Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Không bỏ qua những điều cốt yếu trong cuộc đấu tranh luân lý của chúng ta

 

Ngày nay, cả trong xã hội lẫn giáo hội, chúng ta thấy ngày càng khó giải quyết các khác biệt của mình hơn bao giờ hết vì những cuộc chuyện trò của chúng ta đã phá hỏng do thái độ thiếu lịch sự, nhục mạ, vùi dập nhân cách, và khinh thị.
Điều đặc biệt đáng lo ngại là chúng ta đang làm những điều đó nhân danh chân lý, chính nghĩa, Phúc âm, và Chúa Giê-su. Chúng ta đang cho phép bản thân mình căm thù, thóa mạ, và khinh thị người khác nhân danh Chúa. Sự nghiệp của chúng ta có vẻ quá quan trọng với chúng ta đến nỗi, một cách có ý thức hay vô ý thức, chúng ta tự cho phép mình bỏ qua đôi điều cốt yếu của đức ái Ki-tô hữu, đó là lòng tôn trọng, khoan dung, tình thương yêu, và tha thứ.
Điều đó là sai lầm: Không có sự nghiệp nào cho phép tôi tự miễn thứ mình khỏi nền tảng đức ái, ngay cả nếu tôi tự coi mình là “chiến binh bảo vệ chân lý” đi nữa. Có một mệnh lệnh phúc âm, đó là chiến đấu vì chân lý và cuối cùng tất cả chúng ta đều phải là những tiên tri chiến đấu cho những gì là đúng đắn; nhưng kể cả chiến tranh cũng có đạo lý của nó. Thậm chí trong chiến tranh (có lẽ đặc biệt trong chiến tranh), không bao giờ biện minh cho sự khinh thị dựa trên cơ sở cho rằng Chúa đứng về phía chúng ta. Thực sự, nếu Chúa đứng về phía chúng ta thì hẳn chúng ta phải bộc lộ lòng tôn trọng ra với người khác.
Lòng tôn trọng, khoan dung, tình thương yêu và tha thứ là những điều cốt yếu không thể nào tranh cãi trong đức ái Ki-tô. Đó cũng là phần căn cốt của tất cả đức tính cao đẹp của loài người. Bất cứ khi nào chúng ta bước ra khỏi những điều đó, như ngày nay chúng ta vẫn thường mắc phải khi đàm luận với những người không có chung suy nghĩ chính trị hay tôn giáo với mình, chúng ta không nên tự lựa dối mình mà cho rằng cái sự nghiệp cao cả mà chúng ta nghĩ mình đang phục vụ biện minh được cho sai lầm căn bản trong lòng nhân và lòng ái của mình. Bất cứ khi nào lời nói hay hành động của chúng ta thể hiện sự khinh thị thì khi đó chúng ta đang không phụng sự Chúa Giê-su hay chân lý nào cả, cho dù những lý luận của chúng ta có được đặt dưới cái vòm sự nghiệp cao cả đến mức nào. Mà đúng hơn, lúc đó chúng ta đang phục vụ cho một ý thức hệ nào đó, hay, tệ hơn nữa, đang phóng chiếu ra ngoài những nỗi giận dữ hay bệnh lý nào đó của chính mình.
Vài năm trước đây, ở một trường đại học thần học tôi dạy, chúng tôi có một sinh viên bị ám ảnh với chuyện bảo vệ cho tính chính thống của Thiên Chúa giáo đến mức sự có mặt của anh trở thành điều tiêu cực cho bất kỳ lớp học nào, đến nỗi không giáo viên nào muốn dạy lớp có anh ghi tên học. Cuối cùng, tình hình trở nên không thể nào chịu đựng đến mức mà ban giảng huấn, sau khi suy xét rất kỹ lưỡng và đau xót, phải đề nghị vị trưởng khoa yêu cầu anh ra khỏi trường. Ngay khi bị đuổi, anh viết một lá thư gửi vị giám mục của mình và than phiền trường đại học chúng tôi đã trục xuất anh vì anh “quá bảo thủ và quá chính thống” đến mức không thể nào tương hợp được với tính cách của chúng tôi. Anh cũng gửi lá thư đó đến khoa trưởng. Vị khoa trưởng cũng viết một lá thư gửi vị giám mục của anh, nói với ông rằng trường đã phải yêu cầu anh ra đi, không phải vì anh quá bảo thủ và chính thống…, mà vì anh thiếu phép lịch sự cơ bản và tôn trọng đối với người khác.
Ví dụ trên đây là ví dụ về bệnh lý bảo thủ, nhưng những người tự do cũng hoàn toàn dễ mắc. Cả hai bên, không bên nào nên tự lựa dối; bất cứ khi nào chúng ta thiếu thái độ tôn trọng căn bản và biết cách hành xử căn bản, thì vấn đề thực chất không hề là chuyện chính thống hay chính nghĩa, nhưng vì thiếu lành mạnh.
Chúng ta sống trong một thời đại cay đắng, phân cực sâu sắc, cả trong lòng xã hội lẫn trong giáo hội chúng ta. Những sự nghiệp là có thực và những gì đang bị lâm nguy là rất quan trọng: chiến tranh, tình trạng bất công, nạo thai, nghèo đói, hệ sinh thái, phân biệt chủng tộc, vấn đề nhập cư, đa văn hóa, nền kinh tế, các nguyên tắc dân chủ, luật pháp và trật tự, tự do ngôn luận, thẩm quyền phù hợp, tín điều phù hợp, đại kết phù hợp, tính chính đáng trong mục vụ, Ki-tô hữu trong tương liên với các tôn giáo khác, những tự do và giới hạn trong chính cuộc sống thế tục. Rốt cuộc, tất cả những điều này đều là những vấn đề sinh tử mà, chính bởi vì chúng quan trọng, nên luôn luôn gắn liền với cảm xúc bùng cháy. Bất kỳ ai quan tâm thực sự đến thế giới này đều đôi khi thấy mình hục hặc với người khác, đôi khi một cách cay đắng, về một vài vấn đề trong số các vấn đề trên.
Và, đặc biệt khi các vấn đề đang bị đe dọa là những vấn đề hết sức quan trọng, thì bao giờ cũng có mối nguy là bỏ qua những điều cốt yếu (lòng tôn trọng, khoan dung, tình thương yêu, và tha thứ) dựa trên nền tảng của chính nghĩa, và về căn bản là rơi vào cách suy nghĩ rằng: vấn đề này quan trọng đến mức tôi không cần phải tôn trọng, khoan dung hay thương yêu nữa. Tôi có thể thóa mạ đối thủ, vùi dập tính cách hắn, chửi rủa hắn, sử dụng bất kỳ cái gì có thể trong khả năng của mình, có lẽ thậm chí cả bạo lực, để chân lý của tôi chiến thắng.  Bởi vì tôi đúng và vì điều này quá sức quan trọng như vậy, nên tôi có thể bỏ qua lòng kính trọng căn bản!
Sai lầm của chuyện đó là gì? Ngoài việc tự lựa dối mình rằng thiếu lòng nhân và tôn trọng có thể được biện minh dưới danh nghĩa phúc âm, thì tất cả những gì tốt đẹp nhất của loài người và tất cả những gì đẹp đẽ nhất trong nguyên tắc Ki-tô hữu đều kêu gọi chính cái điều ngược lại: tính cấp bách của tình huống và sự cay đắng vốn đã tồn tại cố hữu trong tình huống đó đang kêu gọi phải lưu tâm nhiều hơn, chứ không hề ít đi, tới những lời lẽ và hành động của chúng ta. Chúng ta càng gặp phải giận dữ, hận thù, khinh thị, thóa mạ, lăng nhục, từ chối trò chuyện thật sự, và những mối đe dọa nói ra lẫn không nói ra, thì chúng ta càng phải bám chặt hơn vào những điều cốt yếu của lòng nhân: lòng kính trọng, khoan dung, tha thứ, cởi mở, và chìa tay ra đề nghị nói chuyện thật sự giữa đôi bên. Tại sao? Vì rốt cuộc, chúng ta không thắng được cuộc đấu tranh luân lý này bằng cách đánh bại kẻ khác, mà chúng ta thắng được họ bằng cách làm sao để họ tâm phục khẩu phục chúng ta.
J.B. Thái Hòa dịch  
607    11-12-2017