bỏ được những gì không phải là Kitô để thấy rõ hơn những gì đích thực là Kitô. Sự khiêm hạ của Gioan làm cho lời chứng của ông đáng tin hơn.

          Quả thế, trong sứ vụ của một ngôn sứ, tiên báo Đấng Mêsia sẽ đến: Thánh Gioan Tẩy giả đã đóng đúng vai trò của mình, ngài nhìn nhận sự thật về sứ vụ là dọn đường cho Đức Kitô đến, bằng việc dọn lòng cho dân chúng hoán cải và sẵn sàng tin vào Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu mang đến trong trần gian. Thắc mắc của những người được sai đến với ông Gioan đã được giải thích thoả đáng, một khát vọng mong chờ chung của Dân Hípri: Mong Đấng Mêsia xuất hiện. Gioan không phải là Đấng Kitô, nhưng phép rửa mà Ngài thực hiện mang tính duy nhất, đúng hơn là mang tính cánh chung, để kêu gọi lòng dân trở lại với đường ngay nẻo chính; chuẩn bị cho dân đón nhận một Phép Rửa trong nước và thần khí mà Đức Kitô sẽ thực hiện.

          Sứ vụ của Gioan, cũng như tấm gương của hai vị thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay cho chúng ta suy nghĩ về thái độ sống của chúng ta, với danh nghĩa là Kitô hữu. Chúng ta nghe nói nhiều đến sứ vụ ngôn sứ của Dân Thiên Chuá, và cũng là của từng Kitô hữu chúng ta (GLCG, số 785), một sứ vụ mời gọi chúng ta sống làm sao để trở nên nhân chứng của Đức Kitô giữa lòng đời vốn có nhiều biến chuyển này.

          Trước hết, thiết nghĩ mỗi người chúng ta nên suy tư về việc đào sâu đời sống Đức tin của mình, cùng với cảm thức siêu nhiên của Đức Tin. Khi chúng ta có một cảm thức Đức Tin về Thiên Chuá, Đấng yêu thương và cứu chuộc chúng ta, như Đức Thánh Cha nói đến trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, chúng ta có thể mạnh mẽ ác tín và hăng say làm chứng cho tình yêu Thiên Chuá trong cuộc đời: “Động lực đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng chính là tình yêu của Đức Giêsu mà chúng ta đón nhận được, cảm nghiệm được Đức Giêsu cứu độ thúc giục chúng ta yêu mến Người ngày một hơn. Nhưng tình yêu đó là gì nếu không chỉ dừng lại ở việc cần thiết phải nói về Ngài, giới thiệu về Ngài và làm cho người khác biết Ngài?”.

          Ta thấy trong thực tế cách sống đạo của Kitô hữu tại Việt Nam rất phong phú, nhưng thiết nghĩ một tinh thần ham học hỏi để đào sâu đời sống Đức tin cần được khai triển và sống cụ thể hơn trong đời sống thường ngày, hơn là chỉ dừng ở những hoạt động đạo đức. Việc đạo đức thì luôn tốt, nhưng sẽ phong phú và sinh ích lợi nhiều hơn nếu chúng ta đi vào chiều sâu của đời sống Đức tin, qua việc hăng say học Giáo Lý, tập chia sẻ Tin Mừng, và ngay cả chia sẻ những cảm nghiệm Đức Tin trong nhóm đạo đức mà chúng ta đang tham gia. Dĩ nhiên, việc chia sẻ này bao hàm cả hai chiều kích: Tôi muốn chia sẻ cảm nhận về tình thương Chuá đã dành cho tôi, và những bạn bè trong nhóm cũng sẵn lòng để lắng nghe những cảm nhận đó với lòng tôn trọng.

          Hơn nữa, thái độ khiêm tốn luôn là điều đáng khích lệ cho mỗi người tín hữu chúng ta. Khiêm tốn là nhìn nhận đích thực những gì mình có, như thánh Gioan Tẩy Giả đã chứng tỏ cho chúng ta thấy. Đó không phải là nhìn nhận những gì mình có để vênh vang, tự cao tự đại; nhưng là để biết tạ ơn Chuá vì mọi ơn chúng ta có được đều là do ơn lành Chúa ban, chứ tự thân, con người không thể tự có được. Đồng thời ý thức rằng ơn Chuá ban là để làm cho mình nên tốt hơn, và để phục vụ Giáo Hội cùng xã hội. Hai điều này luôn phải đi đôi với nhau. Một đàng, mỗi người ý thức thân phận yếu hèn của mình để luôn cảnh giác với những thói hư tật xấu vốn có thể ngấm ngầm làm cho chúng ta ra kiêu ngạo, tự mãn. Đàng khác, phục vụ điều thiện, phục vụ công ích, mà tiên vàn là phục vụ những người thân cận của mình, là bổn phận và sứ mạng của mỗi Kitô hữu. Thái độ phục vụ cũng là điều đáng để chúng ta suy nghĩ: làm thế nào để có thể khiêm tốn phục vụ, để làm vinh Danh Chuá và vì lợi ích của tha nhân?

          Là Kitô hữu, ta cần thấy rằng mình phải là một  chứng nhân như Gioan. Họ biết mình không là gì cả khi sánh với Đấng họ phải làm chứng cho. Tuy nhiên, chính Đấng ấy lại muốn chọn họ để tỏ mình ra cho thế giới. Tình trạng cao cả mà thật ra thấp hèn, thấp hèn nhưng cũng cao cả, đã là tư cách của Gioan, thì cũng là thân phận của mọi Kitô hữu.

874    30-12-2018